Bệnh mất ngủ (phần 1)
2009.01.22
Giấc ngủ quan trọng hơn chúng ta nghĩ
Muốn khắc phục hay phòng ngừa nó, mời quý vị cùng Trà Mi hỏi thăm ý kiến của giới chuyên môn qua cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên khoa tổng quát, mấy chục năm hành nghề liên tục tại Việt Nam và Hoa Kỳ, và là tác giả của rất nhiều bài viết phổ biến các kiến thức y học thường thức.
Trà Mi: Xin chào Bác Sĩ. Trước khi nói về bệnh thiếu ngủ hay mất ngủ, xin bác sĩ cho biết ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khoẻ con người.
BS Nguyễn Ý Đức : Thời gian ngủ là thời gian tạm ngưng tự nhiên của ý thức mà trong đó sức khoẻ của cơ thể chúng ta được phục hồi để dưỡng sức và để tu bổ các sự hư hao của những mô bào trong cơ thể của chúng ta, vì thế cho nên sự ngủ rất quan trọng cho con người để duy trì sức khoẻ tốt.
Thời gian ngủ là thời gian tạm ngưng tự nhiên của ý thức mà trong đó sức khoẻ của cơ thể chúng ta được phục hồi để dưỡng sức và để tu bổ các sự hư hao của những mô bào trong cơ thể của chúng ta, vì thế cho nên sự ngủ rất quan trọng cho con người để duy trì sức khoẻ tốt.
BS Nguyễn Ý Đức
Trà Mi : Vì quan trọng cho nên chúng ta cũng dành gần như nửa ngày cho giấc ngủ và nửa ngày còn lại cho các sinh hoạt khác?
BS Nguyễn
Ý Đức : Vâng. Đúng
ra là vậy. Tuy nhiên, nhu cầu ngủ của mỗi người thay đổi tuỳ theo tuổi. Ở trẻ
em mới sanh ra thì thường thường có khi có cháu ngủ đến cả 17-18 giờ
một ngày để tất cả các cơ quan trong cơ thể tăng trưởng thêm lên.
Những cháu
sinh non thì nó lại ngủ nhiều hơn nữa. Thế rồi tới giai đoạn khoảng từ 6
tháng tuổi trở đi thì thời gian ngủ giảm đi chút xíu, tức khoảng chừng 14-15 tiếng
đồng hồ, cho tới khi tới 16 tuổi thì ngủ chừng 10 tiếng đồng hồ mà thôi. Tới
khi các em trưởng thành thì thường thường chỉ ngủ khoảng 7-8 tiếng coi như đúng
với nhu cầu.
Như vậy thì đúng như cô nói, tức là thời gian sống của chúng ta, nếu mà chúng ta sống 75 tuổi thì chúng ta để đến 25 năm cho việc ngủ, tức khoảng 1/4 thế kỷ. Chúng tôi cũng xin phép thêm một câu nữa là ở người phụ nữ thì thường thường họ ngủ nhiều hơn nam giới, và đặc biêt ở những phụ nữ có thai thì cũng cần phải ngủ nhiều hơn thêm một chút xíu nữa để mà bồi dưỡng sức khoẻ cho mình cũng như cho thai nhi.
Trà Mi : Nhiều hơn tức là theo ý Bác Sĩ nói thì là nhiều hơn 8 tiếng của người trưởng thành, phải không thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức : Ví dụ như bình thường nếu mình ngủ khoảng độ 7 tiếng thôi thì mình có thể ngủ thêm một chút xíu nữa, chừng nửa giờ hoặc một giờ đồng hồ nữa.
Trà Mi : Thời gian ngủ mà Bác Sĩ tính mỗi ngày trung bình đó là cộng luôn cả những giấc nghỉ trưa hoặc những giấc chợp mắt nhanh cũng tính là một giấc ngủ luôn phải không, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức : Thường thường người ta tính luôn cả vào đó. Thế còn vấn đề giấc ngủ trưa thì cũng là một điểm rất quan hệ, nó giúp rất nhiều cho cơ thể chúng ta, là vì buổi trưa nếu mà chúng ta chỉ cần nhắm mắt dưỡng sức khoảng chừng mươi mười lăm phút là đủ, chứ đừng nên ngủ nhiều quá.
Giấc ngủ trưa hay giấc ngủ ngày mà chúng ta ngủ nhiều quá thì thứ nhất nó làm giảm khả năng lao động, thứ hai là nếu chúng ta ngủ nhiều vào ban ngày thì buổi tối chúng ta lại không ngủ được
BS Nguyễn Ý Đức
Tại vì giấc ngủ trưa hay giấc ngủ ngày mà chúng ta ngủ nhiều quá thì thứ nhất nó làm giảm khả năng lao động, thứ hai là nếu chúng ta ngủ nhiều vào ban ngày thì buổi tối chúng ta lại không ngủ được, thành ra chỉ cần mươi mười lăm phút nhắm mắt ở một nơi hết sức yên tỉnh cũng đủ để lấy lại sức khoẻ, lấy lại sinh lực để làm việc.
Trà Mi : Coi như tạm giải lao đôi phút để mà sạc bin lại.
BS Nguyễn Ý Đức : Vâng.
Trà Mi : Hồi nãy Bác Sĩ có nói về nhu cầu ngủ cho trẻ em và người trưởng thành, nhưng mà đối với người cao tuổi tức khoảng ngoài 60 trở lên thì không biết là mỗi một ngày thì những người cao tuổi nên ngủ bao nhiêu cho đầy đủ sức khoẻ, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức : Người cao tuổi thì thường có vấn đề là giấc ngủ của họ hơi khó khăn một chút xíu. Thí dụ cái giờ thật sự ngủ của họ nó giảm đi rất nhiều hoặc là cũng có nhiều người có chất lượng giấc ngủ kém như là ngủ không ngon giấc hoặc ngủ không say lắm.
Và cũng có những người bị gián đoạn vì hay thức giấc giữa khuya, nhất là thức dậy để đi tiểu thì khi trở lại ngủ rất là khó khăn, rồi có những người đi vào giấc ngủ cũng khó khăn.
Thành ra đối với người cao tuổi thì chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta ngủ khoảng độ 6-7 tiếng mà đều đặn mỗi đêm, và ban ngày nằm độ mười lăm hai mươi phút để dưỡng sức thì chúng tôi thấy cũng chấp nhận được.
Nguyên nhân của mất ngủ và thiếu ngủ
Trà Mi : Trong khi tìm hiểu về sự quan trọng cũng như nhu cầu về thời lượng ngủ mỗi ngày thì bây giờ xin được vào vấn đề chính là bệnh thiếu ngủ hay còn gọi là mất ngủ thì bệnh này được định nghĩa như thế nào, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức : Thiếu ngủ là một tình trạng mà trong đó chúng ta ngủ không đầy đủ chừng độ trong vài ba ngày mà thôi. Thế còn trong trường hợp mất ngủ thì có thể là mất trắng đêm hoặc là không ngủ trong nhiều ngày tháng khác nhau. Hai chuyện đó cũng liên hệ với nhau.
Đối với người cao tuổi thì chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta ngủ khoảng độ 6-7 tiếng mà đều đặn mỗi đêm, và ban ngày nằm độ mười lăm hai mươi phút để dưỡng sức thì chúng tôi thấy cũng chấp nhận được.
BS Nguyễn Ý Đức
Trà Mi : Nhưng mà các biểu hiện thường thấy của chứng mất ngủ hay chứng thiếu ngủ thì như thế nào, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn
Ý Đức : Sau mấy ngày
mà chúng ta không ngủ được, nhất là trắng đêm không ngủ, thì con người cảm thấy
như người mất hồn, tức là kém chú ý, kém tập trung, không được bén nhạy, trong
người lúc nào cũng cảm thấy như là ngây ngất, vì thế cho nên tính tình cũng
thay đổi, thí dụ như là họ dễ dàng trở nên cáu gắt, hiệu năng làm việc cũng giảm
trông thấy.
Ngoài ra có một biểu hiện mà chúng ta nhìn thấy rõ tức là nơi mắt của họ thường thường dưới mi hơi đen và mắt hụp xuống. Cũng có nhiều người vì thiếu ngủ ban đêm hay là mất ngủ ban đêm thì ban ngày mới có ngã lưng chừng độ vài ba phút là đã bắt đầu ngáy như sấm. Đó là vài biểu hiện của sự thiếu ngủ.
Trà Mi : Trà Mi cũng thấy là có nhiều người hay ngủ ít hoặc là trằn trọc giữa đêm, hoặc là nửa đêm phải thức dậy rồi sau đó ngủ lại khó thì đó cũng là những biểu hiện?
BS Nguyễn Ý Đức : Vâng. Đó cũng là biểu hiện về giấc ngủ không đầy đủ.
Trà Mi : Có những nguyên nhân gây nên chứng bệnh thiếu ngủ hay là mất ngủ mà đáng lý nhu cầu tự nhiên của con người là phải có, phải không thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức : Vâng. Thực ra thì sự thiếu ngủ hay mất ngủ không phải là một bệnh đâu mà nó chỉ là dấu hiệu hay là một cái chứng của một nguyên nhân nào đó hay là một tình trạng nào đó mà thôi. Mất ngủ hoặc là thiếu ngủ có thể là tạm thời mà cũng có thể là kinh niên hoặc là mãn tính.
Trong những trường
hợp tạm thời thì có thể là do những căng thẳng hoặc là những cái vui buồn trong
đời sống, hoặc là có những sự thất thường vì làm những công việc khác nhau
trong ngày, hoặc là có thể có những trường hợp chúng ta mất phương hướng khi
chúng ta đi du lịch từ nơi này sang nơi khác có múi giờ chệch nhau.
Điểm thứ hai là cái khó khăn về ngủ có thể ngắn hạn từ một vài tuần cho tới một vài tháng, trong trường hợp này thì giấc ngủ có thể đến đều mỗi đêm nhưng mà nó kém. Ngoài ra nó cũng có thể do những cơn đau của cơ thể hoặc là những sự dằn vặt trong tâm hồn gây ra, thì có thể ngắn hạn như vậy.
Thực ra thì sự thiếu ngủ hay mất ngủ không phải là một bệnh đâu mà nó chỉ là dấu hiệu hay là một cái chứng của một nguyên nhân nào đó hay là một tình trạng nào đó mà thôi
BS Nguyễn Ý Đức
Còn trong trường hợp kinh niên thì sự mất ngủ kéo dài cả tháng, cả năm, và nó có thể do những bệnh về thể chất như đau nhức cơ thể, hoặc là có những trường hợp như trong hoàn cảnh ung thư hay những biến chứng quan trọng của các bệnh khác, nhưng mà đa số tức 2/3 những trường hợp mất ngủ kinh niên như vậy là do tình trạng tinh thần bị xáo động, bị thay đổi trong những hoàn cảnh như buồn phiền, sợ hãi, hoặc là có những sự trầm cảm, hay là có những sự ám ảnh nào.
Mất ngủ kinh niên
Trà Mi : Dạ. Mất ngủ kéo dài như Bác Sĩ nói là mất ngủ kinh niên thì nó sẽ dẫn đến những tai hại như thế nào đối với sức khỏe con người nói chung và đối với từng độ tuổi nói riêng, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn
Ý Đức : Mất ngủ kinh
niên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người, đến sức khoẻ con người. Một
vài hậu quả chính của mất ngủ kinh niên mà chúng tôi xin kể ra sau đây. Chúng
ta biết rằng trong khi chúng ta ngủ thì cơ thể sẽ phục hồi những chức năng của
cơ thể hay là tu bổ lại những tế bào hư hao, thế thì nếu chúng ta không có thời
gian để ngủ như vậy thì sự phục hồi chức năng sẽ giảm đi.
Rồi những việc tiếp tế
nhiên liệu cho não bộ cũng giảm đi. Rồi việc loại bỏ chất cặn bã của tế bào
trong cơ thể cũng giảm đi. Ngoài ra các chức năng của hệ thần kinh cũng như là
những khả năng để miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm hay là các bệnh ung thư,
v.v.
thì nó cũng đều suy yếu tất cả. Đã có rất nhiều những nghiên cứu khoa học nói đến những ảnh hưởng xấu của mất ngủ mà mới đây nhất có một nghiên cứu cho người ta thấy rằng nếu những người nào ngủ dưới 5 tiếng một đêm thì có thể đưa tới tình trạng là những động mạch bị đóng vôi và do đó có thể đưa tới trường hợp các bệnh tim mạch.
Chúng ta biết rằng trong khi chúng ta ngủ thì cơ thể sẽ phục hồi những chức năng của cơ thể hay là tu bổ lại những tế bào hư hao, thế thì nếu chúng ta không có thời gian để ngủ như vậy thì sự phục hồi chức năng sẽ giảm đi.
BS Nguyễn Ý Đức
Đối với trẻ em nếu mà thiếu ngủ thì nó cũng khiến cho các em bị rối loạn về khả năng học hành, khả năng nhận thức, kém tập trung và năng động. Nhiều khi sự mất ngủ cũng đưa tới trường hợp mập phì. Lý do người ta giải thích là tại vì khi mà mất ngủ thì những kích thích tố trong cơ thể điều khiển sự ăn uống bị thay đổi đi, nó khiến cho người đó ăn nhiều hơn lên và vì thế nó đưa tới trường hợp mập phì.
Một điểm khác nữa là về huyết áp thì nó cũng có thể làm tăng huyết áp trong cơ thể. Và đối với tim thì cũng có nhiều nghiên cứu lắm như người ta thấy rằng nếu mà ngủ dưới 5 tiếng mỗi ngày thì cái rủi ro của cơn suy tim cũng lên cao. Có một nghiên cứu bên Nhật nói rằng khi mà ngủ ít quá thì cũng có thể đưa tới trường hợp gọi là nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi. Ngoài ra có một điểm quan hệ mà chúng ta phải nhớ rằng đối với những người thiếu ngủ thì khả năng bị bệnh tiểu đường cũng tăng lên rất nhiều.
Và trong trường hợp bệnh trầm cảm thì thường thường chúng ta biết rằng thiếu ngủ là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Nhưng mà thiếu ngủ cũng có thể đưa tới trường hợp trầm cảm.
Trà Mi : Thưa Bác Sĩ, nói chung lại thì việc thiếu ngủ hay là mất ngủ ảnh hưởng rất là nặng nề đối với chất lượng cuộc sống của mọi độ tuổi, thế thì cái quan trọng là bây giờ mình có cách nào chữa khỏi chứng bệnh này nếu như không may bị mắc phải?
BS Nguyễn Ý Đức : Có nhiều cách để chữa chứng mất ngủ, nhưng mà vấn đề quan hệ là chúng ta cần phải xác định nguyên nhân nào đưa tới trường hợp mất ngủ, thiếu ngủ hoặc là khó ngủ.
Như chúng tôi đã trình bày, sự thiếu ngủ, mất ngủ hay khó ngủ chỉ là dấu hiệu của những thứ bệnh. Ví dụ một vị nào mà bị đau nhức xương khớp thì sự đau nhức xương khớp đó nó hành hạ, nó làm cho vị đó ban đêm không ngủ được.
BS Nguyễn Ý Đức
Như chúng tôi đã
trình bày, sự thiếu ngủ, mất ngủ hay khó ngủ chỉ là dấu hiệu của những thứ bệnh.
Ví dụ một vị nào mà bị đau nhức xương khớp thì sự đau nhức xương khớp đó nó
hành hạ, nó làm cho vị đó ban đêm không ngủ được.
Tất nhiên trong trường hợp đó
thì chúng ta phải uống thuốc hoặc là tìm những phương thức điều trị cái đau nhức
đó thì lúc bấy giờ mới có thể giảm được trường hợp thiếu ngủ.
Hoặc là một người
có những khó khăn về tinh thần, thí dụ có những khủng hoảng về vấn đề tài chánh
trong làm ăn buôn bán, hoặc là có sự xáo trộn trong gia đình, thì chúng ta
phải chữa hay là phải tìm những phương thức để giải toả những khó khăn đó.
Nếu sau khi chúng ta giải toả được thì tâm hồn chúng ta cảm thấy thoải mái hơn và khi đó thì chúng ta có thể ngủ được một cách dễ dàng.
Trà Mi : Như vậy khó khăn nhất là tìm ra
được cái nguồn gốc, cái nguyên nhân của bệnh thì mới chữa được khỏi bệnh.
Nhưng mà nếu như không biết được nguyên nhân thì có những biện pháp mà Trà Mi cũng thường nghe nói là chữa triệu chứng cho bớt khó chịu, đó là dùng những loại thuốc ngủ, thuốc an thần, vậy không biết những thuốc này có thật sự ích lợi cho bệnh nhân hay không, cùng với nhiều thắc mắc thường gặp sẽ được Bác sĩ Nguyễn Ý Đức giải đáp trong buổi tái ngộ sáng Thứ Năm tuần sau.