Bệnh Kawasaki ở trẻ em
2010.01.21
Bệnh lạ: Kawasaki
Bệnh Kawasaki mang tên của một bác sĩ Nhật bản, Tomisaku Kawasaki. Ông là người đầu tiên đã phát hiện ra căn bệnh lạ này vào năm 1967. Đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh để nghiên cứu thuốc đặc trị và có biện pháp phòng ngừa. Bệnh cũng rất khó chẩn đoán chính xác do những biểu hiện lâm sàng hơi tương tự các bệnh khác như: bệnh sốt xuất huyết, hay viêm phế quản.
Theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa kỳ (American Heart Association) thì khoảng 80% bệnh nhân của bệnh Kawasaki là trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ từ tuổi 8 trở lên ít mắc phải. Trên 60% trẻ em trai mắc bệnh này, so với các bé gái, và các bệnh nhân thường là người gốc Châu Á, đặc biệt là gốc Nhật bản và Triều tiên, mặc dù bệnh có thể bộc phát ở mọi trẻ em.
Tại Hoa Kỳ hàng năm có khoảng 4,000 trường hợp trẻ được chẩn đoán bị nhiễm bệnh Kawasaki. Trung bình, cứ khoảng 100,000 trẻ thì có 19 em có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong vì bệnh này rất thấp, chưa đến 1%.
Bệnh Kawasaki mang tên của một bác sĩ Nhật bản, Tomisaku Kawasaki. Ông là người đầu tiên đã phát hiện ra căn bệnh lạ này vào năm 1967. Đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh để nghiên cứu thuốc đặc trị và có biện pháp phòng ngừa.
Cách đây 5 năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 20 ca bệnh được chẩn đoán là trẻ mắc bệnh Kawasaki. Nhưng riêng trong năm 2009, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 ca, và chỉ trong 10 ngày đầu năm 2010 tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh mắc phải căn bệnh này. Các bác sĩ Khoa Tim Mạch của Bệnh viện cho biết, bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, có lúc 2-3 cháu phải nằm chung một giường. Tình hình ở Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tương tự.
Khi được hỏi về căn bệnh lạ được báo chí trong nước mệnh danh là “bệnh lạ sát thủ Kawasaki” Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã từng điều trị cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh này cho biết:
“Thật sự bệnh Kawasaki trước
đây có thể đã có nhưng vì nhiều lý do nên có thể chưa chẩn đoán ra cũng như chưa
phát hiện được bệnh. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh Kawasaki đã đựơc chẩn đoán và
phát hiện khoảng 10 năm nay. So với thế giới thì chậm hơn, nếu đọc trên báo chí
thì thấy Bác sĩ Kawasaki đã phát hiện ra bệnh này từ năm 1967. Thực sự bệnh
Kawasaki không lạ, nhưng có điều là trước tiên mình có nghĩ đến bệnh ấy hay
không, vì khi nghĩ tới căn bệnh đó thì mình mới đi tìm được. Thật sự đặc điểm bệnh
Kawasaki ở các bé không lạ; dấu hiệu đặc trưng nhất để có thể khẳng định được
đó là bệnh Kawasaki thì nó là sự tổn thương mạch vành; tức là phải làm siêu âm
tim.
Tổn thương mạch vành, đó là một tiêu chuẩn khá đặc hiệu để chẩn đoán hướng
tới bệnh Kawasaki. Còn các tiêu chuẩn khác chẳng hạn như sốt kéo dài hay là
trên da nổi đỏ như phát ban, môi đỏ, lòng bàn tay đỏ, hay sưng mu bàn tay, thì
đôi khi những dấu hiệu đó về mặt chuyên môn người ta gọi là hơi mơ hồ. Nếu một
người Bác sĩ không có kinh nghiệm, hoặc là chưa hề biết về bệnh Kawasaki, thì
có thể không nhận diện được bệnh.
Thật sự đặc điểm bệnh Kawasaki ở các bé không lạ; dấu hiệu đặc trưng nhất để có thể khẳng định được đó là bệnh Kawasaki thì nó là sự tổn thương mạch vành; tức là phải làm siêu âm tim.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý
Bệnh Kawasaki ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 bắt đầu được ghi nhận khoảng 10 năm nay, với tần suất không nhiều lắm, trung bình khoảng một tuần một ca bệnh Kawasaki, một tháng có khoảng 4 hay 5 ca; thứ hai là tuỳ theo mùa, thường vào cuối năm bệnh đông hơn, thí dụ một tháng có thể có đến 10 ca bệnh này, những tháng còn lại trung bình có khoảng 4 hoặc 5 ca mà thôi.
Bệnh viện nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 không chỉ chữa cho những bệnh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh không thôi mà còn ở các tỉnh thành khác nữa, nên số lượng bệnh nhân nếu tính ra chia theo tỉ lệ thì cũng có thể gọi là không nhiều lắm. Nhưng đối với các trẻ ở các tỉnh không có điều kiện lên Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh thì không biết con số bao nhiêu bệnh nhân mắc chứng bệnh này và tỉ lệ đó như thế nào. Về mặt thống kê chắc cũng không rõ lắm.”
Q: Thưa Bác sĩ làm thế nào để phân biệt được bệnh Kawasaki với những bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự, như bệnh sốt xuất huyết hay viêm phế quản chẳng hạn.
A: Có thể nói một trong những tiêu
chuẩn để hướng tới việc chẩn đoán bệnh Kawasaki là những bé sốt kéo dài, ví dụ
những trẻ sốt kéo dài trên 5 ngày mà không tìm ra được một nguyên nhân nào đó,
mà nó có kèm theo các dấu hiệu khác thì cái khó chính là vì đây không phải là bệnh
với tần suất cao.
Ví dụ ở trẻ em thì những bệnh chẳng hạn như viêm đường hô hấp,
hay tiêu chảy, hoặc những bệnh trong công việc hàng ngày người thầy thuốc gặp rất
nhiều thì các bác sĩ hầu như có tiếp xúc nên dễ nhận diện. Hay thí dụ như trong
miền Nam, Thành phố Hồ Chí Minh thì bệnh sốt xuất huyết rất nhiều, nên có thể dễ
dàng nhận diện, nhưng do tần suất của bệnh Kawasaki, mặc dù là hiếm thì không
phải là hiếm, nhưng nó là một bệnh tương đối thuộc về chuyên khoa. Cho nên khi
một bệnh nhân đến tiếp xúc với một bác sĩ, đôi khi lại gặp các bác sĩ nếu không
làm các chuyên khoa về tim mạch, hay các chuyên khoa về mạch máu, về miễn dịch
thì có khi họ không nhận diện được bệnh Kawasaki.
Do tần suất của bệnh Kawasaki, mặc dù là hiếm thì không phải là hiếm, nhưng nó là một bệnh tương đối thuộc về chuyên khoa. Cho nên khi một bệnh nhân đến tiếp xúc với một bác sĩ, đôi khi lại gặp các bác sĩ nếu không làm các chuyên khoa về tim mạch, hay các chuyên khoa về mạch máu, về miễn dịch thì có khi họ không nhận diện được bệnh Kawasaki.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý
Không nhận diện được là do hằng ngày họ không tiếp xúc với bệnh này, người ta không thường thấy, cho nên họ không nghĩ tới. Như lúc nãy tôi có nói, vấn đề không phải bệnh khó chẩn đoán, vấn đề là anh phải biết là có bệnh Kawasaki với những tổn thương như vậy, với những dấu hiệu đặc trưng như vậy, thì khi anh nhớ tới, anh biết tới thì anh mới có thể đi truy tìm cho bệnh nhân.
Vấn đề nó khó là đôi khi các trẻ mắc bệnh Kawasaki, trong quá trình đi khám bệnh có thể là gặp những bác sĩ chưa tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki thành ra vấn đề chẩn đoán có thể là chậm trể hoặc là đối với họ nó có thể là mới lạ. Còn nếu bệnh nhân gặp một bác sĩ chuyên khoa thì có thể sự nhận diện đó sẽ nhanh chóng được thực hiện hơn.”
Triệu chứng và điều trị
Bác sĩ Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh khởi phát cấp tính, với những triệu chứng điển hình là: sốt cao kéo dài, phát ban đỏ khắp cơ thể, hai mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ, bong rộp ở miệng, bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân, nổi hạch ở cổ; có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra còn có những triệu chứng ít gặp hơn như: rối loạn tiêu hóa – tiêu chảy, ói mửa, trẻ có thể bị đau bụng, vàng da, túi mật to, gan to.
Bệnh có thể gây biến chứng lên tim mạch, làm cho tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sưng khớp, viêm màng não, hay viêm phổi, viêm ruột. Xét nghiệm cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao, siêu âm tim thấy mạch vành bị giãn ra. Biến chứng phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành do hậu quả viêm mạch thường chiếm từ 15-25% số bệnh nhân.
Bệnh có thể gây biến chứng lên tim mạch, làm cho tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sưng khớp, viêm màng não, hay viêm phổi, viêm ruột.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý
Về cách điều trị, đến nay giới y khoa trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki để có phương pháp điều trị, vì thế khi tiếp nhận bệnh nhân mắc Kawasaki, các bác sĩ chỉ biết can thiệp bằng cách điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu này mang lại kết quả rất khả quan. Bác sĩ Hoàng Ngọc Qúy cho biết thêm:
“Hiện tại bây giờ thì không đề
cập đến vấn đề phòng ngừa. Nhưng có điều may mắn là thuốc dùng để điều trị bệnh
Kawasaki thì lại tương đối khá hiệu quả. Tức là thuốc để điều trị một trong những
biến chứng mà hiện tại bây giờ làm ảnh hưởng đến tử vong cho các bé, là các tổn
thương trên tim, nó có thể gây ra tình trạng viêm cơ tim, một trong những biến
chứng thường gặp nhất là tổn thương mạch vành.
Trước đây ở bệnh viện Nhi Đồng
2, tỉ lệ bệnh nhân bị tổn thương mạch vành là 20%, đó là thời kỳ khoảng 10 năm
trước đây. Sau này bây giờ có thuốc miễn dịch – Gamma Globulin miễn dịch để
truyền cho bé thì hầu như tỉ lệ thành công rất cao, thành ra tỉ lệ bệnh nhân bị
biến chứng mạch vành bây giờ rất thấp, đó là cái thứ nhất. Thứ hai là, thuốc để
điều trị phối hợp kèm theo là Aspirin để điều trị dự phòng cho vấn đề xuyên tắc
mạch, và các bệnh kháng viêm cho bệnh Kawasaki.
Nhưng có điều may mắn là thuốc dùng để điều trị bệnh Kawasaki thì lại tương đối khá hiệu quả. Tức là thuốc để điều trị một trong những biến chứng mà hiện tại bây giờ làm ảnh hưởng đến tử vong cho các bé, là các tổn thương trên tim
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý
Người ta ghi nhận là ngay cả đối với những trẻ có tổn thương mạch vành, sau đó lại hồi phục trong vòng từ 1 đến 2 năm. Tỉ lệ hồi phục sau 1 đến 2 năm theo dõi là gần 90%. Đó cũng là một thông tin rất tốt, cho dù bệnh có thể có những biến chứng nặng nề, nhưng thật sự tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng thì không cao.”
Bác sĩ Vũ Minh Phúc của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng lưu ý, đối với những trẻ sử dụng thuốc Gamma Globulin, cần tạm ngưng tiêm ngừa các văc-xin phòng bệnh ít nhất là 3 tháng, đặc biệt là những văcxin sống như: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, vì Gamma Globulin đã làm giảm tác dụng của văc-xin.
Điều quan trọng theo Bác sĩ Vũ Minh Phúc, là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, vì nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh thì mới có thể ngừa được các biến chứng ở tim. Sau 10 ngày thì hiệu quả ngăn ngừa biến chứng sẽ giảm xuống. Nếu bệnh tiến triển tốt, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà. Tuy nhiên, một khi trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được tái khám suốt đời. Đối với những trường hợp bệnh không gây biến chứng, thì sau khi xuất viện về uống thuốc Aspirin trong khoảng 6 tuần thì ngưng. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, thì phải được chụp mạch vành để theo dõi dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Do vậy Bác sĩ Minh Phúc cũng nhắc nhở các phụ huynh khi thấy trẻ sốt kéo dài, trên 5 ngày, mắt, môi, lưỡi, da nổi mẩn đỏ, miệng khô thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa nhi để kiểm tra và chữa trị kịp thời.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn qúy vị đã theo dõi. Quỳnh Như hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.