Bệnh suy thận
2009.04.25
Việt Nam báo động bệnh suy thận với gần 6 triệu bệnh nhân, trong số này 80 ngàn người đã chuyển sang giai đoạn cuối. 9/10 bệnh nhân suy thận phải đành chờ chết, tỷ lệ ít ỏi có điều kiện chữa chạy cũng đã khiến các cơ sở y tế trong nước quá tải.
Chương trình hôm nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sĩ Quang Vũ, chuyên ngoại khoa ghép thận ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, để gửi đến quý vị những thông tin cần biết cùng những lời khuyên của giới chuyên môn về căn bệnh nguy hiểm này.
Chức năng của thận
Trước tiên, về chức năng của thận đối với cơ thể con người, Bác sĩ Vũ cho biết:
BS Quang Vũ: Chức năng chính của thận trong cơ thể con người là để bài tiết nước tiểu, thải những chất độc qua nước tiểu, và nhiệm vụ chính nữa là cân bằng nội môi, tức là vấn đề dung dịch, điện giải, vân vân, tạo sự cân bằng giữa máu và dung dịch nội môi trong cơ thể.
Trà Mi: Với các chức năng như vậy thì những nguyên nhân nào thường gây nên bệnh nơi thận và thường dẫn đến suy thận, thưa Bác Sĩ ?
Nguyên nhân gây bệnh
BS Quang Vũ: Người ta chia ra 3 nhóm nguyên nhân: nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận, và nguyên nhân sau thận.
Nguyên nhân trước thận là những dị dạng mạch máu làm thu hẹp động mạch đến nuôi thận. Từ chỗ máu đến không tốt làm ảnh hưởng đến cả một loạt phía sau là chuyện những tế bào thận không đủ máu để hoạt động thì nó sẽ không làm tròn nhiệm vụ của nó.
Thứ nhứt là ảnh hưởng của hóa chất. Tất cả những thực phẩm bây giờ đều có liên can tới hóa chất. Đó là một lý do. Thứ hai là cách sống của tuổi trẻ. Bây giờ tôi thấy chuyện ăn chơi sa đọa rất là dữ.
BS Quang Vũ, chuyên ngoại khoa ghép thận ở BV Chợ Rẫy
Nguyên nhân tại thận, ví dụ như những tế bào thận, những màng lọc bị tổn thương vì lý do chẳng hạn như viêm vi cầu thận mà điều trị không đàng hoàng hoặc là điều trị không đúng dể dần dà nó đưa tới những viêm nhiễm lâu ngày thì nó lan rộng ra những tế bào thận bị hư.
Nguyên nhân sau thận mà chuyên khoa của tôi hay can thiệp, đó là những nguyên nhân gây bế tắc, chèn ép, chẳng hạn như sỏi, bướu hay những bế tắc làm hẹp đường bài tiết, chận đường nước tiểu đi xuống lâu ngày làm ứ nước và nếu mình không giải quyết sớm, kịp thời thì để càng lâu sớm muộn gì nó cũng sẽ đưa tới suy thận. Đó là 3 nhóm nguyên nhân chính.
Đối tượng nhiễm bệnh
Trà Mi: Những đối tượng nào hay độ tuổi nào có nguy cơ mắc bệnh thận cao nhứt ?
BS Quang Vũ: Suy thận do viêm vi cầu thận ở độ tuổi hay mắc là thường từ 15 đến 25. Viêm vi cầu thận là bệnh ở tuổi trẻ, chẳng hạn như từ chuyện viêm họng hay viêm khớp mà không được điều trị đàng hoàng thì nó có thể theo máu đưa đến viêm vi cầu thận. Tức là những bệnh mà thường ở nhi đồng người ta hay gặp. Vấn đề này tùy, tại vì nhóm tuổi phụ thuộc vô tùy theo loại bệnh. Ví dụ cũng suy thận nhưng mà nhóm ở tuổi đó với loại bệnh đó là nhiều nhứt.
Ở tuổi trung niên thì những nguyên nhân gây bế tắc phía sau giống như sỏi hay bướu, hay nguyên nhân hẹp. Còn tuổi trẻ đa phần là viêm vi cầu thận rồi điều trị không đúng cách dần dà dẫn tới suy thận mạn.
Trà Mi: Tức là những nguyên nhân này có nguồn gốc từ những bệnh lý khác mà ra, phải không?
BS Quang Vũ: Tức là nó gây viêm nhiễm rồi mới đưa tới viêm vi cầu thận.
Triệu chứng
Trà Mi: Thế các triệu chứng báo hiệu thận có vấn đề là gì, thưa Bác Sĩ ?
BS Quang Vũ: Từng nhóm nguyên nhân mà có triệu chứng khác nhau. Chẳng hạn như nhóm viêm nhiễm lâu ngày đưa tới suy thận mạn thì nó làm tổn thương những màng lọc ở thận thì trong nước tiểu sẽ có đạm, và bệnh nhân mất đạm nhiều thì bệnh nhân có thể bị phù. Mà triệu chứng dễ phát hiện nhứt ở viêm vi cầu thận là buổi sáng ngủ dậy có thể thấy rõ nhứt là phù mặt và mi mắt. Nhìn mi mắt là người ta thấy phù. Bệnh nhân có thể có sốt hoặc người mệt mỏi, ăn uống kém. Đó là bệnh lý về nội khoa.
Còn bên Trung Quốc, theo như tôi biết, người ta ghép thận là người ta lấy thận của những tử tù.
BS Quang Vũ, chuyên ngoại khoa ghép thận ở BV Chợ Rẫy
Nguyên nhân bế tắc sau thận, thí dụ bệnh nhân có cục sỏi gây bế tắc, hay có bướu gây bế tắc thì bệnh nhân sẽ có những cơn đau, thậm chí đau quặn chịu không nổi, phải đi đến bệnh viện. Từ bệnh viện bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh.
Nguy cơ sức khỏe
Trà Mi: Bệnh suy thận nếu không phát hiện hoặc không được điều trị kịp thời thì nó có thể gây ra những nguy cơ gì cho sức khỏe?
BS Quang Vũ: Cái sau cùng của những nguyên nhân đấy đều đưa tới suy thận mãn tính, tức là ý tôi muốn nói là thận đó sẽ không phục hồi nữa và những chất độc sẽ không được thận lọc và thải ra ngoài được nữa, tại vì trên người suy thận mạn rồi thì nhiệm vụ của thận không lọc được những chất độc ấy, những chất độc ấy sẽ ứ đọng trong cơ thể và nó gây cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, thậm chí có thể tử vong.
Trà Mi: Suy thận cấp tính thì mức độ nguy hiểm và tác dụng của việc chữa trị ra sao ạ ?
Cách thức chữa trị
BS Quang Vũ: Suy thận cấp tính thì mức độ nguy hiểm nặng. Nó nhất thời. Nếu giải quyết được nguyên nhân gây suy thận ấy thì thận có thể phục hồi lại bình thường. Còn suy thận mạn tính thì nó tiến triển một cách chậm rải, từ từ, nhưng nó không có độ phục hồi. Ví dụ mình chưa tới giai đoạn cuối mà mình phát hiện sớm, mình sinh thiết thận, mình điều trị đúng thì nó có thể chận đứng ở giai đoạn đó, nó không tiến triển nhanh hơn. Còn suy thận cấp tính, thí dụ có những nguyên nhân cụ thể nhưng nó rầm rộ hơn, bệnh nhân không chịu được, bệnh nhân gặp những cơn đau rất nặng mà không cấp cứu kịp thì bệnh nhân có thể chết. Nhưng nếu giải quyết được, thí dụ như cần mổ mà chưa mổ được, cho chạy thận nhân tạo rồi sau đó mới mổ, tức là bác sĩ giải quyết được nguyên nhân đó thì tất nhiên thận sẽ trở lại bình thường, thì nó phục hồi ngay.
Những người suy thận mạn để được kéo dài sự sống thì người ta chạy thận nhân tạo. Mục đích chạy thận nhân tạo là gì? Thận nhân tạo được cấu tạo để lọc tạm thời để lấy chất độc ra giống như thận ở người. Hoặc nếu không có tiền để đi tới những trung tâm chạy thận nhân tạo thì người ta sẽ làm một hướng nữa là lọc thẩm thông phúc mạc, tức là lọc bằng bụng. Cái thứ ba là nếu muốn kéo dài sự sống lâu dài mà có chất lượng, bệnh nhân có thể hồng hào trở lại, thì chỉ có ghép thận thôi. Ghép thận chỉ có một điều là bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép. Còn những chuyện kia đa phần là kéo dài sự sống thôi, chứ còn bảo là hết thì không hết.
Trà Mi: Nhưng mà khi nào, đến giai đoạn nào thì cần ghép thận ?
BS Quang Vũ: Suy thận mãn tính, ví dụ cách 2-3 ngày mà không chạy thận thì bệnh nhân không chịu được, chất độc sẽ ứ trong cơ thể, bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, rất mệt, thậm chí có thể chết. Lúc đó, nếu khẩn cấp thì người ta phải chạy thận nhân tạo để lấy chất độc ra thì bệnh nhân sẽ khỏe lên.
Trà Mi: Nhưng phương pháp ghép thận đang ứng dụng ở Việt Nam có hiệu quả hoặc là có phổ biến lắm không?
BS Quang Vũ: Ở Việt Nam bây giờ thì có ở Hà Nội và TP.HCM . Ở TP.HCM mà cụ thể là ngay khoa của tôi là ghép thận nhiều nhất nước. Nhưng từ năm 1992 chúng tôi ghép cho tới bây giờ thì chưa có nguồn thận cho nào khác, mà chúng tôi chỉ ghép thận trên những người thân cho nhau mà thôi, tức là người trong dòng họ cho nhau. Vì vậy mà số trường hợp ghép thận rất là ít ỏi, chỉ độ 200 ca trở lại chứ chưa có nhiều. Ghép thận rất hiệu quả, thậm chí có nhiều Việt kiều bên Mỹ về bên này ghép thận.
Ghép thận bên Trung Quốc
Trà Mi: Nếu như có tính hiệu quả như vậy thì sao có phong trào người Việt sang Trung Quốc bán hoặc mua thận?
BS Quang Vũ: Tại vì bên này người ta không có người thân cho.
Trà Mi: Giới chuyên môn có lời khuyên gì đối với những người trong trường hợp này không?
BS Quang Vũ: Ghép thận thì đương nhiên là khuyên người ta ghép thận rồi. Nhưng mà thí dụ như khuyên người ta nên tìm những người trong họ hàng ở bên này cho để được làm cho được đàng hoàng hơn, còn bên Trung Quốc, theo như tôi biết, người ta ghép thận là người ta lấy thận của những tử tù. Trong những trường hợp này thì đa phần người ta lấy trên nhóm máu thôi. Còn bên VN ghép thận do người thân cho nhau, tức là người cho là người sống, thì chúng tôi chọn rất kỹ về miễn dịch chứ không phải đơn thuần là ghép giống như bên Trung Quốc. Thận của tử tù thì người ta đâu cần thiết đâu. Đàng nào thì người ta cũng đã là tử tù rồi, cho nên người ta lấy cũng nhóm máu thì người ta có thể ghép được rồi, thành ra mức độ thải ghép rất là cao nên người ta dùng thuốc chống thải ghép với liều lượng cao hơn.
Đời sống người ta quá khó khăn, suốt ngày người ta lo kiếm miếng ăn, kiếm sống thì làm sao mà còn biết đến chuyện gì khác. Thành thử đa phần bệnh ở dưới tỉnh chuyển lên toàn là những nông dân chân lấm tay bùn thôi, chứ còn người thành phố thì vẫn ít hơn.
BS Quang Vũ, chuyên ngoại khoa ghép thận ở BV Chợ Rẫy
Tình trạng bệnh suy thận tại VN
Trà Mi: Báo chí trong nước nói rằng 9/10 bệnh nhân suy thận ở Việt Nam bị tử vong vì không được điều trị, chỉ có ít ỏi là 10% được chữa trị, vậy mà các bệnh viện bị quá tải. Xin hỏi tình hình thực tế ở Bệnh Viện Chợ Rẫy ra sao ạ?
BS Quang Vũ: Ở Bệnh Viện Chợ Rẫy cũng quá tải, tại vì thực ra các tỉnh không hoạt động đồng đều. Tỉnh lớn có nơi có những trung tâm để chạy thận nhân tạo hoặc là lọc màng bụng, nhưng có những nơi không có làm cho nên bệnh nhân đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Do đó bây giờ kế hoạch là đào tạo bác sĩ dưới tỉnh những kỹ thuật để về dưới mở ra những trung tâm chạy thận hay cách điều trị sao cho dễ dàng. Còn chuyện ghép thận thì bây giờ ở một số bệnh viện ở Hà Nội và ở TP.HCM người ta cũng bắt đầu tiến hành ghép thận rồi. Hồi trước đầu tiên chỉ có ở TP.HCM và Bệnh Viên 108 ở Hà Nội thôi, nhưng bây giờ người ta bắt đầu mở rộng ra hơn, ngay cả bên Bệnh Viện Nhi Đồng người ta cũng mở ra ghép thận.
Trà Mi: Nhưng số bệnh nhân suy thận ở Việt Nam cao như vậy mà sắp tới còn có chiều hướng gia tăng mạnh hơn thì nguyên do vì sao Việt Nam lại có tỷ lệ người mắc bệnh thận cao như vậy?
BS Quang Vũ: À, có nhiều lắm. Thứ nhứt là ảnh hưởng của hóa chất. Tất cả những thực phẩm bây giờ đều có liên can tới hóa chất. Đó là một lý do. Thứ hai là cách sống của tuổi trẻ. Bây giờ tôi thấy chuyện ăn chơi sa đọa rất là dữ. Cuộc sống không vệ sinh thì nó vẫn ảnh hưởng. Có nhiều thứ, như hồi nãy tôi có nói lý do suy thận bắt đầu từ viêm nhiễm đưa tới viêm vi cầu thận, thì đó là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần cho chuyện suy thận.
Trà Mi: Bác Sĩ nói nguyên do Việt Nam có tỷ lệ người bệnh thận cao như vậy chủ yếu là do ý thức bảo vệ sức khỏe chưa cao, vậy không biết công tác tuyên truyền giáo dục về sức khỏe cộng đồng trong nước hiện nay ra sao trước thực tế đáng báo động về bệnh này?
BS Quang Vũ: Báo đài cũng có đề cập một số nhưng mà không thường xuyên thôi. Có bộ phận tuyên truyền giáo dục, nhưng mình chỉ đưa tin lên cho bộ phận đó chứ mình đâu có thể đứng lên tuyên truyền được. Người ta có những bộ phận người ta tuyên truyền. Nhưng mà tôi biết cũng có nhưng mà không thường xuyên, không đồng bộ, thành ra ý thức của người dân còn kém lắm. Thí dụ ở người thành phố hoặc những nơi có điều kiện thì người ta còn chú ý, người ta còn nghe những thông tin về sức khỏe, chứ còn những vùng quê này kia thì hầu như người ta đầu tắt mặt tối, đâu có ai nắm bắt được gì, báo chí cũng không buồn đọc, những thông tin người ta cũng chả buồn nghe. Đời sống người ta quá khó khăn, suốt ngày người ta lo kiếm miếng ăn, kiếm sống thì làm sao mà còn biết đến chuyện gì khác. Thành thử đa phần bệnh ở dưới tỉnh chuyển lên toàn là những nông dân chân lấm tay bùn thôi, chứ còn người thành phố thì vẫn ít hơn.
Biện pháp phòng ngừa
Trà Mi: Thưa, ông là một bác sĩ chuyên môn thì theo ông có biện pháp nào giúp giảm thiểu thực trạng bệnh thận gia tăng hiện nay không?
BS Quang Vũ: Tức là bệnh nhân phải đi khám định kỳ. Ở Việt Nam chưa có chuyện khám sức khỏe định kỳ. Khi nào người ta không chịu nổi ở nhà thì người ta mới vào bệnh viện, thì lúc đó bệnh đã tiến triển xa hơn rồi.
Trà Mi: Bệnh nhân suy thận cần ghi nhớ những gì? Bệnh nhân cần ăn uống điều dưỡng như thế nào? Bác Sĩ có những lời khuyên nào dành cho họ hay không ?
BS Quang Vũ: Chẳng hạn như là rượu bia, những thực phẩm có nhiều hóa chất thì đều có rất nhiều ảnh hưởng. Hoặc là tiếp xúc với những hóa chất nói chung, hóa chất bằng đường ăn uống, hóa chất bằng đường tiếp xúc, ăn nhiều mỡ, để béo phì quá. Thường những người bị tiểu đường xảy ra ở người béo phì nhiều vì tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thận. Tiểu đường là nguyên nhân gây suy thận biến chứng rất là lớn, ví dụ gây cao huyết áp, gây suy thận, tại vì tiểu đường bản chất của nó là gây thương tổn mạch máu thành thử nó ảnh hưởng đến những mạch máu ở thận gây suy thận rất nhiều. Ở VN suy thận do bệnh tiểu đường cũng rất là nhiều, tỷ lệ rất cao. Nói chung là những yếu tố đó người ta đã viết thành sách, bệnh nhân vô điều trị cũng có một cuốn tài liệu nhỏ phát cho người ta nhưng người ta không thực hiện đúng. Tôi khám tại phòng mạch ở đây nên tôi cũng biết, thậm chí có người tới đây khi xét nghiệm tôi cũng hoảng hồn nhưng bệnh nhân thì tỉnh bơ nói "tôi tự mua thuốc tôi uống thôi". Mình giáo dục lại thì không biết người ta có hiểu hay không, tại vì ý thức của người dân rất là khó. Tôi không hiểu tới giai đoạn nào thì người ta mới hiểu được chuyện ấy một cách minh bạch.
Trà Mi: Dạ. Rất cảm ơn Bác Sĩ về thời gian cũng như những thông tin bổ ích mà Bác Sĩ đã chia xẻ cho chương trình ngày hôm nay.
Chương trình “Sức Khỏe và Đời Sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới vào giờ này, sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.