Nhiều người quan niệm rằng càng tẩy bỏ lớp tế bào chết thường xuyên bao nhiêu thì da mặt càng được tươi trẻ bấy nhiêu.
Có phải bất cứ loại da nào cũng nên tẩy tế bào chết hay không? Lợi và hại của việc tẩy da chết ra sao? Cần thực hiện như thế nào và những điều gì cần lưu ý để có được hiệu quả tốt nhất?
Chuyên mục Sức khỏe và Đời sống tìm hiểu ý kiến từ Tiến sĩ-bác sĩ thẩm mỹ Trần Thị Anh Tú, hiện là Tổng Thư Ký Hội Phẫu Thuật Thẩm Mỹ TPHCM:
Trà Mi:
Trước tiên xin Bác sĩ hướng dẫn cho quý thính giả được biết rõ thế nào là tế bào chết ạ.
Da tái tạo tự nhiên hàng tháng
Tẩy tế bào chết được thực hiện khi nào mình thấy tế bào chết trên da mình khó bong ra, giống như nó dày, nó chuyển màu, hoặc là việc tẩy tế bào chết giúp cho sự hấp thu dưỡng chất từ thuốc và mỹ phẩm được tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta nên tẩy ở mức độ vừa phải, đừng nên quá lạm dụng thì nó cũng có hại cho da.
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Trước tiên chúng ta tìm hiểu về cấu trúc của da. Da có cấu trúc từ ngoài vào trong gồm có lớp thượng bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da. Lớp dưới cùng của thượng bì gọi là lớp đáy, tại đây tế bào đáy sẽ sinh ra tế bào da và tế bào da sẽ đi dần lên bề mặt da và trở thành tế bào sừng hay còn gọi là tế bào chết và nó sẽ bong ra.
Trà Mi:
Như vậy thì trung bình trong bao lâu thì da của mình đào thải cái lớp tế bào chết đó ra để tái tạo lớp da mới, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Thời gian để tế bào da đi từ lớp đáy lên tới ra ngoài rồi bong ra thì mất trung bình khoảng 30 ngày. Tế bào chết là tế bào sừng tức lớp tế bào ở trên cùng của da.
Trà Mi:
Nói như vậy có nghĩa là cứ một tháng là da lại được thay mới một lần, phải không ạ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Dạ phải ạ.
Trà Mi:
Thưa, tế bào chết thường xuất hiện ở khu vực nào nhứt, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Nói chung cả cơ thể đều có lớp trên cùng là tế bào sừng.
Trà Mi:
Còn nói riêng về da mặt thì trên gương mặt mình tế bào chết thường tụ ở đâu, xuất hiện ở khu vực nào nhiều nhứt trên da mặt ạ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Có thể có chỗ nhiều chỗ ít, nhưng mà nói chung thì toàn bộ mặt gần gần giống nhau mà thôi.
Trà Mi:
Thế thì có nên tẩy tế bào chết hay không, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Tẩy tế bào chết được thực hiện khi nào mình thấy tế bào chết trên da mình khó bong ra, giống như nó dày, nó chuyển màu, hoặc là việc tẩy tế bào chết giúp cho sự hấp thu dưỡng chất từ thuốc và mỹ phẩm được tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta nên tẩy ở mức độ vừa phải, đừng nên quá lạm dụng thì nó cũng có hại cho da.
Trà Mi:
Các phương pháp tẩy tế bào chết được áp dụng hiện nay như thế nào, xin mời Bác sĩ hướng dẫn thêm.
Các phương cách tẩy tế bào da chết
Nói chung thì mình dùng những sản phẩm mà mấy hãng sản xuất người ta đưa ra thị trường thì tốt hơn bởi vì người ta đã trích tinh ra những chất đó, nghĩa là nó không lẫn những chất khác. Còn những cái mà chúng ta dùng những sản phẩm thiên nhiên thì có khi nó có lẫn những chất mũ mà da mặt mình có thể bị dị ứng.
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Tẩy tế bào chết thì chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm có sẵn ở thị trường hoặc là chúng ta có thể tự chế biến ở nhà. Những sản phẩm bán trên thị trường thường là dưới dạng như là nước sữa, những chất làm ẩm, kem hoặc mặt nạ. Các chất này thường là những chất thuộc hai nhóm:
1- Nhóm AHA hay còn gọi là Alpha Hydroxy Acid là những acid được trích từ trái cây, từ mía, từ sữa. Thông dụng trong nhóm này là glycolic acid. AHA sẽ giúp tế bào sừng bong tróc, nó kích thích sự đổi mới tế bào da xảy ra nhanh hơn, nó làm cho bề mặt da trở nên láng và mềm hơn.
2- Nhóm BHA hay còn gọi là Beta Hydroxy Acid, như là Salicylic Acid thì ngoài tác dụng tẩy da chết thì nó cũng có tác dụng giảm viêm, giảm mụn.
Và một số người thì người ta thích tự chế chất tẩy da chết ở nhà, ví dụ người ta dùng dưa leo, cà chua, cà rốt xay ra rồi đắp lên mặt khoảng 30 phút, hoặc là đu đủ chín người ta nghiền ra rồi đắp lên mặt chừng 5-10 phút, hoặc lấy lòng trắng trứng gà trộn với vài giọt nước cốt chanh rồi thoa lên mặt để khoảng 20 phút rồi rửa sạch.
Trà Mi:
Giữa phương pháp dùng mỹ phẩm với phương pháp dùng các sản phẩm thiên nhiên thì phương pháp nào được giới chuyên môn khuyến khích và được xem là tốt nhứt?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Nói chung thì mình dùng những sản phẩm mà mấy hãng sản xuất người ta đưa ra thị trường thì tốt hơn bởi vì người ta đã trích tinh ra những chất đó, nghĩa là nó không lẫn những chất khác. Còn những cái mà chúng ta dùng những sản phẩm thiên nhiên thì có khi nó có lẫn những chất mũ mà da mặt mình có thể bị dị ứng.
Trà Mi:
Thế có phải bất kỳ da nào cũng nên thực hiện việc tẩy tế bào chết không, thưa Bác sĩ? Loại da nào thì thích hợp với phương pháp nào, xin Bác sĩ hướng dẫn thêm.
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Nói chung thì da mà chúng ta cảm thấy nó dày hoặc da nhờn thì chúng ta có thể tẩy được, còn những da khô, mỏng, dễ mẫn cảm (da dễ bị đỏ, dễ bị ngứa, dễ bị dị ứng) thì nên hạn chế tối đa việc tẩy da chết.
Trà Mi:
G
iữa các loại da mà Bác sĩ vừa nói thì loại da nào thích ứng với phương pháp sử dụng mỹ phẩm hay là phương pháp sản phẩm thiên nhiên? Có lời khuyên nào đặc biêt cho việc này không ạ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Chúng ta biết rằng lớp mà ta gọi là tế bào chết thật sự nó có thành phần chết và thành phần sống. Thành phần chết là những tế bào không có nhân và gọi là tế bào sừng hay tế bào chết, nhưng những tế bào này nằm trong chất đệm thì chất đệm này là thành phần sống vì nó chứa những albumin, những chất chống oxy-hoá, các yếu tố dự ẩm tự nhiên, do đó nếu mà chúng ta tẩy da chết thường xuyên thì nó làm cho da bị mỏng đi, do đó dễ bị yếu, dễ bị khô, dễ bị bắt nắng, dễ bị viêm nhiễm. Do đó nếu da mỏng, da khô thì chúng ta không nên tẩy da chết.
Trà Mi:
Bác sĩ vừa nói về điều lợi và điều hại của việc tẩy tế bào chết, nhưng mà cái mức độ thường xuyên của việc tẩy tế bào chết thì mỗi một tuần nên thực hiện mấy lần?
Tẩy da chết thường xuyên thì nó làm cho da bị mỏng đi, do đó dễ bị yếu, dễ bị khô, dễ bị bắt nắng, dễ bị viêm nhiễm. Do đó nếu da mỏng, da khô thì chúng ta không nên tẩy da chết.
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Khi chúng ta muốn tẩy da chết, nếu chúng ta dùng những sản phẩm bán trên thị trường thì trước khi thực hiện thì chúng ta nên nhìn cái bao bì, bởi vì mỗi sản phẩm người ta có ghi số lần thực hiện trong một tuần hay trong một tháng. Nói chung, số lần thực hiện thì không nên quá một đến hai lần trong một tuần. Nếu chúng ta lạm dụng thì da chúng ta sẽ không tốt.
Trà Mi:
Và làm thế nào tẩy tế bào chết đúng cách, không làm tổn thương da, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Anh Tú:
Tẩy đúng cách thì thứ nhứt là chúng ta chọn sản phẩm đúng. Thí dụ sản phẩm tẩy da chết là dùng cho thân thì chúng ta dùng cho thân, nếu dùng cho mặt thì dùng cho mặt.
Thứ hai, nếu da chúng ta thuộc nhóm da nhạy cảm thì chúng ta nên mua sản phẩm dùng riêng cho da nhạy cảm. Và cần thiết thì có khi chúng ta phải thử phản ứng trước. Thử phản ứng trước tức là chúng ta thoa một vùng nhỏ rồi để một tuần hoặc hai tuần chúng ta xem da có phản ứng gì không.
Đối với sản phẩm mà người ta yêu cầu mình có mát-sa da mặt thì mình nên mát-sa nhẹ nhàng để tránh làm da tổn thương và tránh làm nhão cơ. Sau khi mình tẩy da chết rồi thì mình phải dùng sản phẩm dưỡng để làm cho ẩm da và dưỡng da. Và sau khi tẩy da chết thì chúng ta nên giữ gìn vùng da đó, tránh những tác nhân gây hại từ môi trường như đặc biệt là ánh nắng vì có tia tử ngoại có thể làm thâm da, và những môi trường như là khói, bụi có thể làm tổn thương da, bởi vì chúng ta tẩy là chúng ta đã lấy đi một số tề bào ở trên cùng của da.
Trà Mi:
Hy vọng là những lời khuyên của Bác sĩ Trần Thị Anh Tú vừa rồi sẽ giúp cho các bạn gái có được một làn da vừa tươi khoẻ lại vừa sáng đẹp rạng rỡ. Và một lần nữa xin thay mặt quý thính giả cảm ơn Bác sĩ rất nhiều về thời gian cũng như những thông tin rất bổ ích dành cho chương trình của chúng tôi.
Chuyên mục "Sức Khỏe và Đời Sống" của Đài Á Châu Tự Do phát thanh sáng Thứ Năm hàng tuần. Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, "Sức Khoẻ và Đời Sống" sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.