Tình trạng tiếp xúc amiăng tại Việt Nam đang ở mức nghiêm trọng

Việt Hà, phóng viên RFA
2015.10.19
Amiăng được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tấm lợp Amiăng được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tấm lợp
Courtesy VLXD.org (Vật liệu xây dựng)

Tiếp xúc với vật liệu xây dựng có chứa asbestos hay còn được gọi là amiăng ở  Việt Nam đã được khoa học chứng minh là sẽ gây một số loại bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Vì vậy, tại nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng amiăng đã bị cấm hoàn toàn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng sử dụng amiăng vẫn tiếp tục phổ biến, gây quan ngại đến sức khỏe của công nhân và cộng đồng. Trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này, Việt Hà phỏng vấn bác sĩ Trần Tuấn, đại diên mạng lưới cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam, về thực trạng này. Trước hết, nói về thực trạng sử dụng amiăng trong xây dựng tại Việt Nam, bác sĩ Trần Tuần cho biết

Bs. Trần Tuấn: thứ nhất là việc sử dụng sản phẩm có chứa ami ăng ở Việt Nam đã có sự gia tăng nhanh chóng từ khoảng năm 2001 cho đến thời gian 2014, năm 2015 có chững lại. Nguyên nhân là do lượng ami ăng nhập vào  Việt Nam tăng lên một cách rõ rệt và số lượng nhà máy sản xuất tấm lợp có dùng ami ăng có tăng lên. Sự tăng này có liên quan đến trên thế giới cấm dùng ami ăng từ khoảng 2001 đến 2012. Trong khoảng thời gian đó thì số nước cấm ami ăng tăng gấp 3 lần. Trong khi đó ở Việt Nam, số nhà máy sản xuất tấm lợp có chứa ami ăng cũng tăng lên gấp 2 lần. Như vậy là có sự chuyển dịch . Chuyển dịch này nằm chung trong chiều hướng của thế giới, nó chuyển từ những nước công nghiệp họ không dùng nữa, họ cấm, chuyển sang các nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan… Như vậy có thể nói là ở Việt Nam có sự gia tăng ami ăng nhập vào vì ở  Việt Nam ami ăng chủ yếu là do nhập vào.

Việt Hà: vậy nguồn nhập chủ yếu là từ đâu?

Bs. Trần Tuấn: nhập chủ yếu từ Nga, từ Brazil, hoặc là mấy nước Liên Xô cũ, mấy nước Trung Á. … sự phát tán rộng rãi này một phần theo chúng tôi đánh giá là nguồn ami ăng này đã được đưa vào chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ cho đồng bào nông thôn miền núi. Hầu như đã có một sự tiếp thị nào đó. Nhà nước thì hỗ trợ cho vấn đề làm nhà cho các hộ nghèo khó khăn. Nhưng trong trường hợp này thì chắc là có sự tiếp thị của bên ngành sản xuất tấm lợp nên ami ăng phát tán rất nhanh và cho đến nay, có thể nói là các vùng nông thôn miền núi, vùng nghèo, tỷ lệ số hộ gia đình có sử dụng tấm lợp ami ăng chiếm đến khoảng 80% các hộ gia đình theo nghiên cứu năm 2014 vừa rồi của chúng tôi tại hai xã ở Thanh Hóa và Yên Bái….. hoặc lợp nhà hoặc chuồng trại, hoặc làm hàng rào. Như vậy đối với chúng tôi là hết sức nghiêm trọng.

Việt Hà: một hội thảo gần đây cũng nói rằng việc sử dụng tấm lợp ami ăng như vậy cũng ảnh  hưởng rất lớn đến sức khỏe của công nhân. Bên anh có đánh giá nào liên quan đến vấn đề này không?

Bs. Trần Tuấn: trước hết về phần nghiên cứu về an toàn lao động thì bộ Y tế đã thực hiện việc đó, và đã có báo cáo Thủ tướng ngày 28 tháng 8 năm 2014, nêu rõ mức độ ô nhiễm ami ăng tại các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu a mi ăng thì đều cao hơn tối thiểu là 2 lần trở lên so với mức an toàn đặt ra, tiêu chuẩn quốc gia. Về phía chúng tôi, năm ngoái…. Các tổ chức xã hội độc lập như chúng tôi bắt đầu tham gia vào vấn đề vận động chính sách sử dụng ami ăng ở Việt Nam thì chúng tôi bắt tay vào khoảng năm ngoái. Để có bằng chứng thì năm ngoái chúng tôi đi thực địa tại một số cơ sở sản xuất. Trực tiếp chúng tôi nhận thấy rằng tình trạng vi phạm an toàn lao động, hay nói cách khác là kiểm soát ami ăng là hoàn toàn không được thực hiện như báo cáo của Bộ Xây Dựng. cụ thể là chúng tôi có ảnh công nhân dùng tay để bốc sợi ami ăng. Tại các địa điểm đó hầu như không có biển báo hay nội dung nào bằng tiếng Việt để chỉ ra cho người công nhân rằng ami ăng là một cái nguyên liệu độc hại và phải thực hiện các yêu cầu bảo vệ trong quá trình tiếp xúc.

Việt Nam đang sử dụng amiăng chrysotile gọi là amiăng trắng để sản xuất tấm lợp (tamlopvietnam.com)
Việt Nam đang sử dụng amiăng chrysotile gọi là amiăng trắng để sản xuất tấm lợp (tamlopvietnam.com)

Trong khoảng thời gian đó thì số nước cấm ami ăng tăng gấp 3 lần. Trong khi đó ở Việt Nam, số nhà máy sản xuất tấm lợp có chứa ami ăng cũng tăng lên gấp 2 lần. Như vậy là có sự chuyển dịch . Chuyển dịch này nằm chung trong chiều hướng của thế giới, nó chuyển từ những nước công nghiệp họ không dùng nữa, họ cấm, chuyển sang các nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan

Bs. Trần Tuấn

Trong khi đó các bao ami ăng nhập về thì có cả tiếng Nga và tiếng Anh nói rằng ami ăng là một loại độc hại nguy hiểm đến sức khỏe. Dòng cảnh báo đó in ngay trên bao bì nhưng không được dịch sang tiếng Việt trong môi trường làm việc. Khi hỏi những người công nhân thì kể cả điều kiện lao động như găng tay, khẩu trang thì ngay cả ở những cơ sở tốt theo như phân loại của  Bộ Xây dựng thì chúng tôi đều thấy là không đảm bảo trong việc ngăn ngừa sự tiếp xúc của công nhân với bụi ami ăng. Đây là những điểm mà có thể nói là tình trạng ô nhiễm ami ăng ở các cơ sở sản xuất là có tồn tại và tồn tại nhiều năm. Còn số liệu báo cáo thì chắc chắn không phản ánh đúng được thực trạng đang diễn ra.

Việt Hà: ông có những đánh giá nào về ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và công nhân do sử dụng ami ăng.

Bs. Trần Tuấn: Bộ Y Tế công bố các số liệu đánh giá là có mức nguy hại, đồng thời cũng thông báo đã phát hiện các trường hợp người bệnh bị ung thư đặc trưng do tiếp xúc ami ăng, đó là loại ung thư chung biểu mô. Loại ung thư chung biểu mô đó đã được chẩn đoán với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Nhật Bản để khẳng định. Còn những điều tra dịch tễ học như điều tra các nhóm công nhân có nguy cơ cao,… hiện nay chúng ta chưa làm được. Nhưng có cần phải đợi đến tình trạng bệnh đó hay không thì có thể nói là thế này, khả năng của hệ thống y tế của chúng ta hiện nay, cách tổ chức khám chữa bệnh cho công nhân và khám chữa bệnh nói chung thì rất khó để theo dõi các đối tượng và chẩn đoán chính xác là bệnh do ami ăng gây ra, nhất là ami ăng gây ra những bệnh như ung thư phổi, ung thư chung biểu mô, ung thư buồng trứng, ung thư thực quản. Y tế Việt Nam hiện nay thì chỉ riêng chẩn đoán ung thư là đã tốt rồi, còn để chẩn đoán ung thư thuộc loại gì thì gần như hệ thống y tế chưa thực hiện được, vì có nhiều yếu tố trong đó có yếu tố chuyên môn, đào tạo về trình tự chẩn đoán, …. Số liệu thực tế đánh giá xác thực mức độ tổn hại của ami ăng và gây nên bệnh của người công nhân và cộng đồng hiện nay chúng ta chưa nắm được…. Về mặt khoa học ami ăng gây hại cho sức khỏe, chứng minh việc đó thế giới đã làm rồi, Tổ chức ung thư quốc tế thuộc WHO đã tổng hợp các nghiên cứu suốt trong 50 năm vừa rồi ở nhiều nước khác nhau và đã có kết luận rồi. WHO đã chính thức cùng ILO đưa ra kết luận và khuyến cáo với các chính phủ rằng tiếp xúc với ami ăng không có ngưỡng an toàn và tất cả các loại ami ăng trong đó cả ami ăng trắng là loại ami ăng mà ngành công nghiệp ami ăng còn đang tranh cãi cũng đã được kết luận là gây hại cho sức khỏe, được xếp vào nhóm gây ung thư là nhóm 1A….. Nhóm 1A là nhóm có nguy cơ rất cao gây ung thư. Vậy thì ở Việt Nam chúng ta không cần phải có nghiên cứu chứng minh rằng ami ăng gây ung thư ở người Việt Nam nữa, mà chúng tôi nghĩ rằng lúc này đã biết ami ăng gây hại cho sức khỏe thì vì sức khỏe người dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải ngăn chặn ngay càng sớm càng tốt.

Việt Hà: cho đến lúc này chính phủ Việt Nam đã làm gì để ngăn chặn việc sử dụng ami ăng ở Việt Nam?

Bs. Trần Tuấn: thực ra nếu chính phủ Việt Nam thực hiện đúng tiến trình ra chính sách và không có sự vận động, lèo lái thì phải nói là Việt Nam đi rất sớm trong việc phòng chống tác hại của ami ăng. Năm 1976 Việt Nam đã đưa bệnh bụi phổi do tiếp xúc với ami ăng vào danh sách các bệnh nghề nghiệp. Đã vào danh sách các bệnh nghề nghiệp thì có nghĩa là nó có nguy cơ gây bệnh và phải được kiểm soát chặt chẽ. Năm 76 là năm mà thế giới còn sử dụng ami ăng rất rộng rãi, kể cả ở các nước công nghiệp, thì Việt Nam đã thực hiện các khuyến cáo ban đầu. Đến năm 2001 lúc đó có nghị định chính phủ, nghị định 115 do lúc đó là PHó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, không những chỉ cấm ami ăng màu là nhóm ami ăng thế giới kết luận rất động hại, và kết luận là đến năm 2004 thì ngừng sử dụng ami ăng trắng. Nếu đến nă 2004 mà Việt Nam thực hiện đúng tinh thần của nghị định đó thì Việt Nam là một trong những nước đi đầu ở Á châu trong việc cấm sử dụng ami ăng trắng trong sản xuất và đời sống. Rất tiếc tôi nghĩ là lúc đó có sự lèo lái của nhóm thủ lợi ami ăng dẫn đến mốc này bị lùi dần đến 2010, rồi lùi tiếp đến 2020, thậm chí năm 2013 vừa rồi còn đẩy tiếp đến 2030.

Việt Hà: trở ngại lớn nhất là gì, có phải là kinh phí không hay là vấn đề kỹ thuật, nó ảnh hưởng thế nào đến kinh tế xã hội Việt Nam?

Về mặt khoa học ami ăng gây hại cho sức khỏe, chứng minh việc đó thế giới đã làm rồi, Tổ chức ung thư quốc tế thuộc WHO đã tổng hợp các nghiên cứu suốt trong 50 năm vừa rồi ở nhiều nước khác nhau và đã có kết luận rồi

Bs. Trần Tuấn

Bs. Trần Tuấn: về mặt kỹ thuật chẩn đoán thì không khó khăn. Bằng chứng gần đây nhất tôi có được thông tin là có hai bệnh nhân được chẩn đoán ở tại trường đại học Y Hà Nội về ung thư chung biểu mô là ung thư chỉ báo do tiếp xúc với ami ăng. Với sự toàn cầu hóa, internet và giao lưu của các nhà khoa học trên thế giới thì sự chẩn đoán không còn là vấn đề khó khăn. Cái khó là gì, là quản lý các đối tượng, thói quen trong chẩn đoán của hệ thống y bác sĩ với các loại ung thư và người dân. Người ta không cần nói đến loại ung thư gì mà chỉ nghe là ung thư phổi, ung thư gan, thận… như thế làm cho người ta, kể cả bác sĩ đi đến bước tiếp theo mang tính dự phòng là nó có căn nguyên gì, tại sao, xác định căn nguyên đó để gắn nối. Đồng thời là hiện nay có tình trạng khi người dân sau khi được chẩn đoán bệnh vẫn đi đến các nơi khác nhau. Ví dụ khám ở đây rồi được chẩn đoán ung thư xong thì lại đến bệnh viện khác nên việc theo dõi bệnh nhân từ đầu đến cuối để xem xét điều trị còn khó khăn…. kinh phí điều trị thực sự là một gánh nặng lớn vì chi phí điều trị cho những trường hợp này là rất lớn tính hàng trăm ngàn đô la trở lên. Đây là kết quả nghiên cứu từ các nước Anh, úc, Nhật Bản. Đó là một gánh nặng thật sự không chỉ cho bệnh nhân mà còn cả ngành Y tế và Bảo hiểm Y tế của Việt Nam. Đó là một khó khăn rất lớn mà chúng ta bị thách thức.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Thưa quý vị, những thông tin mới nhất liên quan đến cuộc vận động cấm sử dụng ami ăng tại Việt Nam đã cho thấy một số kết quả khả quan. Đó là chính phủ Việt Nam cuối cùng đã ấn định mốc cấm sử dụng ami ăng trắng vào năm 2020. Bộ Y tế Việt Nam cũng đang xây dựng kế hoạch mang tầm quốc gia để thanh toán các bệnh liên quan đến ami ăng. Các tổ chức xã hội tại Việt Nam cũng đang đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền đến người dân tác hại của ami ăng. Bác sĩ Trần Tuấn cho biết Ủy ban dân tộc miền núi cũng cam kết xem xét và chấm dứt việc mua các vật liệu có sử dụng vật liệu ami ăng làm nhà cho đồng bào dân tộc và người nghèo. Bác sĩ Trần Tuấn cho biết ông hy vọng những chuyển biến tích cực vừa qua sẽ góp phần đẩy mạnh việc cấm sử dụng hoàn toàn ami ăng trong thời gian tới.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.