“Dịch rệp”
2010.09.09
Tình hình ấy khiến dân chúng rất lo ngại, vì các loại côn trùng ấy sinh sôi nẩy nở nhanh, và phạm vi lây lan rất rộng. Mới đây có tin dịch rệp hút máu người xuất hiện ở một số khách sạn Hà Nội.
Là một loại côn trùng
Như các quốc gia trong vùng nhiệt đới, khí hậu ở Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển và sinh nôi nẩy nở của nhiều loại côn trùng. Trước tiên là muỗi, một tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, và bệnh sốt rét nguy hiểm mà ai cũng biết và áp dụng các biện pháp phòng tránh và diệt muỗi. Ngoài ra, còn vô số các loại côn trùng khác như: kiến, rệp, các loài bọ xít, và vô số các loại ký sinh trùng khác cũng có thể gây bệnh cho người qua các vết đốt, hoặc nhẹ nhất thì cũng gây ngứa ngáy khó chịu.
Gần đây các báo trong nước loan tin “Hà Nội xuất hiện rệp hút máu”. Rệp được phát hiện trong nội thành Hà Nội do một số khách sạn có khách bị một loại côn trùng đốt gây mẩn ngứa, và khó chịu đến mức không ngủ được. Những vết đốt này cũng chảy một ít máu, thấm thành những chấm li ti trên khăn trải giường. Khách sạn đã gọi điện thoại báo cho các Viện Vệ sinh phòng dịch đến xem xét và phát hiện loại côn trùng gọi là rệp giường (bedbug), vì chúng rất ưa lẩn trốn trong chăn đệm, kẽ giường nên khó diệt.
Ngay sau khi xác định loại rệp này, người ta đã phun thuốc hoá chất diệt côn trùng như Fendona, Icon tại các phòng khách sạn nhưng vẫn không đạt hiệu quả, nhiều con rệp vẫn còn sống bò trên khắp các chăn đệm và trứng của chúng cũng không bị tiêu diệt.
Qua điều tra
dịch tễ, các chuyên gia cho rằng nguồn rệp tại khách sạn này có thể xuất phát từ
hành lý của một vị khách du lịch nào đó. Trên thế giới, dịch rệp đang hoành
hành tại một số nước
nên có thể do sự giao lưu đi lại của người dân và khách
du lịch mà dịch rệp xuất hiện ở Hà Nội.
Mấy con mạt, con rệp, con bọ thông thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém, tức là thiếu nước sạch và xà bông, rồi do tập quán sinh hoạt.
Ô. Nguyễn Xuân Mai
Nói chung về nguyên nhân sinh ra rệp, ông Nguyễn Xuân Mai, cựu Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Mấy con mạt, con rệp, con bọ thông thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém, tức là thiếu nước sạch và xà bông, rồi do tập quán sinh hoạt. Nhưng việc đó thì không có gì là khó xử lý cả, có đủ các loại hoá chất để xử lý nó.”
Theo định nghĩa của các nhà Côn trùng học, rệp là loài bọ nhỏ, thuộc nhóm động vật hút máu (Hematophagy). Theo các nhà khoa học, rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), mình dẹp, kích thước khoảng từ 4 – 5 mm, tiết chất hôi, hút máu người, chuyên sống ở kẽ giường, ghế, phản, trong chăn, đệm, chiếu gối, quần áo. Bình thường cơ thể chúng có màu vàng nhạt, nhưng khi hút no máu người hoặc động vật chúng chuyển thành màu nâu đỏ.
Vòng đời của rệp giường gồm 3 giai đoạn; trứng, ấu trùng, và trưởng thành. Trứng rệp màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1mm. Ấu trùng cũng giống với rệp trưởng thành nhưng kích thước nhỏ hơn.
Phát triển từ giai đoạn trứng đến trưởng thành cần một khoảng thời gian từ 6 tuần cho đến vài tháng, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường, và điều kiện dinh dưỡng. Rệp giường thường hút máu vào ban đêm, nhưng nếu có điều kiện thuận lợi, hoặc bị đói lâu ngày chúng cũng chích người vào ban ngày. Thời gian chúng đốt hút máu người khoảng 5-10 phút, và sau 2-3 ngày chúng lại hút máu một lần, hết con này đến con khác, gây ra những nốt mẩn đỏ đau, ngứa ngáy và khó chịu trên da. Đặc điểm là chúng có thể nhịn đói mà vẫn sống đến vài năm. Rệp giường cái đẻ trung bình 5 trứng/ngày, và trong vòng đời kéo dài khoảng từ 6 tuần đến vài tháng của một rệp cái chúng có thể đẻ từ 125 tới 500 trứng. Tốc độ lây lan của loại rệp này rất nhanh theo các vật dụng, bám vào quần áo di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Là tác nhân truyền bệnh
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Mai vấn đề tiêu diệt rệp tận gốc không phải là một việc đơn giản:
“Mình không thể tiêu diệt chúng được tận gốc mà mình chỉ đẩy chúng ra ngoài thiên nhiên, bởi vì chúng sống trong thiên nhiên hoang dã. Thế còn khu nhà ở của mình thì có quy trình kiểm soát côn trùng của Bộ Y tế, do đội y tế dự phòng thực hiện. Và có Viện Côn trùng - Ký sinh trùng ở cả 3 miền để thực hiện việc phòng chống này. Cho nên việc này không có gì phải quan ngại cả.”
Khi hỏi liệu rệp có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm hay không ông Nguyễn Xuân Mai cho biết:
“Cái đấy thì có gây nên một số bệnh chứ không phải là không, những những loại côn trùng có thể gây bệnh thì có thể kiểm soát được rồi. Thí dụ như bệnh Sốt Hồi quy là do con chấy, với lại con rệp cũng có thể truyền bệnh này... nhưng ở Việt Nam cơ bản là kiểm soát được vấn đề đó.”
Và ông Mai cũng giải thích về cơ chế lây truyền bệnh từ các giống côn trùng. Ông nói:
“Việc lây lan mầm bệnh từ côn trùng là qua vòi chích nó truyền bệnh vào cho người, còn các loại siêu vi thì từ con mẹ đẻ xong lây vào trứng. Nên nó truyền vi khuẩn trong nội bộ của nó, nó truyền theo đường mẹ truyền cho con, rồi con đi gây bệnh cho người khác.”
Ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng Phòng thí nghiệm Động vật y học, Khoa Côn trùng – Ký sinh trùng – Động vật y học, thuộc Viện Vệ sinh Phòng dịch quân đội cho biết, rệp giường không phải là loại côn trùng mới phát hiện ở Việt Nam. Nhưng chúng là một trong những loại ký sinh khó tiêu diệt được tận gốc nhất. Vì thế khi phát hiện có rệp giường thì phải tìm ra tiêu diệt cho bằng được.
Cũng đồng quan điểm với cựu Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Quang Thái, những con rệp có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch, sốt hồi quy hay còn gọi là recurrent fever, sốt Q, bệnh Tularemia, viêm gan B, v.v...Tuy nhiên cho đến nay chưa phát hiện những con rệp này gây lây truyền các chứng bệnh này cho người hay động vật bị đốt.
Bệnh nhân bị
sốt hồi quy sốt từng đợt 6, 7 ngày, kèm theo tình trạng mệt nhọc bơ phờ, gan và
lá lách sưng to. Sau một chu kỳ sốt như vậy đến
một chu kỳ không sốt, rồi sau đó lại có một cơn sốt khác kế tục. Bác sĩ phải chẩn
đoán bằng cách cho bệnh nhân làm xét nghiệm để tìm xoắn khuẩn hồi quy
trong máu hoặc nước tiểu.
Việc lây lan mầm bệnh từ côn trùng là qua vòi chích nó truyền bệnh vào cho người, còn các loại siêu vi thì từ con mẹ đẻ xong lây vào trứng.
Ô. Nguyễn Xuân Mai
Bệnh sốt Q là một bệnh nhiễm ở động vật mà có thể truyền sang cho người. Bệnh này do Coxiella burnetii, là một chủng loại vi khuẩn có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, và chúng có thể sống sót trong khoảng thời gian dài trong môi trường. Các loại gia súc là nguồn vật chủ yếu truyền bệnh.
Bệnh Tularemia – là một loại bệnh thường gặp ở thỏ và các loài gặm nhấm do khuẩn Francisella Tularensis gây ra có thể lây sang người và các động vật khác qua vết cắn của côn trùng.
Như vậy từ vết cắn của các loại côn trùng có thể gây ra rất nhiều bệnh từ các bệnh dị ứng ngoài da đến các bệnh sốt nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia vệ sinh y tế công cộng Việt Nam, trước đây loại rệp giường này cũng được phát hiện tại một số khu dân cư. Lúc bấy giờ người ta sử dụng hoá chất DDT để tiêu diệt chúng rất hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên hiện nay, DDT đã bị cấm sử dụng do hoá chất này có thể gây tác hại đến môi trường và sức khoẻ con người. Và việc sử dụng một số hoá chất hiện nay không có tác dụng tiêu diệt rệp, nên các chuyên gia buộc phải sử dụng nhiệt để tiêu diệt rệp. Đồng thời giặt chăn đệm bằng nước nóng, phơi ra nơi khô ráo. Để ngăn ngừa sự lây lan ra ngoài, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh triệt để, việc giặt giũ chăn đệm, giường chiếu phải được tiếp tục duy trì trong vài tháng nữa để diệt cả lớp rệp non từ trứng nở ra.
Khó tiêu diệt
Liên quan đến việc dùng hoá chất diệt côn trùng, mới trong tháng 8 này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ vừa đưa ra cảnh báo nguy hại đối với việc một số người sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng dùng ngoài thiên nhiên để xịt trong nhà. Do việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng bị lạm dụng quá mức đã dẫn đến việc một số hoá chất không còn tác dụng tiêu diệt đối với một vài loại côn trùng, trong đó có rệp. Vì vậy một số người đã dùng các loại hóa chất mạnh và nguy hiểm hơn để tiêu diệt chúng. Những hoá chất này gây tác hại cho hệ thần kinh trung ương, gây dị ứng da, dị ứng mắt, và thậm chí một số loại còn được khuyến cáo là có thể gây ra ung thư.
Tại Tiểu
bang Ohio, Hoa kỳ do phải đương đầu với dịch côn trùng xuất hiện tại các thành phố Cincinati, Columbus, Dayton và một số thành phố lớn khác,
các giới chức điạ phương đã đề nghị với Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho phép được
sử dụng trong nhà loại thuốc diệt côn trùng có gốc propoxur. Loại hoá chất diệt
côn trùng này được xem là nguy hiểm vì có thể gây ra ung thư và đã bị cấm sử dụng
trong nhà từ năm 2007. Mặc dù đến 25 Tiểu bang ủng hộ đề nghị này của Tiểu bang
Ohio để xin được miễn giảm để được phép dùng loại thuốc diệt côn trùng cực mạnh
này trong nhà trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng hồi tháng 6 cơ quan chức năng
không phê duyệt đề nghị này. Ông Dale Kemery, phát ngôn viên của Cơ quan Bảo vệ
Môi trường cho hay cơ quan ông cam kết sẽ tìm một loại hóa chất mới và có hiệu
lực để tiêu diệt loài rệp này.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ vừa đưa ra cảnh báo nguy hại đối với việc một số người sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng dùng ngoài thiên nhiên để xịt trong nhà.
Bà Marion Ehrich, chuyên gia nghiên cứu chất độc thuộc Đại học Thú Y khu vực Virginia-Maryland ủng hộ quyết định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Theo bà, các nhà nghiên cứu về nạn rệp đều không hồ hởi trong việc dùng propoxur để tiêu diệt rệp trong nhà.
Ngoài ra, nhà côn trùng học Lyn Garling của Đại học Penn State cũng nhấn mạnh thêm, propoxur không phải là một liệu pháp tối ưu để diệt trừ rệp vì với thời gian sử dụng, loại hoá chất này sẽ kháng với rệp.
Tựu trung việc phát hiện nguồn lây từ các loại côn trùng để có biện pháp xử lý kịp thời là rất quan trọng, để chúng không kịp nhân ra lan nhanh trong cộng đồng. Để phòng ngừa rệp, trong gia đình hoặc tại các khách sạn, khu nghỉ mát mọi người cần thường xuyên kiểm tra giường đệm, quần áo, vệ sinh giường ngủ thường xuyên. Khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ có rệp, nên đun nước sôi, hoà với thuốc diệt rệp để tưới vào các khe kẽ rệp có thể ẩn náu, giặt khăn trải giường, mền, áo gối bằng nứơc nóng, và phơi ra chỗ nắng.