Có thể tránh được nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh
2010.08.05
May mắn thay, nay đã có các loại thuốc có khả năng chống lây HIVsang trẻ sơ sinh cho những bà mẹ bị nhiễm HIV. Và có thể trong vài năm tới, sự lan truyền virus HIV từ mẹ sang trẻ sơ sinh có thể hoàn toàn tránh được.
Quỳnh Như xin mời quý vị cùng tìm hiểu vấn đề làm thế nào để trẻ sơ sinh không bị nhiễm virus HIV từ bà mẹ trong chương trình Sức khỏe và Đời sống kỳ này.
Có thể phòng tránh
Trong khi tham khảo ý kiến chuyên môn để thực hiện chương trình này, Quỳnh Như đã may mắn được trao đổi với một nữ bác sĩ đang làm việc cho một bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Bà cũng là một chuyên gia đang nghiên cứu vấn đề “Phòng tránh HIV lây nhiễm từ mẹ sang con.” Tuy nhiên, vì bà không muốn tiết lộ danh tính, nên trong chương trình, xin được gọi bà là bác sĩ X.
HIV là tên viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh Human Immuno-deficiency Virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Và AIDS là một hội chứng xuất hiện vào giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
Bác sĩ X cho biết:
Đã
có nhiều thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng việc sử dụng thuốc kháng virus HIV
có thể làm giảm một cách đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tỉ lệ này giảm
đến mức còn khoảng từ 3 – 5% nếu như người mẹ bị nhiễm HIV được điều trị đúng
phác đồ.
Đã có nhiều thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng việc sử dụng thuốc kháng virus HIV có thể làm giảm một cách đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV.
Bác sĩ X
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV có khuynh hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng từ 30 – 40%. Như vậy số trẻ sinh ra mang virus HIV ngày càng gia tăng tại tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên đã có một triển vọng mới để phòng tránh việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Trong báo cáo thường niên của Quỹ phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (The Global Fund To Fight AIDS, Tuberculosis and Malaria), Giám đốc điều hành Michel Kazatchkine cho biết, nếu toàn xã hội đẩy nhanh việc đầu tư cho công tác phòng, chống HIV với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2015 trên thế giới nhiều khả năng sẽ không xuất hiện trẻ em khi sinh ra đã mang virus HIV lây nhiễm từ mẹ.
Để đi sâu vào vấn đề, trước tiên chúng ta cần hiểu HIV lây truyền qua con đường nào và trong điều kiện ra sao?
HIV lây truyền qua 3 cách chính: quan hệ tình dục, qua đường máu, và cuối cùng là lây từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, hoặc là trong khi sinh và khi cho con bú sữa mẹ.
Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, phải có một lượng HIV đủ lớn mới có thể tạo ra sự lây nhiễm. Mặc dù HIV tồn tại trong rất nhiều chất dịch của cơ thể con người nhưng có những dịch không có chứa HIV hoặc là chứa rất ít không đủ để có thể làm lây nhiễm, chẳng hạn như: dịch nước bọt, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi...
HIV có nhiều nhất ở trong máu và trong chất dịch sinh dục, và đây là thủ phạm làm lây nhiễm virus HIV lớn nhất. Ngoài ra, sữa mẹ cũng có khả năng làm lây nhiễm HIV, nhưng ít hơn nhiều so với máu và các dịch tiết của cơ thể.
Cơ cấu lây nhiễm
Virus phải xâm nhập vào trong cơ thể thì bệnh nhân mới có khả năng lây nhiễm. Bình thường lớp da bên ngoài cơ thể là một vỏ bọc chắc chắn, nếu không bị sây sát gì thì HIV không đi qua được. Virus HIV đi được vào cơ thể theo kim tiêm đâm vào đường máu, thêm nữa nó cũng có thể đi vào cơ thể qua các vết xước ở da. Ngoài ra, nó còn đi qua được lớp niêm mạc bên trong các cơ quan sinh dục để vào máu.
Bác
sĩ X. giải thích, sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra qua 3 giai đoạn.
Thứ nhất là trong thời kỳ bà mẹ mang thai. Sự lây truyền của HIV qua con đường
này có thể xảy ra rất sớm, ngay 8 tuần đầu khi người mẹ mang thai, và có thể
kéo dài trong suốt cả thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai
cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng từ 20 – 30% số trẻ bị lây
truyền HIV từ mẹ được cho là bị lây truyền qua nhau thai. Nếu người mẹ bị nhiễm
HIV ở giai đoạn muộn mới mang thai thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao vì khi
đó nồng độ HIV trong máu rất cao.
Người ta khuyên rằng những người mẹ bị nhiễm HIV tuyệt đối cho con bú bằng sữa thay thế vì virus HIV có thể đi qua sữa mẹ để lây nhiễm cho con.
Bác sĩ X
Thứ
nhì, việc lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể diễn ra khi chuyển dạ và trong
khi sinh. Sự lây truyền này có thể xảy ra muộn chỉ trong thời kỳ chuyển dạ.
Nguyên nhân là khi chào đời qua đường sinh dục của mẹ, đứa trẻ đã tiếp xúc trực
tiếp với các dịch âm đạo như nuốt nước ối, hoặc do sự trao đổi máu giữa thai
nhi và người mẹ khi chuyển dạ. Ở giai đoạn này các cơn đau co thắt tử cung của
người mẹ có thể bơm mạnh máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ
dễ bị nhiễm HIV.
Có khoảng 50 – 60% số trẻ bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Hơn nữa nguy cơ này sẽ tăng lên trong các trường hợp đẻ khó, thời gian chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị xây xát, thai nhi bị xây xước, sang chấn...
Điểm
quan trọng là thời gian từ khi vỡ ối đến lúc sinh càng kéo dài thì nguy cơ lây
truyền HIV từ mẹ sang con sẽ càng cao. Nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi
vỡ ối - mà chưa sinh, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.
Giai đoạn cuối cùng bà mẹ có thể lây nhiễm cho trẻ sơ sinh là khi cho trẻ bú sữa mẹ, do đó vị nữ bác sĩ này đã đưa ra lời khuyên đối với những bà mẹ đã bị nhiễm HIV:
Người ta khuyên rằng những người mẹ bị nhiễm HIV tuyệt đối cho con bú bằng sữa thay thế vì virus HIV có thể đi qua sữa mẹ để lây nhiễm cho con.
Từ những hiểu biết về cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi bà mẹ có mang virus HIV, bác sĩ X. phân tích:
Thứ nhất là trong giai đoạn mang thai người ta phải cho các sản phụ bị nhiễm uống các loại thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có thể bắt đầu vào tuần lễ thứ 28 của thai kỳ. Đó là một phác đồ mà hiện tại Việt Nam đang sử dụng. Còn tại các nước khác có thể họ cho sản phụ này uống thuốc sớm hơn (tuần lễ thứ 28 của thai kỳ.) Tùy theo từng quốc gia sẽ có các phác đồ riêng khác nhau. Và để tác động vào giai đoạn chuyển dạ và trong khi sinh thì các bác sĩ sản khoa sẽ cố gắng làm sao giữ cho màng ối còn nguyên cho đến khi cổ tử cung mở trọn, và tránh tối đa tất cả các thủ thuật có thể làm sang chấn cho trẻ trong khi sinh.
Ngoài
ra cũng để làm giảm tỉ lệ lây nhiễm cho con thì cũng có nhiều nghiên cứu của
các quốc gia trên thế giới như ở Mỹ, Anh Đức hoặc châu Âu thì họ cho rằng việc
mổ lấy thai chủ động sẽ làm giảm hơn nữa tỉ lệ lây nhiễm cho con. Và những
nghiên cứu này cũng cho thấy những người mẹ bị nhiễm HIV nếu được điều trị dự
phòng và kết hợp với việc mổ lấy thai chủ động thì khả năng lây nhiễm cho con
là dưới 1%. Đây là một con số thực sự đáng quan tâm.
Là một chuyên gia nghiên cứu về sự lây nhiễm HIV của trẻ sơ sinh, đồng thời cũng là một bác sĩ điều trị trên lâm sàng, bác sĩ X.cho biết về tỉ lệ trẻ bị lây nhiễm HIV như sau:
Năm 2008, tỉ lệ trẻ lây nhiễm HIV cũng gần giống như con số thống kê tại các nứơc khác; tỉ lệ của họ là từ 3 – 5%, còn ở Việt Nam là 5,1%, nhưng đến năm 2009 tự nhiên thấy con số này có nhích lên một chút, đâu tới khoảng gần 6%. Thực sự bây giờ cũng chưa hiểu lý do vì sao con số này tăng lên như vậy, chưa tìm ra được nguyên nhân là do đâu.
Theo
số liệu mới công bố của Bộ Y tế, hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng một triệu
rưỡi phụ nữ sinh nở, trong số này có khoảng gần 6,000 bà mẹ bị nhiễm virus HIV,
và 35% số sản phụ này có nguy cơ lây truyền virus HIV sang cho trẻ sơ sinh.
Những người mẹ bị nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng và kết hợp với việc mổ lấy thai chủ động thì khả năng lây nhiễm cho con là dưới 1%.
Vì vậy nếu không có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho trẻ sơ sinh thì mỗi năm sẽ có khoảng 2,000 em bé sơ sinh bị nhiễm HIV do truyền từ mẹ sang. Nhưng nếu bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV được phát hiện kịp thời, và được điều trị đúng cách thì tỉ lệ này có thể được giảm rất nhiều và chỉ còn khoảng dưới 2%. Do vậy các sản phụ mang virus HIV hoàn toàn có thể hy vọng sinh ra con khỏe mạnh bình thường nếu có được sự hiểu biết nhất định khi áp dụng các biện pháp can thiệp giảm sự lây nhiễm.