Bệnh ung thư và thói quen ăn uống

Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới, hiện nay mỗi năm có trên 10 triệu người mới mắc bệnh ung thư, hơn 6 triệu rưỡi người tử vong và trên 24 triệu rưỡi người sống chung với căn bệnh ngặt nghèo này.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.04.21
DSCN0408-305.jpg Bánh mình thịt gà nướng, hình chỉ mang tính minh họa.
RFA PHOTO

Tổ chức này cũng dự đoán, nếu không có biện pháp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ung thư thì đến năm 2020 số ca bệnh ung thư mới và số tử vong do bệnh này sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Lối sống công nghiệp hóa


Gần đây các nhà nghiên cứu y khoa đưa ra phát hiện chứng minh rằng nguyên nhân gây ra ung thư còn do ảnh hưởng của các điều kiện sống như thói quen ăn uống và lối sống.

Thưa quý vị, trước đây người ta vẫn cho rằng các bệnh về ung thư là một căn bệnh ngặt nghèo “Trời kêu ai nấy dạ”, nguyên do bởi sự biến đổi của gien và tế bào. Nhưng gần đây các nhà chuyên môn đã chứng minh rằng, phần lớn ung thư xuất hiện là do con người. Đó là hậu quả từ thói quen, lối sống cuả chính bản thân con người.

Những chất có nitrat vào trong bao tử thì nó có thể trở thành chất nitrosamine. Thì về lâu về dài, nếu cứ ăn nhiều hoài, thì nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
BS Nguyễn Chấn Hùng

Trong Hội thảo Phòng chống Ung thư toàn quốc lần thứ 13 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng khẳng định chỉ tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có khoảng 5.500 ca mắc bệnh ung thư mới, trong đó đến 80% là do tác hại từ thói quen sống theo lối công nghiệp hóa, chế độ ăn uống thiếu khoa học, nghiện hút thuốc lá. Ông nói:

“Người ta nhận thấy bây giờ ở các nơi, thí dụ như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn quốc hiện người ta ăn một chế độ dính tới muối mặn nhiều quá. Thí dụ như kim chi, nhưng ở Việt Nam thì người ta ăn khô, ăn mắm, cà pháo, mắm tôm. Những chất đó có chất nitrat vào trong bao tử thì nó có thể trở thành chất nitrosamine. Thì về lâu về dài, nếu cứ ăn nhiều hoài, thì nó có thể làm tăng nguy cơ. Nhưng cũng không phải chỉ riêng nó mà cộng thêm trong người có con vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori, vi khuẩn này trong người làm viêm bao tử thì về lâu có thể sinh ra ung thư. Còn đối với ruột già, nếu ăn theo lối Tây phương như ăn các loại thức ăn nhanh (fast food), các thức ăn béo, ăn các thức ăn làm tăng cân, ăn xúc-xích, hay các thức ăn hun khói, cũng là các thức ăn để dành lâu. Rồi ăn fromage béo quá, hay ăn thịt bổ quá, cộng lại nhiều những cách ăn theo kiểu Tây phương như vậy mà ít ăn rau, trái cây thì cũng tăng nguy cơ của ung thư ruột. Rồi khói thuốc lá cũng cộng thêm với vấn đề ăn uống và con vi khuẩn đó, nó quyện lại thì làm tăng nguy cơ nhiều. Chứ không phải chỉ là vấn đề ăn uống không mà thôi.” 

Cũng đồng quan điểm trên, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Hà Nội nhấn mạnh, tất cả các tác động lên nhân tế bào đều có thể gây ra ung thư, và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, tỉ lệ tế bào tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài thì thức ăn đóng một vai trò quan trọng, chiếm đến 35 % nguyên nhân gây ung thư, 30% các trường hợp ung thư là do thuốc lá, 3% là do các đồ uống có chứa rượu bia, và 1% là do các chất phụ gia đưa vào thực phẩm. 

Ung thư là gì? Theo các nhà chuyên môn đó là hiện tượng đột biến của tế bào. Khi tế bào bị đột biến sẽ sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn định, không tuân theo quy luật bình thường, và do vậy sẽ tạo thành những khối u. Khi khối u phát triển thành ác tính thì đó là ung thư.   

Banh-Cuon-Tay-Ho-03-250.jpg
Một tiệm bán bánh cuốn, hình minh họa. RFA PHOTO.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho hay, một chế độ dinh dưỡng nạp nhiều chất béo, ít chất xơ có liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư đại tràng. Lượng chất béo trong khẩu phần ăn gia tăng có thể là nguyên nhân của một số loại bệnh ung thư ở tuyến tiền liệt, đặc biệt là ung thư vú ở nữ giới. Các nhà nghiên cứu Hoa kỳ đã chứng minh được mối liên hệ giữa bệnh ung thư vú và chế độ ăn với lượng axít béo no cao.    

Một số nghiên cứu tại Anh quốc trong thời gian gần đây cho thấy, trên 1,2 triệu người uống ít nhất là một ly rượu mỗi ngày thì sau bảy năm đã có gần 70.000 người bị ung thư. Các loại ung thư thường gặp do rượu là ung thư vú, ung thư gan, thực quản, dạ dày, tụy. Nếu vừa uống rượu vừa hút thuốc thì ngoài những ung thư kể trên còn gia tăng thêm các nguy cơ về ung thư vòm họng, khoang miệng.

Thức ăn nướng


Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới, WHO khuyên mọi người không nên ăn các loại thức ăn bị cháy trong quá trình chế biến, vì chất Asparagin có trong thực phẩm dưới nhiệt độ cao sẽ kết hợp với đường tự nhiên trong rau quả hay thức ăn giàu carbonhydrat như gạo, ngũ cốc, bánh mì, khoai tây, tạo thành acrylamid, đây là tác nhân chính gây ung thư.

Thật ra hút thuốc lá là một nếp sống, một thói quen. Người hút thuốc lá thì rõ ràng là không phải chỉ có thể bị ung thư phổi không thôi, mà còn chừng 15 loại ung thư.
BS Nguyễn Chấn Hùng

Đối với các thức ăn nướng bị cháy hay chiên bằng dầu mỡ sử dụng nhiều lần nên hạn chế tối đa. Vì khi nướng ở nhiệt độ 250 độ C trở lên, lớp mỡ trên thịt rơi xuống lửa than bị đốt cháy và tạo thành benzopyren sẽ bám trên bề mặt thịt. Chất này cũng có khả năng dẫn đến ung thư. Do vậy, thịt xông khói, các thức ăn nướng có liên quan chặt chẽ với ung thư khoang miệng và ung thư đường tiêu hóa.

Thịt ướp muối làm xúc xích, lạp xưởng... là những món ăn phổ biến trong cuộc sống hiện tại nhưng nếu đem rán ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành những hợp chất nitrosamine gây ung thư. Mức tiêu thụ chung của các thực phẩm bảo quản bằng muối và việc dùng muối hằng ngày nên vừa phải (không quá 6g muối/ngày). Vì các nitrit, nitrat thường có trong chất bảo quản thịt, cá và thực phẩm chế biến sẽ gây ra ung thư dạ dày, thực quản.

Tuyệt đối không ăn thực phẩm hoặc các loại ngũ cốc bị nhiễm nấm mốc do khâu bảo quản, nhằm tránh tiếp xúc với độc tố Aflatoxin.

Khi ăn những thực phẩm có hóa chất độc hại, cơ thể không có đủ khă năng tự đào thải theo đường tiêu hóa mà sẽ tích tụ trong gan, tủy, xương và trong các mô, hay ngấm vào các cơ quan nội tạng. Ví dụ như các hóa chất độc hại được sử dụng để bảo quản rau, củ, hoa quả có tác dụng làm biến đổi gien làm cho những tế bào của cơ thể phát triển đột biến, dẫn đến ung thư. Trong vấn đề này có sự thiếu ý thức của các nhà sản xuất, và chăn nuôi sử dụng các hóa chất trong việc chăn nuôi hay trong khâu chế biến thực phẩm, và sự lỏng lẻo của các cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.      

MG_0561_1366-250.jpg
Các bạn trẻ tại TPHCM, hình minh họa. RFA PHOTO.
Thuốc trừ sâu Nitrofen là chất gây ung thư tồn tại nhiều trong thức ăn gia cầm nhưng lại gián tiếp gây độc cho người qua trứng gà vịt hay ngũ cốc đã bị nhiễm độc. Hay việc sử dụng một số phẩm nhuộm thực phẩm có thể gây ra ung thư, như chất Paradimethyl Amino Benzen, dùng để nhuộm bơ thành "bơ vàng", có khả năng gây ung thư gan. Chất Rhodamine B có màu đỏ dùng làm phẩm nhuộm bị trộn với ớt bột cho có màu đỏ đẹp cũng có thể gây ung thư.  

Các thói quen


Không chỉ có những tập tục về ăn uống thu nạp những chất có khả năng gây ung thư cho con người. Các thói quen trong cuộc sống cũng đưa cơ thể đến nguy cơ bị ung thư. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, cựu Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Thật ra hút thuốc lá là một nếp sống, một thói quen. Người hút thuốc lá thì rõ ràng là không phải chỉ có thể bị ung thư phổi không thôi, mà còn chừng 15 loại ung thư. Trong khói thuốc lá có 60 chất gây ung thư. Nhưng thuốc mà cộng thêm với rượu thì nó làm tăng tốc độ bị ung thư. Nhưng phải là bị lâu năm. Hút thuốc mạnh bắt đầu từ 20 năm, chứ không phải trước mắt, một ngày, một buổi. Chẳng những chỉ có người hút thuốc lá, mà khói phà ra khắp hết ráo, làm ô nhiễm không khí mà các người khác hít vô. Thành ra tôi hay nói chồng hút, vợ hít, cha hút con hít. Thì những người hít cũng có nguy cơ bị tăng lên. Khói thuốc là một chất độc không ngờ được, người ta không ngờ cứ tưởng nó thường thôi. Vậy thì thói quen làm nguy cơ ung thư bị tăng lên.”       

Không phải thói quen, mà trong vấn đề môi trường là những con virus. Virus viêm gan, người ta gọi là HBV (Hepatitis B) hay là HCV (Hepatitis C), thì về lâu nó sẽ gây ra ung thư.
BS Nguyễn Chấn Hùng

Ngoài ra, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng cho hay ung thư là bệnh không lây nhưng hiện nay khoa học đã xác định có một số loại bệnh ung thư do các virus, vi khuẩn gây ra. Khoảng 20% các loại ung thư trên thế giới là do các tác nhân gây nhiễm gồm các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ông cho biết:     

“Một vấn đề khác không phải thói quen, mà nằm trong vấn đề môi trường là những con virus. Virus viêm gan, người ta gọi là HBV (Hepatitis B) hay là HCV (Hepatitis C), thì về lâu nó sẽ gây ra ung thư. Việt Nam hay ở các nứơc nghèo có nhiều người bị viêm gan lắm, ở Trung Qúôc cũng vậy. Hiện giờ bệnh ung thư gan ở Việt Nam được người ta xếp loại nhiều nhất, là do để lây các con virus đó, thì nó cũng nằm trong môi trường. Phụ nữ thì bị lây nhiễm con virus HPV quan quan hệ tình dục thì về lâu nó sẽ gây ra ung thư cổ tử cung. Vậy thì thói quen, và nếp sống dính líu với nhau.”         

Những thói quen về ăn uống, và chất lượng của những loại thực phẩm đưa vào cơ thể đóng một vai trò hết sức quan trọng vì chúng có thể dẫn đến nhiều tác nhân gây ung thư cho cơ thể. Vấn đề trước mắt khi chưa có những biện pháp ngăn ngừa các loại hóa chất trong thực phẩm một cách triệt để, chúng ta cần tự ý thức trong việc lựa chọn thức ăn và thận trọng trong khâu chế biến và bảo quản để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn. Đồng thời một lối sống lành mạnh kết hợp với việc tăng cường các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khoẻ cũng sẽ giúp phần nào ngăn ngừa được bệnh tật.

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
27/04/2011 01:04

Cho mình hỏi bài nhạc cuối phần nghe tên gì vậy?