Chất Flo đối với răng

Ai cũng biết chất Flo rất cần thiết đối với cơ thể vì nó tham gia vào quá trình cấu tạo răng và xương, nhưng việc thừa hay thiếu Flo đều đưa đến những tác hại.

0:00 / 0:00

Gần đây báo chí trong nước loan tin một bệnh lý về răng ở khu vực dân cư 8 xã của thị xã Ninh Hòa, thuộc tỉnh Khánh Hòa, mà dân chúng gọi là bệnh “chết răng”.

Theo mô tả, hầu hết thân răng của người lớn hay trẻ em vùng này đều có những biểu hiện như ngả sang màu vàng ố, hay bị những chấm đen lốm đốm. Cơ quan Y tế điạ phương phối hợp với ngành Y tế Tỉnh nghiên cứu vấn đề này và bước đầu kết luận là do nguồn nước sử dụng ở địa phương có chứa nhiều chất Flo nên cơ thể dư thừa chất này.

Quỳnh Như mời quý vị cùng tìm hiểu về hiện tượng kỳ lạ này trong Chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay.

Đa phần chúng ta quan tâm đến việc chăm sóc vệ sinh răng miệng, nhưng ít người lưu ý tới việc chất Flo rất cần thiết trong việc cấu tạo men răng. Flo (Flour) là chất gì mà lại có những ảnh hưởng to lớn như vậy?

Chất Flo là một trong số các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể với chức năng để thực hiện sự trao đổi chất. Trong Nha khoa, Flo là một chất rất cần thiết cho việc củng cố men răng. Bác sĩ Nha khoa Nguyễn Diệu Liên Hương, hiện đang hành nghề tại tiểu bang California, Hoa kỳ cho biết:

“Nếu không có Flo thì men răng dễ bị sâu, và xương cũng bị yếu đi. Thành ra từ trước tới nay ở các nước tiên tiến, thường người ta hay cho Flo vào trong nước thường xuyên để trẻ con sau này lớn lên có số lượng Flo vừa đủ, giúp củng cố men răng cứng hơn.

Vì có những điều nghiên người ta tìm thấy rằng nếu thiếu Flo thì răng dễ mục và dễ bị sâu. Thường sau khi clean răng trẻ em, Nha sĩ cũng cho Flo, cái chất gel lên trên răng của trẻ để giúp cho răng được cứng, được tốt, ít bị sâu răng. Đó là cách phòng ngừa sâu răng bằng Flo.”

Hiện tượng "chết răng"

Đề cập đến trường hợp hiện tượng “chết răng” ở Ninh Hòa, qua việc cập nhật thông tin trong nước Bác sĩ Liên Hương cho biết:

thegioisuckhoe.com-250.jpg
Chăm sóc răng tại BV. Photo courtesy of thegioisuckhoe.com (Chăm sóc răng tại BV. Photo courtesy of thegioisuckhoe.com)

“Hiện giờ ở Việt Nam tôi có nghe nói ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa người dân ở đây răng bị hư gọi là “chết răng” - đó là cách gọi dân dã, nhưng theo bài đọc đó thì tôi nghĩ rằng cái đó là do dư Flo. Dư Flo nó làm cho những cái răng bị hỏng lúc tạo men răng, tức là mặt ngoài của răng, là phần cứng nhất của răng, bảo vệ lớp bên ngoài của răng, rồi mới tới ngà răng, tuỷ răng ở bên trong. Cái răng so ra cứng hơn xương. Thành ra nếu một khi men răng bị hỏng thì ảnh hưởng bên trong cũng đáng kể. Và thường ảnh hưởng nhiều nhất là nó làm cho men răng có từ những đốm đục cho tới những mảng đục, và đổ ra màu vàng, màu nâu lốm đốm, rất khó coi.”

Nhắc đến bệnh “chết răng”, Bác sĩ Nguyễn Trọng Liêm, Trưởng phòng Y tế thị xã Ninh Hòa, đồng thời là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về điều tra tổn hại răng ở khu vực phía tây thị xã Ninh Hòa cho hay, trong 8 xã ở khu vực phía tây của thị xã Ninh Hòa với hơn 60.000 người dân, thì có khoảng hơn 10.000 trẻ em đang bị những tổn hại trực tiếp về răng.

Đầu tiên những chiếc răng này ngả từ màu vàng sang đen, sau đó răng trở nên dễ vỡ thành nhiều mảnh, hoặc thậm chí có thể bị vỡ vụn. Và hầu hết trẻ em trong khu vực đều bị tổn thương răng từ cấp độ 3 trở lên.

Cái răng cái tóc là gốc con người. Chính vì vậy, đối với những người dân mắc phải chứng bệnh kỳ lạ về răng như vừa kể thì đây là một sự khó chịu, thậm chí còn là nỗi đau khổ và sự mặc cảm đối với các thiếu nữ. Và ít người dám hé răng cười trước mặt người lạ vì ngại ngùng với hàm răng kém thẩm mỹ. Theo Bác sĩ Liêm, việc này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn tác động đến sức khỏe của người dân nơi đây về lâu dài.

Ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa cho hay, tỉnh đã phối hợp với phòng Y tế thị xã Ninh Hòa thực hiện công trình nghiên cứu về hiện tượng này từ nhiều năm nay. Theo kết quả điều tra nghiên cứu bước đầu, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cả làng răng đen là do hàm lượng Flo trong nước sinh hoạt ở địa phương quá cao.

Chất Flo được cơ thể hấp thu bằng cách nào? Bác sĩ Nguyễn Trọng Liêm cho biết thêm, Flo đi vào cơ thể qua đường thực quản và được hấp thụ qua các tế bào da do sử dụng nguồn nước chứa fluor. 50% Flo hấp thụ trong cơ thể sẽ bị bài tiết ra khỏi cơ thể qua thận, và phân nửa còn lại sẽ tích tụ trong răng và xương. Nếu thừa chất này trong cơ thể lâu dài đến khi trưởng thành người bệnh có thể phải đối mặt với những bệnh về xương, cột sống, sỏi thận đe dọa đến sức khỏe và cả tính mạng.

Khi hàm lượng của các nguyên tố vi lượng đưa vào cơ thể thấp hơn hay cao hơn ngưỡng giới hạn thì đều có thể trực tiếp hay gián tiếp gây ra một số bệnh. Đối với việc cấu tạo răng, tình trạng thiếu hay thừa chất Flo đều đưa đến những tác hại. Bác sĩ Liên Hương giải thích:

“Thiếu chất Flo thì răng dễ bị sâu và dễ mục. Flo ngấm vào răng ở tuổi tạo nên men răng. Có nhiều trẻ em khi nhỏ thiếu Flo, thì men răng ở bên ngoài dễ bị mục, và xương cũng vậy.

Người ta nói xương cũng bị xốp theo. Trường hợp thiếu Flo đã nguy hiểm rồi mà trường hợp dư Flo thì rất là phiền phức. Chứng đó gọi là Fluorosis, là dư Flo, thì nó lại tạo nên một ảnh hưởng rất kỳ cục.

Ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa người dân ở đây răng bị hư gọi là “chết răng” - đó là cách gọi dân dã, nhưng theo bài đọc đó thì tôi nghĩ rằng cái đó là do dư Flo.

Bác sĩ Liên Hương

Có những thứ nhiều hơn, ít hơn không hại bao nhiêu, nhưng lại có những chất cần vi lượng rất nhỏ. Nếu thận còn tốt thì chất gì nó cũng có thể bài tiết được, nhưng có thể cái thận không đủ tinh vi để lọc tới một vi lượng nào đó mà có hại cho men răng hay không. Thành ra cái tốt hơn hết là khi mình đã biết những chuyện như vậy, thì cố gắng để cho chất Flo đừng vào cơ thể trước khi thận có thể lọc được hết hay không.”

Bác sĩ Nguyễn Trọng Liêm, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về bệnh “chết răng” ở Ninh Hòa nói rằng, về mặt khoa học Flo là một chất có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như giúp ngăn ngừa sâu răng, tham gia cấu trúc xương và dây chằng, kích thích tổng hợp collagen ở giai đoạn đầu để khôi phục xương gãy. Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể, thành phần chủ yếu của men răng là apatit, Flo có thể ngấm vào men răng và tạo thành Flo - roapatit, làm cho răng cứng chắc hơn và ít bị ăn mòn bởi axit từ đó tránh bị sâu răng. Tất cả những tác dụng trên là không thể phủ nhận khi fluor được dùng ở lượng đúng tiêu chuẩn cho phép. Còn như ở khu vực Ninh Hòa này, với nồng độ Flo vượt quá ngưỡng 18 lần thì lại có phản ứng ngược.

Vai trò của Flo

Bác sĩ Liên Hương cũng phân tích rõ hơn về vai trò của chất Flo trong quá trình cấu tạo răng:

“Ảnh hưởng của Flo đối với cơ thể nhiều nhất là ở những trẻ em trong độ tuổi thành lập men răng của mầm răng từ trong xương, chứ không phải tới khi cái răng mọc ra rồi mới bị ảnh hưởng, cái ảnh hưởng đó từ 3 tháng đến 4 tuổi. Ngoài tám tuổi, ảnh hưởng về Flo trong nước uống hay trong thức ăn thì không còn nhiều nữa. Tôi nghĩ, điều mà người dân ở đó nhận xét là cái răng chết thì thật sự nó không chết, tuỷ bên trong vẫn còn.

000_APP2001062062639-250.jpg
Nhỏ Vitamin D3 có chất Flour cho trẻ sơ sinh. AFP photo (Nhỏ Vitamin D3 có chất Flour cho trẻ sơ sinh. AFP photo)

Theo tôi nhận xét ở một số bệnh nhân, bằng thăm khám thường xuyên trên hàm miệng của họ, thì những người bị nhiễm Flo nhiều như vậy thì răng có những đốm đục như phấn hoặc như bị vàng, bị nâu, rất xấu làm người ta rất khó chịu. Và khi men răng đã bị như vậy thì không phải chỉ một cái mà bị nhiều hơn một răng, thành ra cái vấn đề người ta sợ nhất là thiếu thẩm mỹ. Còn nói về ảnh huởng làm chết cái răng thì tôi thấy là gân máu bên trong của răng vẫn bình thường, không đến nổi bị hư vì cái bên ngoài xấu như vậy.”

Trở lại trường hợp bệnh “chết răng” như trường hợp của những người dân ở Ninh Hòa, để điều trị chứng này, theo bác sĩ Nha khoa Liên Hương có thể áp dụng biện pháp can thiệp từ khi còn là trẻ sơ sinh:

“Để tránh vấn đề đó, theo thiển ý của tôi, chúng ta có thể can thiệp một cách nhất thời và giản dị nhất là đối với những trẻ em còn nhỏ cố gắng cho các em uống hay súc miệng bằng nứơc uống riêng, không phải ở tại vùng đó. Những nhà có con nhỏ cố gắng để ý cho các cháu uống và ăn những chất không lấy nước từ giếng, từ sông của vùng đó mà nên mua nước cho những cháu nhỏ uống, người lớn thì không kể nữa rồi vì sau 4 tuổi và nhất là sau 8 tuổi thì men răng sẽ không ngấm chất Flo nhiều nữa.

Thiếu chất Flo thì răng dễ bị sâu và dễ mục. Có nhiều trẻ em khi nhỏ thiếu Flo, thì men răng ở bên ngoài dễ bị mục, và xương cũng vậy. Trường hợp thiếu Flo đã nguy hiểm rồi mà trường hợp dư Flo thì rất là phiền phức.

Bác sĩ Liên Hương

Cơ bản nếu làm được như vậy thì có thể giải quyết được phần nào cho những trẻ sau này. Còn đối với những người lớn mà bị răng xấu như vậy thì rất khổ vì điều trị không được, mà chỉ có cách phải bọc răng sứ chẳng hạn, thì cái đó rất đắt tiền mà cũng không phải là lúc nào cũng là tốt.”

Theo tiêu chuẩn Việt Nam hàm lượng Flo trong nguồn nước sử dụng từ 0,5 - 1mg/lít là an toàn, nếu hàm lượng này trên mức quy định thì sẽ dẫn đến hội chứng “ngộ độc” Flo, khiến xương bị giòn, dễ gãy. Hiện nay nồng độ Flo trong nước ở khu vực các xã như xã Ninh Xuân, Ninh Hòa này đã là 18 mg/lít, cao hơn 18 lần mức độ cho phép, theo quy định của Việt Nam.

Ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Phòng Y tế Thị xã Ninh Hòa đã tiến hành phân chất nguồn nước sử dụng tại điạ phương để tìm ra một biện pháp khả thi hòng giảm bớt tác hại từ việc dư thừa chất Flo trong nguồn nước sử dụng. Vì đối với các chất mà sự cần thiết ở mức độ rất nhỏ thì tự mỗi cá nhân không thể điều tiết được một cách dể dàng.