90% ca tai biến mạch máu não có thể được ngăn ngừa
2016.08.03
Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể được ngăn ngừa kịp thời. Đó là một kết luận được ra gần đây trong một nghiên cứu toàn cầu về tai biến mạch máu não. Theo nghiên cứu này có 10 yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não và cả 10 yếu tố này đều có thể được điều chỉnh.
Các yếu tố nguy cơ khác nhau theo vùng
Theo thống kê của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, trên thế giới, cứ 6 người thì có một người sẽ bị tai biến mạch máu não ít nhất một lần trong đời. Đây được coi là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì phần lớn những ca tai biến mạch máu não trên thế giới hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng cách can thiệp vào 10 yếu tố nguy cơ chính của bệnh.
Nghiên cứu mới được công bố gần đây của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe, trường đại học McMaster, Canada cho thấy 10 yếu tố nguy cơ chính đóng góp vào 90% những ca tai biến mạch máu não trên toàn thế giới. Bác sĩ Martin O’Donnell, người đứng đầu nghiên cứu cho biết:
Phần lớn những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
- Bác sĩ Martin O’Donnell
“Nghiên cứu được làm để đánh giá về tai biến mạch máu não ở những phần khác nhau trên thế giới. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vào năm 2007. Sau khi chọn được 6.000 người tham gia nghiên cứu ở 22 nước, chúng tôi bắt đầu tiến hành đánh giá ban đầu dựa vào những dữ liệu có được. Chúng tôi thấy có 10 yếu tố đóng góp vào 90% những ca đột quỵ. Câu hỏi được đưa ra sau nghiên cứu đánh giá ban đầu là liệu đây có phải là kết luận chung cho toàn bộ các vùng khác nhau trên thế giới. Sau đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu rộng hơn với khoảng hơn 20.000 người tham gia bổ sung từ 32 nước. Mục đích là liệu 10 nhân tố này vẫn đóng vai trò chính trong các yếu tố rủi ro gây ra đột quỵ ở mọi người bất kể vùng miền, tuổi tác. Kết luận của nghiên cứu là khoảng 50% đến 60% các ca đột quỵ là do 10 yếu tố này gây ra.”
10 yếu tố nguy cơ được nói đến trong nghiên cứu bao gồm: cao huyết áp, hút thuốc lá, béo bụng, tiểu đường, không hoạt động thể chất, chế độ ăn kém, uống nhiều rượu, cholesterol cao, bị bệnh về tim mạch và trầm cảm.
Theo nghiên cứu, có hai loại tai biến mạch máu não phổ biến bao gồm nghẽn mạch máu não chiếm khoảng 85% các ca bệnh, và chảy máu não chiếm khoảng 15% các ca tai biến.
Mặc dù nghiên cứu cho thấy cả 10 yếu tố nguy cơ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới và đóng vai trò chính trong những ca tai biến mạch máu não, nhưng nếu xét từng yếu tố riêng rẽ trong mối liên quan với các ca bệnh thì các nhà nghiên cứu thấy có sự khác biệt. Theo nghiên cứu, nguy cơ huyết áp cao chiếm tới 40% ở khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ và 60% ở Australia. Trong khi đó, nguy cơ do uống rượu thấp hơn ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Australia nhưng lại cao hơn ở những nước châu Phi và Nam Á.
Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng thấy các ca tai biến mạch máu não tập trung chủ yếu ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và có nguy cơ trẻ hóa cao. Nói về vấn đề này, bác sĩ Martin O’Donnell giải thích:
“Phần lớn những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chúng tôi cũng thấy bệnh tấn công cả những người trẻ ở các nước có thu nhập thấp. Một phần là do điều kiện chăm sóc sức khỏe không đầy đủ. Tuy nhiên điều đầu tiên phải nói đến ý thức và hiểu biết của người dân về nguy cơ bệnh. Ví dụ như mọi người phải biết là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên ở những cơ sở y tế có thiết bị giám sát.”
Nghiên cứu không đề cập đến những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ở các vùng khác nhau trên thế giới nhưng theo bác sĩ O’Donnell, ngoài vấn đề về sự hiểu biết của người dân và điều kiện chăm sóc sức khỏe, yếu tố về chế độ ăn, cách chế biến khác nhau cũng có thể ảnh hưởng tới những yếu tố nguy cơ.
Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ thế nào?
Theo nghiên cứu mới, kiểm soát được huyết áp cao có thể làm giảm đến 48% các ca tai biến mạch máu não. Thiếu hoạt động thể chất được cho là đóng góp đến 36% các ca tai biến, mỡ máu cao chiếm 27%, chế độ ăn không tốt chiếm dẫn đến 19% các ca bệnh, hút thuốc lá đóng góp 12%, các nguyên nhân do tim mạch chiếm 9%, uống rượu chiếm 6%, tiểu đường là 4%, và trầm cảm chiếm 6%.
Theo bác sĩ O’Donnell, kết quả của nghiên cứu giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các nguy cơ và thay đổi cách sống, nhằm giảm thiểu những nguy cơ này. Ông nói:
“Điều quan trọng đối với mỗi người là biết được những yếu tố nguy cơ này để thay đổi, tái nhấn mạnh đến tầm quan trọng của can thiệp vào lối sống, các yếu tố đều có liên quan đến nhau. Chế độ ăn tốt cộng với hoạt động thể chất thì sẽ có ít nguy cơ bị tiểu đường, thừa cân, huyết áp cao. Cho nên bên cạnh việc kiểm tra các yếu tố sức khỏe thì cách sống cũng quan trọng để giúp làm giảm huyết áp cao và mỡ máu.”
Liên quan đến chế độ ăn, một trong những quan ngại lớn nhất gần đây của các nhà khoa học là việc ăn quá nhiều muối khiến làm tăng nguy cơ cao huyết áp vốn chiếm đến gần 50% các ca tai biến. Một nghiên cứu quốc tế được công bố vào năm 2013 tại Mỹ cho thấy lượng muối trung bình tiêu thụ hàng ngày của một người là 4.000 mg, trong khi mức khuyến cáo của hội tim mạch Hoa Kỳ là 1.500 mg. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12.000 đến 15.000 mg một người một ngày. WHO cho biết kết quả của một cuộc điều tra mang tầm quốc gia ở Việt Nam gần đây cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên là lớn hơn 25%. Dựa vào kết quả này, WHO khuyên người Việt Nam nên ăn ít muối hơn để giảm các ca cao huyết áp dẫn đến các bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Bác sĩ Ralph Sacco, phát ngôn viên Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho rằng đối với những người bị huyết áp cao, việc kiểm tra thương xuyên là điều quan trọng.
Huyết áp cao là một yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát được và là một yếu tố quan trọng dẫn đến tai biến mạch máu não.
- Bác sĩ Ralph Sacco
“Huyết áp cao là một yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát được và là một yếu tố quan trọng dẫn đến tai biến mạch máu não. Còn quá nhiều người không biết huyết áp của mình là gì và kể cả nếu họ có biết thì họ cũng không kiểm soát tốt.
Thông thường huyết áp của một người khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 90/60 mm Hg đến 140/90 mm Hg tùy theo sức khỏe, giới tính và thời điểm đo. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khi huyết áp thường xuyên ở mức 140/90 mm Hg có nghĩa là đã bắt đầu có dấu hiệu cao huyết áp. Khi huyết áp lên đến trên 180/110 thì người bệnh cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để tránh tai biến mạch máu não.
Nói về yếu tố nguy cơ tiểu đường và tai biến mạch máu não, bác sĩ Ralph Sacco cho biết:
“Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng thành mạch máu và khi mạch máu bị nghẽn thì nó có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Tai biến mạch máu não xảy ra khi có sự nghẽn mạch máu dẫn máu vào não và nó gây ra các triệu chứng.”
Tiểu đường là yếu tố có thể được điều chỉnh với những thay đổi trong chế độ ăn, hoạt động thể chất và uống thuốc.
Đối với nguy cơ từ hút thuốc lá, bác sĩ Ralph Sacco cho biết:
“Hút thuốc là một yếu tố dẫn đến tai biến mạch máu não rất đáng lưu ý. Người hút thuốc có từ 2 đến 4 lần nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn so với người không hút thuốc. Cũng giống như người bị tiểu đường hay huyết áp cao, hút thuốc lá cũng làm xơ cứng mạch máu. Người hút thuốc thường bị loãng xương và xơ cứng mạch máu.”
Bác sĩ O’Donnell cho biết các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả của nghiên cứu mới sẽ góp phần tạo ra những thay đổi trong nhận thức của mọi người trên thế giới góp phần làm giảm những ca tử vong do tai biến mạch máu não. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng với kết quả này, nhiều nước sẽ đầu tư vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ, giúp thay đổi cách sống và cho phép người bệnh tiếp cận với các điều trị kịp thời khi có huyết áp cao.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa