Chứng hôi miệng

Chứng hôi miệng hoặc hơi thở có mùi hôi là chuyện thường hay xảy ra kể cả ở những người khoẻ mạnh, nhất là vào buổi sáng khi mới thức dậy.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.12.20
thegioisuckhoe.com-305.jpg Một phòng khám răng tại Việt Nam, ảnh minh họa.
Photo courtesy of thegioisuckhoe.com

Ngay cả ở những nước tiên tiến như Hoa kỳ, thống kê cho thấy có đến hàng trăm triệu người mắc chứng hôi miệng vào lúc này, hoặc lúc khác trong cuộc đời.

Chứng hôi miệng có thể không phải là do một bệnh lý nào cả, nhưng đôi khi lại ảnh hưởng trầm trọng đến nếp sinh hoạt, cuộc sống của người mắc phải chứng này, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến việc giao tế và cả tới vấn đề công ăn việc làm.

Trong chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay, Bác sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương sẽ giải thích về nguyên nhân vì sao hơi thở có mùi và hướng dẫn cách phòng tránh vấn đề hôi miệng.

Vệ sinh răng miệng

Đôi khi hơi thở của chúng ta có vấn đề nhưng không phải bản thân mọi người đều nhận ra được điều ấy. Hoặc khi đã biết chắc bị mắc chứng hôi miệng người ta cũng không biết tìm nguyên nhân ở đâu để có biện pháp khắc phục. Bác sĩ Nha khoa Nguyễn Diệu Liên Hương hiện đang hành nghề tại tiểu bang California với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: 

“Khi trong miệng có mùi hôi, thì có nhiều vấn đề trong đó. Muốn biết hôi miệng xuất phát từ đâu thì dễ nhất là xem từ trong miệng, yếu tố đó là gần nhất, và có thể phát hiện ra trước. Khám răng để biết rõ hết tình trạng trong miệng của mình, rồi sau đó mới tìm hiểu tới những nguyên nhân khác. Như vậy là theo cách điều trị bình thường là đi từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất. Cái đơn giản nhất là xem lại ở trong miệng những thành phần hay yếu tố nào đã gây ra hôi miệng. Như vậy sẽ rất dễ để theo dõi, chữa trị.”

Nói về nguyên nhân gây hôi miệng có liên quan đến răng miệng, Bác sĩ Liên Hương kể ra như sau:

“Có thể lược giải những yếu tố chính, ví dụ như thức ăn còn kẹt lại trong miệng, ở kẽ răng, thì gây ra hôi miệng. Qua một đêm không đánh răng kỹ và để đóng tới tấp từng ngày, từng ngày, qua một thời gian thì thấy trong miệng rất hôi. Do tình trạng không hoạt động của miệng, ví dụ như nếu mình ăn uống, mình dùng răng một cách đều đặn thì nứơc miếng chảy qua kẽ răng, và đi xuống bao tử thì nó luân lưu thành ra hơi thở của mình cũng được rửa sạch phần nào.

Khám răng để biết rõ hết tình trạng trong miệng của mình, rồi sau đó mới tìm hiểu tới những nguyên nhân khác.

BS Nguyễn Diệu Liên Hương

Hoặc là do khô miệng, các tuyến nước bọt không làm việc có thể do những bệnh khác. Hoặc do sâu răng, những khoang sâu răng chưá thức ăn trong đó, hoặc tuỷ răng bị chết làm cho miệng rất hôi. Bệnh nướu răng cũng vậy, những thức ăn kẹt ở ngay cổ răng hoặc ở những chiếc răng mọc lộn xộn thì nó bám dần dần, rồi bám thành đá vôi thì cũng làm rất hôi miệng. Thường thường nó làm cho nướu răng bị sưng lên. Chỗ sưng lại chất chưá đồ ăn ở bên trong, và máu dồn tới đánh nhau với sự nhiễm trùng đó, thì miệng lúc nào cũng có mùi hôi, và tanh rất khó chịu. Hoặc có thể sưng nướu răng chảy mủ, chảy máu nếu tình trạng bệnh nứơu răng nặng hơn.

Thường thường đối với người Á Châu, xương hàm không dài và rộng lắm đâu, nhưng cỡ răng rất lớn, có những em bé mới 7, 8 tuổi mà có hai răng cửa to. Những răng sau không có chỗ nữa nên mọc trèo lên nhau lộn xộn, thức ăn mới giắt vào trong những kẽ sâu bên trong. Thành ra những chiếc răng mọc lệch lạc cũng làm cho hôi miệng. Rồi lưỡi dơ, có nhiều khi người ta quên không nạo lưỡi nên chất dơ cứ bám, và nếu không nạo lưỡi mỗi ngày thì chất dơ sẽ bám chặt hơn. Cái đó cũng làm cho rất hôi miệng, nhất là đối với những người hút thuốc lá, rồi uống cà phê, nhiều lớp nó chồng lên nhau.

Còn đối với răng giả cố định, có những hàm răng giả làm không tốt lâu ngày nó bị lỏng ra thì chất dơ trốn ở bên trong, hay răng bị mục ở bên trong những cái mão răng. Cái đó nó hôi kinh khủng lắm. Có những hàm răng giả tháo lắp được, nhưng có những người không lấy ra chùi rửa đều, không ngâm thuốc để sát trùng bớt những chất bám vô hàm giả thì cũng rất hôi.

Thêm nữa là bây giờ các cháu hay làm bộ chỉnh hàm hay niềng răng, thì sẽ có những chổ bám thức ăn rất dễ. Nếu người nha sĩ theo dõi không nghiêm nhặt, không bắt buộc bệnh nhân phải giữ thật sạch thì khi chữa hàm răng rồi, nướu sưng lên, cái vừa được với cái vừa mất, không biết cái nào hơn cái nào. Thành ra từ người lớn cho tới trẻ con phải chú ý kỹ, những yếu tố nào có thể chất chứa chất dơ ở trong miệng đều làm hôi miệng được.”                        

Do bệnh lý

Ngoài vấn đề vệ sinh răng miệng, Bác sĩ Liên Hương giải thích thêm chứng hôi miệng cũng có thể do các bệnh lý khác:

000_Par3665131-200.jpg
Hơi thở thơm tho sẽ tự tin trong giao tiếp. AFP photo
Hơi thở thơm tho sẽ tự tin trong giao tiếp. AFP photo
“Có thể có những hạch ở chung quanh yết hầu bị nhiễm trùng, có thể từ mũi, nhiễm trùng ở xoang mũi, có thể do những vấn đề từ bao tử mà ra. Người ta bị những bệnh ợ hơi hay là cổ họng có những vấn đề khác, nên có nhiều nguyên nhân khác. Và có lẽ tôi cũng méo mó nghề nghiệp, là một Nha sĩ, tôi thấy rõ ràng đa phần nguyên nhân của chứng hôi miệng là từ miệng. Và nếu từ miệng đã kiểm tra hết rồi mà không tìm thấy nguyên nhân thì nên đi khám tai-mũi-họng hay những cái gì khác hơn. Mình làm từ dễ đến khó. Như vậy mọi việc đơn giản, ít tốn kém và ít phải lo lắng.”   

Ngoài ra, một số bệnh gây suy yếu cho cơ thể như yếu gan, thận, tiểu đường cũng gây ra mùi hôi ở miệng.    

Đối với các bệnh liên quan đến dạ dầy, không phải bệnh nào cũng làm cho hơi thở có mùi vì ống thực quản luôn đóng kín và xẹp lại. Dạ dầy chỉ sinh ra mùi hôi khi có những vấn đề trục trặc như: dư acid, khi có rối loạn về co bóp của bao tử, ăn không tiêu ói mửa, ợ chua, hẹp môn vị (pyloric stenosis), thoát vị khe thực quản (hiatal hernia).
Bệnh nhân bị các chứng này nên tránh các thức ăn khó tiêu, các loại thức ăn kích thích dạ dầy, các thực phẩm nhiều dầu mỡ.    

Đề cập đến vấn đề hôi miệng là do tuyến nứơc bọt kém hoạt động, các nhà chuyên môn cho rằng, một số dược phẩm như thuốc hạ huyết áp, an thần, chống dị ứng, trị kinh phong, trị trầm cảm, trị tâm thần phân liệt, lợi tiểu, thuốc gốc amphetamine, v.v... làm giảm nước bọt trong miệng. Bên cạnh đó việc hút thuốc lá hay hút cigar cũng làm giảm nước bọt, đưa tới mùi hôi từ miệng. 

Stress và những mối băn khoăn lo lắng cũng là một trong những nhân tố gây nên chứng hôi miệng. Thậm chí nếu bị stress với cường độ lớn, trong thời gian dài, còn có nguy cơ mắc phải các căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý rằng, chế độ ăn kiêng theo phương pháp Atkins giúp giảm cân nhanh nhưng có nhược điểm là có thể gây chứng hôi miệng vì chế độ ăn kiêng Atkins cho phép ăn nhiều protein. Và quá trình phân huỷ protein lại sản sinh ra hợp chất lưu huỳnh khiến vi khuẩn dễ sinh sôi ở lưỡi và nướu răng. Vì vậy những người ăn kiêng theo phương pháp này được khuyên nên uống nhiều nước, và đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn.

Có thể có những hạch ở chung quanh yết hầu bị nhiễm trùng, có thể từ mũi, nhiễm trùng ở xoang mũi, có thể do những vấn đề từ bao tử mà ra.

BS Nguyễn Diệu Liên Hương

Do vậy một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học không chỉ đem lại một sức khỏe tốt, mà còn giúp hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bị hôi miệng. Vì vậy nên bổ sung vào chế độ ăn của mình nhiều loại rau quả và trái cây như cà rốt, cam, táo, bưởi... Ngoài việc đem lại một lượng vitamin cho cơ thể, chúng còn có khả năng giúp phòng ngừa chứng hôi miệng.

Một điều quan trọng nữa, là mỗi ngày cần đảm bảo uống đủ nước. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, thiếu nước là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng. Tuy nhiên, việc uống nước tưởng chừng như rất đơn giản này, lại cần phải tuân thủ theo đúng một số nguyên tắc như, chỉ nên uống nước 15 phút sau bữa ăn, không uống nước trong bữa ăn và trước khi ăn. Vì điều này có thể sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa. Việc  này đồng nghĩa với nguy cơ sẽ bị chứng hôi miệng “tấn công” nếu như hệ tiêu hóa gặp phải những rắc rối.

Giải pháp

Lời khuyên của chuyên gia về răng hàm mặt đối với chúng ta để tránh bị hôi miệng

tintuconline-250.jpg
Ăn nhiều trái cây giúp sạch miệng. Photo courtesy of tintuconline
Ăn nhiều trái cây giúp sạch miệng. Photo courtesy of tintuconline
“Chuyện săn sóc răng miệng là vấn đề thuộc vệ sinh cá nhân, nhưng thật sự tôi làm nghề này đã hơn 40 năm nên nhận thấy rằng, cá nhân đôi khi không đủ sức để nhìn hết vào bên trong miệng của mình, thành ra nha sĩ là người chuyên môn có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và nhắc nhở bệnh nhân, cũng như điều trị để giải quyết những điểm chưa được tốt đẹp ở trong miệng để cho hàm răng lúc nào cũng có thể nhai tốt và không có những chổ để giắt chất dơ.

Điều đó rất quan trọng, thành ra tôi có lời khuyên, nếu như mình chắc chắn hàm răng không có gì hư hết thì mỗi năm cũng nên đi khám răng một lần để clean răng, làm cho sạch hàm răng ở những vị thế mà cá nhân không thể thực hiện được. Và khi gặp những nha sĩ hơi khó tính, họ bảo rằng, răng không được sạch, phải đánh răng như thế này, hay như thế nọ thì bệnh nhân nên nghe lời, vì có những điều mình tưởng là biết nhưng dĩ nhiên những người có chuyên môn thì họ sẽ biết hơn mình.”   

Bên cạnh đó, có thể dùng các loại nước súc miệng có tính sát trùng (antibacterial mouth wash), nhất là vào buổi tối, là thời gian vi khuẩn hoạt động mạnh. Thêm vào đó các nhà sản xuất cũng đưa ra nhiều sản phẩm kẹo nhai cao su (chewing gum) với nhiều hương vị khác nhau có thể sử dụng để có hiệu quả thơm miệng tức thời. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý, các loại nứơc súc miệng, kẹo cao su chỉ có tác dụng giữ miệng được thơm trong một thời gian ngắn, chứ không trị dứt được chứng hôi miệng. Do đó chúng ta vẫn nên áp dụng phương pháp vệ sinh răng miệng và chăm sóc sức khoẻ để có được hơi thở thơm tho.

Và nếu từ miệng đã kiểm tra hết rồi mà không tìm thấy nguyên nhân thì nên đi khám tai-mũi-họng hay những cái gì khác hơn.

BS Nguyễn Diệu Liên Hương

Như vậy, với việc chăm sóc vệ sinh răng miệng tốt, giảm thiểu việc tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều gia vị nặng mùi như hành, tỏi..., không hút thuốc lá, và nếu phát hiện những vấn đề có thể đưa đến chứng hôi miệng mà đi khám Bác sĩ để được điều trị ngay, thì đảm bảo gần như chắc chắn là chúng ta sẽ có thể giữ được hơi thở thơm tho.   

Các chuyên gia sức khoẻ cho hay, hôi miệng là vấn đề rất thường xảy ra, nên khi mắc chứng này người bệnh không nên khuếch đại và quá lo lắng về tình trạng này vì khi tìm ra được nguyên nhân sẽ có biện pháp để khắc phục.          

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/12/2010 13:04

Chuyen gia " rang ham mat " co le chuyen gia nay chi biet ve rang ham phia ben mat ma thoi ?