Chứa hàng trăm độc chất
Theo giới chuyên môn thì trong khói thuốc lá có chứa khoảng 250 chất độc hại và cả kim loại nặng. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức phân tích:
“Khói thuốc lá mà chúng ta hít vào có ít nhất ba hóa chất có thể gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Thứ nhất là chất Nicotin, tức là hóa chất gây ra ghiền (nghiện), tác dụng ban đầu là kích thích hệ thần kinh, nhưng sau đó khi Nicotin vào trong cơ thể thì nó có thể vào máu và làm cho hệ thần kinh bị giảm xuống, gây ra chứng trầm cảm. Đồng thời Nicotin cũng gây ra một vài biến chứng trong cơ thể, thí dụ nó làm cho tim đập nhanh hơn, làm cho huyết áp tăng lên cao, và nó có thể làm tê liệt vị giác tức là chúng ta ăn uống cảm thấy không ngon nữa, và nó cũng đưa tới tâm trạng thẩn thờ, đờ đẫn nếu chúng ta hút nhiều quá.
Khói thuốc lá có nhiều chất Nicotin hơn ở trong điếu thuốc lá mà người đó hút. Trong khói thuốc lá có cả ngàn những hóa chất khác nhau, trong đó có ít nhất 40 hóa chất đã được xác định là có thể gây ra ung thư.
BS. Nguyễn ý Đức
Chất thứ hai là chất Carbon Monoxide (CO) tức là một loại khí không mùi, không vị. Carbon Monoxide có điểm đặc biệt là nó chiếm oxy trong hồng huyết cầu của chúng ta, cho nên người hút thuốc lá thường thiếu dưỡng khí trong cơ thể. Đồng thời Carbon Monoxide cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh tim mạch của chúng ta.
Chất thứ ba là cao thuốc lá. Khi nhìn người hút thuốc lá chúng ta thấy ở đầu ngón tay của họ hoặc trên răng của họ có chất cặn có màu vàng đóng vào, thì đó là cao thuốc lá. Đó là một chất có rất nhiều hóa chất khác nhau kích thích cuống họng và phế nang.
Khói thuốc lá có nhiều chất Nicotin hơn ở trong điếu thuốc lá mà người đó hút. Những chất khác nữa, thí dụ như ammonia. Trong khói thuốc lá có cả ngàn những hóa chất khác nhau, trong đó có ít nhất 40 hóa chất đã được xác định là có thể gây ra ung thư.”
Khói thuốc lá có thể tồn tại rất lâu trong nhà, nó bám rất lâu vào các đồ vật xung quanh, kể cả sau khi ngừng hút thuốc. Các báo cáo của những tổ chức nghiên cứu về tác hại của thuốc lá cho thấy chất độc trong khói thuốc lá có thể bám vào tóc, quần áo của người hút thuốc, và bám lên bề mặt của các vật dụng xung quanh như: bàn ghế, thảm, đồ đạc, vật dụng trong nhà. Khi trẻ nhỏ tiếp xúc lâu dài với những đồ vật này lúc chơi đùa, có thể bị nhiễm độc thuốc lá từ với các đồ vật này.
Và hàng trăm vi khuẩn có hại
Ngoài chất độc, trong điếu thuốc lá còn chứa hàng trăm vi khuẩn có hại. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Maryland ở Hoa kỳ và Ecole Centrale de Lyon ở Pháp đã phân tích bốn loại thuốc lá đang bán rộng rãi trên khắp thế giới là: Camel, Kool FilterKings, Lucky Strike Original Red, Marlboro Red, và phát hiện mỗi loại chứa hàng trăm vi khuẩn có hại như: Acinetobacter, gây bệnh phổi và nhiễm trùng máu; Bacillus, gây bệnh than, hoặc gây ngộ độc thực phẩm; Burkholderia, gây viêm nhiễm đường hô hấp.

Khoa học cũng chứng minh một số loại vi khuẩn có khả năng chịu đựng tốt có thể sống sót ngay cả khi điếu thuốc bị đốt cháy, và xâm nhập vào hệ hô hấp của người hút thuốc.
Như vậy, ngoài các độc tố trong thuốc lá thì vi khuẩn cũng có thể là thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho những người hút thuốc lá.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức liệt kê một số căn bệnh hiểm nghèo thường gặp ở người hút thuốc lá:
“Thực tình thuốc lá gây ra nhiều ảnh hưởng xấu. Thứ nhất, nó làm giảm tuổi thọ. Thứ hai, nó có thể gây ra những bệnh tim mạch, mà trong bệnh tim mạch thì phải nói đến những động mạch tim, rồi tai biến động mạch não, hoặc là bệnh mạch máu ngoại biên, hoặc có thể có những trường hợp bệnh phình động mạch chủ. Thứ ba, nó có thể gây ra ung thư miệng, cổ họng, cũng như ở thanh quản, ở tụy tạng và bọng đái. Tác hại thứ tư là ung thư phổi. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi gấp 10 lần hơn so với người không hút thuốc lá.
Ngoài ra thuốc lá còn có thể làm tăng cholesterol trong máu và có thể đưa tới nguy cơ tai biến động mạch não, cũng như tăng nguy cơ suy tim, tăng huyết áp, tăng những bệnh mạch máu ngoại vi, và nó có thể làm giảm vị giác cũng như khứu giác và khiến chúng ta không nếm được những món ăn một cách bình thường.
Riêng đối với phụ nữ, những bà mẹ hút thuốc lá có thể sinh con thiếu tháng, và những đứa trẻ sinh ra như vậy thường không tăng trưởng được. Hút thuốc lá cũng có thể gây hiếm muộn ở cả đàn ông cũng như đàn bà.
BS Nguyễn Ý Đức
Riêng đối với phụ nữ, những bà mẹ hút thuốc lá có thể sinh con thiếu tháng, và những đứa trẻ sinh ra như vậy thường không tăng trưởng được. Hút thuốc lá cũng có thể gây hiếm muộn ở cả đàn ông cũng như đàn bà.”
Ngoài ra, nếu người mẹ hút thuốc lá thì chất độc trong thuốc lá có thể truyền cho trẻ qua sữa mẹ. Riêng đối với trẻ em, mặc dù chỉ gián tiếp hít phải khói thuốc nhưng mức độ nguy hại cũng không kém. Bác sĩ Đức nhấn mạnh:
“Đối với trẻ thơ thì thuốc lá có tác hại nhiều hơn, vì ở trẻ em hệ miễn nhiễm chưa được phát triển một cách đầy đủ. Phổi của trẻ sơ sinh còn nhỏ, chưa tăng trưởng hoàn toàn được, đặc biệt là các em hít thở nhanh hơn và nhiều hơn người lớn, nên trẻ thơ mà hít phải khói thuốc lá thì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, sưng phổi, cũng như viêm cuống phổi lên rất nhiều. Và thường các em cũng hay bị suyễn.”
Làm sao để bỏ thuốc?

Hút thuốc lá có hại như vậy tại sao người ta không từ bỏ thói quen này? Có cách nào để bỏ thói quen hút thuốc lá không?
Một số người hút thuốc lá khi đã quyết định không hút nữa thì có thể bỏ ngay. Tuy nhiên rất nhiều người muốn cai thuốc lá chưa thể từ bỏ thói quen này. Và trong số những người đang hút thuốc lá hiện nay cũng có rất nhiều người đã từng nhiều lần quyết định không hút thuốc nữa, nhưng sau đó vì nhiều lý do lại tiếp tục hút thuốc lá trở lại. Nhiều nhà văn nhà thơ đã phải gọi thuốc lá là “tương tư thảo”, và câu thơ sau đây cũng có thể dùng để minh hoạ sức quyến rũ mãnh liệt và bền bỉ của thú hút thuốc:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn xuống đất lại đào điếu lên.
Anh Nguyễn Hưng, người đã quyết tâm bỏ thuốc lá sau 10 năm làm bạn với khói thuốc chia sẻ kinh nghiệm cai thuốc của anh như sau:
“Muốn bỏ thuốc lá cho dù với bất cứ lý do gì, khi quyết định bỏ thuốc thì phải làm ngay, đừng nên nghĩ rằng cứ hết gói này thì mình sẽ bỏ hoặc tuần sau sẽ bỏ. Khi vừa nghĩ đến chuyện đó mà làm ngay thì sẽ dễ thành công hơn. Mấy ngày đầu mới bỏ thuốc lá thì rất khó chịu, cảm giác chung là còn thèm thuốc, và cảm thấy buồn miệng. Nên phải ăn vặt, ăn ngọt cho đỡ thèm thuốc. Lúc đó mình lại thấy hơi mập lên, thì có cảm giác là do bỏ thuốc lá nên mập, đừng lo lắng điều đó.
Khi đã bỏ thuốc lá lâu rồi thì mọi việc sẽ bình thường trở lại. Đến bây giờ thì mình cảm thấy hoàn toàn thanh thản, không nhớ gì đến thuốc lá, kể cả khi thấy gói thuốc lá để trước mặt cũng bình thường, không cảm thấy thèm gì hết. Nếu có ai mời thuốc thì mình từ chối bình thường, tự nhiên, không cảm thấy có gì là gượng ép cả; lúc ấy tức là đã thật sự bỏ được thuốc lá. Và về sau, khi gặp những người hút thuốc hay đứng bên cạnh những người hút thuốc lá thì mình cảm thấy khó chịu, mặc dù đã từng hút thuốc.”
Khi đã bỏ thuốc lá lâu rồi thì không nhớ gì đến thuốc lá, kể cả khi thấy gói thuốc lá để trước mặt. Và về sau, khi gặp những người hút thuốc hay đứng bên cạnh những người hút thuốc lá thì mình cảm thấy khó chịu, mặc dù đã từng hút thuốc. <br/>
Anh Nguyễn Hưng
Tuy nhiên, không có một phương pháp cai nghiện thuốc lá tuyệt đối nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người muốn bỏ thuốc, vì vấn đề tuỳ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là hoàn toàn vào ý chí, quyết tâm, và động cơ của từng người. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tham khảo một vài biện pháp mà một số người đã áp dụng thành công trong nỗ lực cai thuốc lá.
Bước đầu tiên là chuẩn bị về mặt tâm lý
Cắt giảm số lượng thuốc lá hút mỗi ngày
Dọn dẹp, lau chùi sạch bất cứ nơi nào có mùi thuốc lá
Rủ bạn bè hay người thân cùng bỏ thuốc lá
Bỏ bớt bật lửa
Tránh những điều làm bạn muốn hút thuốc.
Liệt kê những lý do khiến bạn muốn bỏ thuốc lá, và đọc đi đọc lại hàng ngày
Định ra ngày để bắt đầu bỏ thuốc lá, giảm thuốc lá từng điếu một cho đến ngày quyết định bỏ thuốc lá hẳn, và đến ngày bỏ thuốc lá phải ngưng hoàn toàn
Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá ở nơi làm việc thì thời gian nghỉ phép là một cơ hội tốt để bỏ thuốc lá.
Vào ngày bỏ thuốc lá, và những ngày kế tiếp
Vứt bỏ hết tất cả thuốc lá, bật lửa, và cất hết những gạt tàn
Lập chương trình làm việc trong ngày bận rộn. Thay đổi thói quen hàng ngày. Dành thời gian ở những nơi không được hút thuốc lá như; rạp hát, thư viện
Nhờ người nhà và bạn bè giúp đỡ
Uống nhiều nước sẽ giúp lọc rửa chất Nicotine trong cơ thể
Mang theo kẹo hoặc chewing-gum để khi cần có gì ngậm trong miệng
Ăn uống đều đặn, tập thể dục, giải trí, thư giãn
Trong thời gian bỏ thuốc lá
Từ vài ngày đến vài tuần lễ kế tiếp, có thể sẽ gặp hội chứng bỏ thuốc lá như: cảm thấy khó chịu, bực bội hay tức giận; và lên cơn thèm thuốc. Tập thể dục và thư giãn sẽ giúp vượt qua triệu chứng này.
Sẽ có những lúc bạn muốn hút thuốc trở lại. Hãy kiên nhẫn. Cơn thèm thuốc sẽ qua đi. Hãy hít thở sâu, chậm rãi cho đến khi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, và quên đi cơn thèm thuốc lá.Loại bỏ ám ảnh về thuốc lá trong đầu mình và tập trung nghĩ đến những vấn đề khác, hay làm một công việc gì đó.
Nhưng nếu bạn lỡ hút thuốc lá trở lại, thì cũng đừng buông xuôi cố gắng của mình. Xem lại điều gì đã khiến bạn thèm hút thuốc. Viết vấn đề này vào danh sách những việc mà bạn cần tránh xa, hay nghĩ ra cách để đối phó lần sau. Tự nhắc nhở mình lý do muốn bỏ thuốc lá. Thực tập để khống chế cơn ghiền thuốc lá. Đặt tiêu chuẩn để vượt qua từng ngày một.
Bỏ thói quen hút thuốc lá là một điều không dễ nhưng cũng không quá khó nếu bạn có ý chí mạnh. Đa số những người bỏ được thuốc lá phải cố gắng rất nhiều.
Quỳnh Như chúc các bạn muốn bỏ thuốc lá sẽ thành công với kế hoạch đề ra.