Chế độ ăn uống, tập luyện với người cao huyết áp
2010.12.30
Trong chương trình trước, bệnh cao huyết áp đã được giới thiệu là tình trạng huyết áp động mạch cao hơn mức bình thường trong một thời gian dài mang tính liên tục.
Chứng bệnh này bao gồm cao huyết áp thể nguyên phát và cao huyết áp thể thứ phát. Thể nguyên phát là một bệnh độc lập với biểu hiện chính là huyết áp tăng cao, loại này chiếm tỉ lệ từ 80 đến 90%. Thể thứ phát là một trong những triệu chứng của một loại bệnh nào đó mà gây ra cao huyết áp.
Chế độ ăn uống
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp đối với người bệnh sẽ trợ giúp rất nhiều trong việc điều trị và phòng ngừa chứng bệnh này.
Theo Bác sĩ Trần Văn Sáng một trong những điều đầu tiên các bệnh nhân huyết áp cao cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng là:
“Kiêng ăn mặn. Có nghiã là không phải chúng ta ăn chay nhưng để giảm lượng muối trong thức ăn thì không nên sử dụng nhiều nước tương, nước mắm hay tương, chao, hay các loại có nhiều muối.
Tránh bớt các loại khô hay cá khô vì những loại này chưá một lượng muối rất cao. Vì để giữ thực phẩm được lâu thì người ta phải bỏ một lượng muối cao. Nên chúng ta tránh ăn các loại thực phẩm đó.
Đồng thời khi nấu nướng thì cũng không nên nêm nhiều muối. Nên tập ăn lạt để khẩu vị quen từ từ với các loại thực phẩm ăn ít muối. Điều đó sẽ giúp rất nhiều.”
Bác sĩ Sáng giải thích lý do như sau:
“Vì khi ăn muối nhiều thì cơ thể sẽ bắt buộc người đó phải uống nhiều nước để giữ cho mức độ muối trong máu được ở mức quân bình. Khi uống nước nhiều thì thể tích của lượng nước trong cơ thể tăng lên và lưu thông trong hệ thống các mạch máu. Và khi các mạch máu không đàn hồi một cách bình thường mà lượng nước tăng thật nhiều thì nó sẽ làm huyết áp tăng lên rất nhiều.
Chính vì vậy phần lớn trong các loại thuốc trị cao máu người ta để vào một ít thuốc lợi tiểu để đẩy lượng muối ra khỏi cơ thể thì có thể giảm bớt huyết áp nhiều hơn. Cho nên điều quan trọng nhất là phải ăn bớt mặn. Nếu kiêng ăn mặn và vận động thì có thể làm cho huyết áp giảm xuống được gần 18, 19, 20 đơn vị thuỷ ngân.”
Bác sĩ Lê Mai, Tiến sĩ Dinh Dưỡng học, hiện đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tác hại của một chế độ ăn sử dụng nhiều muối như sau:
Điều quan trọng nhất là phải ăn bớt mặn. Nếu kiêng ăn mặn và vận động thì có thể làm cho huyết áp giảm xuống được gần 18, 19, 20 đơn vị thuỷ ngân.
Bác sĩ Trần Văn Sáng
“Một chế độ ăn nhiều muối thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khoẻ ví dụ như nó làm cao huyết áp, rồi lâu dài nó sẽ có thể ảnh huởng lên thận, và dẫn đến suy thận. Tác dụng không tốt thứ hai của chế độ ăn nhiều muối là, nó có thể làm viêm dạ dầy. Ngoài ra còn có thể có nguy cơ bị ung thư đại tràng nếu ăn nhiều muối. Thừa muối trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng.”
Muối đi vào cơ thể chúng ta sẽ kiểm soát lượng nước. Một khi lượng muối trong cơ thể bị dư thừa, sẽ đi vào dịch cơ thể trong đó có máu. Khi lượng muối trong máu quá cao thì nước trong tế bào phải được huy động vào máu nhằm mục đích pha loãng muối. Do vậy, nếu ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ tích tụ nước và tổng thể tích dịch của cơ thể sẽ gia tăng một cách đáng kể. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây chứng cao huyết áp, và hậu quả cuối cùng là dẫn tới các bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ. Hơn nữa, với một thể tích lớn của dịch cơ thể cứ “lảng vảng” xung quanh não, lâu dần các mạch máu não cũng sẽ bị “xuống cấp”.
Hiện nay với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, những thông tin về y học, về sức khoẻ cộng đồng cũng được phổ cập đến người dân. Bà Minh Tâm, một bệnh nhân bị mắc chứng huyết áp cao lâu năm, hiện cư ngụ ở Mỹ Tho nói:
“Trước đây là tôi phải uống thuốc theo toa bác sĩ để huyết áp trở lại bình thường. Sau đó đọc trong các tạp chí sức khoẻ, nghe về kinh nghiệm của những người đi trước khuyên rằng, nên ăn uống giảm chất mặn, và giảm độ béo, tập thể dục đều để cân bằng cuộc sống và tôi không cần phải uống thuốc nữa.”
Chế độ luyện tập
Ngoài ra theo bà Minh Tâm, việc cân bằng cuộc sống cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh huyết áp cao. Bà nói:
“Phải ổn định cuộc sống, phải giảm stress và phải cân bằng công việc để cảm thấy cuộc sống lúc nào cũng bình thường, cân bằng thì huyết áp sẽ không tăng đột ngột hay giảm đột ngột. Đồng thời cũng uống trà xanh, uống như thay nứơc lã hàng ngày. Thì tôi thấy bệnh trạng ổn định hơn. Sức khoẻ, và tinh thần cũng khoẻ hơn có thể là do chế độ ăn uống và tập thể dục, và ổn định cuộc sống ở mức cân bằng, không bị stress nhiều cho nên tôi không cần phải uống thuốc nữa.”
Vợ chồng chị Ngọc Hân ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ kinh nghiệm chữa trị bệnh cao huyết áp:
“Cách đây không lâu, tôi và chồng tôi đi bác sĩ khám thì người ta phát hiện chúng tôi bị cao huyết áp nhưng chúng tôi chỉ mới mắc bệnh ở giai đoạn đầu thôi. Đầu tiên bác sĩ cho chúng tôi uống một loại thuốc nhẹ để giảm huyết áp, nhưng sau đó qua nhiều thông tin từ báo, đài, các sách về y khoa, thì ngoài việc sử dụng thuốc song song bên cạnh đó chúng tôi còn thực hiện một chế độ ăn kiêng giảm muối, giảm beó, chúng tôi còn uống trà xanh.
Đồng thời chúng tôi không thể thiếu được những buổi tối đi bộ sau khi đi làm về, đi bộ khoảng 30 phút/ngày. Sau một thời gian kết hợp ăn kiêng và tập luyện như thế sức khoẻ của chúng tôi rất ổn định, huyết áp không còn tăng, và chúng tôi cảm thấy khoẻ. Chúng tôi dùng thuốc rất ít được khoảng 2 năm.”
Ngoài việc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng nhiều muối trong khẩu phần ăn, hạn chế mỡ của các loại động vật, thì một chế độ dinh dưỡng sử dụng nhiều loại hoa quả, rau củ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ của các bệnh nhân bị huyết áp cao. Đặc biệt tỏi cũng có công dụng giảm huyết áp. Y học cổ truyền đã biết được đặc tính này của tỏi, và mới đây các nhà khoa học thuộc Đại học Adelaide (Australia) tiến hành một cuộc thử nghiệm kéo dài trên 12 tuần, nghiên cứu trên 50 người, cũng phát hiện ra rằng chiết xuất từ tỏi có thể giúp làm giảm huyết áp.
Người bị cao huyết áp nên loại bỏ thức ăn chế biến từ nội tạng đông vật như gan tim, lòng đỏ trứng gà, các loại thịt gia súc, gia cầm đóng hộp, và một số hải sản.
Bên cạnh việc kết hợp một chế độ ăn uống khoa học, người bệnh cần duy trì việc tập luyện đều đặn, kèm theo việc bỏ thuốc lá, rượu. Và luôn giữ cho tâm lý ở trạng thái cân bằng, tránh sự căng thẳng, phiền não.
Theo Lương Y Võ Hà, Đông Y xác định nhiều huyệt đạo, có thể áp dụng với những cách day, bấm huyệt hoặc châm cứu để giúp hạ huyết áp, hay ngăn chặn những diễn biến xấu hơn trước khi bệnh nhân được điều trị bằng những biện pháp cần thiết.
Sau một thời gian kết hợp ăn kiêng và tập luyện như thế sức khoẻ của chúng tôi rất ổn định, huyết áp không còn tăng, và chúng tôi cảm thấy khoẻ.
Chị Ngọc Hân, TPHCM
Mặt khác huyết áp thấp hay giảm huyết áp cũng là một vấn đề không nên chủ quan. Lâu nay người ta thường nói nhiều đến huyết áp cao mà ít chú ý đến vấn đề huyết áp thấp. Huyết áp thấp không phải là một chứng bệnh quá nguy hiểm, nhưng đôi khi đó chính là dâú hiệu của những vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy các bác sĩ đã khuyến cáo mọi người không nên xem thường đối với những vấn đề liên quan đến huyết áp dù đó là huyết áp cao hay huyết áp thấp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Vĩnh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, huyết áp thấp nếu ở mức độ nhẹ thì không cần phải điều trị gì cả. Tuy nhiên chứng bệnh này có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm cho tim, khiến người bệnh bị choáng, ngất xỉu, và có khi còn dẫn đến một số bệnh có liên quan đến hệ thần kinh hay tuyến nội tiết. Huyết áp thấp có thể ảnh hưởng đến những cơ quan quan trọng, nó sẽ làm cho các cơ quan này thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng cơ thể bị choáng, đôi khi đe doạ đến tính mạng bệnh nhân.
Vì vậy chúng ta phải hết sức thận trọng khi có vấn đề liên quan đến huyết áp của cơ thể. Nên đi khám để có thể phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp, và kịp thời.