Tuy nhiên, hệ thống đào tạo từ bậc đại học đến sau đại học, cùng với những bất cập trong quy chế quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ khiến cho chất lượng phục vụ của nhiều chuyên viên, nhân viên tâm lý không đáp ứng được với tình hình thực tế.
Chuyên môn kém
Tuy không có con số thống kê gần đây về tỷ lệ người bị stress tại Việt Nam, nhưng một thống kê mới đây của Công ty thống kê và kiểm toán Grant Thornton cho biết doanh nhân Việt Nam hiện xếp hàng thứ ba trong bảng xếp hạng stress trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Điều đó cho thấy nhu cầu về việc giải quyết những vấn đề tâm lý, xã hội đang tồn tại, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi có nhịp sống khá nhanh so với các tỉnh.
Khi mà người chuyên viên không đủ kiến thức và kỹ năng thì họ hay làm tùm lum, tức là chẳng hạn như họ hay hỏi những câu hỏi mà nó chẳng liên quan gì đến vấn đề đó.
Ngô Minh Uy
Nắm bắt nhu cầu trên, vào những năm gần đây, hàng loạt các trung tâm tư vấn tâm lý được mở ra, nhiều tổng đài tư vấn tâm lý qua điện thoại và các website tư vấn cũng ra đời. Tuy nhiên, chất lượng của các các cuộc tham vấn đang là vấn đề được đặt ra đối với nhiều trung tâm, dịch vụ. Một bạn trẻ đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý khá có tiếng tại Hà Nội viết tâm sự của mình để chia sẻ với bạn bè trên Diễn đàn cha mẹ của website soixam.com như sau:
“Tớ chả hiểu tư vấn kiểu gì, nhưng mà nói thật, tư vấn mà thế thì tớ nói còn hay hơn. Bác ý toàn nói cái gì gì ý, nói chung thì hơi lan man, hơi mang tính chất câu giờ, mà toàn vấn đề em tớ nhận thức được hết. Em tớ biết là em tớ gặp phải vấn đề ý, nhưng tự nó không thoát ra được, bác ấy kêu cháu không nghĩ thế nữa, ai nói tốt cháu nghe, không tốt cháu không nghe, cơ mà hỡi ôi, làm được thế người ta đã không tới bác sĩ. Tới là để hỏi xin lời khuyên và phương pháp, nhưng mà lại toàn nói về nguyên nhân… nói chung cũng được đôi ba câu hay, nhưng không giải quyết được vấn đề”.
Giải thích tình trạng trên, chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy, hiện đang theo học chương trình Thạc sỹ tâm lý tại Thái Lan, nói:
“Bọn tôi hay nói cái này, đó là khi mà người chuyên viên không đủ kiến thức và kỹ năng thì họ hay làm tùm lum, tức là chẳng hạn như họ hay hỏi những câu hỏi mà nó chẳng liên quan gì đến vấn đề đó. Cái thứ hai là họ hay thử những “chiêu” mà nghe rất huyền bí hay rất có uy lực, chẳng hạn như là họ hay cho làm test bởi vì làm test vẫn đủ thời gian, mà lại có cái để nói với thân chủ, mà họ cũng không phải suy tư quá nhiều. Trong ngành này nó vậy, khi không biết làm gì thì họ hay làm tùm lum!”

Theo một khảo sát ngẫu nhiên của Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục TPHCM vào tháng 4/2004 về trình độ của các tư vấn viên, có tới gần 30% chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Khá nhiều trong số các tư vấn viên hiện nay tại Việt Nam là thuộc dạng tay ngang vào nghề, số người còn lại tuy có học chuyên ngành về tâm lý nhưng theo chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy, thì cũng không có nhiều người đủ vững để giúp cho thân chủ giải quyết vấn đề tâm lý đang gặp phải. Anh Ngô Minh Uy cho biết thêm:
“Hiện nay ở Việt Nam, các chuyên viên làm về tâm lý là không theo bất kỳ một quy chuẩn nào. Như vậy đó nên tùy, ở một số trung tâm, một số anh em mà họ đi học ở nước ngoài về hoặc là họ khá cấp tiến thì họ thì họ cố gắng dựa theo những tiêu chuẩn về đạo đức, theo các cái code của Hoa Kỳ hoặc là của các nước khác mà họ học, họ được đào tạo. Còn lại, chính thức thì không có một cái chuẩn nào cả. Thậm chí có một số không ít đâu các chuyên viên tư vấn mà họ tự gọi họ là chuyên viên tư vấn tâm lý, hoặc là họ gây ra một sự hiểu nhầm để người khác gọi họ là chuyên viên tư vấn tâm lý, là những người chưa từng học qua về tâm lý. Thực tế ở Việt Nam, cái số đó không ít một tí nào và gần như không có một đơn vị nào để kiểm soát chuyện đó cả.”
Chính vì thực trạng trên nên có không ít khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý xong thì càng bực mình, lúng túng, căng thẳng hơn, thậm chí họ không bao giờ quay lại với dịch vụ này.
Thiếu hiệu quả
Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên viên tâm lý, ngay cả bản thân họ sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý từ trường đại học ra cũng không tự tin có đủ khả năng để tham vấn hay thực hành ngay được.
Đa số người ta vẫn làm việc trong một trình trạng rất là mập mờ, cái đó là thiệt thòi và cũng tội. Bởi vì họ làm việc mà không đủ kỹ năng và kiến thức để làm việc.
Ngô Minh Uy
Nhiều chuyên viên phải tự mày mò làm việc trong tình trạng thiếu kiến thức và thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, một phần vì Việt Nam vốn chưa có một cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ, phần khác vì khách hàng Việt Nam vốn cũng chỉ mới trong giai đoạn đầu làm quen với loại hình dịch vụ này nên khá dễ dãi trong việc đánh giá chuyên viên, thậm chí ngay cả trong trường hợp không hài lòng, họ cũng chỉ lặng lẽ chia tay với dịch vụ, chứ ít khi lên tiếng phản ánh, do đó tình trạng chuyên viên nói cho hết giờ vẫn khá phổ biến hiện nay. Điều này chắc chắn là một thiệt thòi không chỉ cho khách hàng mà cho cả người tham vấn. Chuyên viên Ngô Minh Uy nhận xét:

“Đa số người ta vẫn làm việc trong một trình trạng rất là mập mờ, mà Uy nghĩ, cái đó là thiệt thòi và cũng tội. Bởi vì họ làm việc mà chị biết là nếu mà không đủ kỹ năng và kiến thức để làm việc, nhất là trong ngành này, thì sẽ rất mệt mỏi. Nó sẽ gây hại cho các chuyên viên đó nhiều hơn và khi mà nó đã gây hại cho chuyên viên, nó sẽ dẫn theo chuyện là gây hại cho thân chủ.”
Theo PGS. TS. Trần Thị Minh Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học xã hội, Khoa Tâm Lý, trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành tâm lý lâm sàng của Việt Nam chỉ mới bắt đầu nở rộ trong thời gian vài năm gần đây nên còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến, từ vấn đề pháp lý đến các quy chế quản lý, các quy định của hiệp hội… TS. Trần Thị Minh Đức nói:
“Hiện nay nhu cầu xã hội thì có nên một người đang căng thẳng, có rối loạn, có lo âu, người ta biết tìm đến người làm tâm lý. Tuy nhiên về mặt pháp lý, bảo rằng để có hiệp hội, hội tâm lý học thì có nhưng hội tâm lý học ở trong các quy điều nó rất đơn giản, trước đây người ta xây dựng từ những năm 60, 70 thì nó chỉ phù hợp cho công việc giảng dạy thôi, bây giờ ở lãnh vực làm thực hành, làm thực tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cụ thể thì chưa có, nhưng mà xã hội thì người ta biết là có cái nghề này.”
Theo đánh giá của nhiều chuyên viên tâm lý, để ngành tâm lý lâm sàng phát triển và đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của xã hội hiện nay thì một trong những nguyên nhân đầu tiên và quan trọng cần phải xem xét là hệ thống đào tạo. Một số ý kiến cho rằng cần phải có một cuộc cách mạng, một cuộc cải tổ lớn trong quá trình đào tào chuyên viên tâm lý. Như vậy, nguyên nhân cốt lõi của đòi hỏi này là gì? Thực trạng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ trong chuyên ngành tâm lý hiện nay ra sao? Mời quý vị đón theo dõi trong chương trình lần tới.
Theo dòng thời sự:
- Học sinh giỏi tự tử sau kỳ thi - nỗi đau của xã hội
- Báo động tình trạng giáo dục xuống cấp
- Giảng viên có nên được sinh viên đánh giá?
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng