Hôm nay Quỳnh Như mời quý vị nghe tiếp câu chuyện về phương pháp cho chào đời những “em bé trong ống nghiệm” đầu tiên tại Việt Nam.
Mang tính nhân đạo
Khi nghe tin Tiến sĩ - Bác sĩ Robert Edwards vừa đoạt giải Nobel Y khoa về công trình nghiên cứu sáng tạo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết:
“Trước tiên thì phải nói là rất mừng, vì công trình này có tính nhân đạo, hết sức là nhân đạo.”
Chúng ta cũng nghe một người đàn ông ở Việt Nam nói về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp vợ chồng ông có được niềm hạnh phúc làm bố mẹ. Ông này nói:
“Nếu như không có phương pháp này thì chắc là rất nhiều cặp vợ chồng không có con phải xa nhau, vì đứa con là cầu nối giữa hai vợ chồng. Nếu không có đứa con thì có thể hạnh phúc họ sẽ tan vỡ. Vì theo quan niệm Á Đông, nếu người vợ không có con, thì coi như không sinh ra trái, thì người chồng sẽ đi kiếm một người vợ khác. Do đó nếu như không có phương pháp này thì nhân loại sẽ vẫn còn chịu đau khổ nhiều.”
Bản thân bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng là người thầy thuốc đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người lương y này kể lại những ca đầu tiên bà áp dụng phương pháp này đối với các đôi vợ chồng hiếm muộn. Bà kể lại:
Nếu như không có phương pháp này thì chắc là rất nhiều cặp vợ chồng không có con phải xa nhau, vì đứa con là cầu nối giữa hai vợ chồng. Nếu không có đứa con thì có thể hạnh phúc họ sẽ tan vỡ.
Một người đàn ông VN
“Ngày 19 tháng 8 năm 1997 tôi chuyển phôi cho 5 ca đầu tiên, sau đó được 3 ca có thai. Đến ngày 30/4/1998 thì các chị sanh. Đứa đầu tiên là con trai tên Mai Quốc Bảo, hai bé thứ nhì, thứ ba là con gái, tên Phạm Tường Lan Thi và Lưu Tuyết Trân.”
Một trong ba em bé đầu tiên ở Việt Nam chào đời 12 năm trước nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, em Phạm Tường Lan Thi, cho biết cảm nghĩ của em như sau:

“Dạ. Con tên Phạm Tường Lan Thi, học lớp Bảy, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Gia Thiều. Lời đầu tiên, con vô vàn cảm ơn những người đã cống hiến cho khoa học, để giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có những đứa con. Đó là niềm vui của họ. Có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã áp dụng phương pháp này để có con. Con nghĩ là, nếu như không có phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì những cặp vợ chồng hiếm muộn này sẽ không có được những niềm vui như vậy.”
Bé Lan Thi kể về trường hợp của em khi biết em được sinh ra nhờ phát minh của Tiến sĩ - Bác sĩ Robert Edwards:
“Con biết được việc này rất sớm, có thể là từ khi con học lớp Một thì con cũng được nghe về phương pháp [thụ tinh trong ống nghiệm] này rồi. Con nghe kể rằng, có một cô bị hiếm muộn, cũng nhờ phương pháp này mà sinh được một em bé đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Bây giờ em bé đó cũng đã ở tuổi 30, có một gia đình riêng, khoẻ mạnh và sống tới bây giờ.
Con cũng rất tự hào khi được sinh ra bằng một phương pháp khoa học hiện đại như vậy. Con sẽ cố gắng học hành để trở thành một người có ích trong tương lai cho đất nước, để không làm bố mẹ buồn phiền.”
Cứu tinh cho người vô sinh
Chị Phạm Thị Thanh Dung, một trong năm sản phụ đầu tiên được áp dụng phương pháp thụ tinh ngoài tử cung và đã hạ sinh một bé gái vào ngày 30/04/1998. Bé Phạm
Tường Lan Thi là đứa con duy nhất của đôi vợ chồng hiếm muộn này. Chị Thanh Dung kể lại cảm nghĩ của chị khi nhờ thành tựu y học này mang lại niềm hạnh phúc gia đình. Chị Dung nói:
“Tôi cũng cảm thấy bình thường thôi, lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng mà khi đến nơi thì hầu như ai cũng như ai nên mình cũng thấy bình thường thôi. Tôi nghĩ, nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm này, những cặp vợ chồng hiếm muộn vốn đã đi chạy chữa ở nhiều nơi mà vẫn không thể có con, nay nếu phương pháp này giúp người ta sinh con được thì người ta sẽ rất mừng. Mình không thể nào diễn tả được hết sự vui mừng đó của các ông bố bà mẹ, nhờ các thành tựu của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà biết bao nhiêu chị em phụ nữ có được những kết quả tốt đẹp.”
Người bố của em bé được sinh ra trong ống nghiệm nhớ lại kinh nghiệm lúc vợ mang bầu do các bác sĩ chuyển phôi. Ông nói:
“Mang thai theo phương pháp này cũng giống y chang như các trường hợp mang thai bình thường vậy thôi, nhưng tại vì do giai đoạn đầu phương pháp này mới được áp dụng tại Việt Nam nên mình chưa hiểu phương pháp này như thế nào. Do đó coi như phải tuyệt đối nằm để dưỡng thai, chứ không cho đi lại nhiều, sợ xảy ra tình trạng gọi là động thai. Và lúc ấy sẽ phải sinh non hoặc là sợ không giữ được bào thai nằm trong bụng mẹ được.”
Còn đối với bé khi sinh ra thì sao? Ông này kể tiếp về đứa con của mình:
“Cháu thì cũng phát triển rất bình thường, không bị gì hết trơn, cũng bình thường y chang như bao nhiêu đứa bé khác. Cũng sổ mũi, nhức đầu... vậy thôi chứ chẳng có gì khác hết.”
Khi cháu bắt đầu đi học ông và gia đình quyết định nói cho cháu biết trường hợp cháu được sinh ra theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Mặc dù đối với một đứa trẻ đây không phải là điều dễ hiểu, nhưng ông không muốn cháu bé hoang mang hay mặc cảm khi nghe người khác xì xầm. Ông nói:
“Trước khi cháu sinh ra thì cũng có nhiều người tới hỏi thăm và tìm hiểu về phương pháp này; ví dụ như hàng xóm, ông bà, cô chú, nên cũng phải nói để cháu biết. Nhưng lúc đó cháu cũng chưa hiểu ra, từ từ khi cháu lớn lên cháu mới mường tượng ra được thì lúc đó cháu mới hỏi về vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm. Thì lúc đó gia đình mới phải giải thích cặn kẽ cho cháu hiểu.
Mình không thể nào diễn tả được hết sự vui mừng đó của các ông bố bà mẹ, nhờ các thành tựu của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà biết bao nhiêu chị em phụ nữ có được những kết quả tốt đẹp.
Chị Thanh Dung
Nói chung mới đầu khi cháu nghe tình trạng đứa bé thụ tinh trong ống nghiệm nó cũng rất hoang mang. Lúc đó cháu cũng được cỡ chừng 8 tuổi, thì khi ấy mình mới mang những hình ảnh cũ ở bệnh viện ra để giải thích cho cháu. Khi mình giải thích cho cháu biết rằng cháu cũng được sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác vậy thôi, thì coi như cháu cũng hiểu. Rồi từ từ cháu bớt đi mặc cảm. Nói chung thì đến giờ, cháu học rất chăm chỉ. Năm học nào cũng đoạt danh hiệu học sinh giỏi hết cả. Cho đến giờ gia đình rất yên tâm về cháu, và để cho cháu tự học.”
Chị Phạm Thị Thanh Dung cũng giới thiệu với các chị em hiếm muộn nên thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo để có thể mang thai. Chị nói:

“Tôi từng khuyên bao nhiêu người cứ đi làm phương pháp này đi, cứ cầu xin, đừng ngại ngùng e dè gì hết. Vì đôi khi người ta thấy việc áp dụng phương pháp này cũng có vẻ khó khăn quá. Lúc đầu tôi làm thì tôi không nghĩ gì hết, tôi cứ nghĩ làm là được. Lần đầu tiên tôi làm tôi cứ nghĩ làm là được, chứ tôi cũng không biết là có được hay không được. Nhưng bây giờ tôi thấy, chẳng hạn như làm 10 phần, mà chỉ được có một phần thì đâm ra ai cũng nản. Rồi họ đến hỏi thăm tôi thì tôi cũng khuyên người ta.”
Đào tạo thế hệ kế thừa
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10,000 em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, và số phụ nữ sinh con nhờ phương pháp này ngày càng nhiều. Trong cả nước, ngoài bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có thêm nhiều trung tâm y tế ở một số địa phương khác thực hiện các ca này. Nhưng để có được thành công ngày hôm nay cần có sự đầu tư, huấn luyện từ hơn 10 năm trước. Bác sĩ Ngọc Phượng kể lại việc đào tạo đội ngũ bác sĩ trẻ nghiên cứu và thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm:
Tôi chọn một số em trẻ để đào tạo, bởi vì các em trẻ thì có khả năng ngoại ngữ. Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á, các đồng nghiệp y khoa ai cũng biết những nhóm bác sĩ trẻ này của Việt Nam.
Bác sĩ Ngọc Phượng
“Tôi chọn một số em trẻ để đào tạo, bởi vì các em trẻ thì có khả năng ngoại ngữ. Khi đọc ngoại ngữ hiểu thì mới cập nhật kiến thức được, và lúc ấy mới theo kịp những kiến thức mới trên thế giới. Thứ nhì, tôi rất mong muốn các em trẻ sẽ làm việc được lâu dài. Và thật sự cũng nhờ các bác sĩ trẻ đó chịu khó học, đọc sách, đi dự hội nghị. Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á, các đồng nghiệp y khoa ai cũng biết những nhóm bác sĩ trẻ này của Việt Nam. Tôi đào tạo từ năm 1997, cho đi tu nghiệp ở Thái Lan, Singapore, Pháp, Úc, và cả Mỹ nữa để học về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.”
Vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Dung cũng như các ông bố, bà mẹ hiếm muộn sinh con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đều luôn căn dặn con hãy luôn nhớ ơn những người lương y như từ mẫu, đã cho các cháu được nhìn thấy cuộc đời.