Nguy cơ lây lan của hội chứng hô hấp MERS

Việt Hà, phóng viên RFA
2014.06.17
001_GR336187-305.jpg Sơ đồ số người chết tại các nước vì "Hội chứng hô hấp Trung Đông" (MERS virus hay SARS-like virus) tính từ 2012 đến tháng 5 năm 2013.
AFP

 

Hội chứng hô hấp Trung đông, tiếng Anh gọi tắt là MERS, là một bệnh về đường hô hấp do một loại virut Corona, họ hàng với virut SARS gây ra. Đây được coi là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao.  Bệnh này giờ đây không còn chỉ bó hẹp trong khu vực các nước trung đông mà đã lan sang một số nước ở những châu lục khác, gây nên những lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Giới chức y tế các nước đã và đang siết chặt việc kiểm soát và theo dõi đề phòng bệnh dịch.

Nguy cơ lây lan

Kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện ở Arap Saudi vào năm 2012, hội chứng hô hấp Trung Đông giờ đã không còn chỉ bó hẹp tại vùng Trung đông như tên gọi của nó, mà đã lan sang châu Âu và châu Mỹ. Tại Hoa Kỳ, trong tháng 5, giới chức Y tế báo cáo có hai trường hợp mới nhiễm virut mới, đưa tổng số ca báo cáo nhiễm bệnh trên toàn thế giới lên Tổ chức Y tế Thế giới là 683 ca, với 204 ca tử vong có liên quan.

Vào năm 2013, virut MERS-CoV cũng đã được phát hiện tại Anh với 3 trường hợp nhiễm bệnh và 2 người tử vong.

Hôm 16 tháng 5 vừa qua, hãng tin CNN của Mỹ trích nguồn tin từ giới chức Y tế Hà Lan cho biết nước này cũng đã phát hiện 2 ca nhiễm virut mới.

Hôm 2 tháng 5, sau khi Hoa Kỳ công bố ca bệnh đầu tiên, Bác sĩ Anne Schuchat, Giám đốc Trung tâm chủng ngừa và các bệnh về đường hô hấp thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Hoa Kỳ, CDC, nhận định việc lây lan của virut này đến những vùng xa trong thế giới chúng ta đang sống là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải gia tăng nỗ lực phòng ngừa sớm ngay từ đầu:

Virut này chưa cho thấy khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người trong môi trường cộng đồng. Nhưng điều đáng quan ngại là virut đã lây lan trong bệnh viện.
-BS Anne Schuchat

“Trong thế giới liên kết với nhau mà chúng ta đang sống, chúng tôi đã nghĩ rằng virut MERS CoV có thể đến Mỹ. Chúng tôi đã gia tăng việc giám sát khả năng xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm để phát hiện các ca mới. Chúng tôi cũng đưa ra hướng dẫn cho các cơ quan y tế và cung cấp khuyến nghị về kiểm soát bệnh dịch và các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.”

Trước tình hình này, ngày 11 tháng 6, WHO đã kêu gọi tất cả các nước thành viên phải tiếp tục việc giám sát các ca viêm đường hô hấp và theo dõi thận trọng bất cứ những diễn tiến bất thường.

Cho đến lúc này, các nhà khoa học vẫn cho rằng virut corona mới (hay còn gọi là virut MERS – CoV) gây hội chứng hô hấp Trung Đông không lây lan dễ dàng từ người sang người, nhưng nguy cơ này cao hơn trong các điều kiện tiếp xúc gần, nhất là trong các cơ sở y tế, bệnh viện, nơi người bệnh được điều trị. Liên quan đến trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virut tại Mỹ, bác sĩ Anne Schuchat cho biết:

“Virut này chưa cho thấy khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người trong môi trường cộng đồng. Nhưng điều đáng quan ngại là virut đã lây lan trong bệnh viện và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi phát hiện thêm các trường hợp mới là người làm công tác chăm sóc sức khỏe và có tiếp xúc gần với người bệnh này trước khi người bệnh được cách ly và những biện pháp thận trọng được áp dụng.”

Các nhà khoa học trả lời báo chí hôm 14/5/2014 sau một cuộc họp  khẩn về bệnh MERS ở Thụy Sĩ. AFP PHOTO.
Các nhà khoa học trả lời báo chí hôm 14/5/2014 sau một cuộc họp khẩn về bệnh MERS ở Thụy Sĩ. AFP PHOTO.
AFP photo

Bệnh nhân đầu tiên phát hiện tại Hoa Kỳ là người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đã đến Arap Saudi, nơi virut corona mới đang hoành hành.

Chuyên gia của CDC cho biết mặc dù không có bằng chứng chắc chắn xác định sự lây lan của virut trong môi trường cộng đồng nhưng báo cáo mới tại Arap Saudi cho thấy những ca bùng phát lớn xảy ra từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2013 ở miền đông nước này liên quan đến 23 trường hợp ở 4 cơ sở y tế. Theo CDC, 1/5 trong số các trường hợp nhiễm MERS xẩy ra đối với những người làm nhiệm vụ trong sóc sức khỏe.

Hiện  Việt Nam vẫn chưa có báo cáo nào về ca nhiễm bệnh do virut mới, nhưng vào ngày 20 tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo về phòng chống lây nhiễm bệnh. Báo Sức khỏe Đời sống mới đây trích lời bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, PHó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho biết hiện mức độ cảnh báo dịch ở Việt Nam chưa cao nhưng việc khuyến cáo với cộng đồng, đặc biệt là những người đi du lịch đến vùng có dịch là hết sức cần thiết.

Những thông tin mới về bệnh

Virut gây hội chứng hô hấp Trung Đông mặc dù đã được phát hiện từ năm 2012, nhưng một số thông tin quan trọng về loại virut mới này vẫn chưa được xác định chắc chắn. Các nhà khoa học chỉ khẳng định đây là một loại virut có tính độc cao. Bác sĩ Anne Schuchat giải thích:

“Virut MERS rất đáng quan ngại vì tính độc của nó. Chúng tôi đã chứng kiến những ca bệnh hô hấp có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong là 1/3. Mặt khác virut cũng chưa cho thấy khả năng nó có thẻ lây lan dễ dàng trong cộng đồng. Chúng tôi vẫn chưa biết một trường hợp nào như vậy đã được xác định.”

Các nhà khoa học trên thế giới cũng theo dõi để tìm hiểu xem liệu loại virut này có biến đổi gene kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 2012 cho đến nay hay không, cũng như tìm hiểu xem loại virut này có xuất hiện theo mùa hay không. Bác sĩ Anne Schuchat nói:

Có một câu hỏi khác nổi lên khi xuất hiện những ca mới trong các tuần qua là liệu virut có biến đổi để có thể lây nhiễm dễ dàng?
-BS Anne Schuchat

“Đã có sự gia tăng những trường hợp nhiễm bệnh kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay. Chúng tôi đã thấy có nhiều trường hợp mắc bệnh hơn vào mùa xuân năm ngoái. Cho nên có một câu hỏi đặt ra là có yêu tố nào có thể dẫn đến việc bệnh xuất hiện theo mùa hay không. Cũng có một câu hỏi khác nổi lên khi xuất hiện những ca mới trong các tuần qua là liệu virut có biến đổi để có thể lây nhiễm dễ dàng. Chúng ta đã lấy mẫu virut từ một bệnh nhân ở Arap Saudi gần đây và theo báo cáo mới thì không có thay đổi nào trong virut này… Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.”

Theo bác sĩ Anne Schuchat, việc theo dõi vẫn phải được tiến hành chặt chẽ, bởi vì trong trường hợp của virut SARS gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp cách đây 10 năm, các nhà khoa học tin là đã có sự biến đổi trong virut này dẫn đến nhiều hơn những ca lây nhiễm.

Hôm 5 tháng 6, các bác sĩ Arap Saudi cũng xác định chính thức là lạc đà là một nguồn của MERS CoV. Trước kia, các nhà khoa học chỉ nghi ngờ đây là một nguồn của MERS CoV mà thôi.

Các nhà khoa học cho biết mẫu gene của virut tìm thấy trên một người đàn ông Arap Saudi đã tử vong vào tháng 11 năm ngoái trùng với mẫu gene của virut lấy được từ 1 trong chín con lạc đà mà người đàn ông này có.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cẩn trọng cho biết lạc đà không chỉ là nguồn duy nhất khiến người bị nhiễm MERS.

Những biện pháp đề phòng

Người bị nhiễm MERS thường có các triệu chứng điển hình bao gồm khó thở, ho, và sốt. Theo CDC, thời gian ủ bệnh là khoảng 5 ngày trước khi người bệnh thấy triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên với các trường hợp du lịch, thời gian này có thể là 14 ngày.

Thế giới cũng không có vaccine tiêm phòng đối với loại virut này. Việc điều trị người nhiễm bệnh cũng không cụ thể vì không có một loại thuốc đặc hiệu nào dùng riêng cho loại virut này. Bác sĩ Anne Schuchat cho biết:

“Việc điều trị virut MERS CoV là không cụ thể. Điều này có nghĩa là chúng ta điều trị sốt, điều trị khó thở với oxi bổ xung nhưng không có thuốc đặc hiệu dùng riêng cho virut này. Đó là cách mà chúng ta làm hiện nay ở đây và đang được thực hiện trên khắp thế giới. Chúng tôi biết là có một vài ngườ đang nghiên cứu tìm thuốc cho loại virut này nhưng vẫn không có một đề nghị điều trị cụ thể vào thời điểm này khác hơn là điều trị, chăm sóc hỗ trợ.”

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo bệnh rất nguy hiểm đối với những người có tiền sử về các bệnh khác như tiểu đường, suy thận, phổi và bệnh về hệ thống miễn dịch. Những người này được khuyên nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà khi đi thăm các nông trại, chợ hoặc những vùng có virut này đang lây lan.

Vì các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tìm hiểu cơ chế lây bệnh từ người sang người để tìm những bằng chứng chắc chắn, các biện pháp vệ sinh cá nhân được khuyến cáo áp dụng vào lúc này phòng trường hợp lây bệnh trong cộng đồng. Đó là rửa tay sạch thường xuyên trước và sau khi tiếp xúc với động vật, tránh tiếp xúc với động vật có dấu hiệu ốm, tránh uống sữa lạc đà tươi hoặc thịt chưa được nấu chín.

Riêng với trường hợp du lịch, các bác sĩ hiện không khuyến cáo mọi người tránh du lịch đến trung đông, nhưng mọi người cần cẩn thận theo dõi các triệu chứng về đường hô hấp trong và sau chuyến đi đến vùng trung đông và thông báo kịp thời đến cơn quan y tế để theo dõi.

Theo CDC, những bệnh mới xuất hiện tại các quốc gia giờ đây chỉ cách nhau một chuyến bay. Vì vậy, các nước cần hợp tác để gia tăng nỗ lực phòng chống bệnh dịch lây lan toàn cầu ngay từ bây giờ. Đó chính là bài học mà các nước đã học nhiều lần từ các bệnh dịch trước kia như SARS, và cúm gia cầm.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà xin chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.