Hy vọng điều trị khỏi hoàn toàn HIV

Việt Hà, phóng viên RFA
2013.11.26
000_Hkg8063599-305.jpg Một bệnh nhân ở Cambodia đang nhận thuốc ARV
AFP photo

 

Năm nay thế giới kỷ niệm 30 năm lần đầu tiên virut HIV được chính thức phát hiện. 30 năm sau phát hiện lịch sử, thế giới đã tiến những bước dài trong việc kiểm soát bệnh dịch và thậm chí đã có những tia hy vọng về khả năng điều trị khỏi hoàn toàn HIV.

Những đột phá mang tính lịch sử

Tháng 3 năm nay, các nhà khoa học thế giới đón mừng một tin vui từ Mỹ khi một bé gái khoảng 2 tuổi được xác định là đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV mà em bị lây nhiễm từ mẹ.

Phát biểu tại hội nghị về các viêm nhiễm cơ hội và retrovirus 2013 (CROI) ở Atlanta, Mỹ vào tháng 3 vừa qua, bác sĩ Deborah Persaud, thuộc trường đại học John Hopkins, nói:

Chúng tôi rất vui mừng vì em bé dường như đã không còn virut trong máu và đối với chúng tôi đây là một đột phá trong điều trị HIV/ AIDS ở trẻ sơ sinh và cho chúng tôi hướng đi hướng tới điều trị HIV/ AIDS. Nếu chúng ta có thể nhân rộng ca này nó sẽ có ý nghĩa lớn với hàng trăm ngàn trẻ đang sinh ra bị nhiễm HIV trên toàn thế giới.

Em bé được nói tới còn được biết dưới tên gọi ‘em bé Mississippi’. Em được xác định nhiễm HIV từ mẹ đẻ của mình. Khoảng 31 tiếng đồng hồ sau sinh, em được bắt đầu liệu pháp điều trị tiêu chuẩn chống viêm nhiễm ở trẻ sơ sinh bao gồm 3 loại thuốc. Em được dùng thuốc liên tục như vậy trong suốt 18 tháng tiếp theo. Sau đó, em ngừng dùng thuốc và không được theo dõi định kỳ như khuyến cáo trong vài tháng. Đến tháng thứ 23, việc kiểm tra sức khỏe cho em được nối lại và các bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi kết quả thử máu gần như không thấy dấu hiệu nào của HIV dù em đã ngưng dùng thuốc. Bác sĩ Deborah Persaud nhận định:

Chúng tôi tin là cách điều trị sớm như vậy đã khiến cho virut HIV không thể có cơ hội để tạo một lưu trữ trong cơ thể hay còn gọi là những nơi lẩn trốn của các tế bào đang ngủ, nơi HIV có thể tồn tại. Nếu HIV có nơi trú ẩn như vậy thì các thuốc điều trị hiện tại của chúng ta không thể cứu chữa được các tế bào đó.

Chúng tôi rất vui mừng vì em bé dường như đã không còn virut trong máu và đối với chúng tôi đây là một đột phá trong điều trị HIV/AIDS ở trẻ sơ sinh và cho chúng tôi hướng đi hướng tới điều trị HIV AIDS.
- BS Deborah Persaud

Bình thường, một khi HIV vào cơ thể, chúng có thể tạo dựng nơi ẩn trú của mình. Khi người ta dùng thuốc kháng HIV hay còn được gọi là ARV, thuốc chỉ có tác dụng với những virut đang hoạt động mà không có tác động vào những tế bào đang ngủ. Đó là lý do vì sao khi người ta ngừng thuốc, các virut đang ngủ có thể hoạt động trở lại và người bị HIV sẽ bị bệnh trở lại.

Cũng trong hội nghị CROI lần này, những người quan tâm đến HIV/AIDS cũng được nghe báo cáo về những trường hợp người lớn được điều trị thuốc ARV sớm cho thấy những kết quả đáng khả quan gần giống như trường hợp của ‘em bé Mississippi’.

Nói về việc có thể áp dụng trường hợp ‘em bé Mississippi’ cho điều trị HIV ở người lớn, bác sĩ Deborah Persaud nói:

Có sự khác biệt giữa trẻ sơ sinh và người lớn liên quan đến hệ miễn dịch và do đó kết quả ở trẻ sơ sinh có thể là khác so với kết quả ở người lớn. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV khi mà các em chưa có cái mà chúng tôi gọi là bộ nhớ miễn dịch, có nghĩa là các em chưa có tế bào T trong hệ miễn dịch hoặc tế bào T trong hệ miễn dịch của các em hình thành chậm, chúng tôi không chắc lắm. Nhưng một điều chắc chắn chúng tôi biết là trẻ sơ sinh có các tế bào mà chúng tôi gọi là ‘tế bào ngây thơ’, tức là các tế bào chưa bị tiếp xúc với các tác nhân gây viêm nhiễm. Do đó nó có thể tạo một sự khác biệt lớn trong kết quả giữa trẻ sơ sinh và người lớn.

Trước khi trường hợp ‘em bé Mississippi’ được phát hiện, thế giới cũng đã chứng kiến một trường hợp hy hữu chữa khỏi hoàn toàn HIV ở người lớn. Đó là trường hợp bệnh nhân người Mỹ gốc Đức có tên Timothy Ray Brown. Bệnh nhân này bị phát hiện nhiễm HIV vào năm 1995 và đã điều trị thuốc ARV khá hiệu quả trong suốt 11 năm cho đến khi phát hiện bị bệnh ung thư máu vào năm 2006. Các bác sĩ đã điều trị ung thư máu cho bệnh nhân này bằng cách cấy tủy từ môt người có khả năng miễn dịch với HIV. Sau khi được cấy tủy mới, bệnh nhân đã hết ung thư, sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không phải tiếp tục dùng thuốc ARV. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc áp dụng phương pháp thay tủy như trong trường hợp của bệnh nhân người gốc Đức là rất tốn kém, trong khi điều đáng lo ngại hơn là phương pháp này có quá nhiều rủi ro khi thực hiện, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Nhận xét về trường hợp bệnh nhân người Mỹ gốc Đức, bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng nói:

Đó không phải là một biện pháp có thể áp dụng rộng rãi được, nó chỉ mở ra một hướng điều trị mới. Hướng làm sao để tế bào bạch cầu CD4 không có bộ phận thụ thể để tiếp nhận con HIV.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo các bác sĩ cho bệnh nhân nhiễm HIV uống thuốc kháng HIV sớm hơn so với trước kia để giảm khả năng lây nhiễm virut HIV. Các nghiên cứu gần đây đã xác định việc cho bệnh nhân uống thuốc sớm có thể giảm được đến 97% khả năng lây nhiễm. Bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Ban các bệnh truyền nhiễm và dị ứng thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ nói:

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc điều trị cho người nhiễm HIV càng sớm bao nhiêu, thì càng có nhiều cái lợi về hai mặt. Thứ nhất là chúng ta có thể duy trì được sự hoạt động của hệ thống miễn dịch của người bệnh, không cho phép hệ thống miễn dịch trong cơ thể bị hủy hoại. Khi lượng CD 4 trong máu người bệnh ở mức 500 tức  là khi cần phải có can thiệp. Việc cho uống thuốc sớm không chỉ có lợi cho người bệnh mà còn làm giảm đáng kể khả năng lây lan virut sang người có quan hệ tình dục với người có bệnh. Cho nên việc điều trị sớm có tác dụng kép, với người bệnh và giảm được việc lây lan virut.

Theo ước tính của WHO bằng cách điều trị mới này, từ nay đến năm 2025, sẽ có khoảng 3 triệu người được cứu sống trên toàn thế giới.

Những thách thức

Truyền máu là một trong những rủi ro lây nhiễm HIV. AFP photo
Truyền máu là một trong những rủi ro lây nhiễm HIV. AFP photo
Truyền máu là một trong những rủi ro lây nhiễm HIV. AFP photo

Những phát triển trong y học đã giúp thế giới giảm được số người chết vì nhiễm HIV. Theo chương trình phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc, trong vòng 30 năm qua, đã có 25 triệu người chết vì virut này. Những năm trở lại đây, con số người chết do nhiễm HIV đã giảm. Năm 2005, con số người chết do HIV trên toàn thế giới là 2,3 triệu người. Năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 1,7 triệu người.

Theo báo cáo mới của WHO, con số người được tiếp cận với thuốc ARV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2012 đã tăng thêm 1,6 triệu người lên con số 9,7 triệu người. Tại châu Phi, châu lục bị gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của HIV/AIDS, con số người được uống thuốc cũng tăng lên đáng kể trong suốt hơn một thập kỷ qua từ 50,000 lên hơn 7,5 triệu người. Số lượng trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ cũng đã giảm. Việc dùng thuốc ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con đã giúp khoảng 800,000 trẻ nhỏ trên toàn thế giới không bị nhiễm HIV từ mẹ trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2012.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Theo WHO, ở phần lớn các điều tra ở những nước có thu nhập thấp và trung binh, phần đông những người đang sống chung với HIV chưa bao giờ được đi thử HIV. Trong khi đó, ở tất cả mọi châu lục, vẫn còn một số đông người chỉ đi thử HIV và được điều trị khi sức khỏe đã rất yếu.

Một lo ngại khác ở các nước nghèo và đang phát triển như ở Việt Nam hiện tại là nỗi lo về tình trạng kháng thuốc trong khi hệ thống y tế chưa đủ mạnh để có thể cung cấp đầy đủ các dòng thuốc điều trị cho những bệnh nhân đòi hỏi có các phác đồ điều trị cao hơn. Bác sĩ Khuất Hải Oanh cho biết:

Có sự khác biệt giữa trẻ sơ sinh và người lớn liên quan đến hệ miễn dịch và do đó kết quả ở trẻ sơ sinh có thể là khác so với kết quả ở người lớn.
- BS Deborah Persaud

Bệnh nhân càng điều trị càng lâu thì khả năng kháng thuốc càng cao. Thuốc HIV ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu phổ biến vào khoảng 5, 6 năm nay thôi. Từ năm 2006 đến 2007 thì mới nhiều bệnh nhân mới được điều trị. Vì vậy thời gian điều trị chưa nhiều, có nghĩa là số bệnh nhân kháng thuốc chưa nhiều, nhưng trong tương lai thì số người kháng thuốc sẽ tăng lên. Lúc đó Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc phải có thuốc điều trị bậc 2, bậc 3. Quan trọng là phải có đủ các loại thuốc để lựa chọn. Hiện tại ở Việt Nam không có nhiều thuốc để lựa chọn. Giả dụ có biết được bệnh nhân kháng thì cũng khó có thuốc khác để điều trị.

Phát hiện mới trong điều trị HIV ở trẻ sơ sinh năm nay là dấu hiệu khích lệ cho các bác sĩ và các nhà nghiên cứu trên con đường tìm kiếm cách điều trị chữa khỏi hoàn toàn HIV. Tuy nhiên, tại hội nghị CROI 2013, bác sĩ Deborah Persuad cũng khuyến cáo mọi người vẫn nên cẩn trọng và tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị hiện tại, vì vẫn còn rất nhiều điều các nhà khoa học chưa xác định được một cách chính xác trong ca thành công đầu tiên ở ‘em bé Mississippi’, đó là chưa nói đến việc áp dụng ở người lớn. Nhưng dù sao, thì đây cũng là một hy vọng cho thế giới, hy vọng để thế giới tiến tới 3 không như trong chủ đề của ngày phòng chống HIV/AIDS, đó là không còn người nhiễm HIV mới, không còn người chết vì AIDS, và không còn kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.