Hội nghị với sự tham dự của hơn 100 nước thành viên và các tổ chức y tế thế giới bàn về các biện pháp nhằm kiểm soát và phòng tránh các bệnh mãn tính, không lây nhiễm, nhưng đang phát triển ở mọi quốc gia trên thế giới. Những căn bệnh này gây thiệt hại về sức khỏe cho người dân và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong chương trình Sức khỏe và Đời sống hôm nay Quỳnh Như xin gởi đến quý thính giả những thông tin về hội nghị cấp cao này.
Thiệt hại nhân mạng và kinh tế

Phát biểu về ý nghĩa của Hội nghị cấp cao do Liên Hiệp Quốc tổ chức lần này về các bệnh mãn tính và không lây nhiễm, Tổng Thư ký Ban Ki-moon, cho biết, đây là một hội nghị y tế quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt, vì những căn bệnh mãn tính này cướp đi sinh mạng của nhiều người thuộc thế hệ trẻ – những người đóng vai trò chủ chốt trong khâu sản xuất của cải vật chất cho xã hội và cũng là những người nắm sứ mệnh lãnh đạo tương lai. Vì thế chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn sự phát triển của những căn bệnh này.
Năm căn bệnh mãn tính, không lây nhiễm hàng đầu được các chuyên gia sức khỏe đưa ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc về y tế lần này là: ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi và bệnh tâm thần.
Tiến sĩ Ala Alwan, Giám đốc Nhóm nghiên cứu về năm căn bệnh mãn tính, không lây nhiễm này của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tỉ lệ tử vong do các bệnh như ung thư, đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, và các bệnh về đường hô hấp mãn tính chiếm 63% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, với khoảng 36 triệu sinh mạng hàng năm, trong số này có ít nhất 9 triệu người chết trước khi bước vào độ tuổi 60.
Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng dự báo từ nay đến năm 2030 số người chết vì những bệnh không lây nhiễm vừa kể có thể lên tới 52 triệu người/năm. Do vậy nếu không có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn từ bây giờ thì số người mắc bệnh có thể còn tăng hơn con số dự đoán.
Theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ước tính năm căn bệnh mãn tính, không lây nhiễm này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 47.000 tỉ đôla trong vòng 20 năm tới.
Theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ước tính năm căn bệnh mãn tính, không lây nhiễm này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 47.000 tỉ đôla trong vòng 20 năm tới. Chi phí chữa trị các bệnh liên quan đến béo phì và lối sống không điều độ trong hai thập kỷ tới sẽ chiếm khoảng 75% tổng sản phẩm quốc nội của năm 2010. Tiến sĩ Eva Jane-Llopis, chuyên gia của WEF đưa ra cảnh báo trước tình hình này, bà cho rằng đây không phải chỉ là vấn đề y tế, mà còn là vấn đề kinh tế, và có liên quan đến mọi khía cạnh trong đời sống xã hội. Theo Tiến sĩ Eva Jane-Llopis tất cả mọi người đều quan ngại vấn đề này. Bà nhấn mạnh:
"Điều quan trọng là chúng ta cần có giải pháp cân đối giữa các biện pháp phòng tránh và điều trị. Đồng thời huy động sự tham gia của các ngành từ lĩnh vực quản lý y tế cho đến các ngành không thuộc lĩnh vực này, cũng như sử dụng mọi nguồn lực và khả năng chuyên môn của từng cá nhân trong cuộc chiến chống bệnh tật này."
Trước nay dư luận thường cho rằng, những bệnh mãn tính, không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi là bệnh ở người giàu, và thường thấy xuất hiện ở các nước phát triển. Vì bệnh thường liên quan đến việc tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, và lối sống ít vận động, hút thuốc lá và uống nhiều rượu.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy hơn 80% số ca tử vong do các bệnh này lại rơi vào khu vực các nước đang phát triển, người dân có thu nhập từ thấp đến trung bình.
Phát biểu tại Hội nghị cao cấp về y tế cộng đồng do Liên Hiệp Quốc triệu tập lần này, một trong số những đại biểu của các quốc gia đang phát triển, Tiến sĩ Ivana Misic trợ lý Bộ trưởng Y tế Cộng hoà Secbia lên tiếng:
“Tôi nghĩ rằng hội nghị lần này đánh dấu một sự kiện quan trọng vì hơn bao giờ hết bây giờ là lúc phải đưa vấn đề hệ trọng này vào nghị trình của Liên Hiệp Quốc, như một đề tài cấp bách cần bàn thảo phương cách giải quyết, vì lợi ích của các nước Châu Âu, và đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển với thu nhập thấp và vừa.”
Phương pháp ngăn ngừa

Tuy nhiên, điều đáng mừng là các bệnh mãn tính, không lây nhiễm này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh như việc sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia, một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và một lối sống thiếu vận động thể dục thể thao.
Một nghiên cứu của WHO công bố một ngày trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về các bệnh mãn tính, không lây nhiễm cho biết, chính phủ các quốc gia đang phát triển với ngân sách eo hẹp có thể áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những căn bệnh đe dọa đến sinh mạng người dân, như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi với chi phí thấp, chỉ vào khoảng 1 đôla 20 cent trên đầu người một năm. Thay vì phải chi trên 11 tỉ đôla một năm vào việc điều trị những căn bệnh này. Và nếu không hành động ngay từ bây giờ, các quốc gia này có thể phải chịu thiệt hại lên đến 7.000 tỉ đôla.
WHO cũng đưa ra khuyến cáo về các biện pháp giúp giảm tỉ lệ bệnh mãn tính, không lây nhiễm ở các nước nghèo. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Margarette Chan nhấn mạnh:
“Có những phương pháp ngăn ngừa hữu hiệu không mấy tốn kém, mà tất cả các quốc gia đều có thể áp dụng, đó là thực hiện biện pháp giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá một cách đáng kể, và giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá đối với nhóm người không hút thuốc lá.
Có những phương pháp ngăn ngừa hữu hiệu không mấy tốn kém, mà tất cả các quốc gia đều có thể áp dụng...
TS Margarette Chan
Giảm bớt việc sử dụng muối trong khẩu phần ăn để giảm thiểu số người bị bệnh huyết áp tăng, cũng như phổ biến các thông tin khuyến khích lối sống lành mạnh để giúp giảm chi phí điều trị các bệnh tim mạch và tiểu đường. Đó là những ví dụ thiết thực mang lại hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.”
Việc thực hiện những biện pháp nói trên có thể cứu sống hàng triệu người trong vòng 15 năm tới. Và cũng theo người đứng đầu WHO, ngành y tế có thể cung cấp đầy đủ dữ liệu nghiên cứu về tác hại cũng như chi phí do các bệnh mãn tính, không lây nhiễm gây ra, đồng thời đề ra những biện pháp có thể kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh này. Nhưng để thực hiện việc đó một cách hiệu quả thì cần có sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc đề ra chính sách và những biện pháp chế tài cụ thể hầu đảm bảo sự nghiêm túc trong việc thực hiện.
Trước đây, năm 2009 WHO đã đề ra kế hoạch hành động giai đoạn từ 2008-2013 để đối phó với các căn bệnh này với 6 mục tiêu chính. Trong đó chủ yếu kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức y tế thế giới đưa các biện pháp phòng tránh những bệnh mãn tính, không lây nhiễm vào các chương trình phòng chống quốc gia và khuyến khích việc nghiên cứu đề suất các biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu.

Kết thúc Hội nghị cấp cao y tế thế giới về các bệnh mãn tính, không lây nhiễm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc điều trị, và phòng chống những căn bệnh này, cụ thể là cải thiện hệ thống y tế, giáo dục sức khỏe cộng đồng. Các nhà làm chính sách sẽ đưa nội dung hành động của chương trình giảm các bệnh không lây nhiễm vào các chính sách bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các chương trình phát triển quốc gia.
Trong các chương trình phát thanh kế tiếp, chương trình Sức khỏe và Đời sống sẽ lần lượt mang đến quý thính giả những thông tin về các bệnh mãn tính, không lây nhiễm vừa được đề cập tại Hội nghị cấp cao do Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Chương trình Sức khỏe và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Bệnh ung thư và thói quen ăn uống
- Huyết áp cao
- Gần 40 ngàn người chết vì thuốc lá hàng năm
- Ngày thế giới không thuốc lá 2011
- Cuộc sống căng thẳng: bệnh nhân tâm thần tăng
- Chế độ ăn uống, tập luyện với người cao huyết áp
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần/a>
- Nên giảm muối trong khẩu phần ăn
- Ngày thế giới phòng chống tự tử 2011