Chống loãng xương từ tuổi nhỏ

Có người cho rằng loãng xương là một chứng bệnh chỉ xuất hiện trong một vài trường hợp đặc biệt. Thực ra không phải vậy. Mọi người đều có thể gặp tình trạng xương bị yếu, trở nên giòn và dẫn tới dễ bị gãy đột ngột.
Quỳnh Như- RFA
Những ngũ cốc cần thiết cho xương
Photo courtesy suckhoeso.com

Trong chương trình Sức khỏe và đời sống kỳ này Quỳnh Như xin gởi đến quý thính giả những thông tin về một số biện pháp để phòng tránh chứng loãng xương.

Nam giới cao niên cũng loãng xương

Theo các chuyên gia y tế loãng xương là bệnh của tuổi già, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Chứng loãng xương đang tác động vào 1/3 nữ giới và và 1/5 nam giới ở độ tuổi ngũ tuần trở lên. Nhiều người lầm tưởng “loãng xương” là chứng bệnh chỉ thấy ở phụ nữ. Các bác sĩ chuyên khoa xương cho biết căn bệnh này cũng xuất hiện ở nam giới và ở những người cao tuổi nói chung. Vì sao các lão ông cũng mắc chứng bệnh loãng xương? Bác sĩ Đỗ Vũ Mai Khanh hay còn được gọi là Bác sĩ Connie Đỗ, hiện đang hành nghề tại tiểu bang Virginia, giải thích như sau: 

Cấu trúc xương bình thường (T) và cấu trúc xương loãng (P)
Cấu trúc xương bình thường (T) và cấu trúc xương loãng (P)-Photo courtesy of iofbonehealth.org
Photo courtesy of iofbonehealth.org


“Các lão ông cũng bị loãng xương vì theo thời gian thì tất cả những xương đều bắt đầu bị hao mòn hết, đều bị loãng hết, thường thấy ở những người phụ nữ nhiều hơn đàn ông là vì phụ nữ còn phải mang bầu.”

Hiện nay người ta nhận thấy loãng xương thường xảy ra ở người cao tuổi 1/3 là phụ nữ, và 1/5 số đàn ông trên 50 tuổi. Theo các chuyên gia sức khoẻ, trong cuộc đời người phụ nữ sẽ mất khoảng 35% xương đặc và khoảng 50% xương bị xốp, trong khi đó ở nam giới bị mất chất xương ít hơn. Tuy nhiên người ta cũng nhận thấy tỉ lệ nam giới bị loãng xương đang có chiều hướng gia tăng

Ở những người này, quá trình hủy xương lớn hơn quá trình tạo xương. Lời khuyên chung của các nhà tư vấn sức khoẻ là khi phát hiện bị loãng xương cần bổ sung ngay bằng chế độ ăn và thuốc uống.

Ức chế loãng xương và tạo xương từ tuổi nhỏ

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị loãng xương, trong đó việc ức chế quá trình huỷ xương được xem là phương pháp có nhiều ưu điểm đối với những người đã bị chứng loãng xương.

Theo các chuyên gia, tái tạo hoàn toàn phần xương bị mất dần do loãng xương là một việc rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải nằm một chổ, nguy hiểm hơn là thời gian dài nằm điều trị có thể đưa đến những biến chứng bất lợi có thể gây tàn phế suốt đời, và làm giảm tuổi thọ của người bệnh.
Do vậy, trong bệnh này, vấn đề dự phòng phải được đặt ngang tầm với công tác điều trị. Các bác sĩ và những chuyên gia dinh dưỡng luôn nhắc nhở mọi người rằng, một chế độ dinh dưỡng khoa học và đầy đủ chất sẽ đảm bảo có một bộ xương chắc khoẻ cho trẻ ngay từ những năm đầu đời, rất có ích trong việc phòng ngừa chứng loãng xương về sau này.

Nên thói quen uống sữa rất tốt, nếu sợ tăng mỡ trong máu thì uống loại sữa không béo, sữa đã tách chất béo đi
BS dinh dưỡng ở TP/HCM

Một trong những nguyên nhân chính gây ra loãng xương là do thiếu calci. Vì vậy cần xây dựng những bữa ăn giàu calci với các loại thực phẩm như: tôm, cua, trứng, rau dền, rau ngót, đậu nành…, đặc biệt là sửa. Một bác sĩ dinh dưỡng từng tu nghiệp tại Nhật bản hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sữa là nguồn thức ăn giàu calci. Vị Bác sĩ này giải thích như sau: 

“Thói quen uống sữa của người nước ngoài là tốt vì quá trình phát triển của cơ thể vẫn cần calci, ngay như sau khi 25 tuổi mặc dù cơ thể không tích xương nữa, nhưng có sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Nếu thiếu calci thì quá trình hủy xương sẽ nhanh hơn quá trình tạo xương. Cho nên người ta vẫn khuyến nghị dù đến tận bảy mươi, hay tám mươi tuổi thì nhu cầu calci vẫn cao. Nên thói quen uống sữa rất tốt, nếu sợ tăng mỡ trong máu thì uống loại sữa không béo, sữa đã tách chất béo đi.”

Ngoài ra, cũng cần sử dụng các chất làm tăng chất khoáng trong xương, các chất này có nhiều trong các loại trái cây, rau như: giá đỗ, đậu nành, bắp cải, cà chua, dưa leo, tỏi…

Nên theo người Nhật

nên các bà cụ bảy, tám chục tuổi chứ đâu có bao nhiêu người bị gãy cổ xương đùi đâu, mà đo mật độ xương thì thấy rất tốt.
BS từng tu nghiệp tại Nhật.


Vị  bác sĩ cũng chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe về thói quen ăn uống, sinh hoạt của người dân Nhật. Bà nói:

“Dân Nhật có những thói quen sống tốt, họ vận động nhiều, vận động của họ tốt, thói quen ăn uống đa dạng thực phẩm nên không bị thiếu chất vì mỗi loại thực phẩm có ưu thế về một loại dưỡng chất khác nhau, ăn đa dạng sẽ bổ sung cho nhau. Người Nhật cũng ăn tảo, các loại rong biển có nhiều chất khoáng nên cũng tốt. Họ cũng uống sữa nhiều, uống sữa thay nước. Nên mật độ xương rất tốt, mà họ lại còn đi bộ nhiều, nên các bà cụ bảy, tám chục tuổi chứ đâu có bao nhiêu người bị gãy cổ xương đùi đâu, mà đo mật độ xương thì thấy rất tốt.”

Nếu ăn không đủ calci có thể sử dụng thêm thuốc để bổ sung. Tuy nhiên, đối với một số người muốn sử dụng Calcium để bổ xương, bác sĩ Connie Đỗ đưa ra một vài điểm nên lưu ý như sau:

“Calcium bán tự do tại các quầy trong hiệu thuốc, nên người bình thường mua thuốc về, đọc theo toa rồi sử dụng. Tuỳ loại, nếu viên thuốc chứa nhiều mg calcium thì uống ít đi, còn viên nào có ít mg thì uống số viên nhiều hơn. Và đó là đối với người bình thường mà thôi, còn những ai có bệnh trong người thì nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng calcium.”
Đồng thời, cũng cần tránh một vài loại thức ăn, đồ uống có thể làm nghèo calci của xương. Đứng đầu là muối, kế đến là nhóm đồ uống có chứa nhiều cafeine. Muối kích thích sự điều tiết calci trong nước tiểu, điều này có nghiã là nếu sử dụng nhiều muối trong thực phẩm thì khả năng mắc bệnh loãng xương sẽ rất cao do hàm lượng calci bị giảm đi, và qua nghiên cứu người ta cũng phát hiện ra rằng nếu mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100mg cafeine sẽ làm mất đi khoảng 6mg calci.

Ngoài ra, vitamin D cũng rất quan trọng trong việc giúp phòng tránh loãng xương. Cơ thể cần vitamin D để hấp thu calci. Các nhà chuyên môn cho biết, thiếu vitamin D, cơ thể sẽ không thể tạo đủ hormone calcitriol nên khó hấp thu được calci từ thức ăn. Khi đó cơ thể sẽ lấy calci từ nơi dự trữ là xương, làm cho xương bị yếu đi và đồng thời cũng ngăn chận quá trình tạo xương mới. Bên cạnh vitamin D, vitamin K cũng đi đôi với calci để giúp xương chắc khoẻ vì vitamin K có khả năng kết hợp với calci trong quá trình tạo xương hay củng cố xương.

Bác sĩ Connie Đỗ nói thêm về những biện pháp đề phòng chứng loãng xương:

“Bác sĩ thường khuyên các bệnh nhân khoảng bắt đầu 40 tuổi thì nên uống thuốc thêm về Calcium hay Vitamin D, thì những cái đó sẽ giúp bổ xương. Nhưng ở những ngưởi trẻ hơn thì nên uống sữa, vì trong sữa có chất Calcium và Vitamin D thì sẽ giúp một phần nào đó và đồng thời cũng nên uống thêm các loại vitamin vì nó có nhiều chất, nên trong người bị thiếu chất gì nó sẽ bổ sung chất đó. Còn những người phụ nữ tới kỳ sinh đẻ hay mang thai thì Bác sĩ khuyên nên uống Natal Vitamin (vitamin dành cho phụ nữ có thai) hơn một năm trước khi muốn thụ thai. Trong thời gian thụ thai cũng nên uống Natal Vitamin. Và sau khi sinh con, có nhiều người không uống Natal Vitamin nữa, nhưng Bác sĩ khuyên vẫn uống các loại vitamin, hay vitamin D, hoặc calcium.”

Muốn chữa trị phải uống thuốc cho đúng

Còn đối với những người đã được chẩn đoán là bị loãng xương, Bác sĩ Connie Đỗ đưa ra lời khuyên:
“Thì phải đến bác sĩ gia đình để xin thuốc đúng để uống, chứ uống các loại thuốc bán ngoài quầy thì cũng không giúp chữa bệnh được bao nhiêu.”
Một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị loãng xương là do bệnh nhân không tuân thủ các phác đồ điều trị. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, chỉ cần quên uống một liều trong một tuần thì hiệu quả bảo vệ đã giảm đến 64%

Bác sĩ Connie Đỗ nhắc nhở các bệnh nhân cao tuổi điều trị loãng xương cần lưu ý:

“Những vị cao niên bị loãng xương, thứ nhất là phải uống thuốc. Thuốc đó sẽ tốt hơn thuốc vitamin bình thường, thành ra bác sĩ gia đình sẽ cho uống thuốc đó. Ngoài ra, có thể uống thêm vitamin cũng không sao, và uống thêm các chất như sữa và đặc biệt cần tập luyện thể dục. Vì khi vận động như thế thì xương và các bắp thịt sẽ hoạt động, và giúp đi đứng hay cử động được dễ dàng trong đời sống hằng ngày.”

Trẻ em học múa ba-lê ở New York so chiều cao với nhau- AFP photo
Trẻ em học múa ba-lê ở New York so chiều cao với nhau- AFP photo
AFP photo
Một số môn thể dục như: chạy bộ, tập aerobic, nhảy dây… sẽ kích thích xương phát triển cũng như củng cố toàn bộ khung xương
BS Connie Đỗ

Cùng với phương pháp dinh dưỡng đúng cách, chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong vấn đề phòng tránh loãng xương. Đặc biệt đối với phụ nữ giai đoạn sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm có thể áp dụng liệu pháp hormone thay thế, nhưng cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế, đồng thời phải kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý. Một số môn thể dục như: chạy bộ, tập aerobic, nhảy dây… sẽ kích thích xương phát triển cũng như củng cố toàn bộ khung xương. Tuy nhiên cần lưu ý tác dụng của vận động trong việc điều trị bệnh loãng xương và bệnh thấp khớp (Rheumatoid) là hoàn toàn trái ngược nhau. Bác sĩ Connie Đỗ giải thích:

“Đối với chứng loãng xương thì mình sẽ khuyên bệnh nhân nên vận động thể dục, vì nó sẽ giúp họ cử động được dễ dàng hơn. Còn đối với bệnh thấp khớp thì thường bác sĩ không muốn họ vận động trong thời gian đầu là tại vì khi những khớp xương sưng lên mà vận động thì nó lại cà vô nhau và làm đau thêm.”

Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có 2 triệu rưỡi người bị chứng loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Theo các bác sĩ ở Việt Nam, tỉ lệ người bị loãng xương trong nước còn khá cao, nguyên nhân là do người bệnh không biết mình bị bệnh và cũng ít khi đi khám tầm soát để xác định loãng xương. Do vậy việc tầm soát để phát hiện loãng xương là cần thiết nhất là đối với phụ nữ ngoài 50 tuổi.

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn qúy vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.