Dịch bệnh và Hòa bình
2011.07.14

Mới đây Viện Nghiên cứu Hoà bình của Hoa kỳ đã tổ chức một cuộc Hội thảo về chiến lược hợp tác trong vấn đề y tế công cộng tại các khu vực có nhiều xung đột, biến động, nhân dịp ra mắt quyển sách “Dịch bệnh và Hoà bình” (Pandemics & Peace) của Giáo sư William J. Long, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Georgia, đồng thời ông cũng là một thành viên của Viện Nghiên cứu Hoà bình Hoa kỳ.
Quỳnh Như xin gởi tới quý thính giả một số thông tin liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh trên toàn cầu.
Kiểm soát và ngăn ngừa
Nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa dịch bệnh và hoà bình, Giáo sư Leonard Rubenstein, Trưởng nhóm nghiên cứu về Sức khoẻ và Xây dựng hoà bình của Viện Nghiên cứu Hoà bình Hoa kỳ nói:
“Mối quan hệ giữa các bệnh truyền nhiễm và những nỗ lực của cả thế giới trong việc kiểm soát và ngăn ngừa chúng. Và nghĩ đến những biện pháp có thể làm dịu bớt những xung đột, hoặc tìm ra những vấn đề của dịch bệnh mà có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn để giải quyết chúng.
Ở đây chúng ta bàn đến hai khiá cạnh, thứ nhất về lĩnh vực phòng ngừa, làm thế nào có thể hợp tác giữa các bên để ngăn ngừa dịch bệnh để có thể giúp làm dịu bớt hoặc để tránh xảy ra những xung đột ở những vùng có nhiều biến động về giao tranh. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu đến những thách thức đặt ra cho chúng ta khi muốn giải quyết vấn đề dịch bệnh thông qua con đường ngoại giao, khi có dịch bệnh xảy ra ở những khu vực đang gặp nhiều bất ổn này.”
Về vấn đề này, Giáo sư William J. Long, tác giả quyển sách “Dịch bệnh và Hoà bình”, đồng thời cũng là một thành viên của Viện Nghiên cứu Hoà bình Hoa kỳ cho biết:
“Để giải quyết vấn đề dịch bệnh và hoà bình, cần xem xét ba yếu tố riêng biệt, thứ nhất là việc hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng, kế đến là việc điều hành hợp tác giữa các chính phủ, vấn đề hợp tác làm việc giữa các thực thể tư nhân và nhà nước với nhau trong việc quản lý y tế công cộng. Và cuối cùng là trách nhiệm của các quốc gia tiên tiến như Hoa kỳ đi đầu trong lĩnh vực cung cấp khoa học, công nghệ để giải quyết vấn đề này cho nhân loại.”
Đây là bệnh truyền nhiễm mới đầu tiên của thế kỷ 21, nó khác so với một số dịch bệnh trước đây ở điểm, tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong cao, và bệnh đã lợi dụng được sự lưu thông giao dịch rộng rãi vốn là đặc tính của toàn cầu để mở rộng phạm vi lây lan. Người ta tổng kết, thời gian đó trên thế giới có khoảng trên 8.000 người đã bị lây nhiễm bệnh này, với 812 trường hợp tử vong, bệnh lan ra đến gần 30 quốc gia mà phần lớn là những nước Đông Nam Á. Nhưng rất may là dịch đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, phản ứng của giới khoa học với căn bệnh mới này rất nhanh. Chỉ một tháng sau khi WHO đưa ra cảnh báo trên toàn cầu và kêu gọi 11 phòng thí nghiệm hàng đầu ở 9 quốc gia tham gia mạng lưới nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân của bệnh SARS và phát minh các test chẩn đoán. Việc sớm tìm ra căn nguyên của bệnh đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu thuốc diệt virus và thuốc điều trị bệnh.
Người ta vẫn còn nhớ WHO, và Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hoa kỳ, CDC (Centers for Disease Control and Prevention) cùng với cơ quan y tế của các quốc gia đã cập nhật thông tin từng phút cho các bác sỹ, các nhà quản lý y tế cộng đồng và các nhân viên y tế khác.
Mạng lưới các phòng thí nghiệm do WHO tổ chức đã áp dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại qua email, hay các website được bảo mật, giúp cho những kết quả nghiên cứu về SARS được chia sẻ ngay lập tức. Trên website của WHO, các thành viên trong mạng lưới tham gia trao đổi các hình ảnh siêu hiển vi của virus, các mã di truyền, để xác định và tìm ra đặc điểm của virus. Cụ thể, mẫu bệnh phẩm từ một bệnh nhân có thể được phân tích cùng một lúc bởi nhiều phòng thí nghiệm và kết quả được thông báo và chia sẻ ngay.
Tổ chức Y tế Thế giới, WHO đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch SARS đầu tiên ra toàn cầu. Trước tiên là thông qua lời cảnh báo khẩn cấp, bao gồm sự tư vấn đối với những nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các quan chức y tế, lời khuyên cho tất cả những người lữ hành quốc tế, nếu đi lại đến những khu vực có dịch bệnh phải coi chừng sự xuất hiện của các triệu chứng trong khoảng thời gian 10 ngày sau khi quay về.
Hợp tác toàn cầu
Các quốc gia cũng hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động giám sát để ngăn ngừa dịch bệnh. Ví dụ ở các nước không có, hay chỉ có rất ít ca bệnh SARS, nhiệm vụ trọng tâm là xác định sớm và cách ly các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh SARS. Còn ở các nước có bùng phát dịch SARS, phải tiến hành ngay lập tức một loạt các biện pháp cơ bản để ngăn chặn dịch.
Thoạt đầu khi bệnh này mới xuất hiện các chuyên gia nhận thấy dòng virus AH1N1 này khác với virus cúm thường của mùa đông vì nó tấn công vào những người trẻ tuổi nhiều hơn so với những người lớn tuổi, và đặc biệt nhiều bệnh nhân tử vong là trẻ em. Tại Hoa kỳ có khoảng tám mươi sáu trẻ em chết vì dịch cúm heo kể từ khi dịch bùng phát vào hồi tháng 3 năm 2009, trong số đó có đến 43 bệnh nhi chết chỉ riêng trong 2 tháng chín và tháng mười năm 2009. Đây là một con số đáng lưu ý bởi vì trong những mùa đông trước đây CDC ghi nhận chỉ có khoảng từ 40 đến 50 ca tử vong của trẻ em cho suốt cả mùa cúm.
Thông thường, bệnh cúm làm cơ thể yếu đi nên con người dễ bị mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn tấn công, nhất là đối với những người trên 65 tuổi. Nhưng virus AH5N1 có thể xâm nhập vào phổi, làm cho hệ hô hấp bị tê liệt trong vòng vài ngày, và lần này tốc độ lây lan của bệnh cũng rất nhanh chóng.
Lúc ấy Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margarette Chan nghĩ tình hình bệnh cúm có thể đã chuyển thành dịch, nhưng bà vẫn thận trọng cho rằng cần có thêm nhiều bằng chứng rõ ràng trước khi đưa ra tuyên bố về dịch bệnh. Giám đốc của WHO, thảo luận ngay với các giới chức y tế của các nước có dịch bệnh bùng phát, nhằm khẳng định sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh cúm lạ này, và đưa ra khuyến cáo ngay là bệnh cúm heo cần phải được điều trị cấp thời. Bà Chan tuyên bố:
“Thế giới chúng ta đang lâm vào dịch cúm năm 2009, tuy nhiên chúng ta chỉ mới ở vào giai đoạn đầu của dịch bệnh, virus bệnh đang phát triển và lây lan với tốc độ nhanh chóng, nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ và thận trọng. Từ trước tới giờ chưa từng có dịch bệnh nào mà được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi mới xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, như ở dịch cúm AH5N1 lần này.”
Sau thời gian theo dõi dịch bệnh gắt gao Giám đốc Chan tuyên bố tăng mức báo động về tình hình dịch bệnh:
“Dựa vào việc đánh giá những thông tin hiện có và theo ý kiến của nhiều chuyên gia về tình hình dịch bệnh, tôi tuyên bố nâng mức cảnh báo về dịch bệnh cúm hiện nay từ giai đoạn 4 lên mức 5. Cần nhận thức đúng đắn và rõ ràng về tầm quan trọng ở mức độ nguy hiểm của dịch cúm này vì nó có khả năng lây lan ra nhiều nước, biến thành một đại dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, mặt khác cả thế giới đã chuẩn bị để chận đứng và đẩy lùi dịch bệnh một cách tích cực chưa từng có trong lịch sử.”
Đồng thời các nước cũng hướng ứng lời kêu gọi của WHO, đề ra những biện pháp phòng tránh gắt gao. Vì dịch cúm bất thường lan rộng nhanh, nên du khách từ vùng có dịch tới các cửa khẩu đều được kiểm soát với máy đo thân nhiệt xem có các triệu chứng bệnh như nóng sốt và yêu cầu khai báo nếu bị ho, sổ mũi nên thành thực hợp tác với nhà chức trách để bảo vệ sức khỏe chung.
Trách nhiệm của các quốc gia tiên tiến như Hoa kỳ đi đầu trong lĩnh vực cung cấp khoa học, công nghệ để giải quyết vấn đề này cho nhân loại.
GS. William J. Long
Bên cạnh đó các chuyên gia y tế cũng khuyên người dân, nếu đang đau bệnh, không nên du lịch. Nếu đi du lịch nên tuân theo các hướng dẫn về y tế, phòng tránh bệnh tại nơi sắp tới và không nên du lịch tới vùng đang có dịch cúm. Thậm chí, sau khi du lịch về, nên lưu ý đến tình trạng sức khỏe, nếu thấy có các triệu chứng bệnh cúm, nên tới bác sĩ để khám nghiệm, và điều trị.
Các kinh nghiệm trong việc chận đứng dịch bệnh SARS hay dịch cúm AH5N1 cho thấy, với sự điều hành toàn cầu của WHO, cộng với sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức y tế, và các nhà khoa học trên toàn thế giới sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn trong việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh mới. Đồng thời cũng chứng minh sức mạnh của phương tiện Internet. Cả thế giới có thể cùng sát cánh nhau trong nghiên cứu khoa học. Và chính những nỗ lực tuyệt vời này đã hạn chế sự bùng phát và lan rộng của dịch bệnh.