Bệnh Dại

Cùng với nhiều dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp có khuẩn tả, bệnh dại ở Việt Nam đang tăng mạnh trở lại.

0:00 / 0:00

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có trên 55,000 người trên toàn cầu chết vì bệnh dại. Tính trung bình cứ 10 phút có một người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt gần phân nửa số đó là trẻ em dưới 15 tuổi.

Là bệnh truyền nhiễm

Bệnh Dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây lên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong. Bệnh dại là một trong những bệnh nhiễm được ghi nhận từ thời cổ xưa, được mô tả từ cách đây hơn 3000 năm và là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền chủ yếu thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Vết cắn gần thần kinh trung ương như thân, đầu, mặt, cổ càng nguy hiểm, cũng tương tự khi bị nhiều vết cắn.

Bệnh dại ở người, đa phần là do bị nhiễm virus dại do vết cắn, vết cào từ chó, mèo mắc bệnh dại. Tuy nhiên, không phải các con vật nuôi này có thể tự phát bệnh dại. Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật, Chi Cục Thú Y TPHCM cho biết:

“Nếu chó nuôi không thả rông, và được quản lý tốt thì chắc chắn con chó này sẽ không mắc bệnh dại. Tại vì con vật chỉ mắc bệnh dại khi nó bị con vật bị bệnh dại cắn.

Nhưng nếu nuôi chó trong nhà mà không cho tiêm ngừa bệnh dại thì cũng không nên, vì mình không thể kiểm soát được con chó suốt thời gian 24/24 được. Mặc dù mình nuôi con chó trong nhà nhưng con mèo bị bệnh dại từ bên ngoài chạy vào cắn vào con chó là sẽ truyền virus bệnh dại sang con chó. Con chó sẽ mắc bệnh dại mà người chủ không biết được.

Nếu con chó nuôi được cho tiêm ngừa hàng năm, thuốc ngừa được bảo quản tốt, còn hạn sử dụng, và được tiêm đúng kỹ thuật thì coi như sẽ an toàn đối với bệnh dại. Tất nhiên bác sĩ thú y tiêm thì đúng kỹ thuật rồi, nhưng nhiều khi người dân ở xa, mua thuốc về tự động chích cho chó nuôi, nhưng lại không biết cách chích. Có thể chích không đủ liều, ví dụ chích 1cc thuốc nhưng lại bị văng bớt ra ngoài.

Thứ hai nữa là, khi người ta rút kim tiêm không đúng cách cũng có thể làm thuốc chảy ra ngoài, nên bị thiếu thuốc. Hoặc đường tiêm phải là dưới da, nhưng người ta chích như thế nào thì mình không kiểm soát được.”

Nếu con chó nuôi được cho tiêm ngừa hàng năm, thuốc ngừa được bảo quản tốt, còn hạn sử dụng, và được tiêm đúng kỹ thuật thì coi như sẽ an toàn đối với bệnh dại.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ

Cũng theo vị bác sĩ thú y này, mặc dù chó, mèo là những con vật có thói quen hay liếm, nhưng việc này không ảnh hưởng đến bệnh dại. Bác sĩ Thọ giải thích thêm:

“Nếu con chó liếm thì không thể lây truyền bệnh dại vì virus bệnh dại không lây qua đường tiêu hoá. Thường thì virus bệnh dại chỉ lây qua những vết cào xước mà thôi. Nghiã là khi vết cào có vết thương thì virus mới tấn công vào cơ thể con thú. Chứ nếu con vật liếm thì đường tiêu hoá không bị ảnh hưởng gì, virus này không lây qua đường tiêu hoá. Virus ở môi trường bên ngoài sau một thời gian ngắn sẽ bị tiêu diệt, vì môi trường bên ngoài không phù hợp cho virus này sống và phát triển.”

Làm gì khi bị gia súc cắn?

000_Del393575-250.jpg
Tiêm phòng bệnh dại miễn phí cho mèo tại một bệnh viện thú y ở Hyderabad ngày 06 tháng 7 năm 2010. AFP photo (Tiêm phòng bệnh dại miễn phí cho mèo tại một bệnh viện thú y ở Hyderabad ngày 06 tháng 7 năm 2010. AFP photo)

Như vậy Bệnh Dại diễn biến như thế nào? Các bác sĩ cho biết khi người bị con vật nhiễm virus dại cắn sẽ ủ bệnh từ 2 đến 8 tuần lễ, đôi khi chỉ khoảng 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài một năm, thậm chí lâu hơn. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Cơn dại bắt đầu với cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, khó chịu và cảm giác dị thường liên quan đến vết thương do súc vật cắn. Mỗi khi nhìn thấy nước hoặc uống nước, cơ nuốt co thắt làm cho bệnh nhân sợ hãi.

Sau đó, bệnh tiến triển đến liệt, có cơn điên cuồng hoặc co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 6 ngày, đôi khi lâu hơn. Nạn nhân chết do liệt cơ hô hấp. Tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại.

Đối với các con vật có mang virus bệnh dại, các bác sĩ thú y cho biết khi con vật mắc bệnh dại chúng thường có những biểu hiện khác thường như bỏ ăn, gầm gừ, ngứa ngáy, chạy rông, cắn vào bất kỳ vật nào ở gần chúng. Vào giai đoạn cuối của bệnh, tiếng sủa của con vật sẽ bị khàn đi, hay tru tréo, thè lưỡi chảy nước bọt và sau cùng là bại liệt. Các cơ sở thú y cũng khuyến cáo, đối với con vật đã cắn người cần phải theo dõi chặt chẽ trong vòng 15 ngày. Nếu phát hiện có những triệu chứng lạ thì phải báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với những trường hợp con vật cắn người xong chạy mất hoặc không rõ nguồn gốc con vật này, nạn nhân cần chích vắc-xin tiêm phòng bệnh dại ngay lập tức. Và nếu cần thì đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và hướng dẫn điều trị. Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ cũng đưa ra lời khuyên:

“Nếu một người bị chó dại hoặc chó nghi dại cắn thì đến cơ quan y tế để tiêm ngừa bệnh dại. Nếu vết cắn ở gần cổ, hoặc lên tới đầu thì người ta sẽ tiêm ngay kháng huyết thanh dại, thì người bị chó dại cắn mới có thể giữ được tính mạng. Còn nếu không đi tiêm ngừa hoặc để trễ đến khi phát bệnh dại thì coi như thua. Vì khi mới bị chó dại cắn thì chưa có triệu chứng gì cả, nhưng khi phát hiện triệu chứng thì ngay cả cơ quan y tế cũng chào thua luôn.”

Cần lưu ý đối với người bị chó, mèo cắn khi tiêm vaccine phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế và nơi sản xuất. Tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật, vaccine được bảo quản ở nhiệt độ từ 4 đến 8 độ C. Ngoài ra, trong thời gian tiêm, không được làm việc quá sức, không uống rượu, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc loại corticoides, và các loại thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Bệnh dại ở VN

Tại Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại cho biết, hiện nay số người mắc bệnh dại và tử vong trong nước đang có xu hướng gia tăng mạnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 35 ca tử vong vì bệnh dại, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

000_Hkg4193639-250.jpg
Một nhân viên y tế tiêm phòng bệnh dại cho chó ở Denpasar, Bali hôm 25/10/2010. AFP photo (Một nhân viên y tế tiêm phòng bệnh dại cho chó ở Denpasar, Bali hôm 25/10/2010. AFP photo)

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dại tăng cao trở lại, ngành y tế, vệ sinh phòng dịch cho biết, vài năm trở lại đây, do các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm, cúm heo, tiêu chảy cấp, v.v... khiến phần lớn các nguồn lực đều tập trung vào việc phòng chống các dịch bệnh này, mà bệnh dại bị lãng quên.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông và tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại thấp. Tại Việt Nam hiện có hơn 7 triệu chó nhà nuôi. Viện Trưởng Nguyễn Trần Hiển nhận định đây chính là nguồn lây bệnh dại chủ yếu trong nước chiếm đến 97%, và đối với mèo là 3%. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng đàn chó trong cả nước chỉ đạt khoảng 60 đến 70%. Thậm chí có những nơi như vùng nông thôn hay miền núi tỉ lệ này chỉ đạt ở mức 35 – 50%, hay thấp hơn, hoặc có địa phương hầu như không tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo. Chính vì thế nên, mặc dù trong nước có vắc-xin phòng bệnh dại hiệu quả, nhưng căn bệnh nguy hiểm này vẫn chưa thể bị loại trừ.

Bên cạnh đó, một điều đáng quan ngại là trong cộng đồng vẫn còn nhiều người có thói quen ăn thịt chó.

Báo New York Times hôm 27 tháng 9 có bài viết cho biết bệnh dại ở Việt Nam đang tăng mạnh trở lại. Báo này trích dẫn nghiên cứu của một tạp chí Y khoa [PloS Medicine], có đưa ra hai trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại ở Việt Nam hồi năm ngoái. Nạn nhân chết không phải vì bị chó dại cắn, mà một người thì làm thịt một con chó bị xe cán chết, người kia thì ăn thịt một con mèo chết vì bệnh.

Nhìn chung ở Việt Nam, số người chết do bị súc vật mắc bệnh dại cắn đến 90% là do vết cắn hay vết cào xước từ chó mèo. Nhưng nạn nhân không rửa vết thương sạch, đi tiêm phòng muộn hoặc không tiêm phòng bệnh dại. Trước thực trạng vừa kể, nhằm kiểm soát và loại trừ bệnh dại, Viện Trưởng Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chúng trong vòng 3 năm liên tục và không để chó mèo chạy rông ngoài đường.

Nếu một người bị chó dại hoặc chó nghi dại cắn thì đến cơ quan y tế để tiêm ngừa bệnh dại. Còn nếu không đi tiêm ngừa hoặc để trễ đến khi phát bệnh dại thì coi như thua.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ

Khi bị súc vật dại hoặc nghi ngờ chúng mắc bệnh dại cắn, kể cả do tiếp xúc với chúng, nạn nhân cần rửa ngay vết thương thật sạch bằng nước xà phòng đặc hay nước muối pha đậm đặc. Sau đó đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt. Tránh làm dập nát vết thương để virus không xâm nhập nhanh.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho rằng nguyên nhân tình trạng gia tăng trở lại bệnh dại tại Việt Nam gần đây chủ yếu do nhận thức của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền cùng các cơ quan chức năng về việc phòng chống bệnh dại chưa cao.

Người ta cũng nhớ đến một thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành hồi tháng 9 năm 2009 quy định các hộ nuôi chó trên cả nước phải đăng ký đầy đủ thông tin để địa phương lập sổ quản lý chó. Nhưng việc thực hiện quy định này dường như mang tính chiếu lệ, thậm chí bị bỏ qua, và bị lãng quên.

Theo dòng thời sự: