Viện Guttmacher tại Hoa Kỳ kết hợp với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc mới đây công bố một báo cáo cho thấy có đến 225 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển muốn tránh thai nhưng lại không sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, có hàng triệu phụ nữ tại những nước này vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cơ bản khi mang thai và sinh con. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và những hậu quả về sức khỏe mà những phụ nữ nghèo tại các nước này đang gánh chịu là gì? Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Jaqui Darroch, đồng tác giả của báo cáo thuộc viện Guttmacher. Phần chuyển ngữ do Thanh Trúc thực hiện. Trước hết, nói về những nguyên nhân khiến phụ nữ tại các nước đang phát triển không sử dụng các biện pháp tránh thai cần thiết, tiến sĩ Jaqui Darroch cho biết
TS. Jaqui Darroch: Những phụ nữ muốn tránh có thai mà lại không sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là vì nhiều lý do. Một số người là do không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế cho vấn đề tránh thai. Nhưng một trong những câu trả lời phổ biến nhất mà phụ nữ đưa ra trong điều tra của chúng tôi về lý do họ không sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là vì họ lo lắng các phản ứng phụ từ những biện pháp này, hoặc họ chỉ tin là mình khó có thể có thai vì họ nghĩ họ không quan hệ tình dục thường xuyên. Đôi khi nguyên nhân là do người chồng của họ hoặc gia đình họ chống lại việc chưa có con. Cho nên có nhiều lý do nhưng điểm chính mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong báo cáo là chúng ta không chỉ cần phải mở rộng dịch vụ y tế đối với phụ nữ muốn sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc muốn có sự chăm sóc y tế khi có thai mà chúng ta còn cần phải nâng cao chất lượng của các biện pháp tránh thai, những biện pháp tránh thai tình nguyện, để phụ nữ biết được lựa chọn nào là tốt nhất cho họ.
Việt Hà: Các biện pháp tránh thai hiện đại mà báo cáo đề cập cụ thể là những biện pháp gì, thưa bà?
TS. Jaqui Darroch: trong báo cáo này chúng tôi tập trung vào các biện pháp tránh thai hiện đại vì chúng cho họ cơ hội cao nhất để tránh có thai. Bên cạnh đó chúng tôi cũng xem xét biện pháp triệt sản vốn rất phổ biến ở các nước đang phát triển. Các biện pháp như đặt vòng, dùng thuốc tránh thai, liệu pháp hormone hay bao cao su là những biện pháp chính. Nó khác nhau tùy theo vùng. Ở châu Á, biện pháp phổ biến nhất là triệt sản và đặt vòng.
Chúng tôi tập trung vào các biện pháp tránh thai hiện đại vì chúng cho họ cơ hội cao nhất để tránh có thai. Bên cạnh đó chúng tôi cũng xem xét biện pháp triệt sản vốn rất phổ biến ở các nước đang phát triển
TS. Jaqui Darroch
Việt Hà: bà có nói rằng những phụ nữ tại các nước đang phát triển không muốn dùng các biện pháp tránh thai vì lo ngại những tác dụng phụ của các biện pháp này. Vậy thực sự có những tác dụng phụ nào khi sử dụng các biện pháp tránh thai này mà phụ nữ cần biết?
TS. Jaqui Darroch: nhìn chung, các biện pháp tránh thai mà chúng ta hiện dùng rất an toàn đối với phụ nữ. Tổ chức Y tế Thế giới đã làm rất nhiều trong việc tuyên truyền về các biện pháp tránh thai cho phụ nữ, nói cho họ biết biện pháp nào phù hợp với họ theo từng độ tuổi. Quan ngại chính khi người phụ nữ chọn phương pháp tránh thai nằm ở chỗ họ chỉ muốn tạm chưa có con hay họ không còn muốn có con nữa. Cho nên điều quan trọng là chúng ta phải biết họ muốn gì trước…. Bên cạnh đó cũng có những tác dụng phụ của những phương pháp tránh thai, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không an toàn, nhưng có lẽ đối khi cũng khó để cho người phụ nữ hiểu và áp dụng chúng trong cuộc sống. Vấn đề phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp là bao cao su được sử dụng trong quan hệ tình dục, hoặc ví dụ liệu pháp hormone có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Những tác dụng phụ này đôi khi không phải là nguy hiểm cho phụ nữ, mà chỉ làm cho họ khó chịu.
Việt Hà : Mới đây tại Ấn Độ đã xảy ra tình trạng 8 phụ nữ tử vong và 30 người khác trong tình trạng nguy kịch sau khi qua phẫu thuật triển sản đơn giản vốn đã phổ biến tại nhiều nước từ nhiều năm qua. Liệu điều này có thể khiến phụ nữ tại những nước nghèo ngần ngại khi áp dụng các biện pháp triệt sản hay tránh thai được khuyến cáo?
TS. Jaqui Darroch: chúng ta luôn phải coi trọng vấn đề phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai có được các chăm sóc y tế đúng cách. Rất không may có một vài trường hợp các biện pháp chăm sóc đúng đã không được thực hiện dưới các giám sát y tế. Đó là lý do vì sao báo cáo này chúng tôi bổ xung là chúng ta không chỉ mở rộng các dịch vụ chăm sóc y tế mà còn phải cải thiện chúng để phụ nữ có nhiều hơn các lựa chọn cho mình và phải có chất lượng dịch vụ y tế cao hơn cũng như thông tin chính xác, cùng với các chăm sóc y tế thường xuyên trong quá trình phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai. Các lựa chọn phải là tình nguyện và việc chăm sóc y tế phải là an toàn. Đó là điều cần phải được cải thiện trên toàn thế giới và là điều mà tất cả phụ nữ nên trông đợi.
Các lựa chọn (biện pháp tránh thai) phải là tình nguyện và việc chăm sóc y tế phải là an toàn. Đó là điều cần phải được cải thiện trên toàn thế giới và là điều mà tất cả phụ nữ nên trông đợi
TS. Jaqui Darroch
Việt Hà: Bà có nói là ở các nước đang phát triển, phụ nữ không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại vì lo ngại những tác dụng phụ, vậy họ có sử dụng các biện pháp cổ truyền nào khác không?
TS. Jaqui Darroch: phụ nữ muốn tránh thai nhưng lại không muốn dùng các biện pháp tránh thai hiện đại thì họ cũng có những lựa chọn khác. Những lựa chọn này ít thành công hơn so với các biện pháp hiện đại nhưng đó là những biện pháp truyền thống mà họ vẫn áp dụng như kiêng không quan hệ tình dục hoặc tránh không cho tinh trùng vào người. Tuy nhiên phần lớn những phụ nữ không muốn dùng các biện pháp tránh thai mà lại chưa muốn có con trên thực tế chẳng áp dụng biện pháp nào cả, và điều này rất nguy hiểm cho họ nếu nói về khả năng họ sẽ có thai ngoài ý muốn.
Việt Hà : Cũng theo báo cáo mới thì có hàng chục triệu phụ nữ trên thế giới không được tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc y tế lúc mang thai và khi sinh nở, đặc biệt là ở những nước nghèo và đang phát triển. Vậy những vấn đề sức khỏe chính có liên quan mà phụ nữ tại các nước này đang gánh chịu là gì?
TS. Jaqui Darroch: chúng tôi tham khảo hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới về tiêu chuẩn chăm sóc y tế cho phụ nữ có mang và sau khi sinh. Chúng tôi so sánh với thực tế đang diễn ra. Chúng tôi thấy là có hai điều. Một số phụ nữ ở vùng hạ Sahara và thậm chí cả ở châu Á đã không nhận được các chăm sóc tiền sinh sản theo hướng dẫn của WHO. Ngoài ra, rất nhiều người trong số họ không sinh con ở các trạm xá hay bệnh viện. Khi phụ nữ không nhận được các chăm sóc tiền sinh sản cũng như trong quá trình sinh con theo đúng hướng dẫn của WHO thì sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng vì có những biến chứng đã không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thời điểm sinh con là thời điểm có nhiều rủi ro nhất. Hiện chúng ta có số liệu là 300,000 phụ nữ tử vong mỗi năm trong quá trình mang thai và nhất là trong khi sinh. Thời gian sinh nở cũng là thời gian nhiều rủi ro cho trẻ mới sinh. Mỗi năm trên thế giới, có gần 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 6 tuần sau khi sinh.
Hiện chúng ta có số liệu là 300,000 phụ nữ tử vong mỗi năm trong quá trình mang thai và nhất là trong khi sinh. Thời gian sinh nở cũng là thời gian nhiều rủi ro cho trẻ mới sinh. Mỗi năm trên thế giới, có gần 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 6 tuần sau khi sinh
TS. Jaqui Darroch
Việt Hà: Báo cáo cũng ước tính chi phí chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản cho phụ nữ ở các nước đang phát triển là 25 đô la một người một năm. Nghe thì không thấy lớn nhưng với những phụ nữ nghèo ở các nước đang phát triển thì con số này dường như vẫn còn cao. Theo bà thách thức lớn nhất của các nước đang phát triển hiện tại là gì trong việc tìm cách cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế sinh sản và tình dục cho phụ nữ theo khuyến cáo của WHO?
TS. Jaqui Darroch: hiển nhiên là phải có chi phí phải trả cho chăm sóc y tế cơ bản cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sinh nở cũng như sau đó, với phụ nữ có thai mà mang trong mình virut HIV. Chi phí mà chúng tôi tính cho một gói chăm sóc y tế cần cho một phụ nữ là 25 đô la một năm cho mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh nở. Tính ra nó chỉ là khoảng 7 đô la đầu người một năm ở các nước đang phát triển. Nó chỉ gấp đôi con số đang chi hiện nay và chỉ là một phần rất nhỏ trong chi phí y tế khoảng 240 đô la một năm của các nước đang phát triển. Một trong những điểm mà chúng ta phải chỉ ra là chi phí cho chăm sóc y tế với sức khỏe tình dục và sinh sản ở các nước châu Á và các nước đang phát triển hiện được chi trả phần lớn bởi phụ nữ và gia đình của họ, rồi sau đó là bởi chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế. Nhưng điều quan trọng chúng ta phải thấy là phụ nữ nghèo ít được chăm sóc y tế. Các nước nghèo nhất có tỷ lệ thấp nhất về chăm sóc y tế đầy đủ và người nghèo trong một nước được tiếp cận ít nhất với chăm sóc y tế. Ở châu Á nói chung ngoài vùng đông Á, 30% phụ nữ nghèo vẫn sinh con tại nhà. Cho nên những người nghèo cần có trợ giúp đặc biệt để chi trả cho các dịch vụ y tế này. Ở các nước nghèo chi phí này thường được trả bởi các nhà tài trợ tức viện trợ từ các chính phủ khác và các tổ chức quốc tế cho đến khi chính phủ nước đó có thể tự làm được một mình.
Việt Hà : Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa