Mù lòa do tiểu đường đang gia tăng

Việt Hà, RFA
2016.09.14
diabetes-visionloss.jpg Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ NIH khuyên những người bị bệnh tiểu đường cần thường xuyên đi khám mắt để tránh nguy cơ bị mù lòa.
Courtesy of NIH

Một nghiên cứu quốc tế mới được công bố cho thấy chỉ trong vòng 20 năm qua, con số người bị mù do tiểu đường đã tăng lên 27%, chưa kể con số những người có các vấn đề về mắt do hậu quả của tiểu đường cũng tăng đáng kể.

Tiểu đường gây mù lòa

Báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Nova Southeastern ở Florida, Hoa Kỳ kết hợp với trường đại học Anglia Ruskin ở Anh, cho thấy tiểu đường hiện được xếp vào một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Nghiên cứu được tiến hành ở hơn 100 nước bao gồm nhiều châu lục từ năm 1990 đến 2010 cho thấy chỉ trong vòng 20 năm, con số người bị mù lòa do tiểu đường đã tăng lên 27%.

Điều đáng chú ý là trong số những người có vấn đề về mắt nặng do tiểu đường dẫn đến mù lòa tăng lên 64% trong vòng 20 năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính là do việc người bệnh không được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự gia tăng các ca bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Janet Leasher của trường đại học Nova Southeastern, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu cho biết:

“Trong một số tài liệu chúng tôi cũng nói đến một số nguyên nhân có thể. Con số người bị tiểu đường trên thế giới đã tăng lên trong thời gian qua. Thống kê cho thấy. có đến khoảng nửa tỷ người bị ảnh hưởng bởi tiểu đường.

Những nguyên nhân mà tôi nói tới ở đây chỉ là phỏng đoán. Thứ nhất là con người giờ sống lâu hơn. Chúng ta cũng biết là các bệnh về mắt do tiểu đường gây nên thường chỉ xảy ra ở gần giai đoạn cuối.

Một nguyên nhân khác là ở một vài nơi trên thế giới người dân chưa được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt để phát hiện bệnh sớm trước khi bệnh trở nặng thành mù lòa hoặc giảm thị lực nặng”.

Ở một vài nơi trên thế giới người dân chưa được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt để phát hiện bệnh sớm trước khi bệnh trở nặng thành mù lòa.
BS Janet Leasher

Các vấn đề về mắt do tiểu đường xuất phát từ nguyên nhân lượng đường trong máu tăng cao thường xuyên khiến cho các mạch máu ở ngoài võng mạc mắt vốn đã mong manh lại càng dễ vỡ, gây chảy máu, làm ảnh hưởng đến thị giác.

Trong một số những trường hợp bị tổn thương nặng, tức ở giai đoạn cuối, các mạch máu mới hình thành trở nên bất thường, làm hỏng võng mạc, tạo thành các vết sẹo trong mắt gây giảm thị lực và thậm chí mù lòa.

Theo Bác sĩ Janet Leasher, vấn đề ở mắt do bệnh tiểu đường nhiều khi tiến triển một cách thầm lặng. Người bệnh có thể không thấy có những triệu chứng gì ở giai đoạn đầu của bệnh cho đến khi bệnh được phát hiện thì đã quá muộn.

Châu Á bị ảnh hưởng nặng

Nghiên cứu mới cũng cho thấy các khu vực Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi và Tây hạ Sahara là những vùng có nhiều trường hợp bị mù do tiểu đường nhất thế giới.

Nói về tình trạng này ở khu vực Châu Á, Bác sĩ Wong Tien Yin, chuyên khoa mắt, giám đốc trung tâm mắt quốc gia Singapore, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến vấn đề về mắt do tiểu đường tăng cao ở khu vực Châu Á là do số các ca tiểu đường tăng cao do những thay đổi trong xã hội và phát triển kinh tế:

“Tiểu đường là vấn đề đang nổi lên ở các nước đông nam á và châu Á nói chung. Có nhiều lý do liên quan. Thứ nhất là các nước trong khu vực đang chuyển từ các nền kinh tế đang phát triển sang phát triển. Những thay đổi trong xã hội kéo theo đó là những thay đổi về việc làm, môi trường, lối sống và cách ăn.

Người dân ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang chuyển nhanh từ lối sống nông thôn, nông nghiệp sang lối sống kiểu văn phòng, công ty. Điều này làm họ thay đổi cách sống và làm việc.

Dụng cụ dùng điều trị bệnh tiểu đường, ảnh chụp tại một bàn khám bệnh ở Paris ngày 14/3/2016.
Dụng cụ dùng điều trị bệnh tiểu đường, ảnh chụp tại một bàn khám bệnh ở Paris ngày 14/3/2016.
AFP photo

Bên cạnh đó, cũng có sự thay đổi trong cách ăn uống của người dân. vấn đề mà mọi người không hiểu là những thay đổi này diễn ra nhanh chóng trong một thế hệ và cơ thể con người không thể thay đổi kịp để thích ứng với những thay đổi.

Điều này dẫn đến tỷ lệ người bị tiểu đường tăng cao, đặc biệt là đối với những người từng quen với lối sống kiểu nông thôn. Kéo theo đó là những biến chứng của tiểu đường như mù lòa, và các vấn đề về mắt”.

Tiểu đường là vấn đề đang nổi lên ở các nước Đông Nam Á và Châu Á. Các nước trong khu vực đang chuyển từ nền kinh tế đang phát triển sang phát triển, kéo theo những thay đổi về việc làm, môi trường, lối sống và cách ăn uống.
BS Wong Tien Yin

Theo Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, tính đến năm 2013 cả thế giới có khoảng 382 triệu người mắc bệnh tiểu đường, hơn 60% những người bị tiểu đường hiện sống ở khu vực Châu Á.

Hiệp hội này dự đoán trong vòng từ năm 2000 đến 2035, con số người bị tiểu đường khu vực Nam Á sẽ tăng thêm hơn 150%.

Theo bác sĩ Yin, một nhân tố khác cũng không kém phần quan trọng khiến số ca bệnh về mắt do tiểu đường tăng cao ở Châu Á là việc thiếu trang thiết bị và bác sĩ về mắt để phát hiện bệnh kịp thời:

“Một nhân tố khác cũng quan trọng không kém được nói tới trong nghiên cứu này là dịch vụ chăm sóc sức khỏe truyền thống hiện có ở các nước thường được dùng để đối phó với các bệnh tức khắc.

Chúng ta đã quen với những tình trạng như thương tật hoặc viêm nhiễm cần phải chăm sóc ngay ở những người trẻ.

Bây giờ xã hội đòi hỏi phải đương đầu với loại bệnh tật có tính kinh niên hơn ở người lớn tuổi đòi hỏi có những chăm sóc lâu dài hơn, điều trị lâu dài hơn và các biện pháp phòng tránh.

Tất cả những yếu tố này chưa sẵn có. Những gì đã được áp dụng ở các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ qua để đối phó với tiểu đường hiện không được áp dụng đầy đủ ở các nước Châu Á”.

Theo bác sĩ Yin, trong số 50 nước tại Châu Á được điều tra về vấn đề mắt và tiểu đường thì chỉ có ¼ số nước có một hướng dẫn nào đó về chăm sóc mắt cho người bị tiểu đường.

Bác sĩ Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường ở Việt Nam cho biết thiếu bác sĩ cũng là điều mà Việt Nam đang phải đối phó, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng xa thành thị:

“Vấn đề là ở tỉnh lớn có bác sĩ chuyên khoa mắt thì bệnh nhân vẫn được đi khám thường xuyên, nhưng ở vùng sâu vùng xa nên thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt. Nhiều khi bác sĩ biết là cần phải khám đó nhưng không có bác sĩ chuyên khoa mắt”.

Bác sĩ Nguyễn Thy Khuê cũng cho biết trong 20 năm tính từ năm 1990 đến 2010, con số người bị tiểu đường ở Việt Nam đã tăng từ 1% lên 5% dân số.

Trong 20 năm tính từ năm 1990 đến 2010, con số người bị tiểu đường ở Việt Nam đã tăng từ 1% lên 5% dân số.
BS Nguyễn Thy Khuê

Bác sĩ Yin cũng cho rằng bên cạnh yếu tố thiếu cơ sở vật chất và bác sĩ, ở nhiều nước Châu Á, người dân cũng chưa hiểu hết về sự ảnh  hưởng của tiểu đường đối với mắt:

“Bên cạnh đó là người dân cũng không hiểu được vấn đề. Họ không biết là họ phải thường xuyên đi kiểm tra mắt khi họ bị tiểu đường. Chúng tôi làm điều tra ở các nước châu Á và từ 80 đến 90% người dân ở đây vẫn không biết là tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa”.

Theo bác sĩ Yin, một khi người bệnh đã có các bệnh về mắt nặng do tiểu đường, việc điều trị và đảo ngược tình hình là vô cùng khó khăn, nhất là ở các nước khu vực Châu Á nơi còn thiếu thốn các thiết bị y tế và bác sĩ:

“Nhìn chung một khi họ đã bị mất thị lực thì họ cần phải được mổ bằng kỹ thuật lazer tốn kém và mất thời gian để tránh tình trạng nặng lên hoặc cải thiện tình hình.

Cho nên một khi họ bị mất thị lực do tiểu đường thì việc đảo ngược tình hình là vô cùng khó khăn, trừ trường hợp ở một số nước phát triển như Mỹ, Australia hay Anh quốc. Đây là vấn đề khiến nhiều người bị mù lòa.

Đó là lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị là những người bị tiểu đường phải đi khám mắt ít nhất một năm một lần để phát hiện dấu hiệu bệnh về mắt do tiểu đường từ giai đoạn đầu.

Chỉ khi phát hiện sớm bệnh thì chúng ta mới có thể tiết kiệm được những chi phí về sau này.”

Bác sĩ Nguyễn Thy Khuê cho biết, vấn đề mù lòa và các bệnh về mắt do tiểu đường ở Việt Nam cũng đang được quan tâm. Một hướng giải quyết trước mắt cho vấn đề này trong điều kiện thiếu bác sĩ là cho bệnh nhân chụp mắt ở tuyến dưới và gửi lên tuyến trên để khám định kỳ.

Theo bác sĩ Janet Leasher, một khi người bệnh được khám mắt định kỳ mỗi năm một lần và tuân thủ các chế độ dinh dưỡng, thể dục và uống thuốc tiểu đường, vấn đề về mắt hoàn toàn có thể được kiểm soát.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.