Tổ chức Y tế Thế giới khuyên người Việt ăn ít muối

0:00 / 0:00

Nhân ngày tim mạch thế giới 29 tháng 9 hàng năm, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa có thông cáo báo chí kêu gọi người Việt nên giảm lượng muối ăn hàng ngày để giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch.

Muối và bệnh tim mạch

Trong thông cáo báo chí ra ngày 29 tháng 9 năm nay, WHO đã kêu gọi Việt Nam phải có hành động đối với việc lạm dụng muối bằng cách thực hiện các biện pháp của WHO về giảm muối nhằm làm giảm số lượng người mắc và chết do bệnh tim và đột quỵ.

WHO trích kết quả của một điều tra quốc gia gần đây cho biết tỷ lệ tăng huyết áp ở người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên là hơn 25%. WHO ước tính bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, chiếm khoảng 33% tổng số tử vong.

Nói về sự liên quan giữa muối với huyết áp và bệnh tim mạch, bác sĩ Donna Arnett, thuộc trường đại học Y tế cộng đồng Birmingham, đại học Alabama, cho biết:

Trước hết, chúng ta nên nhớ là muối rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cơ thể. Vì thế nếu lượng muối trong cơ thể tăng lên thì huyết áp tăng lên và kéo theo đó là nguy cơ tăng huyết áp. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch và đứt mạch máu não trên toàn cầu… Với việc tăng huyết áp thì tim của chúng ta phải làm việc nhiều hơn, để đẩy máu qua các mạch máu, nơi huyết áp cao hơn. Vì vậy tim phải làm việc vất vả hơn. Và các mạch máu làm việc cũng khó hơn, do đó cơ thể chúng ta sẽ dễ bị đứt mạch máu não, mạch máu yếu hơn. Vì vậy điều này có tác động xấu lên cơ thể.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trên thế giới cứ 6 người thì có 1 người sẽ bị tai biến mạch máu não trong đời. Cứ 6 giây thì có một người chết vì bị tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch máu não xảy ra khi huyết áp của người bệnh lên quá cao. Thông thường, huyết áp của một người khỏe mạnh dao động trong khoảng 90/60 mm Hg đến 140/90 mm Hg tùy theo sức khỏe từng người, giới tính và thời điểm đo. Khi huyết áp thường xuyên lên đến mức 140/90 mm Hg có nghĩa là đã bắt đầu có dấu hiệu cao huyết áp. Khi huyết áp lên đến trên 180/110 mm Hg thì người bệnh cần phải được cấp cứu y tế ngay lập tức.

Việc ăn muối mặn thường xuyên trong một thời gian dài được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp ở người lớn tuổi.

Người Việt ăn bao nhiêu muối mỗi ngày?

Theo WHO, mặc dù các nghiên cứu về tiêu thụ muối ở Việt Nam còn hạn chế, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12 đến 15 gam (tức 12000 đến 15000 mg) một người một ngày. Rất nhiều người trong độ tuổi từ 26 đến 64 tiêu thụ một lượng muối cao hơn mức khuyến cáo của WHO là ít hơn 5 gam (tức 5000 mg) một ngày. Mức này theo cách đong đếm của người Việt Nam là khoảng 1 thìa café. Những con số này cũng tương đồng với những kết quả nghiên cứu ở các nước khác trong khu vực như Trung Quốc và Nhật bản, nơi người dân tiêu thụ trung bình khoảng 10,000 mg muối mỗi ngày.

Một nghiên cứu được tổng kết ở nhiều nước trên thế giới được công bố hồi năm 2013 cho thấy có khoảng 2 triệu 300 ngàn người trên thế giới bị chết trong năm 2010 vì các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối. Theo nghiên cứu này, lượng muối trung bình tiêu thụ hàng ngày của một người trên thế giới là 4,000 mg. Mức này theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Mỹ là 1,500 mg.

Trước hết, chúng ta nên nhớ là muối rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cơ thể. Vì thế nếu lượng muối trong cơ thể tăng lên thì huyết áp tăng lên và kéo theo đó là nguy cơ tăng huyết áp. <br/> - Bác sĩ Donna Arnett

Khi nói đến con số 1,500 mg muối mỗi ngày hay một thìa café muối, người ta có thể tưởng tượng việc hạn chế ăn muối là khá đơn giản. Tuy nhiên trên thực tế, muối xuất hiện ở rất nhiều loại đồ ăn, và gia vị hàng ngày mà ít người chú ý. Muối có trong mì chính (hay còn gọi là bột ngọt)—loại gia vị được nhiều gia đình Việt Nam dùng hàng ngày, muối nằm trong bột canh, nước mắm và trong thức ăn nhanh.

Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia vào năm 2011, lượng muối tiêu thụ hàng ngày ở Việt Nam chủ yếu là từ các gia vị cho vào trong chế biến, nấu nướng thức ăn, chiếm khoảng 81% lượng muối hàng ngày, tiếp đến là trong các sản phẩm chế biến sẵn, chiếm khoảng 11% lượng muối hàng ngày, và có trong thực phẩm tự nhiên, chiếm khoảng 7%. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, tương ứng với khoảng 35% và 31,6%. Mì chính và muối tinh cũng là nguồn chính cung cấp muối cho khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt, chiếm khoảng 7,5% và 6%.

Một khẩu phần ăn ít muối. AFP photo
Một khẩu phần ăn ít muối. AFP photo (Một khẩu phần ăn ít muối. AFP photo)

Ngày nay, khi đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn trở nên phổ biến để phục vụ cuộc sống công nghiệp bận rộn của nhiều người ở thành phố, mối nguy về lượng muối ăn vào quá lớn hàng ngày càng tăng. Các nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy, đồ ăn nhanh bao gồm đồ chiên rán và chế biến sẵn thường có hàm lượng muối rất cao, đó là chưa kể yếu tố khác bao gồm chất béo bão hòa vốn gây nghẽn mạch máu, dẫn đến tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Suzanne Judd, chuyên gia dịch tễ dinh dưỡng thuộc đại học Alabama, đại diện Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết:

Các đồ rán và chế biến sẵn thường có rất nhiều muối….chế độ ăn có đồ rán có lượng muối từ 3,000 đến 4,000 mg muối. Ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước, làm cho huyết áp tăng. Khi tim và não phải chịu huyết áp cao quá lâu, nó sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Yếu tố thứ hai là chất béo bão hòa. Chúng ta biết từ nhiều nghiên cứu trước đây là chế độ ăn có quá nhiều chất béo bão hòa sẽ gây nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Đối với các đồ ăn chế biến sẵn, hàm lượng muối cũng là điều đáng chú ý. Theo kết quả điều tra về dinh dưỡng quốc gia và sức khỏe tại Mỹ, có 10 thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao đáng chú ý là: bánh Pizza có thịt, bánh mì trắng, phomat chế biến sẵn, hot dog, thịt nguội, cơm nấu sẵn, mì ống với nước sốt, nước sốt cà chua (ketchup), bánh mì trắng tròn và tortilla, một loại vỏ bánh làm bằng bột ngô phổ biến trong các đồ ăn của người Mexico nổi tiếng thế giới.

Ngoài ra, theo hiệp hội tim mạch Mỹ, các loại súp chế biến sẵn và bánh mì sandwich ở các tiệm ăn nhanh cũng nằm trong danh sách đồ ăn có lượng muối cao. Một hộp súp chế biến sẵn có thể có từ 100 đến 940 mg muối, tức là chiếm đến hơn một nửa lượng muối cần thiết cho cơ thể một ngày. Còn bánh mì sandwich tại các tiệm ăn nhanh có thể có chứa đến hơn 100% lượng muối cần thiết trong một ngày. Mì ăn liền cũng là loại đồ ăn có hàm lượng muối cao, một gói mì ăn liền có thể có đến 800 mg muối, tức là hơn một nửa lượng muối ăn vào trong cả ngày.

Ngay cả thức của trẻ nhỏ ngày nay cũng được coi là có quá nhiều muối, có những thực phẩm có mức muối cao hơn 450 mg hoặc thậm chí lên đến 700 mg.

Nên ăn muối thế nào?

Ông Jeffery Kobza, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết ‘việc giảm lượng muối ăn là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho các quốc gia trong việc cải thiện sức khỏe người dân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người dân cũng như chính quyền có thể sử dụng những biện pháp đơn giản để giảm lượng muối tiêu thụ’.

Để giảm lượng muối ăn hàng ngày, bác sĩ Ralph Sacco, thuộc trường đại học Miami, phát ngôn viên Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên:

Tôi khuyên mọi người nên bỏ lọ rắc muối, thứ hai là đọc kỹ nhãn đồ ăn, thứ ba là ăn ít đồ ăn chế biến sẵn.<br/> - Bác sĩ Ralph Sacco

Muối có trong nhiều đồ ăn chế biến sẵn mà chúng ta ăn và đôi khi rất khó tránh. Vì vậy tôi khuyên cá bệnh nhân của mình là đừng thêm muối vào đồ ăn này. Thứ hai là nên ăn nhiều rau và các đồ ăn tự nấu lấy hơn vì sẽ có ít muối hơn chừng nào chúng ta đừng cho muối nhiều. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các thực phẩm phải đề rõ lượng muối. Chúng ta cần phải cẩn thận về lượng muối trong các sản phẩm mà chúng ta mua ở chợ. Tôi khuyên mọi người nên bỏ lọ rắc muối, thứ hai là đọc kỹ nhãn đồ ăn, thứ ba là ăn ít đồ ăn chế biến sẵn.

Trong thông cáo báo chí của WHO dành cho Việt Nam, các chuyên gia khuyên mọi người không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn, hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm…. cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá 1/5 thìa café muối cho một bữa ăn một người mỗi ngày, hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có lượng muối cao như khoai tây chiên. Điểm đặc biệt là WHO cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá nhiều muối và nên cho trẻ ăn thực phẩm tự nhiên nhiều hơn.

Đối với chính phủ Việt Nam, WHO khuyến cáo việc xây dựng, thực thi các quy định và chính sách nhằm đảm bảo việc các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm giảm dần lượng muối trong thực phẩm và đồ uống, thúc đẩy thực hiện cơ sở ăn uống lành mạnh ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, đảm bảo thực phẩm phải được dãn nhãn rõ ràng để người tiêu dùng có thể dễ dàng biết được hàm lượng muối có trong sản phẩm, thực hiện các khuyến nghị của WHO về việc quảng cáo thực phẩm và đồ uống trẻ em.