Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nguy cơ lây lan virut Zika

Việt Hà, phóng viên RFA
2016.02.01
000_Mvd6743046-620 Cha mẹ đem con nhỏ đến khám tại một bệnh viện ở Tegucigalpa, Honduras hôm 01/2/2016
AFP photo

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28 tháng 1 vừa qua đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lây lan của virut Zika và gọi đây là một báo động quốc tế cao. Virut Zika hiện đang hoành hành ở nhiều nước trung, nam Mỹ và đã lây lan sang Bắc Mỹ. Virut này bị coi là thủ phạm có liên quan đến tình trạng trẻ sinh ra bị các khiếm khuyết bẩm sinh. Tạp chí Sức khỏe đời sống tuần này cùng Việt Hà xin gửi tới quý vị những tìm hiểu về các nguy cơ của virut Zika.

Virut Zika và nguy cơ bệnh ở trẻ sơ sinh

Trong vài tuần qua, các cơ quan truyền thông tại Mỹ liên tục đưa tin và hình ảnh về những trường hợp trẻ em sinh ra ở Brazil bị chứng microcephaly, tạm dịch là hội chứng đầu nhỏ, tức là não và đầu của trẻ sơ sinh không phát triển bình thường. Các nhà khoa học giờ đây cho rằng virut zika có thể là thủ phạm chính gây ra căn bệnh này ở trẻ.

Virut Zika lây nhiễm sang người qua cùng loại muỗi truyền sốt xuất huyết là muỗi Aedes. Đây là loại muỗi xuất hiện nhiều ở các vùng khí hậu ấm nóng như Nam Mỹ, Nam Á, và châu Phi.

Mặc dù virut Zika đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947 ở vùng rừng có tên là Zika ở Uganda nhưng trong nhiều năm qua virut này thực sự không làm con người quá bận tâm. Theo bác sĩ Marco Espinal, Giám đốc các bệnh không lây nhiễm của WHO, tính cho đến năm 2007 chỉ mới có 14 đến 15 trường  hợp ghi nhận nhiễm virut.

Các nhà khoa học giờ đây cho rằng virut này được truyền qua muỗi. Muỗi Aades hút máu người nhiễm virut và mang virut này truyền sang người khác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhỏ khác gần đây cũng cho rằng virut có thể truyền từ người qua người do quan hệ tình dục. Virut cũng có thể truyền qua đường máu từ mẹ sang thai nhi.

Tại Brazil, quốc gia đang phải đối mặt với sự bùng phát của bệnh dịch gần đây, hiện đã ghi nhận 4,180 ca trẻ sơ sinh bị hội chứng đầu nhỏ kể từ tháng 10 năm 2015. Trước đó, mỗi năm, nước này thường chỉ ghi nhận vài trăm ca. Bác sĩ Marcie Treadwell, chuyên khoa phụ sản thuộc trường đại học Michigan, Hoa Kỳ, cho rằng việc thế giới để ý tới virut này nhiều hơn trong thời gian gần đây là vì sự xuất hiện liên tục các ca bệnh ở trẻ sơ sinh tại Brazil.

Chúng ta biết là loại virut này đã lây lan ở Brazil những rất có thể nó không xuất phát từ Brazil. Nó có thể là một loại virut tương đối mới ở đây. Nhưng virut này cũng đã có mặt ở đây một thời gian và có thể đã có những người nhiễm virut này khi họ còn trẻ, có thể là không phải khi họ có thai. Rất có thể người dân đã bị nhiễm virut khi họ còn nhỏ và cho đến khi họ lớn lên và có thai thì họ đã miễn nhiễm với virut này và trẻ sơ sinh không bị nhiễm.

Vào lúc này điều chúng tôi biết được là loại virut này khi lây nhiễm vào bà mẹ có thai thì có liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ.
- Bác sĩ Treadwell

Bây giờ nhiều người bị nhiễm virut khi đã trưởng thành và đang trong quá trình mang thai và bây giờ chúng ta thấy hậu quả ở trẻ. Cho nên không hẳn là loại virut này không gây bệnh trước kia nhưng khi người ta bị nhiễm virut thì chúng tôi chưa biết về mối liên quan giữa bệnh đầu nhỏ ở trẻ và virut. Bây giờ chúng tôi thấy nhiều trẻ sinh ra ở Brazil bị chứng đầu nhỏ nặng và mọi người bắt đầu đi tìm câu trả lời tại sao và dường như câu trả lời nằm ở sự liên quan đến virut zika khi các bà mẹ mang thai.

Theo bác sĩ Treadwell, các nhà khoa học trên thế giới hiện vẫn chưa rõ thường thì vào giai đoạn nào của thai kỳ khi bà mẹ không may bị nhiễm virut sẽ truyền sang con. Nhưng theo bà, virut zika khi đã nhiễm vào máu của mẹ thì có thể mang đến nhiều nguy cơ cho thai nhi.

Chúng tôi biết là khi phụ nữ có thai thì họ thường dễ bị các bệnh viêm  nhiễm hơn vào giai đoạn đầu mang thai nhưng điều này không có nghĩa là chỉ ở thời kỳ 3 tháng đầu phụ nữ mang thai mới bị nhiễm bệnh. Chúng tôi chưa biết nhiều về loại virut này, liệu là các bà mẹ dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm virut này vào giai đoạn đầu hay cuối thai kỳ, vào giai đoạn nào thì trẻ sơ sinh dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này vào lúc này….Chúng tôi không chắc là tất cả các bà mẹ có thai mà bị nhiễm virut thì sẽ khiến con mình bị mắc bệnh hay không. Chúng tôi không biết là khi bà mẹ có virut và truyền cho con thì con cũng bị ảnh hưởng hay không…Vào lúc này điều chúng tôi biết được là loại virut này khi lây nhiễm vào bà mẹ có thai thì có liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ. Ngoài ra chúng tôi cũng đã thấy có những trường hợp sẩy thai và phát hiện virut này trong nhau thai và có thể là virut này cũng có liên quan đến sẩy thai. Nhưng đến lúc này chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn là liệu có những bà mẹ bị nhiễm virut này nhưng lại không truyền sang con khi đang mang thai.

Rừng Ziika ở Uganda gần Entebbe là nơi virus Zika lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 4 năm 1947. AFP photo
Rừng Ziika ở Uganda gần Entebbe là nơi virus Zika lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 4 năm 1947. AFP photo
Rừng Ziika ở Uganda gần Entebbe là nơi virus Zika lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 4 năm 1947. AFP photo

Trẻ bị mắc hội chứng đầu nhỏ, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chất lượng cuộc sống của các em cũng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những trẻ bị nặng có thể tử vong, trong khi những trẻ bị nhẹ vẫn có thể phát triển tương đối bình thường mặc dù sự phát triển trí não có thể hơi chậm hơn các em bình thường khác.

Ngoài ra, tờ New York times mới đây cũng đưa tin về những trường hợp người bị mắc hội chứng Guillain-Barre tức là hệ miễn dịch của người tấn công hệ thần kinh khiến người bệnh bị liệt. Tờ báo này trích lời các bác sĩ ở Brazil cho rằng virut Zika có thể có liên quan sự gia tăng các trường hợp người mắc Guillain-Barre tại nước này trong năm 2015. Trong năm 2015,  Brazil đã ghi nhận 43 trường hợp mắc bệnh, tăng hơn nhiều lần so với khoảng 10 đến 15 ca bệnh mỗi năm trước đó.

Người bị nhiễm virut Zika có thể có các triệu chứng như sốt nhẹ, mẩn ngứa, đau khớp xương và mắt đỏ. Các triệu chứng khác bao gồm đau cơ và đau đầu. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị nhiễm virut Zika thường không có triệu chứng nào rõ rệt. Người bị nhiễm virut thường được khuyên nghỉ ngơi và uống nhiều nước, và bệnh sẽ hết sau khoảng vài ngày.

WHO lên tiếng báo động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28 tháng 1 vừa qua cũng đã lên tiếng cảnh báo virut Zika đang lây lan mạnh ở châu Mỹ và đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn vào thứ hai, ngày 1 tháng 2. Bà Margaret Chan, tổng Giám đốc WHO nói rằng bà rất quan ngại về tình hình đang diễn tiến nhanh chóng và cảnh báo về việc virut sẽ lây lan khắp thế giới vì loại muỗi mang virut này có mặt ở hầu khắp các khu vực trong khi không có nhiều người đã được miễn dịch với loại virut này. Bác sĩ Marco Espinal thuộc WHO mới đây nhận định thế giới sắp tới sẽ có khoảng từ 3 đến 4 triệu ca nhiễm virut zika.

Cơ quan kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân nước mình cẩn trọng khi đến các vùng có nguy cơ bệnh dịch cao ở Trung, Nam Mỹ và Caribbean. Nước Mỹ cũng đã ghi nhận 14 ca nhiễm virut Zika trong giai đoạn từ 2007 đến 2014. Đây là những trường hợp đã đến các vùng có virut. Trong năm 2015 và tháng 1 năm 2016, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận ít nhất 8 trường hợp nhiễm virut zika là những người đi về từ vùng dịch.

Lời khuyên đối với các bà mẹ tương lai dựa vào những khuyến cáo của CDC là tránh đến những khu vực mà chúng ta đã biết là có virut zika lây truyền từ muỗi.
- Bác sĩ Treadwell

Giới chức y tế các nước thuộc khu vực Đông Nam Á mới đây cho biết đang chuẩn bị để đối phó với virut Zika. Malaysia cho biết virut này có thể lây lan nhanh một khi đến được khu vực, trong khi Thái Lan cho biết nước này chỉ có khoảng vài ca nhiễm virut mỗi năm.

Giới chức y tế Việt Nam mới đây cho biết vẫn chưa phát hiện được trường hợp nào nhiễm virut Zika. Tuy nhiên Bộ Y tế Việt nam cũng đã gửi công văn tới các viện vệ sinh dịch tễ và viện Pasteur để tăng cường công tác giám sát, chuẩn bị các biện pháp đối phó với Virut Zika. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có virut Zika phải chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có phát hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Vì virut Zika gây nguy hiểm chủ yếu đối với thai nhi, giới chức y tế các nước đặc biệt chú ý cảnh báo các bà mẹ đang có thai hoặc chuẩn bị có thai. Bác sĩ Treadwell đưa ra lời khuyên như sau:

Lời khuyên đối với các bà mẹ tương lai dựa vào những khuyến cáo của CDC là tránh đến những khu vực mà chúng ta đã biết là có virut zika lây truyền từ muỗi. Chúng ta đã biết là người ta không bị lây nhiễm virut này từ người sang người nhưng để tránh bệnh thì mọi người phải tránh những khu vực có thể bị muỗi cắn. Đã có danh sách những nước có sự hiện diện của virut này từ muỗi. Nễu những bà mẹ tương lai vẫn phải đến những khu vực đó thì điều quan trọng là họ phải có biện pháp bảo vệ, tránh muỗi cắn. Họ nên mặc quần áo dài, bôi kem chống muỗi. Nếu ai đó đã bị muỗi cắn và bị nhiễm virut thì không nên có thai trong vòng 2 năm để đảm bảo virut đã hết và không ảnh hưởng đến thai nhi. Có thể chúng tôi sẽ có những thay đổi trong khuyến cáo trong tương lai khi chúng tôi có thêm thông tin về loại virut này.

Hiện thế giới cũng chưa có vaccine tiêm phòng chống virut Zika. WHO cho biết các nhà khoa học mới đang trong bước đầu nghiên cứu về loại vaccine chống virut này. Việc chẩn đoán người nhiễm virut hiện chỉ dựa vào kiểm tra máu. WHO cho biết các nhà khoa học cũng đang trong quá trình nghiên cứu để tìm ra phương pháp chẩn đoán nhanh và hữu hiệu hơn. Nhưng bởi phần đông những người nhiễm virut Zika thường không có triệu chứng gì, lời khuyên của các chuyên gia y tế thế giới hiện tại vẫn là cố gắng tránh đến những khu vực cảnh báo có dịch.

Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.