Nâng cao nhận thức người dân
Do những vấn đề căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống ngày càng tăng, nên số người lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng muốn tuyệt mạng cũng tăng. Chỉ trong vòng 45 năm trở lại đây tỉ lệ tử vong do tự tử tăng 60% trên toàn thế giới. Những con số này quả thật vô cùng đáng ngại đối với các nhà làm chính sách, các nhà xã hội học ở các quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tâm lý-xã hội thầm lặng này, WHO phối hợp với Hiệp hội Phòng chống Tự tử Quốc tế (International Association for Suicide Prevention, IASP) tổ chức Ngày Phòng chống Tự tử trên toàn Thế giới vào ngày 10 tháng 09 hàng năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi ngày có khoảng 3.000 ca tự tử, cứ mỗi 40 giây lại có một người chết vì tự vẫn, và tỉ lệ tử vong vì tự tử trung bình trên toàn cầu vào khoảng 16 trong 100.000 người. Tại nhiều quốc gia, tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ ba đưa đến cái chết cho những người ở vào độ tuổi từ 15 đến 44, và đối với cái chết của nhóm thanh thiếu niên lứa tuổi từ 10 đến 24, tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ nhì. Các số liệu thống kê cũng ghi nhận, hiện nay tại một số nước phát triển cũng như đang phát triển, hành vi tự tử ở nhóm người trẻ gia tăng với tỉ lệ cao, so với trước đây vấn đề này thường thấy xảy ra ở các nam giới có tuổi. Thường thì phụ nữ hay có ý định tự tử nhưng những trường hợp chết do tự kết liễu cuộc đời đa phần lại là đàn ông.
Những số liệu trên khiến chúng ta không khỏi giật mình, vì vấn đề tự tử trước nay được xem như một vấn đề xã hội, ít được mọi người chú ý, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó cũng không kém phần dịch bệnh cướp đi sinh mạng con người. Tuy nhiên, tự tử là vấn đề hoàn toàn có thể ngăn ngừa và chặn đứng được, do vậy Ngày Phòng chống Tự tử trên toàn Thế giới hàng năm đề mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại từ hành vi tự tử, đồng thời thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn việc thực hiện hành vi này. Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp cùng Hiệp hội Phòng chống Tự tử Quốc tế (IASP) và nhiều tổ chức khác rất quan tâm đến vấn đề này và sẵn sàng hỗ trợ cho công tác phòng chống hành vi tự tử, bao gồm cung cấp đầy đủ dịch vụ điều trị và chăm sóc cho những người đã từng thực hiện hành vi tự tử.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo chính phủ các nước cần đưa ra khung chính sách cho chiến lược quốc gia về phòng chống tự tử. Tại mỗi nước cần phải có chương trình truyền thông và những hoạt động cụ thể trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này để làm giảm số người có hành vi tự tử.
Phân tích trạng thái tâm lý dẫn tới hành vi tự tử, Bác sĩ Lê Phương Thuý, chuyên khoa Tâm lý-Tâm thần, hiện đang hành nghề tại tiểu bang California của Hoa kỳ cho biết về một vài tình huống khiến một số người nảy sinh ý muốn tự tử. Bác sĩ nói:
Một trong những triệu chứng của bệnh trầm uất là, bệnh này tiêu diệt niềm hy vọng, tiêu diệt khả năng phấn đấu, tiêu diệt sức sống của con người. Và đó là nguyên nhân làm cho người bệnh có ý nghĩ tự tử.
Bác sĩ Lê Phương Thuý
“Vấn đề tự tử mà mình đang bàn tới đây nó liên quan đến bệnh trầm uất, vì trong cuộc đời có những hành động tự huỷ mình, chẳng hạn có những người hăm dọa rằng, nếu em không lấy được anh thì sẽ tự tử mà chết, hoặc đứa con đòi hỏi cha mẹ phải chìu, mua cho chiếc xe mới, hoặc là khi cha mẹ không cho con kết hôn hoặc quen biết với người bạn trai mà cha mẹ cảm thấy nguy hiểm cho con mình, rồi cô con gái đó sẽ doạ tự tử.
Đó là những lời đe doạ, và nó là những hành động có tính cách bốc đồng và sôi nổi, khác với người có ý nghĩ tự tử với một quan niệm thực sự muốn kết liễu cuộc đời mình, tức là cho rằng cuộc đời này không có gì đáng sống nữa, và không có tương lai, không có một niềm hy vọng. Thì đó là ý nghĩ muốn tự tử là một trong những triệu chứng rất nguy hiểm, rất quan trọng trong bệnh trầm uất. Một trong những triệu chứng của bệnh trầm uất là, bệnh này tiêu diệt niềm hy vọng, tiêu diệt khả năng phấn đấu, tiêu diệt sức sống của con người. Và đó là nguyên nhân làm cho người bệnh có ý nghĩ tự tử.”
Vai trò người thầy thuốc

Những triệu chứng vừa kể được các bác sĩ tâm lý- tâm thần quan tâm rất đặc biệt khi làm việc với các bệnh nhân có bệnh trầm uất. Bác sĩ Lê Phương Thúy nói rằng, khi gặp những trường hợp bệnh nhân trong trạng thái tinh thần như vậy, người thầy thuốc thường hỏi người bệnh có bao giờ buồn đến độ muốn kết liễu cuộc đời mình hay không. Bác sĩ Lê Phương Thúy nhấn mạnh:
“Đó là một câu hỏi rất quan trọng, có thể rằng nói mỗi ngày khi làm việc ngày nào tôi cũng đều hỏi câu hỏi này, ít nhất khoảng hai, ba lần, bởi vì đó là những triệu chứng rất nguy hiểm trong bệnh trầm uất mà người bác sĩ phải hỏi tới.”
Mặc dù các rối loạn về tâm thần, nhất là vấn đề trầm cảm có liên quan tới hơn 90% số vụ tự tử, tuy nhiên hậu quả tự tử bắt nguồn từ nhiều yếu tố văn hóa xã hội phức tạp và dễ xảy ra hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội, khủng hoảng gia đình và cá nhân .Ví dụ như mất người thân, mất việc làm, mất sự tôn trọng...
Đề cập đến vấn đề, làm thế nào để có thể ngăn ngừa việc thực hiện hành vi tự tử, Bác sĩ Lê Phương Thuý cho biết:
“Muốn ngăn ngừa và tránh tình trạng này, việc đầu tiên chắc chắn là phải từ những người xung quanh; đó là gia đình, chồng hay vợ, các con, cha mẹ, là những người sống kề cận mới thấy rằng, tại sao người này – ba mình, mẹ mình bình thường chừng đó, và bây giờ tự nhiên ngủ không muốn dậy, rồi dậy cũng uể oải không muốn thay quần áo, v.v… đó là những dấu hiệu đầu tiên, thì trong nhà thấy có những sự thay đổi như vậy là bắt đầu phải quan tâm, phải tìm hiểu.
Và tôi cho rằng hành động quan trọng nhất là đừng nên coi thường mà cho rằng một hai ngày nữa sẽ hết. Nếu quý vị thấy hai tuần – 14 ngày, mà thấy rằng những triệu chứng đó không những không hết mà còn nặng hơn, thì đó là dấu hiệu phải tìm đến một nhà chuyên môn. Đầu tiên có thể là một chuyên gia tâm lý, sau đó có thể đến bác sĩ tâm trí để có những loại thuốc có thể trị được. Và một tin mừng là đây là một bệnh theo tiếng Anh gọi là Chemical Imbalance Symptoms, tức là có những xáo trộn về các chất hoá học trong não bộ cho nên có những thuốc có thể trị dứt hẳn.”
Chuyên gia tâm lý, sức khoẻ tâm thần này cũng nhắc nhở rằng:
“Chắc chắn về vấn đề phòng ngừa thì vẫn là một nếp sống, một sinh hoạt lành mạnh, hăng hái tập thể thao, dinh dưỡng, v.v…”
Trở lại với Ngày Phòng chống Tự tử trên toàn Thế giới, năm nay nhiều hoạt động được tổ chức tại hơn 40 quốc gia. Các khẩu hiệu, biểu ngữ, tài liệu phổ biến được chuẩn bị bằng hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới.
Ngăn ngừa hành vi tự tử
Phát biểu về ý nghĩa, mục đích của Ngày Thế giới Ngăn ngừa Tự tử, Chủ tịch IASP, ông Lanny Berman nói rằng, chủ đề đưa ra cho năm nay là “Ngăn ngừa hành vi tự tử trong những xã hội khác nhau, với các nền văn hoá đa dạng, phong phú khác nhau”. Chủ đề này sẽ bao trùm các vấn đề có liên quan đến hành vi tự vẫn.

Trong khi xây dựng và áp dụng các chiến lược can thiệp để phòng tránh nguy cơ đưa đến hành vi tự tử ở từng địa phương và tại mỗi quốc gia, chúng ta cần hiểu biết về những yếu tố văn hoá-xã hội khác nhau của các nền văn hoá đa dạng, mà chúng có thể tác động đến hành vi tự tử.
Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế Ngăn ngừa Tự tử đưa ra những ví dụ cụ thể chứng minh rằng, nếu có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu thì có thể hạn chế hành vi tự tử, và giảm được tỉ lệ tử vong do vấn đề này gây ra. Ví dụ như ở Hong Kong người ta hạn chế việc bán than củi trong các siêu thị, để phòng tránh việc tự tử bằng cách đốt than hun khói cho ngạt thở chết. Đồng thời chính quyền Hong Kong còn kết hợp với việc vận động giáo dục trong cộng đồng ở cấp quận về vấn đề phòng tránh và ngăn ngừa hành vi tự tử.
Tất cả những điều này giúp làm giảm đáng kể số ca chết do tự vẫn tại đây. Hay như ở Australia, những quy định gắt gao về quản lý vũ khí cho thấy số vụ tự tử bằng súng giảm hẳn. Hoặc như việc quản lý thuốc bán tự do ở các quầy tại Anh quốc được kiểm soát chặt chẽ thì số vụ tự tử do uống thuốc quá liều cũng giảm đi.Bên cạnh đó IASP cũng ghi nhận những tác dụng tích cực của việc nâng cao sự hiểu biết về tác hại của việc tự huỷ mình, đi đôi với việc áp dụng các chương trình chăm sóc sức khoẻ và tư vấn cho những người bị trầm cảm. Những ví dụ này minh chứng rằng, nếu chúng ta lưu ý đến những yếu tố trong đời sống văn hoá-xã hội trong việc đề ra những biện pháp phòng tránh, hành vi tự tử sẽ có thể được ngăn ngừa một cách hiệu quả.
Chắc chắn về vấn đề phòng ngừa thì vẫn là một nếp sống, một sinh hoạt lành mạnh, hăng hái tập thể thao, dinh dưỡng, v.v...
Bác sĩ Lê Phương Thúy
Các tổ chức chăm sóc sức khoẻ cộng đồng này cũng thừa nhận vẫn còn những thách thức và cản trở đối với việc ngăn ngừa hành vi tự tử trên toàn thế giới, do công tác phòng ngừa tự tử chưa được tiến hành thích đáng. Chủ yếu là do thiếu nhận thức về vấn nạn tự tử và những kiêng kị trong nhiều xã hội đã e ngại việc thảo luận cởi mở về vấn đề này. Trên thực tế, chỉ có một số ít nước đặt công tác phòng chống tự tử vào trong số những ưu tiên của mình. Và một điều hiển nhiên là công tác phòng chống tự tử đòi hỏi sự can thiệp và cách tiếp cận hoàn toàn mới của nhiều ban ngành, bao gồm ngành y tế và các ngành khác, như giáo dục, lao động, cảnh sát, tòa án, tôn giáo, luật pháp, chính trị, các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tự tử là một cái chết có thể được chặn đứng, và chính sự quan tâm của xã hội, gia đình, và mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ là bàn tay giúp ngăn chận hành vi nông nổi của con người trong cơn tuyệt vọng. Xét đến cùng, ai cũng yêu cuộc sống và quý trọng sinh mạng của mình, chỉ khi con người đã đến tột cùng của sự tuyệt vọng mới sinh ra quẩn trí và có ý định tự tử vì nghĩ rằng chết là hết, nhưng thực ra những cái chết oan uổng này sẽ gây một ảnh hưởng tâm lý rất lớn và lâu dài cho gia đình và xã hội.