Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 29.8.2008)

Kính chào quí vị. Niềm vui mở đầu mục Trả Lời Thư Tín hôm nay là không còn mấy những thư của thính giả báo về lỗi kỹ thuật trên làn sóng hay trở ngại trên trang web.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên vẫn có thư góp ý về vấn đề vừa nêu. Xin đọc để quí vị tường. Thư của bà Nhã Quế:

Tôi ở Mỹ, thường xuyên nghe đài mỗi sáng. Tôi nghe thư thính giả từ trong nước hôm thứ Sáu 22 tháng Tám, than phiền về việc bắt đài để nghe. Tôi xin báo chúng tôi nghe từ Mỹ không bị firewall mà cũng rất khó nghe, còn download để nghe thì làm sao người trong nước có thể khi họ bị giới hạn nhất là download.

Kể từ khi trang đổi thì phần nghe trở ngại rất nhiều, tôi có thể đi lòng vòng và chờ đợi nhưng tôi nghĩ người trong nước không đủ kiên nhẫn, thời gian, tài chánh để tìm nghe đài. Xin các anh chị tìm cách dể dàng cho thính giả trong nước, nhất là khi họ chỉ có thể nghe bằng Window Media Player mà không thể download Winamp.

Cảm ơn bà Nhã Quế. Ban Việt Ngữ RFA cảm thấy khổ tâm bởi không chỉ thính giả ngoài này khó nghe đã đành, mà thính giả trong nước đôi khi cũng nhiêu khê làm sao với làn sóng bị phá hay nhiều phần là mọi đường link vào trang web bị chặn lại.

Xin cho Thanh Trúc được chia sẻ thêm, chắc quí vị cũng nhận thấy trong vòng ba tháng trở lại đây, nhiều thư trong ngoài gởi về báo là vẫn đọc được nghe được không có trở ngại nào hết. Cạnh đó cũng rất nhiều thư than phiền về mặt kỹ thuật mà qúi vị cứ nghe Thanh Trúc năm lần bảy lượt trần tình, giải thích và mong được quí vị thứ lỗi cho.

Một lần nữa Thanh Trúc dám khẳng định ban Việt ngữ RFA, đặc biệt các kỹ thuật viên trong ban, không bao giờ coi nhẹ sự trông chờ của người nghe như bà Nhã Quế hoặc toàn thể quí vị. Kính thư.

Newsletters của RFA

Và đây, thư của một thính giả người dân tộc miền núi, Thanh Trúc tạm không nêu tên bạn:

Chào bạn, mình sống tại Việt Nam, bây giờ mình không thể mở trang web của các bạn gởi đến, trang web của các bạn được chận bởi người quản lý, em chẳng thể mở được. Thôi nhe, cảm ơn đã gởi cho mình.

Bạn thân quí, Thanh Trúc tưởng tượng bạn đang ở đâu nhỉ, một vùng cao nguyên ngát xanh chập chùng của Việt Nam. Bạn chịu khó rà đài và dò vào trang web của RFA, bạn làm Thanh Trúc cảm động và vui vì có bạn là thính giả, nhưng cũng buồn nếu làn sóng RFA không tới với bạn được. Bạn cẩn thận và giữ sức khỏe vì mùa lạnh đang về với rừng núi, phải không.

Email của thính giả Nguyễn Ngọc gởi từ Trung Quốc: Rất tiếc cho đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một bản tin nào của quí đài gởi cho chúng tôi, trong lúc vẫn nhận đầy đủ và không gián đoạn các bản tin của đài RFI hay VOA… Rất mong quí bạn vui lòng xem lại chuyện này…

Thưa ông hoặc bà Nguyễn Ngọc, trước hết Thanh Trúc lấy làm tiếc vì ông hay bà đã phải gởi thư đi từ lại nhiều lần thế này. Khi phúc đáp email ngày 13 tháng Bảy ông bà gởi cho, chúng tôi báo rằng bản tin đã gởi đi, đồng thời xin ông bà xem lại trong hộp thư rác tức junk mails hay là spam để xem Newsletter của RFA gởi đến có tự động vào trong hộp thư rác không thay vì vào inbox.

Thưa ông hoặc bà Nguyễn Ngọc, trước hết Thanh Trúc lấy làm tiếc vì ông hay bà đã phải gởi thư đi từ lại nhiều lần thế này. Khi phúc đáp email ngày 13 tháng Bảy ông bà gởi cho, chúng tôi báo rằng bản tin đã gởi đi, đồng thời xin ông bà xem lại trong hộp thư rác tức junk mails hay là spam để xem Newsletter của RFA gởi đến có tự động vào trong hộp thư rác không thay vì vào inbox.

Với email mới nhất của ông hay bà mà chúng tôi vừa đọc, thì câu trả lời cũng tương tự, nghĩa là xin xem lại hộp thư rác vì biết đâu chừng mails của RFA đã vào đó hết. Chúng tôi cũng phải coi lại xem server của RFA có gì trục trặc không.

Tạm thời phiền ông hay bà có thể nào register địa chỉ email khác như aol hay gmail để liên lạc với RFA. Nay kính.

Thưa thính giả Thanh Tùng, không rõ ông đã vào trang web RFA được chưa. Dù sao thì chúng tôi cũng đã gởi Newsletter kèm proxy đến ông để từ đó ông truy cập trang web RFA trở lại. Vui lòng cho biết nếu ông đã nhận được.

Thưa hai vị thính giả Nguyễn Tấn Khoa và Bellinghamnen, đã theo dõi và thích thú với bài phóng sự về Room To Read, Phòng Đọc Sách, mà tổ chức Room To Read đang thực hiện cho trẻ em ở thôn quê Việt Nam. Hy vọng quí vị đã liên lạc được với tổ chức này. Vâng, đúng như vậy, phương châm của Room To Read là: Changes Start With Educated Children, Thay Đổi Bắt Đầu Với Trẻ Có Căn Bản Giáo Dục.

Vấn đề giáo dục trong nước

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, ý kiến từ một thính giả trong nước liên quan đến lập luận và quan điểm của nhà văn Trần Mạnh Hảo trả lời biên tập viên Mặc Lâm về trình độ văn của học sinh Việt Nam:

Nhà văn đã trăn trở thực sự với việc dạy văn trong nhà trường, tình trạng học văn của giới trẻ hiện nay, nên đã có những nhận xét sâu sắc.

Tôi cũng nhận thấy thứ nhất: kỳ tuyển sinh đại học 2008-2009 không những là chỉ dấu của sự sa sút nghiêm trọng của nền giáo dục Việt Nam mà còn chứng tỏ môn văn trong nhà trường đang bị giết chết. Giáo viên nào dạy ôn tốt nghiệp, đọc hướng dẫn môn tập ôn văn của Bộ, xem biểu điểm chấm thi tốt nghiệp mới thấm thía “đau đớn lòng”

Thứ hai: Cách dạy, sự cải cách, chương trình, đề thi, đáp án, người chấm, những non kém, oan sai…Tất cả vì thiếu chất văn, tất cả đang giết chết môn văn.

Thứ ba: Chương trình giáo khoa càng đổi mới càng sai sót. Có người nói nhiều phần trong sách giáo khoa trước đây bề thế vững chắc như núi đá bổng nhiên nay bị thay thế bằng nhiều đống đất tạp.

Tôi cũng nhận thấy thứ nhất: kỳ tuyển sinh đại học 2008-2009 không những là chỉ dấu của sự sa sút nghiêm trọng của nền giáo dục Việt Nam mà còn chứng tỏ môn văn trong nhà trường đang bị giết chết. Giáo viên nào dạy ôn tốt nghiệp, đọc hướng dẫn môn tập ôn văn của Bộ, xem biểu điểm chấm thi tốt nghiệp mới thấm thía “đau đớn lòng”.

Một thính giả trong nước

Thứ tư: Nỗi ái ngại, sự ghét văn của giới trẻ là dấu hiệu suy vong của văn hoá, đạo đức, đương nhiên tổn hại cho đất nước.

Cảm ơn lời góp ý của người nghe trong nước. Xin được nhắc lại rằng mọi ý kiến đưa lên mục Trả Lời Thư Tín chỉ nhắm mục đích rộng đường dư luận chứ không nhất thiết là quan điểm của RFA.

Biến động giá cả, xăng dầu

Thưa quí thính giả, thường thì Ban Việt Ngữ cũng hay nhận nhiều thư phản ảnh mật thiết đến đời sống hàng ngày ở bên nhà. Cũng vậy, vì phát về trong nước, ban biên tập luôn thực hiện những bài vở nói lên cuộc sống, sinh hoạt và những vấn nạn xã hội, những điều mà người trong nước quan tâm, và thường gọi đó là chuyện cơm áo gạo tiền.

Thêm một email từ trong nước gởi ra với ý kiến về sự biến động giá cả xăng dầu ngày 28 vừa rồi:

Tôi có hai tâm trạng khi nói về biến động xăng dầu. Vui, rất vui khi biết giá xăng dầu giảm, và hy vọng còn tiếp tục giảm để người dân bớt khổ.

Buồn, là vì hiện nay rất nhiều cây xăng đã đổ xăng không đủ và không một cơ quan chức năng nào vào cuộc. Tôi rất bức xúc vì hôm thứ Bảy 23 tháng Tám tôi dừng lại một cây xăng cách ngã tư Trung Chánh 200 mét hướng về Saigon. Tôi mua xăng qua một bình có dung tích 0.99 lít, với giá 18.000 đồng tương ứng hơn một lít xăng.

Cây xăng này đỗ cho tôi có khoảng 800 mililít. Tôi không đồng ý thì họ có những lời lẽ thô tục, đe dọa cũng như thách thức. Rõ ràng họ vi phạm trong kinh doanh thế nhưng tại sao không có cơ quan nào vào cuộc khi mà cách nay hai tuần tôi có đọc trên báo Tiền Phong là “Xăng Dầu Bị Ăn Bớt Như Thế Nào?”. Tôi hy vọng cơ quan trách nhiệm vào cuộc để mang lợi ích cho dân chứ không thể vì lợi ích riêng tư của một ai hay lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Người viết còn để lại cho RFA số điện thoại để gọi, nói sẵn sàng làm chứng về chuyện ăn gian xăng dầu như thế này. Bạn còn cho biết bạn đã gởi thư đến báo Tiền Phong nhưng không được hồi âm. Thanh Trúc cảm ơn bạn đã thư cho RFA.

Những thư từ khác

Chào thính giả ký tên Đoan hay Đoàn, bản tin hàng ngày đến với bạn rồi đấy. Có gì khiến bạn không hài lòng xin cho Thanh Trúc biết nhé. Thưa ông Phan Xuân Cương, cảm ơn đã báo tin Newsletter RFA tới tay ông rồi. Mong ông nghe đài thường xuyên. Thưa ông Phạm Văn Ái, mong ông toại nguyện với ý định xin học bổng Wesleyan-Freeman cho con của ông. Kính thư

Thưa thính giả Ngô An Bằng, đã gởi bản tin kèm proxy. Hãy cho Thanh Trúc biết ông cần RFA làm thêm điều gì cho người ở xa? Kính. Thưa ông Phạm Nam, gởi đến ông lời cáo lỗi của soạn giả Nguyễn Phương mục Cổ Nhạc do sơ sót đã đánh máy sai năm sinh của danh hài Nguyên Hạnh. Năm sinh đúng của danh hài Nguyên Hạnh là 1943. Đa tạ ông lưu ý chúng tôi.

Cùng thính giả Bùi Vinh hay Bùi Vĩnh, hoá ra ông không còn trẻ như ông nói, nhưng cũng không hẳn già phải không ạ? bởi vẫn đóng góp cho RFA nhiều ý kiến hay lạ trẻ trung. Sẽ chuyển những câu hỏi ông nêu ra đến các tham dự viên trong Diễn Đàn Bạn Trẻ.

Thưa thính giả Andre Huỳnh, RFA ghi nhận ý kiến của ông về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Chúc ông vui mạnh.

Tới đây xin trích đọc một đoạn thư phản hồi của thính giả Lê Tuấn sau khi nghe Diễn Đàn Bạn Trẻ mới đây thảo luận vấn đề vì sao dân trí mình vẫn còn thấp kém:

Người Việt mình ở hải ngoại thành công vẻ vang trong nhiều lãnh vực nhờ được tự do thông thoáng về tin tức, báo chí và tiếng nói. Người Việt ở trong nước không thành công đâu phải trong nước không có người tài, đâu phải người Việt cứ ra khỏi nước mới thành công, cũng đâu phải dân Việt phải ra nước ngoài thì dân trí mới không yếu kém.

Người Việt cần cù, khiêm tốn, nhẫn nại và nhiều đức tính khác. Nói chung là nếu nhân dân Việt được sống trong một thể chế chính trị thông thoáng, tiếng nói người dân được lắng nghe, có đầy đủ thông tin trung thực cập nhật thì nhất định người Việt chúng ta dù không hơn nhưng cũng sẽ cùng các nước so vai trong mọi lãnh vực.

Thư đã dài, phút chia tay đã gần kề. Thanh Trúc còn muốn nói cùng quí vị là Thanh Trúc thích nghe, thích đọc và thích trả lời thính giả của RFA biết chừng nào.

Tuần này không thấy thính giả chê trách RFA điều gì. Cho Thanh Trúc xem đó là niền vui nhỏ. Nhưng nếu có gì không hay không phải quí vị vẫn thẳng thắn phê bình phải không?

Thanh Trúc sẽ trở lại với qúi vị tuần tới, khi mùa thu Washington DC đang nhẹ bước trở về.