Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 16.1.2009)
2009.01.16
Ngay sau khi mục Trả Lời Thư Tín tuần trước được phát đi với lời chỉ dẫn của một bạn trẻ thuộc nhóm sinh viên ở Anh gởi cho RFA:
Thì RFA được thính giả Bùi
Hùng hay Bùi Hưng báo cho biết vào trang www.defilter.co.uk rất nhanh mà không
gặp trở ngại gì. Cảm ơn quí bạn một lần nữa.
Nghe RFA ở Việt Nam
Thưa thính giả Hữu Hiền, đúng là khi ông về trong nước thì truy cập vào để nghe RFA không dễ như ở ngoài này. Ông dặn chúng tôi gởi bản tin hàng ngày theo gmail này song lại quên ghi địa chỉ nên chúng tôi không gởi được. Phiền ông mail lại cho RFA nhé. Kính thư.
Chỗ em ở mới có mạng khoảng 5 tháng nay và em đã mất gần ba tháng trời mới vượt tường lửa, nhưng bây giờ em vào RFA thật dễ.
Một bạn trẻ ở Vĩnh Long
Cùng quí thính giả Vinh Cường, Đoàn Thái, Mạnh Dũng, đã gởi bản tin hàng ngày đi. Trong bản tin hàng ngày luôn kèm proxy chỉ cách vượt tường lửa. Đa tạ quí vị.
Thưa thính giả Đinh Hà, bạn đã nhận được bản tin hàng ngày theo yêu cầu chưa, vì trong đó có kèm proxy mới để giúp bạn vượt tường lửa. Chúc bạn may mắn.
Một bạn trẻ ở Vĩnh Long cho hay “chỗ em ở mới có mạng khoảng 5 tháng nay và em đã mất gần ba tháng trời mới vượt tường lửa, nhưng bây giờ em vào RFA thật dễ”.
Cảm ơn em mau mắn báo cho biết đã nhận được bản tin hàng ngày. Nếu đây là món ăn tinh thần như em nói thì hãy nghe RFA mỗi ngày nhé.
Thính giả Lâm Anh thân mến, vì em ở trong nước nên Thanh Trúc chỉ gọi thế cho an toàn. Đến lúc này em không còn trách chị Thy Nga hay Thanh Trúc nữa phải không, là vì em đã thôi không dùng yahoo vẫn đang bị chận lại trong nước. Cho Thanh Trúc trích dẫn một đọan thư của Lâm Anh nhé:
“Em gởi cho RFA thông qua yahoo nhưng đợi mãi mà không thấy nên chuyển sang hotmail. Phải nói rằng em rất mừng đã nhận được hồi âm. Mách cho chị biết nhé, em luôn luôn nghe đài RFA vào lúc chín giờ tối, ba mươi phút đầu nghe trên tần số 1503 KHz thì chất lượng tốt, ba mươi phút sau chuyển sang tần số khác, nghe cũng rõ nhưng đôi lúc bị ồn do đài khác xen vào.
Ở bên này em luôn thích nghe đài dù có một số người cho là đài phản động. Em không nghĩ vậy, đài RFA không nói vu vơ như Chân Trời Mới mà luôn luôn đi kèm chứng minh, vì đó là sự thật. Em nghĩ sẽ không bao giờ mình có thể bỏ được RFA…”
Lâm Anh thân quí, RFA không coi đây là lời khen mà là sự đánh giá nghiêm túc về chất lượng, làn sóng phát thanh, nội dung và vị trí của đài trong lòng thính giả trẻ. Em hỏi xa nhà lâu mà sao giọng chúng tôi “ấm cúng truyền cảm” vậy. Em ạ, tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng ấm áp.
Cảm ơn một vị truyền giáo Tin Lành ở Quảng Trị, Việt Nam, đã thư cho chúng tôi để phản ảnh quan điểm cũng như khuyến khích RFA sau khi nghe bài Sinh Hoạt Tôn Giáo Tại Việt Nam Năm 2009. Kính thư.
Ở bên này em luôn thích nghe đài dù có một số người cho là đài phản động. Em không nghĩ vậy, đài RFA không nói vu vơ mà luôn luôn đi kèm chứng minh, vì đó là sự thật. Em nghĩ sẽ không bao giờ mình có thể bỏ được RFA.
Thính giả Lâm Anh
RFA đã nhận và đã đọc thư của quí thính giả Hoàng Phương ở Đức, Trần Mạnh Tường ở Canada, thính giả tên Ngọc ở Việt Nam
Thưa bà Phan Nguyệt Anh, cảm
ơn và ghi nhận thịnh tình cũng như mọi lời góp ý trong thư. Về vấn đề từ ngữ
RFA sử dụng khi đưa tin về bên nhà, như bà đã thấy đây là vấn đề tế nhị
được tranh cãi đôi lần trên diễn đàn RFA. Thiết tưởng khi “truyền” tin từ
bên này về thì bên nhà phải “thông”, đó mới gọi là truyền thông đúng
nghĩa. Kính chúc bình an.
Chia sẻ của Thính giả
Thư của một thính giả Thanh Trúc tạm dấu tên:
“Được tin qua đài RFA là dân ba xã ở Văn Giang, Hưng Yên đang đấu tranh để giữ lấy đất đai vì giá đền bù cho dân không thỏa đáng. Còn các đài báo Việt nam thì đều im tiếng.
Nay dân ở đó bị mất đất, đang dấu tranh đòi công lý, tôi như người con xa quê cách đò cách sông, thấy quê bị cháy mà không về được, tự nhiên tôi thấy mủi lòng phải kêu lên một tiếng vô vọng...”
Thưa ông. chẳng phải một mình ông mủi lòng mà có nhiều người khác đồng cảm khi nghe đọc thư ông. Mất nhà mất đất là nỗi đau có thể nhìn thấy phải không ạ?
Chẳng thế mà một thính giả từ Đà Nẵng chia sẻ cùng RFA:
“Những người cán bộ nhà nước nói chung giàu lên là nhờ đất, chính vì đó mà người dân mất đất mất nhà rất nhiều. cũng vì vấn đề giải tỏa vấn đề quy hoạch. Ở đây chỉ có một tờ Công An Đà Nẵng thôi,tờ báo đó thì không phản ảnh được gì cho nhân dân.
Còn nói về phát triển thì nếu mà đi dọc đường bờ biển từ đèo Hải Vân xuống tới Đà Nẵng, bãi biển Thanh Bình , hoặc là lên Xuân Thiếu đây thì nhà người ta quy hoạch đất mà bán không ai mua. Đường xá thì qui hoạch nửa vời rồi để đó vì hết tiền…”
Và lời kêu cứu của một thính giả chỉ nhắn qua hộp thư thoại mà không để lại số điện thoại cho chúng tôi:
“Tôi có bức xúc vì đất trước kia mà mua bây giờ bị nhà nước lấy, không có sự đồng ý, sau đó xin lại cũng không được…”
Đó là những lời nhắn và những
thư không lấy gì làm phấn khởi cho lắm. Thanh Trúc xin được chuyển qua một đề
tài khác.
Xuân về, Tết đến
Trả lời thư của Hương Trà, tên của em nghe đẹp và mát như hoa trà nở bừng trên đồi xanh. Cảm ơn đã chuyển cho RFA thư viết của bạn em, sinh viên năm thứ nhất Đại Học Kinh Tế ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi đang chuẩn bị để đón nghe chương trình Tết của quí vị đây, vì năm nào tôi cũng lắng nghe chương trình tết và rất thích thú. Ở chỗ tôi có rất nhiều người muốn nghe RFA vì thông tin trung thực chính xác và đáng đồng tiền bát gạo.
Thính giả ở Quảng Nam
Hương Trà an tâm, Thanh Trúc không tiết lộ thông tin của bạn em, chỉ đọc và thấm thía những suy nghĩ sắc bén của người bạn trẻ này. Bạn à, chắc bạn nhớ Thanh Trúc từng mượn lời tiền nhân , Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại Cáo,” rằng “Đất nước thì có lúc thịnh lúc suy, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có”. Biết không, những ưu tư sâu sắc nhưng thực tế về đất nước biến người trẻ thành anh hùng hào kiệt cả đấy, bạn ạ.
Thưa quí vị , chỉ còn hai tuần nữa là Tết mà những cánh thơ vừa đọc lên vẫn nằng nặng điều gì như nỗi nhớ nỗi thương phải không.
Thư bạn Lê ở Minnesota, kể là mồng Một Tết năm nào bạn cũng đi làm, bởi không muốn ở nhà để nhớ, để đón Tết trong cảnh tuyết đổ bốn bề.
Thôi ta tạm gác nỗi buồn nhớ qua một bên để về với phố phường đông vui ngày Tết, như bốn câu thơ đầu trong bài thơ thính giả Calvin Nguyễn gởi tặng RFA:
Ánh sáng xuân cứ ngập đầy
trong mắt
Tôi muốn nhìn say đắm mãi
không thôi
Tôi tắm mình trong nắng
mới chơi vơi
Tôi muốn bay lên giữa trời
cao đất rộng…
Một thính giả ở Quảng Nam thì viết cho RFA thế này:
“Tôi đang chuẩn bị để đón nghe chương trình Tết của quí vị đây, vì năm nào tôi cũng lắng nghe chương trình tết và rất thích thú. Ở chỗ tôi có rất nhiều người muốn nghe RFA vì thông tin trung thực chính xác và đáng đồng tiền bát gạo.”
Thưa ông tất nhiên phải có chương trình Tết, và Thanh Trúc đoan chắc ông sẽ thích thú với Sớ Táo Quân do các anh chị em ban Việt Ngữ RFA trình bày. Kính thư.
Thế còn chợ Tết và mua sắm và bánh mứt năm nay ra sao? Từ chợ Bình Dương trong Nam, chị Ngân, bạn hàng mà cũng là thính giả, gọi kể với RFA:
“Năm nay thì nói chung là nó cũng không bằng mọi năm, tại vì công nhân năm nay thì tiền thưởng không có nhiều. Mình thấy là nó mắc hơn so với mọi năm chứ năm nào Tết hổng lên, giá là cứ Tết là lên à. Hiện giờ là mai này kia thì bắt đầu ở ngoài đường là có bán rồi. Thấy thì cũng không bằng mọi năm tại vì năm nay lạnh rồi mưa nè thành ra hình như nó trổ hết trơn rồi. Khoảng 20 đổ đi họ mới bán nhiều hơn, là mai mà họ bứng đó, còn hiện giờ là mai chậu.
Mà năm nay tại báo đăng là mứt làm mất vệ sinh xài hoá chất do đó nhiều người nói thôi làm cho chắc ăn rồi có gì cúng ông bà cũng dễ. Giờ nói chung, ta cũng đọc báo nhiều người ta sợ mấy cái vụ đó.
Bánh chưng bánh tét thường là phải có một cặp để chưng cúng ông bà thì chắc là mua thôi mặc dầu mua thì nó cũng không ngon không có vừa ý như hồi xưa cha mẹ mình gói.”
Và đây là niềm hạnh phúc lẫn đôi chút bâng khuâng của thính giả Mỹ Hằng nhắn cùng RFA từ Hà Nội:
“Nhớ hoa đào ngày Tết và bánh chưng xanh không? Nhà thì nói thật là năm nào Tết cũng tự gói bánh chưng chứ không thích mua ngoài đâu. Hai mươi ba mới đưa ông Táo chị à, người ở cách đây nửa vòng quả đất. Bánh mứt Hà Nội bạt ngàn, ra đường thấy bánh với mứt.
Năm nay rẻ hơn năm ngoái, ví dụ mứt hôm nay mua ở làng nghề sản xuất mứt ở Hồ Tây thì một cân mứt bí nếu mà mua buôn chỉ khoảng hai mươi nhăm nghìn, còn mua lẻ thì ba chục nghìn.
Nói chung là trong cái bối cảnh khủng hoảng kinh tế chung thì ăn Tết nó cũng không xôm xênh như mọi năm thế nhưng mà hàng hoá thì nhìn chung là giá rẻ, chỉ tội tiền thì thiếu thôi.”
Thính giả Mỹ Hằng tâm sự thêm với người xa xứ:
“Ngày tôi đi nước ngoài tôi nhớ da diết “vắt chân chữ ngũ ăn củ khoai lang, hỡi cô nhà hàng cho tôi bát nước”… và khi trên máy bay sắp về đến quê hương mà nghe trên đài tiếng Việt tiếng hát mà chảy nước mắt vì khóc vì nhớ nhà lắm, nó thăm thẳm ra…
Bây giờ công nghệ thông tin rồi mạng rồi Internet nó xoá nhoà khoảng cách chứ ngày xưa nó cứ thăm thẳm ra. Nói như vậy để hiểu là người trong nước rất hiểu cái nỗi nhớ nhà, thèm lắm chị ạ cái hương vị của quê hương ấy…”
Mục Trả lời Thư Tín tuy ngắn nhưng tình cảm RFA dành cho quí thính giả rất dài, dài như đường về của những người không về nhà ăn Tết năm nay.
Thanh Trúc tạm biệt quí thính giả phút này. Hãy gọi hãy viết hãy email cho ban Việt Ngữ RFA nếu quí vị có điều gì muốn nói về những ngày cuối năm ở bên nhà. Thanh Trúc sẽ trở lại trong mục Trả Lời Thư Tín thứ Sáu tuần tới, ngày hai mươi tám Tết.