Trao đổi thư tín với Thính giả ngày 16.11.2012

Chúng tôi là một số thính giả ở trong nước có lời nhắn sau đây đến quý đài và quý thính giả của đài.
Hòa Ái, phóng viên RFA
000_Hkg8017202-305.jpg Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội hôm 14/11/2012
AFP photo

Văn hóa từ chức

Thưa quý thính giả, cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ 2012-2016 đã kết thúc nhưng dường dư âm của cuộc bầu cử lần này không chỉ được dân chúng ở Hoa Kỳ lưu tâm mà từ những hoạt động khởi động cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống cho đến người dân kiên nhẫn xếp hàng để bỏ từng lá phiếu chọn lựa Tổng thống được dân chúng khắp nơi trên thế giới trông đợi và hy vọng sẽ có một ngày đất nước họ có thể bầu chọn vị lãnh đạo một cách dân chủ và văn minh như vậy. Đây là tin nhắn chia sẻ của bạn Tuấn, ở Tiền Giang:

“Mến chào đài ACTD, em tên Tuấn, thính giả ở Tiền Giang, số điện thoại của em là…Em có vài lời muốn chia sẻ với chương trình. Qua quá trình theo dõi, em thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi rất là dân chủ, công bằng và đúng luật. Còn bầu cử ở nước Việt Nam mình, em thấy bầu cử xảo trá, gian lận, không tích cực. Lúc nào cũng nói là “nhà nước của dân do dân vì dân”, mà phải của dân, do dân, vì dân không? Cái này là do Đảng cử dân bầu chứ người dân không tự cầm lá phiếu bầu chính thức được. Em hy vọng, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có bầu cử dân chủ và văn minh hơn”.


Câu hỏi của Ông Dương Trung Quốc đã đi vào lịch sử và câu trả lời cũng quá hay! Thủ tướng không từ chức, vì đây là nhiệm vụ do Đảng giao cho.

Bạn Phương Nam

Trong tuần này, sự kiện ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi về “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua các bài phóng sự “Văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng” của Quỳnh Chi và “Tại sao Thủ tướng không thể từ chức?” của Mặc Lâm nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ý kiến của Phương Nam gửi từ Đà Nẵng: “Câu hỏi của Ông Dương Trung Quốc đã đi vào lịch sử và câu trả lời cũng quá hay! Thủ tướng không từ chức, vì đây là nhiệm vụ do Đảng giao cho!” Và còn đây là ý kiến của Đảng Độc Tài gửi từ Vinh :“Cảm ơn đài ACTD, GS Nguyễn Minh Thuyết và đặc biệt cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói lên nguyện vọng của người dân. Nhưng theo tôi ngó tới ngó lui có thấy ai hơn ông Dũng đâu, nếu thay ông Dũng bằng một ông Dũng khác thì không khéo người dân chúng tôi còn khổ hơn. Vì chính đảng Cộng Sản, chính điều 4 hiến pháp đã sản sinh ra những kẻ bất tài vô dụng, tàn bạo, bất lương, xảo trá, tham lam vô độ ... và đặc biệt là lì lợm trâng tráo. Cho nên con đường duy nhất của dân tộc Việt Nam là xoá bỏ điều 4 hiến pháp xây dựng một nhà nước pháp quyền như tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nói mà thôi”. Ý kiến của khán thính giả Duy Phan là “hãy từ chức đi Thủ tướng. Năng lực lãnh đạo quá yếu kém để cho mấy tập đoàn nhà nước làm lũng đoạn nền kinh tế”. Và đây là ý kiến của thính giả Trần Thanh Nghiêm: “Kính thưa quý đài,Tôi-Trần Thanh Nghiêm, xin nhắn vào lời về quê hương tôi và 14 vị chóp bu của Đảng Cộng Sản vài lời như sau: ông bà ngày xưa đã dùng dụ ngôn rất bình dân để đời là giữa đám mù, kẻ chột làm vua. Cho nên dù Nguyễn Tấn Dũng có tội tày trời nhưng vẫn còn một mắt để dẫn đường cho 14 chóp bu kia. Nếu mà cho đi nghỉ mát thì ai dẫn đường đây? Xin cảm ơn quý đài”.

Cũng có ý kiến thắc mắc của Liberty Việt Nam Nguyễn: “sao hỏng ai dám hỏi tự kê tài sản và hứa chống tham nhũng của Thủ tướng từ nhiệm kì 1 đến giờ sao ko thực hiện và bao giờ thành? Ai sẽ tự khai tài sản trước? Thủ tướng làm gương chưa?” Và câu hỏi của Công Lý dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là: “Trong kỳ họp Quốc hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ này, ông Thủ tướng Dũng nói ông nhận khuyết điểm trong thời gian lãnh đạo và xin hứa sẽ cố gắng làm tốt những gì mà nhân dân giao phó. Vậy xin hỏi lại ông một điều rằng có thật sự là 90 triệu dân Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm ông hay không mà trong kỳ họp lần này ông lại phát biểu là nhân dân Việt Nam giao phó?”

Cảm ơn tất cả nhưng ý kiến và chia sẻ của quý khán thính giả, độc giả dành cho các bài phóng sự truyền thanh và truyền hình với chủ đề xoay quanh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì sao không từ chức.

Khánh Ly tha thiết ngày trở về

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1967. Photo courtesy of hoanghuuquyet blog.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1967. Photo courtesy of hoanghuuquyet blog.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của ca sĩ Khánh Ly dành cho Mặc Lâm đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều người qua thông điệp của ca sĩ Khánh Ly là vẫn tha thiết một ngày trở về Việt Nam. Chúng tôi trích dẫn một số ý kiến gửi đến ca sĩ Khánh Ly:

Một bài thơ của Màu Áo Quê Hương:

“Về! Về đi! Về đi để thấy đồng bào./Đi chờ khiếu kiện từng ngày xót xa./Quê hương khốn khó bao điều/Sài Gòn-Huế-Hà Nội vương nhiều vết nhơ./Không giống như phố năm xưa./ Sài Gòn giờ đám thân Tàu tràn lan./Công an hà hiếp dân lành./Người yêu nước cũng phải đành lặng thinh./Khánh Ly nếu có chân tình./Xin ca lại bản trữ tình năm xưa./Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên./Cho dân nhớ lại cái tâm Sài Gòn”.

Lời nhắn gửi của Quốc Lưu:

“Tôi mong Khánh Ly sẽ chọn bài ‘anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh’ tại Hà Nội để làm quà cho quê hương”.

Và tâm tình của Em Tư Cầu Muối, gửi từ California :


Chừng nào mà chị về Việt Nam hát những bài Gia tài của mẹ, Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người hay Việt Nam tôi đâu? v.v... thì lúc ấy khối triệu người sẽ hân hoan.

Em Tư Cầu Muối

“Văn chương bóng bẩy mà làm gì hả chị? Cứ nói rằng vì quá mơ về Việt Nam hát nên chị đã đưa danh sách các bài hát và làm đơn xin được về Việt Nam hát thì mọi người sẽ thông cảm cùng chị hơn là chị cứ tránh né và chối quanh chối quẩn để cho báo chí trong nước có cơ hội tuyên truyền "chính sách hòa giải" của họ! Với chúng em, chừng nào mà chị về Việt Nam hát những bài Gia tài của mẹ, Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người hay Việt Nam tôi đâu? v.v... thì lúc ấy khối triệu người cả trong và ngoài nước sẽ hân hoan tiễn đưa và chào đón tiếng hát và tấm lòng chị đối với quê hương dân tộc trong bối cảnhTrung quốc xâm lược Việt nam hiện nay! Còn ngoài ra thì thà rằng chị cứ im lặng đi và về như những ca sĩ khác!

Về bài phóng sự “Người dân nghĩ gì về việc Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc?” của Tường An, một thính giả gọi vào với lời chia sẻ:“Sáng nay, tôi nghe đài phát thanh ACTD, tôi hoan nghênh lời phát biểu của Mục sư Nguyễn Hồng Quang về vấn đề Việt Cộng tham gia quốc tế nhân quyền”. Và ý kiến của Hồn Việt gửi từ Hoa Kỳ: “Đồng ý để Việt Nam ngồi vào ghế nhân quyền có nghĩa là đồng ý với nhân quyền hiện hành của Việt Nam. Tại sao lại có những ý kiến ngây ngô đồng ý để Việt Nam ngồi vào ghế rồi sau đó lèo lái họ cởi mở nhân quyền? Điều đó cũng đồng nghĩa đem một con giống bệnh SIDA tiêm vào cơ thể rồi từ từ cho thuốc diệt nó”.

Trong tuần qua, chúng tôi trích dẫn ý kiến của Văn Xương ở Hà Nội qua bài “Việt Nam Tôi Đâu?-Án tù cho nghệ sĩ” của Thanh Quang là“Tôi thì nghĩ thế này: 90% dân số Việt Nam trả lời Việt Nam tôi ở đây. Đất mẹ tôi đây. Chẳng mất cho ai. Cha mẹ tôi đây, vợ con, anh em làng xóm tôi đây. Dù còn bị tham nhũng hoành hành nhưng vẫn được coi là tự do và đặc biệt chúng tôi biết thương yêu nhau. Còn các ông là ai? Việt Khang là cái anh quái nào, chẳng ai thèm biết đến. Các ông chết thảm là vì thế”. Chúng tôi nhận được ý kiến đóng góp của thính giả Nguyễn Kim Luyến gửi đến thính giả Văn Xương. Chúng tôi xin mạn phép trích dẫn một đoạn vì thời gian hạn hẹp của chương trình.

“Tôi xin được góp một vài ý với ông Văn Xương ở Hà Nội:

Ông Xương có biết rằng: con người khác với loài cầm thú ở cái tư duy, mà trên quê hương Việt Nam, tư duy con người bị “định hướng”, bị trói buộc; Hễ ai nói ra điều mình nghĩ mà khác với định hướng là bị đàn áp, trù dập hoặc tù đầy. Việt khang là một thí dụ điển hình. Thật là quái đản khi mà người của đảng Cộng Sản, của chính phủ đấm ngực nhận lỗi thì không sao, mà nếu có ai nêu lên chính cái lỗi ấy thì bị buộc tội vi phạm điều 88 và cho vào tù với những bản án nặng nề đến nỗi tất cả những ai còn lương tri đều thấy vô cùng bất bình. Bỏ tù Việt Khang, nhà nước Việt Nam đã mặc nhiên chấp nhận rằng mình chính là đối tượng mà bài hát muốn vạch mặt chỉ tên. Ông nói “chúng tôi biết yêu thương nhau “: thật không? Nếu quan chức các ông yêu thương dân thì làm gì có những tiếng kêu than thấu tận trời xanh của những người dân oan bị cướp đất, cướp nhà, người công nhân bị bóc lột đến tận xương tủy. Đi đâu kêu cứu cũng bị xua đuổi, đối xử tàn tệ, thậm chí đánh đập dã man”.

Trong tuần qua, ban Việt ngữ xin cảm ơn ý kiến đóng góp cùng những thông tin gửi về của Thoinay Nguoimiennui, Tran.van.vu, V.Nguyen, Cathy Duong, Viet le, Nho Le van. Chúng tôi nhận được một lá thư viết tay của thính giả Dương Yêu Nước gửi từ Canada. Kính mong thính giả Dương Yêu Nước cho ban Việt Ngữ thông tin cá nhân như địa chỉ email hoặc số điện thoại để chúng tôi tiện liên lạc. Chúng tôi cũng nhận được 2 tin nhắn sau đây:

“Gọi lại cho tôi theo số này.”

Hòa Ái xin được nhắc lại khi quý vị gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, mong quý vị để lại tên và số điện thoại để tiện cho chúng tôi gọi lại cho quý vị. Đồng thời quý vị cũng có thể email về địa chỉ vietweb@rfa.org và điện thoại vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775 để nói lại những thông tin mà quý vị muốn chia sẻ. Nếu quý vị gọi điện thoại từ Việt Nam, vui lòng bấm số 001 trước dãy số 202-530-7775. Ban Việt ngữ cần có số điện thoại của quý vị khi quý vị yêu cầu liên lạc lại nhưng số điện thoại của quý vị sẽ không phát trên làn sóng phát thanh vì là thông tin cá nhân. Quý vị cũng có thể email trực tiếp cho Hòa Ái tại địa chỉ hoaai@rfa.org. Chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp của quý khán thính giả cùng độc giả dành cho đài ACTD. Và cảm ơn thời gian lắng nghe mục Trả lời Thư Tín của quý thính giả cùng Hòa Ái.

 

Video: Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.