Trao đổi Thư tín với Thính giả (ngày 5.12.2008)

Chỉ mới bước sang tuần lễ đầu tiên của tháng 12 mà những thanh âm quen thuộc và những sắc màu rực rỡ của Giáng Sinh đã tràn ngập không gian, trong khi tình hình kinh tế chưa khả quan chi mấy.

Còn quí thính giả bên nhà thì sao, bởi với RFA mọi sự diễn ra ở Việt Nam mới là điều đáng nói.

Kiểm soát blog

Có phải đối với các cư dân mạng và các bloggers trong nước bây giờ thì tin đáng chú ý nhất là nhà nước Việt Nam đang muốn hai đại công ty mạng toàn cầu Google và Yahoo giúp kiểm soát blog, tức là hoạt động viết nhật ký mạng đang phát triển nhanh chóng.

Ý kiến từ thính giả Lê Tuấn: "Nếu Yahoo và Google làm theo yêu cầu của Việt Nam tức là Yahoo và Google giết chết tự do ngôn luận và tự do tư tưởng tại Việt Nam."

Một bạn trẻ trong nước đồng ý với Bộ Thông tin Truyền thông:

"Cháu hoàn toàn đồng ý với chủ trương này, đặc biệt cháu rất tâm đắc với câu 'Đã là nhật ký cá nhân thì chỉ viết cho mình hay cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không còn là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự qui định như đối với trang thông tin điện tử'. Đúng như thế, đã là cá nhân thì sao lại mang ra đại chúng?"

Như vậy là sau khi để mắt đến Internet, nay các trang blogs của người trong nước có khả năng bị kiểm soát. Xin đọc thư tiếp của thính giả Sông Hương ở trong nước:

“Chính quyền Việt Nam ra sức ngăn chận mọi thông tin để bịt tai bịt mắt dân. Họ muốn mọi người dân phải như con ngựa thồ kéo xe với hai miếng che mắt hai bên và cứ thể chỉ thấy một hướng duy nhất để đi theo.

Trong quá khứ họ đã thành công. Nay thời thế đổi nhiều, mạng Internet toàn cầu làm chính phủ mất hẳn thế độc quyền thông tin. Người dân chỉ cần chút kiến thức là có thể vào mạng để và tha hồ tìm tòi, nghiền ngẫm.

DoQuyDoan-QuanLyBlog-305b.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Thông tin điện tử là lĩnh vực mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý. (Hình chụp từ trang báo điện tử VietnamNet)

Ghi nhận RFA đã góp phần hỗ trợ kỹ thuật, giúp người trong nước biết được những thông tin chính xác trung thực. Các kỹ thuật viên cộng sản thân mến, hãy dùng tài năng của mình để làm việc có ích cho dân cho nước thay vì ngày đêm miệt mài phá sóng và tạo tường lửa.”

Vào web, nghe RFA

Đến đây, thưa quí thính giả, phần trao đổi từ người nghe thường xuyên. Thính giả có tên Người Công Chính nói với RFA từ Hà Nội:

“Thường thường tôi nghe đài qua mạng, tôi có thử radio rồi, thử làn sóng. Đôi khi cũng có bắt được đôi khi kém lắm, hoặc nhiều khi không bắt được. Tại thành phố có thể do có nhiều làn sóng nó chèn nhau mà có thể là do bị phá sóng.

Nhưng mà muốn nghe hết chương trình của đài thì thường thường là tôi lên mạng. Trước đây tôi ra quán Net nhưng mà có cái private room thì tôi sử dụng phòng đó. Bây giờ tôi lên mạng tại nhà, khi vào đến mạng RFA thì tôi nghe rất rõ, đầy đủ mà không bị vấp bị ngắt quảng, có thể do tôi dùng đường truyền DSL hay là high speed.

Còn trước đây muốn vào trang RFA tôi phải đi vòng qua tường lửa mới vào được, còn bây giờ không cần vượt tường lửa. Trước đây tôi thường dùng Vproxy, hiện tại tôi cứ search Google là vào thẳng thôi.”

Một bạn trẻ ở Thanh Hoá, Thanh Trúc nhớ tên bạn thôi chứ không tiện nêu ra ở đây:

“Em muốn tham gia vào diễn đàn tối thứ Hai hàng tuần, năm nay em học đại học năm thứ nhất. Em muốn góp tiếng nói của mình trên làn sóng phát thanh của đài.

Thường ở chỗ em thì bắt sóng từ 9 giờ đến 9 giờ 30 thôi, trên sóng 1503 đấy, chứ còn từ 9 giờ 30 đến 10 giờ thì bị nhiễu. Ngoài ra thì em lên Net nữa cũng có một số điểm bị ngăn chận nhưng mà có một số nơi vẫn nghe và đọc tin bình thường.

Về cái phần dở nhất có thể nói là tần số bắt sóng trên radio rất khó khăn, đặc biệt từ 9 giờ 30 tới 10 giờ giờ Việt Nam hầu như là không bắt được.

Em mong làm sao có thể bắt sóng để nghe đủ một tiếng. Trên mạng thì bản tin hàng ngày của đài bây giờ em nhận dễ dàng rồi. Hòm thư điện tử của em là…"

Kính ông Hai hay Hải ở Tây Ninh, thư ông gởi qua đường bưu điện đã tới RFA một ngày trước khi mục Trả Lời Thư Tín được phát đi. Cảm ơn ông đã cung cấp chi tiết cụ thể về vụ việc ghi trong thư. Rất mong ông liên lạc với chúng tôi qua (202) 530-7775, nhắn vào hộp thoại sau tiếng bíp, vui lòng để lại số điện thoại, Thanh Trúc sẽ gọi về ngay. Kính thư.

Góp ý, thắc mắc

Thưa thính giả Trần Bình, đã gởi bài liên quan đến học bổng Wesleyan–Freeman dành cho học sinh Châu Á. RFA chỉ thông tin về học bổng này, còn chi tiết về việc làm sao có hồ sơ ghi danh thì xin ông nghe chỉ dẫn trong bài chứ RFA không có hồ sơ đâu ạ.

Cùng ông Nguyễn Quát hỏi xin RFA “vài cái proxy để ông có thể nhảy qua tường lửa”. Đã gởi ngay bản tin hàng ngày kèm proxy đến ông rồi. Kính chúc may mắn.

Cũng vậy, Newsletter đã gởi đến vị giáo viên tư thục ở quận Tân Phú, Saigon, thính giả Phạm Đỗ Minh và thính giả ký tên Nước Biếc. Xin báo với Thanh Trúc nếu quí vị gặp trở ngại. Đa tạ.

Vô cùng cảm ơn thính giả Hoàng Mỹ đã chia sẻ với độc giả của RFA cách vào trang nhà dễ dàng, đó là sử dụng phần mềm vượt tường lửa Ultrasurf, có thể tải về miễn phí tại www.ultrasurf.net/index_en.htm.

Luôn thể cho phép chúng tôi đọc thư của bạn trẻ Trọng Tuyên hay Trọng Tuyến, xin thứ lỗi nếu Thanh Trúc bỏ dấu tên bạn không đúng:

“Cảm ơn những bản tin RFA gởi cho em, trước đây thì em không mở được dù có proxy, nay mọi việc đã ổn. Qua tìm hiểu trên các diễn đàn dành cho thanh niên thì em biết rất rất nhiều bạn trẻ đã hiểu được tình cảnh Việt Nam hiện nay. Họ lên tiếng phản ánh những bất công trong cuộc sống, nhưng với thái độ còn dè dặt đó anh chị ạ…”

Em thân mến, đúng là có phần nào dè dặt, nhưng Thanh Trúc thấy các bạn ấy cũng thẳng thắn và lịch sự nữa, em ạ. Chả trách nhiều thính giả thích nghe Diễn Đàn Bạn Trẻ vô cùng. Chúc em vui khỏe.

Trả lời một bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, hỏi về chương trình Work and Travel. Đây là chương trình mang tên Uỷ Ban Trao Đổi Giáo Dục Quốc Tế, viết tắt là CIEE, tức Council On International Educational Exchange. Em có thể vào trang web của CIEE qua địa chỉ www.ciee.org. Rất vui đã giúp được em tìm hiểu chuyện này.

Thưa vị thính giả ở Cam Ranh, Khánh Hoà, đã gởi thư về theo yêu cầu của ông. Kính chúc sức khỏe.

Hãy còn nhiều thư chưa được đọc lên trong lúc thời lượng nhất định của mục Trả Lời Thư Tín sắp hết. Mong quí vị không phiền lòng nếu vì lý do nào Thanh Trúc có sự thiếu sót khi phúc đáp thư của quí vị.

Và như thu đang lìa xa, Thanh Trúc cũng phải tạm biệt quí vị phút này. Khi mục Trả Lời Thư Tín kỳ tới về cùng quí vị thì cũng là lúc Washington DC chuyển sang mùa đông giá.

Thanh Trúc kính chào, hẹn tái ngộ quí thính giả nghe đài tối thứ Sáu tuần tới.