Tìm hiểu bộ môn mỹ thuật cùng Họa sĩ Ann Phong
2010.05.18
Bà đang dạy nghệ thuật tại Đại Học CSU Pomona. Hội Đồng Giáo Dục Đại Học Mỹ (USA College Board of Education) đã mời Họa sĩ Ann Phong cộng tác trong cương vị một người đánh giá các ứng viên đang lấy kinh nghiệm sư phạm. Bà hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Đốc của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) nhiệm kỳ 2010.
Trước tiên, Họa sĩ Ann Phong cho biết về hoàn cảnh đưa đẩy bà trở thành một giáo sư hội họa như thế nào, bà nói:
Họa sĩ Ann Phong: Ann Phong sau năm 1975 thì mới học xong trung học, lúc đó Ann Phong ráng thi vô Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật - cái trường mình thích đó - thì thi hoài mà không có đậu. Thi 3 năm liền không đậu nên lúc đó (Ann Phong) thấy là cuộc đời ngừng tại chỗ đó rồi, nhưng mà Ann Phong lại đi qua nghề sư phạm tại vì nhiều cô giáo thầy giáo chuẩn bị ra khỏi trường đi "học tập cải tạo" thì có những chỗ trống nên Ann Phong trở thành một trong những giáo sư dạy. Cái dịp may lúc đó là Ann Phong có duyên với học sinh thì có một người học sinh dẫn Ann Phong đi vượt biên thành ra Ann Phong có dịp đi ra khỏi nước và ở nước ngoài tới ngày hôm nay.
Khi mà tới Mỹ thì dĩ nhiên là cuộc sống mình nó thay đổi rất nhiều, thì Ann Phong có dịp học lại hội họa. Ann Phong tốt nghiệp trường ở Hoa Kỳ đây và thành họa sĩ tới ngày hôm nay.
Sự tự do tư tưởng
Mặc Lâm: Theo Họa Sĩ thì cách dạy của các trường chuyên về mỹ thuật Hoa Kỳ có gì đặc biệt hay không và điều quan trọng nhất mà giáo sư truyền lại cho sinh viên là gì, thưa bà?
Họa sĩ Ann Phong: Ann Phong thấy là cách dạy của những trường đại học Mỹ nó khác hẳn bên Việt Nam nhiều là khi mà dạy thì chúng tôi dạy về kỹ thuật trước, xong rồi tới cuối khóa chúng tôi bảo học sinh hãy phá hết đi, phá hết những gì mình học để tìm một cái gì lạ mới ra. Chúng tôi cho rất là nhiều sự tự do cho học sinh để lựa chọn một cá tính của mình để trong hội họa, thì điều đó rất là hay nếu mà trong tương lai có thể áp dụng cho những trường của Việt Nam thì đó là một điều hay. Đó là sự tự do tư tưởng của mỗi người, nó thể hiện cá tính của người họa sĩ trong tranh của họ.
Mặc Lâm: Trong các trường đại học Mỹ thì môn hội họa được chọn làm môn học phổ thông cho các sinh viên không theo ngành mỹ thuật. Theo bà, khi sinh viên chọn học môn này thì họ có cái lợi như thế nào?
Chúng tôi cho rất là nhiều sự tự do cho học sinh để lựa chọn một cá tính của mình để trong hội họa, thì điều đó rất là hay nếu mà trong tương lai có thể áp dụng cho những trường của Việt Nam.
Họa sĩ Ann Phong
Họa sĩ Ann Phong: Cái đó là điều hay của trường đại học Hoa Kỳ tại vì họ đã mở những cánh cửa cho những học sinh không có biết gì về hội họa nhiều đi vô cửa đó để mà chơi với những người trong nghề. Khi có dịp tiếp xúc với những họa sĩ hay có dịp tiếp xúc với những bức tranh mà giáo sư giảng thì tự nhiên mình thấy có một sự gắn bó, thì sau đó chính những người đó sẽ là những người đi sưu tầm tranh. Tuy là họ không vẽ nhưng mà họ có một ưu đãi về những bức tranh mà họ thấy được, họ cảm được tại vì từ sự giảng dạy của người giáo sư, thì cái đó nói kết lại họ là người không vẽ tranh nhưng biết thưởng ngoạn tranh vẽ của nhà hội họa.
Mặc Lâm: Sinh viên mỹ thuật của Mỹ học các môn về cách đặt vấn đề với ý tưởng sáng tạo vào lúc nào, trước hay sau khi hoàn tất các môn thực hành, thưa bà?
Họa sĩ Ann Phong: Bốn năm đầu trong đại học thì thường là họ chú trọng về thực hành, vẽ càng nhiều càng tốt. Khi mà họ học xong BA hay PFA, lúc mà lên cao học thì cái phần viết trở thành quan trọng. Lúc đó thầy không còn dạy mình vẽ nữa nhưng mà dạy mình phân tách. Viết với lại tìm hiểu, đi vô thư viện, đi vô internet tìm tài liệu, những thứ đó trở thành quan trọng cho người học cao học.
Mặc Lâm: Tại Việt Nam hiện nay những thư viện hay tài liệu về mỹ thuật rất là khó kiếm, theo bà thì cách hay nhất để lấp khoảng trống này là gì ạ?
Họa sĩ Ann Phong: Tôi nghĩ điều đó rất là cần thiết, với lại ngày hôm nay tôi thấy có những thư viện Hoa Kỳ họ đang mở ra trên internet, có những cuốn sách được đưa lên internet luôn tức là mình không có cuốn sách trước mặt nhưng mà mình vô internet mình có thể tìm hiểu về những tài liệu hội họa có rất là rộng rãi trên internet. Nếu mà bên Việt Nam học sinh hay họa sĩ có dịp thì lên internet hiểu thêm tài liệu hội họa của những người khác, tại vì nói chung hội họa nó có một sự liên kết "universal" không cần diễn tả bức tranh nhưng mà một khi mình coi bức tranh đó thì mình có thể tìm hiểu, xong rồi mình muốn biết người ta hiểu về bức tranh đó như thế nào, lúc đó mình mới đi đọc coi sự phân tích của người khác như thế nào thì nó sẽ giúp cho kiến thức của mình càng ngày càng nhiều hơn. Thì ở Việt Nam nói chung thư viện chúng ta không có nhiều, về tài liệu cũng không có nhiều, người viết cũng không có nhiều, thành ra tất cả những cái đó thì chúng ta nên tìm thêm ở những người khác ở những quốc gia khác, mà một khi internet mở ra thì cuốn sách đó trở thành bạn của chúng ta và chúng ta có tìm hiểu được.
Phần ngọn, phần gốc
Họa sĩ Ann Phong: Tôi thấy là nhiều họa sĩ Việt Nam có lẽ họ chỉ mua được các "magazine" tức là những tạp chí hàng tháng mà họ không có được đọc sách nhiều thành ra họ đi theo cái ngọn mà không đi theo cái gốc. Họ không hiểu được cái lý do tại sao người họa sĩ làm cái "peformance", lý do tại sao họ phá cái truyền thống cũ, lý do tại sao mà họ diễn đạt thay vì trên bề mặt thì họ lại diễn đạt trong không gian ba chiều, tức là chính họ trở thành một trong những phần tử của nguyên cái bức tranh đó. Thì cái đó là cái gốc của cái "peformance", hay nói chung là "installation" tức là những cái đó nó đi từ trong hai chiều ra tới ba chiều, nó cũng cùng là một tác phẩm. Nhưng mà tôi nghĩ là tại vì ở Việt Nam chúng ta nhiều người chưa có dịp để mà hiểu nhiều về những lý luận tại sao người họa sĩ họ làm cái điều đó, thì họ chỉ thấy được cái bề ngoài, cái mặt nổi khi mà họ thấy được qua hình ảnh và họ chỉ làm theo như vậy thôi.
Mặc Lâm: Sinh viên Phương Tây có truyền thống phá vỡ những khuôn mẫu cũ để đi tìm những cái mới, trong khi phá bỏ như vậy thì Giáo Sư có khuyến khích, hay lèo lái cho họ đừng lệch hướng hay là để cho họ được tự do 100% theo đuổi những tư tưởng mà họ cho là độc đáo?
Họa sĩ Ann Phong: Khi người sinh viên vô đại học năm đầu tiên, năm thứ hai, năm thứ ba thì thường người sinh viên đó cần sự giúp đỡ của giáo sư thì chúng tôi truyền đạt kinh nghiệm lại cho họ rất là nhiều, ví dụ như cách làm như thế nào để diễn đạt. Nhưng mà tới năm thứ tư trước khi tốt nghiệp, hay là với sinh viên cao học, chúng tôi trở thành bạn của họ mà thôi. Chúng tôi thấy được những điều họ chưa thấy và chúng tôi giới thiệu cho họ. Nhưng ngay dù là giáo sư thì chúng tôi cũng học hỏi những điều mà sinh viên có mà chúng tôi không nghĩ tới, thì cái đó là cái hay giữa thầy trò với nhau, lúc đó rất là gần gũi. Cái hơn nhau hay không là cái sáng tác, thành ra nhiều khi gữa thầy với trò thì chính trò có những sáng tác làm cho thầy phải ngạc nhiên luôn.
Mặc Lâm: Những thể loại nghệ thuật mới như installation, body art art hay perfomance art đều không thể bán cho khách thưởng ngoạn, như vậy người nghệ sĩ làm cách nào để tái đầu tư vào những tác phẩm khác của mình, thưa bà?
Ở Việt Nam chúng ta nhiều người chưa có dịp để mà hiểu nhiều về những lý luận tại sao người họa sĩ họ làm cái điều đó, thì họ chỉ thấy được cái bề ngoài.
Họa sĩ Ann Phong
Họa sĩ Ann Phong: Cái ý này phát xuất từ bên Âu Châu tới Mỹ là do ý kiến cho rằng nghệ thuật không phải vị nhân sinh, mà nghệ thuật là vị nghệ thuật. Một khi người ta làm ra một tác phẩm nghệ thuật là nhằm biểu hiện cái trình độ của một cái văn hóa nào đó, thì cái đó nó đại diện cho một văn hóa chứ không đại diện cho một người họa sĩ nào khác nữa. Thường những họa sĩ làm installation hay peformance, hay body art thì trước khi họ làm họ sẽ viết một propose là một tờ giấy xin phép, họ lấy cái propose đó họ nộp vô những viện bảo tàng, hay những trường đại học, hay những gallery, thì một khi gallery chịu đài thọ, hay viện bảo tàng chịu đài thọ thì người họa sĩ sẽ được một số tiền nhưng rất là nhỏ nhoi chứ không nhiều. Tiền đó đủ để mua tài liệu để làm. Tất nhiên những tác phẩm đó không phải để bán mà để vô trong sách vở hay giúp cho sự hiểu biết về nghệ thuật của quần chúng.
Khó kiếm việc
Mặc Lâm: Có một sự thật là sinh viên tốt nghiệp mỹ thuật tại Hoa Kỳ dù là điểm cao cho mấy thì cũng khó kiếm được một công việc đúng theo ngành mình học. Theo bà thì nguyên nhân nào khiến tình trạng này ngày một phổ biến hơn và điều lạ là tại sao vẫn có rất nhiều sinh viên theo đuổi ngành mỹ thuật như vậy ạ?
Họa sĩ Ann Phong: Điều này rất đúng, nhứt là đối với nền kinh tế ngày hôm nay ở tất cả mọi nơi chớ không riêng gì ở Việt nam hay Mỹ. Khi một nền kinh tế đi xuống, điều người ta bỏ rơi trước nhứt là hội họa hay nghệ thuật tạo hình nói chung. Tức là nói chung về nghệ thuật thì cái nghề đó bị bỏ rơi trước nhứt, cho nên người nghệ sĩ rất là khó sống khi mà họ mới ra khỏi trường hay là một họa sĩ chưa có thành danh, thì họ phải đổi những thì giờ quý báu của họ để đi kiếm một cuộc sống khác, kiếm một cái gì để sống trước khi họ tiếp tục nghề hội họa.
Họa sĩ Ann Phong: Trong chương trình dạy học của Mỹ thì trong cái bằng cấp đại học nói chung tức là BA (Bachelor of Art) thì người học sinh phải học đủ mọi cái "technic" (kỹ thuật), cái cách làm việc như thế nào, cái cách diễn tả tranh như thế nào, thì nó có đủ thứ tài liệu, đủ cách để làm hết. Nhưng mà khi học sinh tốt nghiệp đại học thì họ nên tiếp tục đi lên "master degree" là trình độ cao học, thì trong cái trình độ cao học thì người học sinh không phải được dạy vẽ như thế nào, mà được dạy phải làm sao đưa tranh mình ra ngoài, thành ra cách giảng dạy khác đi.
Trong lúc đó người học sinh không còn được người thầy dạy cách cầm cọ như thế nào, bố cục như thế nào, cái đó coi như xong rồi, xong trong trường đại học rồi, thì cao học là cách làm sao đem tranh ra ngoài, cách viết "propose", cách xin tiền chính phủ như thế nào, xin tiền gallery như thế nào thì những cái đó học ở cao học. Thành ra sau hai năm rưỡi tới ba năm một người học sinh tốt nghiệp cao học thì người học sinh đó đủ khả năng đi ra một gallery và nộp cho họ một propose, trong đó sẽ có những hình ảnh mà mình đã làm trong ba năm qua, thành ra bức tranh đó nói chung nó có một chủ đề.
Trong khi đó phải nói cần một diện tích bao nhiêu để triển lãm tranh, số tiền cần để tổ chức triển lãm tranh thì gallery cho vay được bao nhiêu, gallery sẽ ăn bao nhiêu phần trăm của người họa sĩ. Tất cả những cái đó phải viết xuống trong một cái propose khi người họa sĩ đem ra ngoài. Còn nếu những tác phẩm đó đem vô viện bảo tàng thì phần tiền bỏ ra không cần thiết tại vì viện bảo tàng sẽ lo phần đó, nhưng phần nội dung của những tác phẩm rất là quan trọng khi đưa vô viện bảo tàng. Cái phẩm lượng và số lượng của tác phẩm cũng rất là quan trọng khi đưa vô viện bảo tàng. Đó là những cách mà người học sinh khi đi ra ngoài.
Fact box | |
|
Nhưng mà những cái đó khó lắm chứ không phải dễ, thành ra trong ba năm trời đi học thì người học sinh đó phải đi ra ngoài rất là nhiều, đi vô gallery, đi vô bảo tàng viện rất là nhiều, hoặc là phải thực tập với họ, thực tập trong gallery và viện bảo tàng. Giống như làm quen, họ phải đi vô để tiếp xúc với những người đang có triển lãm để làm quen với người họa sĩ, với gallery, thì lúc mình ra trường mình mới dễ cho mình để bước tới chứ không phải chỉ học trong trường xong rồi ra thì người ta biết mình. Cái đó là không thể nào thực hiện được.
Mặc Lâm: Xin được phép hỏi bà một câu cuối là nếu một sinh viên khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học lần đầu tiên nhờ bà tư vấn việc theo đuổi bộ môn mỹ thuật thì bà sẽ khuyên họ điều gì ạ?
Họa sĩ Ann Phong: Tôi sẽ nói với họ là con đường này khó đi lắm. Với lại người Việt Nam khi nhìn về nghệ thuật thì họ có cách nhìn hạn hẹp, là nghệ thuật phải là họa sĩ, hay là nghệ thuật phải là điêu khắc, nhưng mà ở Mỹ thì nghệ thuật nó rộng lắm, một nghệ thuật có thể đi vô nhiều ngành, như ngành jewelry design để làm về nữ trang, rồi fashion design (thiết kế thời trang), illustration rồi vô làm cho các hãng in sách. Thành ra nghệ thuật nói chung rất là rộng, thành ra khi một người học sinh trung học tới hỏi tôi có nên học cái nghề này không, thì với tư cách một cô giáo - thầy giáo chúng tôi hỏi lại người đó là thích về cái gì? Thích về cái phần sáng tạo hay thích cái phần vẽ? Nếu mà thích vẽ hay có thể mình kêu học sinh đó đi về ngành illustration nhiều hơn phần sáng tạo. Tại vì Mỹ ngày nay trong nghệ thuật làm họa sĩ nói chung họ để ý nhiều về nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật vị nhân sinh, thành ra làm nghệ thuật không phải để bán mà chỉ để trình diễn cho người ta coi, để cho người ta thấy cái trình độ văn hóa của cộng đồng đó như thế nào thôi chứ không phải để bán. Thành ra nếu người học sinh nghĩ tới học vẽ như một nghề kiếm sống thì có lẽ nên đi vô một chi nhánh khác; cái chi nhánh đó có thể là electric, hay là computer art, hay là game art, tức là có nhiều ngành khác để đi chứ không phải cái ngành này ra để làm mọi chuyện hay không.
Mặc Lâm: Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi đôi điều với Họa sĩ Ann Phong, người có kinh nghiệm giảng dạy trong các trường mỹ thuật của Mỹ nhiều năm. Bà đã cho chúng ta biết những chi tiết rất thú vị về việc một sinh viên mỹ thuật khi ra trường cũng như khi đang học cần phải làm điều gì. Xin cảm ơn Họa sĩ Ann Phong về những thông tin của bà đưa ra ngày hôm nay và xin hẹn một dịp khác chúng ta có thể nói chuyện dài hơn. Cảm ơn bà.
Họa sĩ Ann Phong: Ann Phong xin kính chào anh và chào tất cả mọi người.
Theo dòng thời sự:
- Hữu Loan – Hai mối tình, hai bài thơ
- “Trăng Nghẹn” bị nghẹn giải thưởng
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
- Nhà thơ Ngô Tịnh Yên
- Cung Trầm Tưởng
- Phạm Thiên Thư và Ngày Xưa Hoàng Thị
- Nhà thơ Bùi Minh Quốc và tạp chí Langbian
- Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
- Nhà văn Mai Thảo và tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”