nhạc...
Trong kho tàng âm nhạc dân gian miền Trung có lẽ nổi bật và đi vào lòng quần chúng nhất là thể loại Bài Chòi. Cứ mỗi dịp lễ lạc quan trọng, nếu miền Bắc dùng Quan Họ để nối liền khách thập phương, miền Nam dùng Cải Lương để tim mọi người cùng đập chung nhịp đập của đồng bằng sông Cửu Long thì miền Trung có Bài Chòi, vừa để nghe những câu đối đáp duyên dáng vừa có dịp chơi bài mà sự ăn thua chỉ là hình thức.
Hô Bài Chòi là một bộ môn văn hóa dân gian lâu đời, phát triển và dính liền cùng với những thăng trầm lớn lao của lịch sử. Người dân miền trung bắt đầu từ Quảng Bình, đi dần vào miền sông Hương núi Ngự kéo dài mãi tận Phan Thiết. Đi đến đâu loại hình văn hóa này đều được công chúng hồn nhiên tham gia và được nâng cao qua tài năng ứng đối của nhiều đời nghệ nhân qua vai trò của anh Hiệu, tức người hô bài hát.
Hát Bài Chòi, hô Bài Chòi
Có người nói hát Bài Chòi, cũng có người gọi là hô Bài Chòi. Giữa hát và hô có những khác biệt nào, và khác biệt này nói lên điều gì? Nghệ nhân Trương Đình Quang người nghiên cứu bộ môn này cho biết:
“Cái thuật ngữ hát Bài Chòi nó rõ ràng như thế này: Hô thì hô Bài Chòi, nói thì nói Vè, ca thì ca Cải lư ơng hay ca Huế, hát thì hát Chèo...”
‘Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để cho con khóc đến lòi ruột ra.’
Trò chơi Bài Chòi có chất xúc tác gì mà gây cho người chơi đam mê đến độ như câu ca dao mà chúng ta vừa nghe như vậy?
Có lẽ cái không khí rộn ràng khi tiếng trống chầu khua vang mỗi khi có ai đó được bài hòa cùng với những lời hô mang đậm bản sắc của vùng đất quê do anh Hiệu chủ chốt là mãnh lực chính kéo mọi người đến với hội, và khi đã đến thì không thể bỏ cuộc giữa chừng.
Bài Chòi - sở dĩ có tên gọi như vậy vì người chơi ngồi trên chòi. Đây là những căn chòi nhỏ cất vội vàng trước khi tổ chức lễ hội. Những chiếc chòi con này thường nằm trên một khoảnh đất rộng, hoặc sân đình, sân chợ. Người ta cất 9 chòi theo hai cạnh dài của hình chữ nhật. Mỗi cạnh dựng 4 chòi con đối mặt nhau. Chính giữa cạnh ngắn của hình chữ nhật này là một chòi cái, dành cho những người có địa vị trong làng. Cạnh ngắn đối diện đặt một trống chầu, và một chiếc bàn đặt khay tiền cùng những lá cờ hiệu. Anh Hiệu, người phụ trách việc hô những con số ngồi ở chòi này.
Đậm chất dân gian
Bên trong các chòi tre, người chơi vừa lắng nghe con quân ra đời vừa dùng thẻ bài gõ vào ống tre treo ngang theo nhịp bài hát. Tất cả đều say mê hào hứng tạo cho cuộc chơi một sắc thái mang tính lễ hội lại đậm chất dân gian bởi cái mộc mạc đáng yêu của nó.
Giống như lô tô trong Nam ở mặt hình thức, nghĩa là bắt các con số hô lớn lên và người chơi có số nào trùng với lời hô thì thắng cuộc. Tuy nhiên, khác với lô tô, các bài hát trong Bài Chòi có những câu thai mà ý nghĩa rất khó đoán vì thế khi đoán ra được thì rất thú vị. Nhà nghiên cứu Trương Đình Quang cho biết:
“Cái trò chơi sổ cổ nhơn vào mùa xuân ở nhà quê mà câu đố mà để người ta xét đoán là câu thai chẳng hạn như...”
Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của thể loại Bài Chòi là tài năng của anh hiệu. Anh hiệu phải là người có giọng tốt, nắm vững lề lối hô và diễn, có vốn liếng về thơ ca, có khả năng sáng tác và cải biến nhanh lời hát tại chỗ.
“Gió xuân phảng phất cành tre, mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi....”
Những quân bài trong Bài Chòi rất ấn tượng nó có hấp lực làm cho người tham dự say mê ngay chính cái tên của chúng. Những cái tên nôm na như Nọc đượng, Bốn voi, hay Bạch Huê, Tứ cẳng, Học trò... Các tên gọi này gần gũi với người dân quê đã phần nào kết dính họ cùng với những con bài đơn sơ nhưng đầy hấp dẫn.
“Đầu tiên những câu hô trong trò chơi chín chòi, những câu như đi đâu mang sách theo hoài, cử nhân không thấy tú tài cũng không...là quân bài học trò...
Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe, lẳng lặng mà nghe là tôi hô con bài...”
Tính hài hước
Trong bài chòi, nghệ nhân sử dụng được nhiều đặc điểm của các loại hình dân gian khác mà một trong những đặc điểm của chúng là tính hài hước. Người dân có hàng trăm cách để cười. Từ việc cười cợt các tệ đoan xã hội, đến những nụ cười hồn nhiên trong quan hệ nam nữ. Thậm chí tự diễu cợt mình cũng được mang vào lời hô của Bài Chòi. Nghệ sĩ Dương Quý thật đặc sắc trong các lời hô này:
“Tui cưới bà từ thuở mười lăm, vợ chồng hủ hỷ ăn nằm với nhau...”
Bài hô vừa rồi ngoài tính chất hài còn mang nặng một nhân sinh quan khác bàng bạc hầu hết nơi các cộng đồng dân cư làng xã. Sinh thực khí vẫn là những hình dung từ vừa phô diễn cái cần thiết của việc truyền giống lại vừa len lén sử dụng như một vũ khí gây cười luôn luôn hiệu quả. Bài chòi tận dụng khả năng này để hấp dẫn người chơi và nó chứng tỏ rằng tính hài hước dân gian luôn được quần chúng chấp nhận một cách nhiệt tình.
Quý vị vừa nghe phần một của bài viết về Bài Chòi, một nghệ thuật dân gian truyền thống của miền Trung, Mời quý vị theo dõi tiếp phần hai sẽ được phát thanh vào tuần tới.