Điểm truyện dài “Cải Ngồng Non” của tác giả Trần Trị Chi

Sinh năm 1943, di cư vào Nam năm 1954 và vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1979. Đó là tiểu sử ngắn gọn của nhà văn Trần Trị Chi đựơc in trên bìa sau của truyện dài do nhà xuất bản Văn tại California ấn hành tháng sáu năm 2008.
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
2008.07.21
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

CaiNgongNon200.jpg
Bìa sách “Cải Ngồng Non” của tác giả Trần Trị Chi.
Tất nhiên rằng đó chỉ là những cái mốc lớn mà nhà văn ghi nhận trong cuộc đời mình mà thôi. Về văn học, thì  “Cải Ngồng Non” là truyện dài đầu tay của tác giả, được trình làng 5 năm sau tập truyện ngắn đầu tay “Gia Phả,” từng được đánh giá là một tập truyện hay.

“Cải Ngồng Non” dày 490 trang khổ 13X18cm, chữ lớn corps 12, do Trần-Taylor Đỗ Quyên trình bày với bìa của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Truyện gồm có 21 chương, mỗi chương có một tên riêng và liên lạc với nhau theo nghĩa vừa riêng vừa chung, nghĩa là mỗi chương có thể đọc riêng như một truyện ngắn, nhưng nếu ráp lại với nhau thì sẽ là một truyện dài với bố cục chặt chẽ.

Dành cho những bạn đọc không có nhiều thời gian

Đây có thể coi như một sáng kiến của tác giả để đáp ứng với những bạn đọc không có nhiều thời gian:

Trong Cải Ngồng Non, tôi có chủ tâm viết từng chương càng độc lập, càng tốt; nghĩa là sao cho trọn điều định viết. Thời bây giờ, số người đọc sách rất ít. Thời gian để đọc của số ít này lại cũng không nhiều. Thôi thì đành phải tìm cách nào cho thích hợp; tạm gọi là: “gặp thời thế, thế thời phải thế”.

Hai nhân vật chính của truyện là Mun, tức Mun béo bệu, và Tí, tức Tí lò xo. Cả hai đều quê ở Hải Hậu, học cùng lớp, và đều trước sau rời làng để thóat nghề nông, theo lối nói thời thượng là ly hương và ly nông, lên Hà nội kiếm sống khi vừa 18 tuổi. Bố của Tý là ông Vũ và mẹ của Mun là bà Xuyến thời còn trẻ yêu thương nhau nhưng không thành vì áp lực của xã hội và theo chủ trương của đảng. Trong khi Vũ là bần cố nông thì Xuyến lại là con của một người con nuôi địa chủ. Thế là họ phải xa cách nhau bằng quyết định dứt khóat của ông bố:

“Mày còn trẻ, có tương lai, thì đừng có quan hệ tới nòi địa chủ!... Rồi tao sẽ lo cho mày nối nghiệp, làm đội trưởng dân quân khi tao nghỉ hưu………Để rồi tao sẽ sang bảo con mẹ Ất, phải biết dậy con. Cái Xuyến dứt khóat không được lộn sòng, chui vào gia đình cách mạng…”

"Trong Cải Ngồng Non, tôi có chủ tâm viết từng chương càng độc lập, càng tốt; nghĩa là sao cho trọn điều định viết. Thời bây giờ, số người đọc sách rất ít. Thời gian để đọc của số ít này lại cũng không nhiều. Thôi thì đành phải tìm cách nào cho thích hợp; tạm gọi là: “gặp thời thế, thế thời phải thế”.

Tác giả Trần Trị Chi

Nhưng sau mấy chục năm thì cái lòng căm thù địa chủ vốn được phát động bởi các đội cải cách ruộng đất cũng đã nhạt, lại thêm nỗi tiếc nuối đã không lấy được người yêu, nên ông Vũ vun vào cho mối tình Tí-Mun. Tiếc rằng Mun lại bị sa vào cơn lốc của thời đổi mới kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi được nhận vào làm trong một xí nghiệp quốc doanh, bị giám đốc nguyên là bộ đội phục viên lợi dụng và sau cùng gặp Tí trong một tình huống ngang trái.

Tuy nhiên, khi cảnh ngộ ấy được giải quyết xong, thì nó lại là chất xúc tác khiến cặp trai gái cảm thông và yêu thương nhau hơn. Chắc là sau cùng hai người sẽ sống chung, nhưng không phải ở thành thị, mà cũng chẳng phải ở thôn quê vì khung cảnh ở cả hai nơi ấy đều quá khắc nghiệt.

Một nơi thì quá hiếm hoi nên khao khát đồng tiền, còn một nơi thì kiếm được tiền nhưng lại làm sa đọa con người. Họ sẽ về một rẻo cao, nơi quê cũ của Mun. Ở đó, Tí sẽ được sống trong vòng tay che chở của Mun. Vòng tay ấy, nói rộng ra là vòng tay của người mẹ, vốn từ lâu đã nằm trong trí tưởng của Tí, với hình ảnh của một con gà mẹ xù lông bảo vệ cho đàn con trước mối đe dọa của một chú quạ đen.

Qua hành trình của Tí và Mun, từ làng quê đến bến xe, đến đường phố Hà nội, đến sinh họat của một công ty quốc doanh, tác giả Trần Trị Chi đã kể được cho người đọc đủ mọi chuyện, đủ mọi cảnh đời, cả chuyện xưa lẫn chuyện nay.

Ông kể về huyện Hải Hậu ở ven biển hơn 40 năm trước đã được thuần hóa thế nào, hiện đang sống ra sao; về đời sống một gia đình giàu nổi ở Hà nội; về mặt trái của một doanh nghiệp với những thói hư tật xấu, sự đồi trụy của các lãnh đạo và cuộc đấu đá khốc liệt để tranh chức, dành quyền ăn trên ngồi trốc.

Ngôn ngữ trần trụi, ngắn gọn

Điều quan trọng nhất là tác giả kể chuyện rất hấp dẫn, khiến người đọc cứ phải dở tiếp từng trang sách. Với những ngôn ngữ trần trụi - có khi thô tục- của đời sống thực và những câu văn ngắn chứa đầy hình ảnh hay âm thanh của dòng đời đang diễn ra, có thể nói là tác giả đã tái hiện dòng đời đang diễn tiến sôi nổi trên trang sách.

Hãy coi thử đọan văn tả chiếc xe chở khách đang chạy này:

Xe vẫn cà giật. Vẫn bật lên. Vẫn dập xuống. Vẫn lắc mạnh. Xe cố chồm tới. Cố đuổi theo thời gian. Cố ngốn nhanh đọan đường trước mặt. Xe lao thẳng, xóc mạnh, ngược với cảnh vật đang vun vút chạy thụt lùi lại phía sau. Xe cuốn theo gió thổi vù vù, rối bung mái tóc, làm ù hẳn một bên tai.

Thật là sinh động, và những đọan tương tự như thế không thiếu trong “Cải Ngồng Non.” Khi nào thấy những giòng chữ không đủ diễn tả cái dồn dập và phức tạp của đời sống, thì tác giả không ngần ngại sử dụng một hình thức khác là kịch, kịch nói hay kịch câm. Đây cũng là một điều mới.

Bây giờ thì mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi ngắn với tác giả Trần Trị Chi.

Ông là một người đã rời khỏi đất nước từ lâu, nhưng bối cảnh của cuốn truyện dài “Cải Ngồng Non” của ông lại là ở trong nước, chính xác là ở miền bắc, vùng quê cũng như thành phố. Ông đã tiếp cận với khung cảnh đời sống của truyện như thế nào? Và liệu ông có những định kiến trước khi trực tiếp quan sát đời sống ấy không?

Tôi thích về Việt Nam, tới những nơi chưa được sống. Tôi muốn về những vùng càng xa, càng sâu mới thích. Tôi muốn được sống như vậy, chứ không có chủ định đi thực tế để viết. Vì thế tôi không có một định kiến nào trước khi được sống ở nông thôn cũng như thành phố, phía bắc vĩ tuyến 17. Việc viết truyện ‘Cải Ngồng Non’ chỉ là tự nhiên thôi, làm được thì thích hơn.

Và sau lần đầu về Việt Nam năm 2003; những năm liên tiếp từ 2004 đến 2007, mỗi năm tôi đều về Việt Nam, và mỗi lần đều ở lại không dưới 3 tháng. Đặc biệt, tôi đã mò mẫm để về được nông thôn miền Bắc vĩ tuyến 17, sống với những người cầy ruộng. Từ đấy tôi thấy được sức mạnh của dân Việt là ở nông thôn chứ không phải thành thị.

Hơn nữa, những người đàn bà Việt Nam ở nông thôn mới là những người hun đúc và bồi dưỡng nên sức mạnh vô tận của nòi giống. Tôi nghiệm ra rằng, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đám người cầm quyền, phần đông là đàn ông, đã lợi dụng sức mạnh từ người dân cầy. Rồi khi thành công thì họ biến chất trở thành kẻ vô ơn, thậm chí còn vọng ngoại để trục lợi.

Hơn nữa, những người đàn bà Việt Nam ở nông thôn mới là những người hun đúc và bồi dưỡng nên sức mạnh vô tận của nòi giống. Tôi nghiệm ra rằng, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đám người cầm quyền, phần đông là đàn ông, đã lợi dụng sức mạnh từ người dân cầy. Rồi khi thành công thì họ biến chất trở thành kẻ vô ơn, thậm chí còn vọng ngoại để trục lợi.

Tác giả Trần Trị Chi

Ngôn từ sử dụng trong truyện rất “thực”, rất “đời thường.”  đến nỗi đôi khi trở nên hơi thô tục. Ông có thể cho biết lý do?

Tôi có nhớ nằm lòng những điều các thầy đã dậy tôi học, đặc biệt từ hồi ở bậc Tiểu học. Tôi có nhớ công ơn dưỡng dục dưới mái gia đình. Tôi đã lưỡng lự rất lâu và rất nhiều lần, mỗi khi đưa vào trong truyện, nguyên văn câu chửi tục tĩu tôi nghe được tại Hà Nội, và vài thành phố khác. Dưới quê, tôi thấy phần nhiều người ta ăn nói thô thiển đấy; nhưng gợi được sức sống rất thực, hơn là cố tình quăng trò dơ bẩn vào mặt người khác.  

Trong truyện, có những đọan viết dưới hình thức kịch. Lý do tại sao?

Viết dưới hình thức kịch vì mỗi bộ môn nghệ thuật đều có ưu điểm riêng để tỏ lộ. Tôi nghĩ tại sao lại không đem kịch vào truyện để có được nhiều cách thể hiện trong một cuốn sách?

Động lực và hoài bão riêng

Mỗi tác giả khi viết truyện, thường có những động lực và hoài bão riêng. Trường hợp của ông ra sao?

Động lực là tôi thích viết. Tôi thích viết từ hồi còn trẻ. Nhưng hồi còn trẻ thì tôi khoẻ lắm, nên có nhiều cái tôi thích hơn là ngồi viết. Thế là suốt đời tôi lo kiếm tiền để đáp ứng điều tôi muốn. Đến khi được nghỉ hưu thì những hăm hở từ hồi còn trẻ không còn nữa; và tôi ngồi viết.

Còn về hoài bảo thì tôi đã gửi trong những trang sách. Tôi nghĩ có lẽ nên để bạn đọc nhìn ra thì tốt hơn.

Còn nếu cần phải nói, thì tôi vẫn nghĩ tới một chế độ dân tộc ta nên theo. Đó là áp dụng phương pháp sản xuất và mạng lưới phân phối như trong chế độ tư bản; nhưng để tiến tới mục tiêu của xã hội chủ nghĩa.

Thực tế là phải có một đội ngũ cầm quyền biết ngăn ngừa ngoại bang, và đặc biệt bản thân họ, không được tìm cách bóc lột những kẻ khốn cùng. Tôi nhấn mạnh tới kế hoạch giáo dục và đào tạo để có được một đội ngũ nhân sự vừa giỏi vừa có lý tưởng, giống như bản chất của người mẹ biết yêu thương và bảo vệ các con.  

Hồi nẫy ông đề cao vai trò của người phụ nữ ở nông thôn mà ông cho là “ người hun đúc và bồi dưỡng nên sức mạnh vô tận của nòi giống,” trong truyện thì ông đã làm sáng tỏ vai trò ấy qua ít nhất hai nhân vật là mẹ của Mun và mẹ của Tý. Bây giờ ông lại một lần nữa đề cao vai trò của các bà mẹ. Vậy theo ông, trong một xã hội lý tửơng thì vai trò của người phụ nữ, hiểu như các bà mẹ sẽ như thế nào

Trong xã hội Tây phương, người ta tôn trọng tự do cá nhân, còn trong xã hội của ông Khổng tử ở bên Tàu, thì người ta miệt thị đàn bà, đưa hết quyền hành vào tay ông bố để tiến đến khẩu hiệu ‘xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’. Tôi thích một xã hội có đơn vị là gia đình, chứ không phải là cá nhân, nhưng trong gia đình đó, người mẹ phải được tôn trọng, ý muốn của người mẹ phải được lắng nghe. Tại sao lại  ‘xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’ mà không là lấy vợ thì phải theo vợ, vợ chết thì phải theo…con gái?

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.