Tạp chí Bút Tre

Bốn bạn trẻ này tuổi đời của người lớn nhất chưa quá 31 và người nhỏ nhất chỉ 23 tuổi. Tuy bận bịu với công việc chuyên môn nhưng bốn người trẻ này đã rất thành công khi điều hành tạp chí Bút Tre tại tiểu bang Arizona trong nhiều năm qua.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.08.22
girls-305.jpg Bốn cô gái trẻ điều hành tạp chí Bút Tre. Từ trái qua: Bạch Mai, Thu Tâm, Quỳnh Như, Mộng Tuyền.
RFA photo

Điều hành bởi 4 cô gái trẻ

Bút Tre được phát hành trên nhiều tiểu bang và số lượng mỗi kỳ in ra là 5 ngàn số, một con số không nhỏ trong lĩnh vực báo chí Việt Ngữ tại Hoa kỳ.Chúng tôi có cuộc nói chuyện với 4 nhân vật trẻ tuổi này xoay chung quanh hoạt động của họ trong những năm qua trên lãnh vực báo chí.

Họ gồm bốn cây viết nữ, người trẻ nhất là Thu Tâm sinh năm 1987, Quỳnh Như sinh năm 1982, Lục Bạch Mai sinh năm 1976, và Nguyễn Lê Mộng Tuyền sinh năm 1979. Tất cả bốn cây viết trẻ tuổi này đều tốt nghiệp đại học, hai người đã xong cao học và hai người còn lại đang học chương trình MBA tại Arizona.

Điều gì đã khiến họ theo đuổi nghề báo, một nghề được xem là không thể sinh lợi tại Hoa Kỳ trong khi bằng cấp chuyên môn của họ có thể gọi là đã vững vàng? Mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện sau đây giữa chúng tôi và nhóm bạn trẻ Bút Tre.

Kính thưa quý vị, ngày hôm nay bốn người đó là cô Quỳnh Như, Thu Tâm, Lục Bạch Mai và Mộng Tuyền đều có trong phòng ghi âm của chúng tôi và chúng tôi được hân hạnh nói chuyện với 4 cô gái này về kinh nghiệm của họ trong việc điều hành tờ báo Bút Tre, một tờ báo đã được lưu hành trong nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ.

Việc đầu tiên chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng ở Nước Mỹ có rất nhiều người Việt làm báo và cách làm báo tại hải ngoại - nếu mà sống bằng tờ báo thì rất là khó khăn chứ không phải đơn giản, chỉ có những người tại California mới có thể sống bằng nghề báo được nhờ quảng cáo, nhờ những cơ sở kinh doanh lớn để nuôi sống tờ báo, và báo ở Mỹ hoàn toàn không bán được. Đó là sự thật. Và chúng tôi rất ngạc nhiên khi 4 cô gái trẻ này bước chân vào nghề báo một cách rất là mạnh mẽ và quyết liệt trong vòng vài năm qua họ liên tục làm và họ chưa có ý định nghỉ ngơi.

Mỗi lần con vẽ truyện tranh như vậy thì con lên internet con đọc lại truyện và từ đó con thấy những cốt truyện nào quan trọng thì con sẽ vẽ những bức tranh đó và con sẽ tóm tắt lại cái phần đó thôi.

Quỳnh Như

Mặc Lâm: Câu đầu tiên chúng tôi muốn hỏi Quỳnh Như, người trẻ nhất trong 4 cô gái này, cô sinh năm 1987, qua Mỹ vào lúc 6 tuổi. Đây là một điều rất là đáng ngạc nhiên! Và trước khi đi vào cuộc phỏng vấn này chúng tôi nói chuyện riêng với cô và được cô cho biết rằng lúc đó cô hoàn toàn không biết gì cả. Nhưng mà bây giờ xin hỏi Quỳnh Như sao khi qua Mỹ lúc mới 6 tuổi mà Quỳnh Như có thể can đảm cầm viết để làm tờ báo như vậy?

Quỳnh Như: Trước hết con xin chào chú Mặc Lâm cùng quý vị thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Thưa chú, con rất là tình cờ được gặp chị Mộng Tuyền vào một hôm mà con đi với chị con để gặp anh Thiện Thành của Đài SBTN thì lúc đó con đến gặp anh Thiện Thành thì cũng gặp chị Mộng Tuyền.

Lúc gặp con mới biết chị Mộng Tuyền là chủ báo của báo Bút Tre thì lúc đó con muốn theo chị liền mà không biết tại sao con cũng được chị nhận. Con nghĩ con rất là may mắn tại vì mình muốn theo không có nghĩa là mình được theo và chị Mộng Tuyền có ý định là muốn con vào để giúp Bút Tre, và đó là con đường mà con vào để giúp chị.

Mặc Lâm: Và khi Quỳnh Như được chị Mộng Tuyền cho hợp tác thì việc đầu tiên Quỳnh Như làm gì trong tờ báo?

Quỳnh Như: Dạ, trước tiên là con - lúc đó con khoảng 19 tuổi mà tính con có thể nói còn rất là bé nên chị Mộng Tuyền giao cho con phụ trách Góc Của Bé (cười).

Mặc Lâm: Rồi "Bé" viết cái gì?

Quỳnh Như: (Cười) Dạ, lúc đó "Bé" mới bước vào thì "Bé" bắt đầu vẽ tranh. "Bé" bắt đầu vẽ tranh như là truyện tranh Đức Thiên Chúa, như là truyện Quả Dưa Hấu, Công Chúa Thủy Cung.

Mặc Lâm: Khi Quỳnh Như viết Công Chúa Thủy Cung thì cái vốn liếng Tiếng Việt để diễn tả câu chuyện đó thì Quỳnh Như học ở đâu?

Quỳnh Như: Dạ, cái này mỗi lần con vẽ truyện tranh như vậy thì con lên internet con đọc lại truyện và từ đó con thấy những cốt truyện nào quan trọng thì con sẽ vẽ những bức tranh đó và con sẽ tóm tắt lại cái phần đó thôi.

Tại sao “Bút Tre”?

Mặc Lâm: Vâng, đó là cô gái trẻ nhất trong nhóm, đó là Quỳnh Như sinh năm 1987, phụ trách trang thiếu nhi của tờ báo Bút Tre. Sau đây chúng tôi xin được hỏi Mộng Tuyền, người chủ trương tờ báo này.

Mộng Tuyền có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn tới chuyện Mộng Tuyền chọn chữ "Bút Tre"?

Mộng Tuyền: Dạ vâng. Thưa chú, cũng như việc làm báo rất là tình cờ, cái tên "Bút Tre" cũng rất là tình cờ mà thôi.

Thật ra ở bên Việt Nam mình ngày xưa người ta vẫn còn nhớ là những gì liên quan đến tre như lũy tre xanh ở các đồng quê, hay tên của mình được ghi vào sử xanh thì sử xanh đó được ghi trên những phiến bằng thẻ tre, thì mình nhớ lại những cái đó và không biết sao từ đó lại nảy ra cái tên "Bút Tre".

Và Mộng Tuyền cũng muốn nói thêm là "Bút Tre" này chẳng có liên quan gì đến nhà thơ Bút Tre mặc dầu trường phái thơ Bút Tre là một trong những trường phái mà Mộng Tuyền cũng khá ngưỡng mộ.

Và từ từ mình mới nhận thấy là quý độc giả cũng có nhận xét là "Bút Tre" thì nó rất bình dị và nó cũng giống như là tất cả những người cầm bút của "Bút Tre" đây rất là bình dị, viết rất là giản dị, không có gì cầu kỳ sâu xa cả. Và mình viết gọi là cho tầng lớp bình dân đọc, hiểu và biết ngay là người viết cũng như người đọc hiểu nhau liền, không có cần phải suy nghĩ sâu xa gì hết.

Và từ từ mình mới nhận thấy là quý độc giả cũng có nhận xét là "Bút Tre" thì nó rất bình dị và nó cũng giống như là tất cả những người cầm bút của "Bút Tre" đây rất là bình dị, viết rất là giản dị, không có gì cầu kỳ sâu xa cả.

Mộng Tuyền

Mặc Lâm: Trong tờ báo Bút Tre được biết Mộng Tuyền là người chủ bút và là người viết nhiều nhất, Mộng Tuyền có thể cho biết những bài nào, những tiết mục nào mà Mộng Tuyền thường tham gia vào?

Mộng Tuyền: Dạ vâng. Công việc chính của Mộng Tuyền là viết lá thư viết từ tòa soạn. Những khi cần thiết thì Mộng Tuyền cũng phỏng vấn, cũng như viết những bài phóng sự.

Nếu mà có dịp thì Mộng Tuyền và các bạn trẻ ở trong đây, mình không có tham vọng là mình có khả năng để viết những bài tham luận, những bài bình luận sâu xa, đó là hoàn toàn không nằm trong khả năng, trong tầm tay của mình, bởi vậy ngoài Mộng Tuyền ra thì còn có rất nhiều những sự đóng góp của những nhà báo mà Mộng Tuyền xin phép được gọi là lão luyện và già dặn, có những mục này để độc giả của Bút Tre có thể thưởng thức tất cả những tài năng, chứ không chỉ là cầm tờ báo lên đọc những lời hết sức là ngô nghê của bọn trẻ chúng cháu mà thôi.

Mặc Lâm: Tôi cũng được biết là trong tờ báo của các bạn thỉnh thoảng cũng có đề mục viết bằng Tiếng Anh ở ngoài gởi vào, thì người "edit" những trang Tiếng Anh này có phải là Lục Bạch Mai không?

Bạch Mai: Dạ phải.

Mặc Lâm: Lục Bạch Mai có thể cho thính giả biết là khi mà người ta gởi vào những trang viết bằng Tiếng Anh như vậy đó thì việc đầu tiên của Lục Bạch Mai là làm gì?

Lục Bạch Mai trả lời bằng Tiếng Anh, đại ý rằng cô đọc những bài viết mà độc giả gởi tới từ những người lớn tuổi và cảm hứng của nhiều người trong họ thuộc thế hệ trước. Có người đã đến Mỹ 20 năm hoặc hơn, nhiều khi họ viết bằng Tiếng Anh để cho người trẻ có thể đọc. Bổn phận của Lục Bạch Mai là giúp cho họ sửa lại Tiếng Anh cho trôi chảy hơn để có thể làm cho các bạn trẻ dễ hiểu hơn.

Cũng xin được giới thiệu với quý vị là Lục Bạch Mai cũng đã lấy được bằng MBA tại Trường ASU (Arizona State University). của Arizona năm 2006, và với trình độ hiểu biết như thế thì chúng tôi tin chắc rằng Bạch Mai có thể dễ dàng để "edit" những bài vở thông thường trên tờ báo Bút Tre.

Tinh thần vô vị lợi

but-tre-july-2010-200.jpg
Bìa tạp chí Bút Tre số ra tháng 7 năm 2010. Photo courtesy of Bút Tre Magazine.
Quay lại với Mộng Tuyền, Mộng Tuyền có thể cho biết là viết và trình bày tất cả các bài báo thì tuy rằng trẻ nhưng mà cũng tạm gọi là dễ dàng, nhưng mà khi phát hành tờ báo để lấy tiền lại để mà in thì ai là người phụ trách chuyện này?

Mộng Tuyền: Dạ vâng. Cảm ơn chú đã đặt câu hỏi này. Bởi vì mọi người còn nhớ cô Như Hảo đã nói lúc trước cô cũng có làm báo nhưng mà làm được sau một vài năm thì phải chạy bởi vì điều hành một tờ báo là một công việc khó khăn, và theo Mộng Tuyền đó phải là một công việc toàn thời gian chứ không phải là bán thời gian.

Và sau giờ làm việc như là chúng cháu đang làm đây, tuy nhiên chúng cháu cố gắng bằng cách là mình phân chia những công việc cho rất nhiều những tình nguyện viên khác nhau của Bút Tre. Và Mộng Tuyền cũng xin thưa thêm Bút Tre là một tổ chức vô vị lợi, có nghĩa là tất cả quý anh chị làm trong Bút Tre thật ra là không có đồng lương nào cả, thế nhưng mình làm với tất cả tấm lòng, và vì thế công việc sau khi làm báo tức là sau khi đánh máy, edit, rồi layout báo gần 200 trang thì nó cũng chiếm rất nhiều thời gian của chúng tôi.

Và Bút Tre chủ trương mình không lấy những bài đã đăng trên internet hoặc những thông tin lấy lại, mà đó phải là những thông tin mà chúng tôi trực tiếp lấy từ các nhân vật hoặc là từ sự kiện, thành ra vì lẽ này mà nội dung Bút Tre cũng khó khăn hơn rất là nhiều.

Và sau khi báo đã hoàn tất từ nhà in lại đến khâu phân phối là mình có những quý vị chuyên môn đi phân phối ở các cơ sở thương mại và sau đó qua khâu đòi tiền. Quý vị cũng biết là mình quảng cáo cho các cơ sở thương mại Việt Nam thì ngoài công việc "business" nó còn khía cạnh gọi là tình nghĩa nữa. Mà nhiều khi người ta cứ than là không có tiền trả thì mình cũng không nỡ nào mà đến lấy tiền hoài.

Thưa chú, công việc làm đã 10 năm rồi thì nó cũng dạy cho Bút Tre rất là nhiều những kinh nghiệm và những nghề khác nhau, và những cái này thì nếu mà mình đã học được qua trường lớp thì nó dễ hơn lắm nhưng mà các chị em tự mò mẫm và làm việc với nhau thì tới đâu hay tới đó, nhưng mà đến nay đã 10 năm rồi thì hình như nó cũng đang đi đến đâu đó, thành ra tất cả rất là vui mừng.

Bút Tre là một tổ chức vô vị lợi, có nghĩa là tất cả quý anh chị làm trong Bút Tre thật ra là không có đồng lương nào cả, thế nhưng mình làm với tất cả tấm lòng.

Mộng Tuyền

Mặc Lâm: Còn riêng vai trò của Thu Tâm trong tờ báo Bút Tre thì như thế nào, Thu Tâm?

Thu Tâm: Thưa, trước khi trả lời câu hỏi của chú Mặc Lâm, Thu Tâm xin chào chú và chào quý thính giả đang nghe Đài Á Châu Tự Do. Trong tờ báo Bút Tre là phụ tá chủ bút thì con đảm trách việc edit những bài của độc giả gởi vô hàng tháng; ngoài ra đôi khi con cũng có viết về những phóng sự ở cộng đồng địa phương và những bài phỏng vấn những người ở địa phương, chẳng hạn như những người học giỏi thì con muốn giới thiệu đến với cộng đồng để biết mặt những người đó và các em trẻ có thể noi gương mà học hỏi giống như những người được phỏng vấn đó.

Mặc Lâm: Và có bao giờ con gặp những người mà người ta hỏi lại con mà con không trả lời được không?

Thu Tâm: Dạ có giống như vậy đó. (Cả nhóm cùng cười).

Mặc Lâm: Bây giờ quay lại với Mộng Tuyền. Tờ báo Bút Tre theo như tôi thấy, phải nói là nó đạt được một trình độ có thể chấp nhận được, tuy rằng các cháu cũng còn rất là trẻ, đang mới ra đời thôi, nhưng mà đã làm được như vậy tất nhiên là khả năng thì là một lẽ rồi nhưng phải có một quyết tâm cao lắm mới làm được tờ báo như thế.

Bên cạnh công việc hàng ngày để làm việc sau khi ra trường thì thì giờ bỏ ra làm báo chừng bao lâu trong một ngày?

Mộng Tuyền: Dạ vâng. Đối với cá nhân Mộng Tuyền thì mỗi ngày dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để chăm lo công việc của Bút Tre, như là trả lời thư độc giả hoặc giải quyết những công việc của Bút Tre. Ngoài ra, mỗi khi tờ báo sắp ra thì trước đó khoảng một tuần đã phải chuẩn bị, tất cả anh chị em gặp nhau để cùng nhau đánh máy hoặc soạn lại những bài.

Còn riêng cá nhân Mộng Tuyền thì phải thú thật là trước khi báo đến nhà in thì mình phải thức ít nhứt từ 2 đến 3 đêm, mà đêm nào cũng gần như thức trắng để mà hoàn tất layout cũng như edit và cho hình ảnh. Và tờ báo này nói chung là một việc làm rất là cực và như chú đã nhận xét là nếu như mình không có cái đam mê thì mình dễ bỏ "cuộc chơi" lắm.

Mặc Lâm: Nhưng mà mình đam mê thì đam mê, nhưng mà mình phải nghĩ tới có một người bạn trai để đi cùng đường với mình chứ?

Mộng Tuyền: Dạ vâng, nãy giờ con than như vậy rồi ạ. Anh nào mà dám theo là con khen hay. (Cả nhóm cùng cười).

Phát hành 5.000 số mỗi kỳ

but-tre-so-20-200.jpg
Bìa tạp chí Bút Tre số 20. Photo courtesy of Bút Tre Magazine.
Mặc Lâm: Quay lại với Thu Tâm. Thu Tâm có thể cho thính giả đang nghe Đài biết là tờ báo mình phân phối ra bao nhiêu tiểu bang không?

Thu Tâm: Dạ thưa chú, Bút Tre hiện nay đang được phân phối chính tại các tiểu bang - Arizona là chính rồi - đến tiểu bang Utah và tiểu bang New Mexico. Ngoài ra Bút Tre cũng được phân phối ở các vùng phụ như là San Jose (California), Denver (Colorado), Dallas và Houston (Texas), thưa chú.

Mặc Lâm: Vow! Với một số lượng như thế chắc in cũng phải nhiều lắm. Mỗi một kỳ in như vậy là bao nhiêu số?

Thu Tâm: Dạ thưa mỗi một kỳ mình in như vậy là 5 ngàn quyển đó chú.

Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn 4 cô gái Bút Tre đã có một cuộc nói chuyện cho quý thính giả ở trong cũng như ngoài nước được biết rằng một hoạt động của người Việt tại hải ngoại, bên cạnh những hoạt động kiếm sống thì họ còn những hoạt động về văn hóa và đặc biệt về chữ nghĩa bằng Tiếng Việt. Cũng chúc 4 cô được toàn vẹn những điều mình đã theo đuổi và công trình ấy sẽ đạt được kết quả về lâu về dài. Cảm ơn 4 cô gái ạ.

Bút Tre hiện nay đang được phân phối chính tại các tiểu bang - Arizona là chính rồi - đến tiểu bang Utah và tiểu bang New Mexico. Ngoài ra Bút Tre cũng được phân phối ở các vùng phụ như là San Jose (California), Denver (Colorado), Dallas và Houston (Texas).

Thu Tâm

Mộng Tuyền: Dạ vâng. Mộng Tuyền xin phép được thay mặt các chị em cảm ơn chú Mặc Lâm đã ưu ái dành cho tụi con buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Và Mộng Tuyền xin phép được đọc một câu rất ngắn trong một bài tham luận mà mình đã chọn ra cho ngày hôm nay cũng như là để chia sẻ với quý vị mục đích và hy vọng của Bút Tre, cũng như là những khắc khoải của Bút Tre:

"Đôi lúc có cảm tưởng mình giống như những người đi khai phá quá khứ, và mỗi lần tìm được những tâm sự trên trang báo Bút Tre chúng tôi có thêm niềm tin rằng việc làm báo đã và đang tạo cho chúng tôi cơ hội tìm lại và bảo tồn những gì chúng ta hiện đang sợ mất dần, không chỉ là ngôn ngữ mà cả cách sống, cách nghĩ và những di sản to lớn không kể được về văn hóa - văn học. Không giữ được những di sản dân tộc, chúng ta còn gì cho tương lai?"

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/11/2014 22:46

chào tất cả mọi người em tên lương hiện tại mẹ của em đang tìm job giữ trẻ ở arizona nhưng tìm hoài không thấy , mẹ của em có kinh nghiệm 2 năm về giữ trẻ nếu mọi người có ai biết chỗ nào cần người giữ trẻ ở arizona xin liên lạc với em , đây là số điện thoại của em 4806356470 và email của em quangluong1989@yahoo.com , cám ơn mọi người , chúc mọi người luôn vui vẻ