Phỏng vấn nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng về mỹ thuật cổ VN

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm giới thiệu nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng về những nhận xét của ông đối với các loại hình mỹ thuật cổ của Việt Nam đã được phát hiện tại nhiều vùng trong cả nước.

Mỗi vùng có những nét đặc trưng khác nhau do ảnh hưởng của các nền văn hóa mà Việt Nam hấp thụ qua nhiều thế kỷ, mời quý vị theo dõi sau đây.

Hôm nay chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu ông Phan Cẩm Thượng, một nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đang sống tại Hà Nội. Ông viết nhiều đầu sách về nghiên cứu mỹ thuật cổ của Việt Nam cũng như các vấn đề mỹ thuật khác. Ông từng dạy tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội với bộ môn Mỹ thuật Việt Nam và hiện đang dành toàn thời gian để tiếp tục con đường nghiên cứu mỹ thuật nước nhà.

Trong câu chuyện với chúng tôi về các nghiên cứu của ông, trước tiên ông cho biết:

Ba vùng miền văn hóa

Phan Cẩm Thượng: Việt Nam là một đất nước cả về chiều dài về diện tích cũng như chiều dài về lịch sử. Chúng ta cũng thấy có ba vùng miền văn hóa khác nhau, đó là văn hóa Bắc Bộ, văn hóa của người Chămpa Trung Bộ và xa xưa là của người Phù Nam ở đồng bằng Nam Bộ. Tuy nhiên nghệ thuật người Phù Nam và Chămpa thì hiện nay chỉ tồn tại ở các Bảo tàng, còn dân tộc Phù Nam thì đã biến mất hẳn từ lâu rồi. Văn hóa Chàm thì đã gia nhập vào văn hóa người Việt. Riêng văn hóa người Việt thì nằm ở đồng bằng Bắc Bộ và hiện nay nó là nền văn hóa chính và gắn liền với những lễ hội tập tục tôn giáo nhất là Phật giáo. Nó tồn tại như một hoạt động nghệ thuật vừa là lịch sử nhưng vừa là sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên những đặc điểm ấy nó cũng làm cho di tích dễ thay đổi vì người ta liên tục tu sửa các đình chùa cũng như sơn vẽ lên tượng. Tất nhiên cũng có những tác phẩm được lưu giữ trong bảo tàng và chúng ta thấy được ít nhất trong một nghìn năm phong kiến Việt Nam từ thời Lý cho đến từ thế kỷ 11 cho đến thế kỷ 19 là một quá trình phát triển liên tục của nghệ thuật dân gian, nghệ thuật Phật giáo và nhiều bộ phận nghệ thuật khác.

Riêng văn hóa người Việt thì nằm ở đồng bằng Bắc Bộ và hiện nay nó là nền văn hóa chính và gắn liền với những lễ hội tập tục tôn giáo nhất là Phật giáo.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Ảnh hưởng văn hóa TQ và Ấn Độ

Mặc Lâm: Trong khi nghiên cứu ông có nhận thấy những motif của các chạm trổ cũng như hoa văn của Việt Nam có khác gì với các nền văn hóa khác như Trung Hoa hoặc Ấn Độ hay không?

Phan Cẩm Thượng: Nếu lấy văn hóa Đông Sơn làm mốc khởi đầu cho nghệ thuật Việt Nam thì văn hóa Đông Sơn có tính chất văn hóa vùng. Nó rộng từ miền Nam Trung Quốc kéo dài đến những nước vùng Đông Nam Á mà trong đó người ta coi vùng Đông Sơn, Thanh Hóa Việt Nam là một trung tâm của văn hóa trống đồng. Văn hóa này có một nét rất riêng biệt của người Việt nói riêng và của vùng Đông Sơn nói chung. Thế nhưng từ sau thế kỷ thứ nhất trước công nguyên thì Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở phía Nam và văn hóa Trung Quốc ở phía Bắc. Những ảnh hưởng đó nó tạo ra sắc thái phương Bắc và sắc thái Ấn Độ Khmer ở phương Nam rất là rõ ràng.

Rồng VN, rồng TQ

Mặc Lâm: Việt Nam và Trung Quốc đều có những hình tượng con rồng trên rất nhiều di tích văn hóa Bắc Bộ. Theo sự nhận xét của ông thì con rồng Việt khác với con rồng Trung Quốc ở điểm nào?

Phan Cẩm Thượng: Đối với người Trung Quốc thì con rồng hoàn toàn tượng trưng cho nho giáo, cho quyền lực của thế lực phong kiến còn con rồng của Việt Nam thật ra xuất phát từ đời sống của dân nông nghiệp. Nó là sự thăng hoa và ước vọng có mặt trời, có mây mưa, có nước non để trồng lúa nước. Sau khi nó được nhập vào Phật giáo thì con rồng trở thành sự siêu thoát rồi cuối cùng mới chịu ảnh hưởng của tinh thần nho giáo biểu tượng cho vua.

Mặc Lâm: Ông có thể cho một thí dụ về những hình ảnh này hay không?

Phan Cẩm Thượng: Thí dụ như con rồng thời Lý là con rồng hình Sin. Nó biến đổi rất đều trên một cái trục dọc giảm dần và cuối cùng hòa vào làm một. Nó tượng trưng cho chân lý nhất nguyên của đạo Phật tức là cuộc sống có hai mặt, có âm có dương nhưng cuối cùng chỉ đi về một hướng.

Nó tượng trưng cho chân lý nhất nguyên của đạo Phật tức là cuộc sống có hai mặt, có âm có dương nhưng cuối cùng chỉ đi về một hướng.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Mặc Lâm: Hồi gần đây những phát hiện các cổ vật của thời Lý Trần,. theo ông thì những cổ vật này có ý nghĩa gì đặc sắc hơn hay không?

Phan Cẩm Thượng: Tôi nghĩ văn hóa Lý Trần có tính phổ quát, tức là cả nước chỉ một phong cách nghệ thuật và phong cách ấy chung từ điêu khắc, kiến trúc đến trang trí đồ gốm tất cả đều là một phong cách thôi. Chúng ta nhìn vào một mảnh gốm thời Lý thời Trần thì thấy nó đều cùng một kiểu.

Gìn giữ và phát huy

Mặc Lâm: Đối với những di tích văn hóa rất có giá trị của đất nước thì chính quyền đã phát huy và gìn giữ như thế nào thưa ông?

Phan Cẩm Thượng: Câu hỏi này rất phức tạp là vì trước đây trong chiến tranh hay các phong trào mê tín dị đoan chúng ta đã làm hỏng hay phá hoại nhiều đền chùa miếu mạo. Thế nhưng hiện nay việc phục hồi của Phật giáo trong các lễ hội tạo cho nhân dân có nhiều ý thức hơn trong việc giữ gìn di tích. Thật ra các di tích tại Việt Nam nằm ở nông thôn nhiều hơn nó nằm ở bảo tàng.

Bảo tàng trưng bày đồ giả

Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì bảo tàng Việt Nam từng chịu tiếng là trưng bày nhiều cổ vật giả mạo. Ý kiến của ông ra sao về các nhận định này?

Phan Cẩm Thượng: Những hiện vật trong viện bảo tàng của mình có nhiều cái hay nhưng cũng có những cái chưa hay là có quá nhiều hiện vật có tính chất mô hình và hiện vật giả, tức là mô phỏng thôi không phải là hiện vật thật. Điều này làm giảm giá trị những hiện vật trưng bày trong bảo tàng.

Những hiện vật trong viện bảo tàng của mình có nhiều cái hay nhưng cũng có những cái chưa hay là có quá nhiều hiện vật có tính chất mô hình và hiện vật giả, tức là mô phỏng thôi không phải là hiện vật thật.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Mặc Lâm: Xin ông cho biết là sinh viên Mỹ thuật Việt Nam được giảng dạy về mỹ thuật dân gian Việt Nam cũng như lịch sử mỹ thuật như thế nào?

Phan Cẩm Thượng: Việt Nam thì hệ trung cấp và đại học đều có từ 30 đến 60 tiết dạy về nghệ thuật dân tộc. Riêng đối với khoa lịch sử nghệ thuật thì học sinh phải học trong 4 năm gần 3-4 trăm tiết về mỹ thuật Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng về thời gian ông dành cho chúng tôi ngày hôm nay.

Ý kiến của ông Phan Cẩm Thượng không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.