Trò chuyện cùng nhà thơ Lê Anh Hoài

Lê Anh Hoài là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học hiện hoạt động tại Hà Nội. Ông còn là một nhà báo cộng tác trên nhiều trang văn hóa.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.07.26
leanhhoai-305.jpg Thi sĩ Lê Anh Hoài
Hình do nhân vật cung cấp

Lê Anh Hoài được giới yêu nghệ thuật biết đến qua những lần tham dự các cuộc trình diễn ngoài trời do những nghệ sĩ theo khuynh hướng hậu hiện đại tổ chức.

Lê Anh Hoài có những tác phẩm đã cho ra mắt như: Những giấc mơ bên đường (thơ, NXB Văn học, 1999), Chuyện tình mùa tạp kỹ (nxb Đà Nẵng, 2007), tiểu thuyết này được vào vòng chung khảo giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2008, Không lạc loài (nxb Hội Nhà Văn VN, 2008), Tẩy sạch vết yêu (tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà Văn VN, 2010), @ tình (tiểu thuyết, tái bản, nxb Văn Học, 2010)

Bên cạnh việc viết lách, Lê Anh Hoài tham gia rất nhiều buổi trình diễn nghệ thuật thị giác với tên gọi: “Tôi là cột điện”, “Tiến lên”, “Đồng Cu”. Lê Anh Hoài  còn tham gia trình diễn thơ tại Văn Miếu cùng với nhiều kiểu cách khác mà nhiều người trong giới phê bình nghệ thuật cho là vượt ra ngoài phạm trù nghệ thuật.

Khuynh hướng hiện đại

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông chung quanh việc sáng tác cũng như tham gia trình diễn nghệ thuật thị giác. Trước tiên ông chia sẻ những nỗ lực mà giới tạo hình đang theo đuổi hiện nay:

"Thưa anh, theo như quan sát của tôi, hiện nay khi trào lưu đương đại, khi anh hỏi về cái khuynh hướng hiện đại thì tôi thấy là có một số nghệ sĩ và đa phần là trẻ thì họ đang theo đuổi, nhưng mà cũng theo quan sát của tôi thì chủ yếu là họ bằng cái cảm thức được gọi là hậu hiện đại là chính chứ không phải là cái việc triệt để với cái chủ nghĩa hậu hiện đại này, tức là nhân với rất nhiều các điều và các khía cạnh khác nhau, chủ yếu là ở cái cảm giác là cần phải thay đổi thì họ rất là nỗ lực làm mới mình. Bên cạnh những người vẫn tiếp tục làm những tác phẩm theo kiểu cũ, với hình thức cũ, cách nghĩ cũ thì có một lớp nghệ sĩ trẻ họ cũng làm những cái rất là mới, với những hình thức mới và những chủ đề mới, hoặc là chất liệu mới."

Mặc Lâm: Thưa ông, về chuyện viết lách, ông nhận thấy những cây viết trẻ có nỗ lực gì qua các tác phẩm của họ?

Nhà thơ Lê Anh Hoài: "Trong văn chương tôi thấy là cái nỗ lực theo hướng đương đại hậu hiện đại thì nếu mà so với số người viết văn khá là nhiều ở Việt Nam hiện nay thì số người viết theo khuynh hướng này cũng không nhiều. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây thì tôi thấy là cũng có một cái sự bùng nổ với sự xuất hiện một loạt của các tác giả theo khuynh hướng hậu hiện đại và đương đại. Chủ yếu họ cũng đã tiếp cận được với cái sự đọc và hiểu về cái tinh thần cốt lõi cũng như là các lý luận có thể nói là mạnh hơn một số giới khác, giới nghệ sĩ khác, cho nên sự tiếp cận với nhiều người cũng khá là triệt để, có rất nhiều khuôn mặt cả ở hải ngoại và cả ở trong nước.

Tôi nhận thấy là cái việc chung trong các tác phẩm này, thứ nhất là họ không tôn trọng và gần như là không công nhận những giá trị đã được xác lập và đã được tôn vinh trong nhiều thập kỷ hoặc là thậm chí nhiều thế kỷ nay. Cách họ đưa ra cái chủ đề nhiều khi với cách nhìn cũ thì nhiều khi nó có sự phản kháng, nó có thể đưa ra những chủ đề mà bình thường thì cái giới hàn lâm - tạm gọi như vậy - hoặc là những người theo trường phái cổ điển, họ không bao giờ đề cập tới.

Bên cạnh những người vẫn tiếp tục làm những tác phẩm theo kiểu cũ, với hình thức cũ, cách nghĩ cũ thì có một lớp nghệ sĩ trẻ họ cũng làm những cái rất là mới, với những hình thức mới và những chủ đề mới, hoặc là chất liệu mới.

Nhà thơ Lê Anh Hoài

Hoặc là bằng cái giọng điệu nó rất là khiêu khích, và cái cách sử dụng ngôn từ có thể là dùng những ngôn từ mà thường được người ta coi là tục tằn chẳng hạn, hoặc là những cách diễn đạt ở ngoài đường phố, rồi sử dụng ngôn ngữ "i-za-đéc" hoặc là sử dụng phương ngữ, có nghĩa là những cái gì mà phi chính thống từ trước đến nay thì là họ đều sử dụng mà khá là thành công. Rồi cái tinh thần chung thì tôi thấy đa phần, kể cả dạy trong các trường từ xưa đến nay, thì thường thường các giáo sư rồi những người làm lý luận phê bình thì đều cho rằng văn chương là cái gì nó rất là nghiêm cẩn, nó rất là trang trọng, nó rất là "văn dĩ tải đạo", vân vân.

Thế nhưng mà cái tinh thần của những nhà văn hậu hiện đại, như tôi vừa mới đề cập, thì họ rất là phi nghiêm cẩn, họ có thể là dưới những hình thức như là tào lao, hoặc dưới những hình thức rất là đùa giỡn, thì tôi cho là cái này là tinh thần chung của một nhóm những nhà văn theo trường phái hậu hiện đại. Ở Việt Nam thì là như vậy!

Khuynh hướng hậu hiện đại

Mặc Lâm: Trong tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" nhiều người cho rằng ông đang thay đổi cách viết cũng như kỹ thuật dựng chuyện theo khuynh hướng hậu hiện đại, ông có điều gì muốn thêm vào hay không, thưa ông?

le-anh-hoai-200.jpg
Thơ trên xe máy trong lồng sắt của thi sĩ Lê Anh Hoài triển lãm tại Ngày thơ Việt Nam lần 8 tại Hà Nội hôm 28/2/2010. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Thơ trên xe máy trong lồng sắt của thi sĩ Lê Anh Hoài triển lãm tại Ngày thơ Việt Nam lần 8 tại Hà Nội hôm 28/2/2010. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Thưa anh Mặc Lâm, tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" này thì nó có 19 truyện, không phải là truyện nào  nó cũng mang khuynh hướng kỹ thuật dựng truyện mới hoặc là cái dấu ấn đậm đặc hậu hiện đại, tuy nhiên trong này nó cũng có một phần đa tức là tôi cũng muốn đưa cái cảm thức hậu hiện đại của mình vào, đồng thời cũng có cái cách diễn đạt ở một số truyện (mà) theo chủ quan tôi nghĩ là nó cũng muốn đưa cái tinh thần hậu hiện đại và cái tinh thần đương đại vào trong đó.

Thì, so với tập tiểu thuyết trước đây của tôi, trước đây tôi có một tập tiểu thuyết có tên là "Chuyện tình mùa tạp kỹ" thì tập tiểu thuyết đó về mặt kỹ thuật, về mặt cách viết thì nó triệt để, nó mạnh mẽ hơn. Thế còn những phần truyện ngắn trong tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" thì tôi cũng để cho nó ẩn chìm hơn và chủ yếu tôi muốn đưa vào trong đấy cái tinh thần nó mạnh mẽ hơn, tức là có thể một số truyện thì cái kết cấu, cái bố cục nó cũng bình thường thôi, nó cũng dễ đọc, tuy nhiên quan trọng là cái tinh thần ở trong đó. Chẳng hạn như là tôi có một truyện viết về thân phận của một bản thảo, thì cái bản thảo đây tôi không biết là ở nước ngoài hay ở cái nền văn minh khác thì cái bản thảo đó nó có được quan tâm, nó có được coi trọng không, nhưng mà chẳng hạn như ở Việt Nam thì hầu như nó không được coi trọng gì hết, thì tôi muốn đề cập đến thân phận của một bản thảo như thế.

Tôi cũng đưa ra hai nhân vật là hai cục băng phiến để khử mùi trong toilette, thì hai cục đó tôi cho thành hai nhân vật và yêu nhau, một tình yêu ở trong cái toilette. Thế thì bằng cách viết như vậy tôi muốn người ta nhìn nhận lại sự vật xung quanh mình với một con mắt khác.

Mặc Lâm: Qua tự truyện của Nguyễn Thành Trung do ông ghi lại mang tên "Không lạc loài", theo ông thì điều gì đã nằm chính giữa để ngăn trở thế giới người đồng tính và cộng đồng?

Nhà thơ Lê Anh Hoài: Để viết cuốn "Không lạc loài" cho anh Nguyễn Thành Trung thì tôi cũng đã tiếp cận với anh Nguyễn Thành Trung rất là nhiều và cả những người bạn bè và trong cái cộng đồng đồng tính. Tôi cũng bỏ thời gian tiếp cận trực tiếp rất là nhiều, đọc rất nhiều tài liệu, và cũng tiếp cận với rất là nhiều những người tạm được coi là "bình thường" đó, thế thì tôi nhận thấy là ở Việt Nam thì cái ngăn trở này rất là lớn, và nguyên nhân chính theo tôi nghĩ là sự thiếu hiểu biết và thiếu nhân ái, bởi vì hai cái này nó cũng liên quan đến nhau nhưng nó cũng là hai cái phần khác nhau.

Vì người ta không có thông tin, người ta không có cái hiểu biết thực sự cuộc sống của người đồng tính là như thế nào cho nên họ hiểu biết sai lệch và họ có những định kiến rất là kỳ lạ. Ngoài ra tôi nghĩ là còn có một cái thiếu nhân ái bởi là vì cũng do rất là nhiều nguyên nhân: cái cộng đồng lớn, cái xã hội Việt Nam, tôi tạm gọi như là một cái tính theo đạo Khổng gì đó, họ quan niệm rằng là mọi cái đều có mọt cái chuẩn nhất định nào đó, nó rất là bao trùm, vì vậy cho nên tất cả những gì được coi là chuẩn thì họ rất là căm ghét, kỳ thị. Thế thì ở đây nó là biểu hiện của một cái thiếu nhân ái trong một cộng đồng, theo tôi là vậy đó.

Mặc Lâm: Rất nhiều nhà phê bình tỏ ra dị ứng một cách không cần thiết với những cố gắng cách tân nghệ thuật hiện nay qua các buổi trình diễn như performing art, body art, installation...Theo ông thì nguyên nhân sâu xa do đâu mà ra?

Nhà thơ Lê Anh Hoài: Theo tôi, đầu tiên cũng là do họ không hiểu, bởi vì thật ra thì khá nhiều nhà phê bình hiện nay tương đối là có tên tuổi, có uy tín, thì họ được học hành, họ đọc tài liệu, v.v. ở trong cái thời nó khá là xa xưa, và những cái lý luận về văn chương, về nghệ thuật thời đó khá là lạc hậu. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khá lớn. Tuy nhiên, lẽ ra như vậy thì họ nên cập nhật thêm, thế thì tôi thấy nỗ lực cập nhật thêm này nó rất là ít. Và vì không hiểu như vậy cho nên họ có cái phản ứng của người nắm chân lý.

Cái này hiểu về mặt tâm lý thì mình cũng có thể hiểu được thôi, vì mình thì mình cho là mình đang làm cái việc rất là bình thường, nhưng họ thì cho rằng là không bình thường. Ngoài ra thì tôi thấy có một nguyên nhân này nữa là cũng có rất nhiều người (mà) tôi nhận thấy là họ không hẳn là không hiểu, họ cũng thấy được một cái gì đó mới, một cái gì đó nó thật sự là con đường mới nghệ thuật, nhưng mà họ cố gắng chống lại bởi vì toàn bộ cái nền tảng của họ, cái nền tảng tạo nên vị trí của họ nó đang lung lay, từ đó nó có những khuynh hướng phê bình rất là đao to búa lớn, rất là nặng nề, rất là gần như là một sự đánh đập.

Thì tôi nhận thấy xuất phát từ cái suy nghĩ kiểu như vậy thì một số bài phê bình, thậm chí một số nhà phê bình cố gắng "đạo đức hóa" hoặc là "chính trị hóa" những hoạt động nghệ thuật mà họ không hiểu, không cảm thấy là nghệ thuật mới. Họ đang thấy nó là một cái mầm mống nghệ thuật mới thì họ cố gắng họ chụp mũ cho nó những cái yếu tố như tôi vừa nói đó, tức là yếu tố đạo đức chẳng hạn, yếu tố chính trị chẳng hạn, mà trong khi đó thì nó không phải là như vậy.

Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng với tốc độ hiện nay, bao lâu nữa những nỗ lực của các nghệ sĩ có khuynh hướng đương đại mới thật sự lôi kéo được sự đồng tình của các nhà phê bình và công chúng, thưa ông?

Nhà thơ Lê Anh Hoài: Thưa anh, theo quan sát của tôi cả về bên mỹ thuật lẫn bên văn chương thì tôi nhận thấy là số người làm nghệ thuật mới và viết theo tinh thần đương đại, tinh thần hậu hiện đại thì gần đây tăng lên khá là đáng kể. Tuy nhiên, số nhà phê bình thì không tăng lên theo sự tương ứng, và số nhà phê bình thực sự là nhà phê bình đương đại, nhà phê bình của nghệ thuật hậu hiện đại, của những khuynh hướng nghệ thuật khác những khuynh hướng nghệ thuật mới, mà ta có thể nhìn đôi chỗ người ta có thể gọi là khuynh hướng thử nghiệm, v.v. rất là ít, trong mỹ thuật cũng khá là ít và trong văn chương thì lại càng ít hơn.

Trong một bối cảnh như vậy thì tôi khá là bi quan và tôi nghĩ rằng là nếu mà chờ đợi những nhà phê bình nào đó mà họ đưa ra những công trình nghiên cứu và những bài phê bình để có thể thưc tỉnh được một bộ phận công chúng nào đó thì tôi thấy rất là bi quan. Tuy nhiên, bằng những quan sát riêng thì tôi thấy là số khán giả, số người đọc mà thích thú với nghệ thuật đương đại, thích thú với nghệ thuật hậu hiện đại thì nó cũng có tăng lên mặc dù cái tăng lên này nó cũng ở mức độ vừa phải và nó cũng tự phát thôi.

... trong một vài năm gần đây thì tôi thấy là cũng có một cái sự bùng nổ với sự xuất hiện một loạt của các tác giả theo khuynh hướng hậu hiện đại và đương đại.

Nhà thơ Lê Anh Hoài

Nhưng mà tôi cho là số nhà văn và số nghệ sĩ mà kiên trì, hứng thú làm theo cái nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại, thì tự họ, họ có ảnh hưởng đến công chúng nhất định của họ, chứ còn không phải là trong số các nhà phê bình, thưa anh. Thế thì cộng thêm với một cái là sự phát triển nó khá là chậm về văn hóa nghệ thuật nói chung ở Việt Nam, bởi vì - tôi có thể nói thêm một chút - tức là không phải chỉ là nghệ thuật đương đại hoặc nghệ thuật hậu hiện đại mà ngay cả nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam thì phát triển cũng rất là chậm mà cũng có rất là nhiều lỗ hổng. Thế thì trong một không khí chung như vậy thì tôi cũng e rằng là cái sự đồng tình như anh nói thì chúng tôi cũng rất là hy vọng, nhưng mà cái sự đồng tình nào đó của giới phê bình và có được một số người thưởng ngoạn đông, một số người thưởng ngoạn đáng kể, tôi cho rằng còn rất xa nữa, thưa anh."

Quý vị vừa theo dõi buổi nói chuyện với Lê Anh Hoài, một nghệ sĩ có nỗ lực cách tân nghệ thuật qua các phương tiện từng được giới hoạt động nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới theo đuổi trong nhiều chục năm qua. Trong thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn tự tạo cho mình một không gian chơi nhằm mở rộng cách tiếp cận nghệ thuật của công chúng bằng những thể loại mới mẻ của nghệ thuật đương đại.

Cũng như bao nhà tiền phong khác trong lịch sử mỹ thuật thế giới, có thể Lê Anh Hoài và bằng hữu sẽ âm thầm rời cuộc chơi một cách cay đắng hay ngược lại không chừng ông sẽ đăng quang với vòng nguyệt quế mang tên sáng tạo…

Dù sao đối với những người tiên phong phát quang cánh đồng văn chương nghệ thuật nay đã trở nên già cỗi, và đang tranh đấu không khoan nhượng trước những ấu trĩ có tên gọi là “phê bình” để qua đó, chúng ta, những người thưởng ngoạn hiểu thêm một chặng đường nữa trong một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi của nền mỹ thuật Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.