Nữ nghệ sĩ violon Phượng Như

Vừa qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ có mời 4 nữ nghệ sĩ violon trình diễn những nhạc phẩm cổ điển tứ tấu. Trong 4 nghệ sĩ này có một người Việt Nam. Tên cô là Phượng Như, đến từ Nga cùng với ba người bạn là Katerina Pogoclina, Anna Sazonkina, và Tatian Egokova.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.04.19
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với Phượng Như tại phòng thu âm của Ban Việt Ngữ chúng tôi, mời quý vị theo dõi.

Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ

Nữ nghệ sĩ violon Phượng Như đến từ Hà Nội. Cô sinh năm 1973, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ mà cha là nhạc sĩ vĩ cầm Đỗ Nhự, mẹ là diễn viên vũ ballet Kim Phụng. Phượng Như được gia đình khuyến khích theo đuổi âm nhạc từ khi lên bốn tuổi và cô đã tỏ ra thích hợp một cách đặc biệt với âm nhạc từ những giai điệu mượt mà quan họ nơi quê nhà cho đến dòng nhạc cổ điển Tây Phương nơi cô theo học và làm việc từ hơn hai mươi năm qua. Phượng Như tốt nghiệp khoa vĩ cầm tại Nhạc Viện Tchaikovsky và ra trường nhiều năm trước đây.

Ban tứ tấu của chúng tôi năm nay đã được đến 14 năm rồi và bọn tôi rất hay đi lưu diễn ở Châu Âu nhưng mà lần này sang Washington là lần đầu tiên, lần đầu tiên sang nước Mỹ ạ.

Nữ nghệ sĩ violon Phượng Như

Trong dịp trình diễn mới đây nhất tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Phượng Như cùng với ba người bạn Nga đã tạo một ấn tượng tốt với khán giả thính phòng thủ đô qua phong cách trình diễn cũng như kỹ thuật điêu luyện của bốn cô gái đến từ nước Nga này. Riêng đối với Phượng Như, những tràng vỗ tay ấm áp của đồng hương Việt Nam trong đêm diễn đã là một kỷ niệm khó quên đối với người nữ nghệ sĩ tài năng này. Chúng tôi đón Phượng Như tại phòng thu của RFA và câu hỏi đầu tiên, chắc quý vị cũng đồng ý là nên hỏi về những gì mà người nữ danh thủ vĩ cầm này học được từ nhạc viện nổi tiếng thế giới là Nhạc Viện Tchaikovsky phải không ạ? Và câu trả lời của Phượng Như sau đây chắc sẽ làm quý vị vừa lòng:

Du học ở Nga và tốt nghiệp Nhạc Viện Tchaikovsky

Phượng Như: Vâng ạ, tôi học violon từ năm lên bốn trong một gia đình nghệ sĩ mà cha chơi violon và mẹ là diễn viên múa ballet cổ điển. Và đến năm 1987 thì tôi sang Nga du học, học ở bậc trung học và sau đó thì tốt nghiệp Nhạc Viện Tchaikovsky.

Mặc Lâm: Phượng Như có thể cho biết Như học nhạc khí nào khi vào nhạc viện này?

Phượng Như: Dạ, môn đấy là môn violon cổ điển có thể chơi trong dàn nhạc, có thể chơi trong các ansam, có thể chơi solo, và đi dạy học.

Mặc Lâm: Phượng Như và ba cô bạn nghệ sĩ vĩ cầm Nga vừa trình diễn một đêm nhạc tứ tấu tại phòng hòa nhạc danh giá tại thủ đô Washington DC. Phượng Như có thể cho biết là Như và bạn đến thủ đô trình diễn theo lời mời của tổ chức nào hay tự mình vận động lấy?

Phượng Như: Bọn tôi lần nay qua Mỹ qua một cơ quan trung gian. Họ chuyên môn tổ chức cuộc biểu diễn cho những diễn viên từ khắp nơi trên thế giớí qua Mỹ biểu diễn. Ban tứ tấu của chúng tôi năm nay đã được đến 14 năm rồi và bọn tôi rất hay đi lưu diễn ở Châu Âu nhưng mà lần này sang Washington là lần đầu tiên, lần đầu tiên sang nước Mỹ ạ.

Mặc Lâm: Phượng Như có thể giới thiệu ba người bạn người Nga cùng trình diễn với Như hay không?

Phượng Như: Vâng ạ. Tôi chơi violon 1 ở trong nhóm tứ tấu Dominant, còn cô Katerina Pogoclina chơi violon 2, Anna Sazonkina chơi viola, và Tatian Egokova chơi violon.

Mặc Lâm: Một câu hỏi chung mà tôi tin chắc rằng đa số người Việt chúng ta đều muốn biết, đó là muốn thưởng thức nhạc cổ điển Tây Phương thì phải hội tụ được những điều kiện nào:kiến thức về sự hình thành loại nhạc này hay phải học nghe từ khi còn nhỏ hoặc chí ít là phải tiếp cận với chúng thường xuyên hàng ngày ? Phượng Như có bí quyết nào để chia sẻ với thính giả của chúng ta hay không?

Phượng Như: Theo tôi, âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng, đó là một thứ rất là trừu tượng, và đặc biệt là nhạc cổ điển. Khó có thể giải thích được bằng lời mà anh chỉ có thể cảm nhận được bằng trái tim thôi. Và điều còn quan trọng hơn có nghĩa là khi mỗi người nhạc công trình diễn, khi mà họ trình diễn rất là tốt thì họ có thể mang lại cho người nghe, cho khán giả tất cả những điều mà họ muốn, thì anh có thể cảm nhận được rất nhiều. Cái đấy nó phụ thuộc rất nhiều ở người trình diễn và ở bản nhạc đấy, tại vì âm nhạc là thứ không có lời. Đó là một thứ rất là trừu tượng và người nghe thì có thể cảm nhận được bằng tim thôi.

Tiếng nói của người Việt Nam mình có rất nhiều dấu thế cho nên ở trong âm nhạc điều đấy rất là thuận lợi cho những người chơi đàn.

Nữ nghệ sĩ violon Phượng Như

Mặc Lâm: Phượng Như nghĩ thế nào về khả năng thẩm thấu âm nhạc của người Việt chúng ta? Đặc biệt trên lĩnh vực nhạc cổ điển Tây Phương?

Phượng Như: Tôi rất là tự hào về người Việt Nam mình từ tiếng nói. Tiếng nói của người Việt Nam mình có rất nhiều dấu thế cho nên ở trong âm nhạc điều đấy rất là thuận lợi cho những người chơi đàn. Họ có những đôi tai rất là tốt so với người Châu Âu. Đấy là điều đầu tiên. Còn điều thứ hai là người Việt Nam mặc dù ít được tiếp xúc với nhạc cổ điển, nhạc Tây Âu, nhưng họ cảm nhận được rất tốt. Nếu như họ có thể được tiếp xúc nhiều hơn nữa với nguồn nhạc này thì tôi nghĩ là mọi người sẽ rất là thích, sẽ có rất là nhiều khán giả của ngành nhạc cổ điển. Tôi nghĩ như thế.

Mặc Lâm: Là người trình diễn âm nhạc cổ điển nhiều năm trên nhiều sàn diễn quốc tế, Phượng Như có nghĩ rằng một ngày nào đó Như sẽ trở lại nhạc viện với tư cách giảng viên hay không? Và trong vai trò này Phượng Như sẽ truyền lại kỹ năng nào cho học trò của mình?

Phượng Như: Vâng. Tạm thời thì tôi chỉ muốn đi biểu diễn thôi. Và khi nào mà không diễn được nữa thì tôi nghĩ chắc là cũng có thể đi dạy. Và lúc đó tôi nghĩ là với người có kinh nghiệm biểu diễn như tôi - tôi đi biểu diễn rất là lâu rồi, mấy chục năm rồi trên sân khấu - tôi sẽ truyền lại cho học sinh những cảm nhận, những kinh nghiệm ở trên sân khấu, tại vì những cái đấy rất là quan trọng đối với họ. Họ phải tập tành để về sau họ trở thành nghệ sĩ. Và những người học sinh đó cũng sẽ lại đứng trên những sân khấu như tôi bây giờ. Thành ra những người thầy mà có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu, họ có thể cho học sinh của họ rất là nhiều kinh nghiệm biểu diễn.

Mặc Lâm: Quay về buổi hòa nhạc của Phượng Như tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, có khán giả Việt Nam nào trong đêm diễn này không?

Phượng Như: Dạ. Đây là lần đầu tiên đi xem tứ tấu Dominant của tôi có những gương mặt rất là thân thuộc, yêu thương của những người đồng hương, những người Việt Nam. Còn những khi đi lưu diễn ở những nước Châu Âu thì đúng là tôi chưa bao giờ gặp một người Việt Nam nào đến xem tứ tấu Dominant cả.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Và điều này có vẻ ấm áp cho một nghệ sĩ trình diễn như thế trên sân khấu?

Phượng Như: Đúng ạ. Tại vì mặc dù có đi đâu, có làm gì đi chăng nữa, có mang quốc tịch gì đi chăng nữa thì tôi vẫn là người Việt Nam (cười).

Mặc Lâm: Phượng Như nhận xét thế nào giữa khán giả Hoa Kỳ và khán giả tại các nơi khác trên thế giới, những nơi mà Phượng Như từng công diễn trước đây?

Phượng Như: Thật ra mà nói thì mỗi nơi mỗi khác anh ạ. Ví dụ bọn tôi sang Nhật biểu diễn, khán giả Nhật rất là nồng nhiệt. Họ rất yêu thích tứ tấu chúng tôi, nhưng mà họ thể hiện ra bằng một cách khác, bằng những nụ cười. Nó không cởi mở như là ở Châu Âu, không hồ hởi như là ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đấy là mỗi dân tộc có cái riêng của họ đấy.

Dù sao thì bây giờ họ không được tiếp xúc nhiều với văn học hoặc là nghệ thuật ở Tây Âu, nhưng nếu như về sau này có điều kiện hơn thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều, tại vì người Việt Nam mình có rất nhiều khả năng trong ngành âm nhạc, nghệ thuật.

Nữ nghệ sĩ violon Phượng Như

Mặc Lâm: Dạ. Có một biểu hiện văn hoá riêng.

Phượng Như: Vâng. Đúng ạ.

Mặc Lâm: Trước khi chia tay với thính giả của Đài Á Châu Tự Do, Phượng Như có chia sẻ gì với họ trong lĩnh vực âm nhạc không, Phượng Như ?

Phượng Như: Tôi rất mong muốn một điều - như tôi nói vừa rồi - người Việt Nam rất có khả năng, họ có rất nhiều khả năng để phát huy ngành âm nhạc cổ điển trong nước nếu như họ có điều kiện hơn để được đi du học, để có điều kiện nghe nhạc, tiếp xúc với cả những nghệ sĩ nước ngoài, tôi nghĩ nền nghệ thuật trong nước sẽ phát triển hơn bây giờ rất nhiều. Dù sao thì bây giờ họ không được tiếp xúc nhiều với văn học hoặc là nghệ thuật ở Tây Âu, nhưng nếu như về sau này có điều kiện hơn thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều, tại vì người Việt Nam mình có rất nhiều khả năng trong ngành âm nhạc, nghệ thuật.

Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn sự có mặt của Phượng Như để chia xẻ những ý nghĩ cũng như những kinh nghiệm của mình với dòng nhạc cổ điển Tây Phương. Và chúng tôi cũng xin chúc Phượng Như luôn luôn gặp những tràng pháo tay nồng nhiệt như Phượng Như đã có tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

Phượng Như: Em cảm ơn anh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.