Mạn đàm cùng nhà văn Di Li

Trong chương trình VHNT kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một cây viết trẻ chuyên viết về trinh thám và kinh dị đã được bạn đọc biết đến nhiều trong vài năm gần đây, đó là nhà văn Di Li.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.08.14

di-li-250.jpg
Nhà văn Di Li. Hình do nhà văn gởi.
Bút danh Di Li được rút ngắn từ tên thật Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978. Bên cạnh viết văn, Di Li còn là một nhà báo, dịch thuật, và nhà kinh doanh. Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh tại Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Tác phẩm làm cho Di Li được chú ý là hai tập truyện ngắn kinh dị “Tầng thứ nhất” và “Điệu Valse địa ngục”. Di Li còn đoạt giải ba trong cuộc thi Truyện ngắn Quân đội 2005-2006 với truyện ngắn Cocktail.

Dưới mắt nhìn của nhiều nhà phê bình, Di Li xuất hiện như một ánh sao lạ. Vừa bí hiểm vừa sáng lên thứ ánh sáng ma quái, huyễn hoặc. Di Li chọn cho mình một hướng đi khá xa với những cây viết đồng trang lứa. Di Li thử sức trên mảnh đất ít người dám đặt bút vào, đó là truyện trinh thám và kinh dị. Qua vài năm vật lộn với những trang viết đầy bí ẩn, Di Li cho ra đời tác phẩm mới nhất của cô mang tên: Trại Hoa Đỏ.

Đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tay của Di Li. "Trại Hoa Đỏ" có 35 chương và được Di Li post 33 chương lên trang blog của cô từ trước đó. Theo Di Li cho biết thì tiểu thuyết này là một sự thể nghiệm thể loại, chuẩn bị cho những cuốn tiểu thuyết tiếp theo. "Trại Hoa Đỏ" được Công ty Phương Đông phát hành năm 2009.

Từ trang blog riêng của mình, Di Li giới thiệu đến bạn đọc khá nhiều chi tiết về các tác phẩm mà chị đã thai nghén. Có thể nói đây là cách tiếp cận người đọc một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Di Li tỏ ra là người am hiểu về thiết kế trang mạng và từ thế mạnh này, Di Li nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin của mình và chính nó đã giúp chị rất nhiều khi sáng tác truyện ngắn kinh dị và trinh thám.

Trong cuộc nói chuyện với nhà văn Di Li chúng tôi được biết thêm nhiều điều lý thú về nhà văn này, mời quý vị theo dõi sau đây.

Tác phẩm làm cho Di Li được chú ý là hai tập truyện ngắn kinh dị “Tầng thứ nhất” và “Điệu Valse địa ngục”.

Mặc Lâm: Có lẽ để mở đầu câu chuyện với Di Li hôm nay, xin bắt đầu bằng câu hỏi, khi ngồi vào bàn viết thường thì điều gì tới trước tiên dẫn Di Li bước vào câu chuyện mình sắp viết?

Di Li: Thật ra khi ngồi vào bàn viết Di Li đã có ý tưởng và đề cương trong đầu từ trước và ít khi thay đổi trong quá trình viết. Các nhà văn khác thường có thói quen là thay đổi rất nhiều trong khi viết về nhân vật, về kết cấu câu chuyện. Theo cách làm việc của Di Li, đề cương trong đầu như thế nào thì sau đó câu chuyện diễn tiến đúng như vậy.

Điều thôi thúc Di Li ngồi vào bàn viết, có lẽ theo kế hoạch ép mình ngồi vào bàn thì đúng hơn. Theo thời gian có lẽ càng ngày cảm hứng để sáng tác không còn như thuở đầu mới chập chững bắt đầu viết nữa. Khi mới vào nghề thì cảm hứng dồi dào lắm. Di Li cũng cho rằng đối với nhiều nhà văn chuyên nghiệp họ cũng có cảm giác như vậy. Nếu chờ cho tới khi cảm hứng tự đến thì rất khó ngồi vào bàn sáng tác. Đối với Di Li có lẽ kế hoạch sáng tác cộng với lý trí bắt buộc mới có thể ép mình ngồi vào bàn viết được.

Thích thể loại trinh thám và kinh dị

di-li-2-200.jpg
Nhà văn Di Li. Hình do nhà văn gởi.
Mặc Lâm: Theo như tôi được biết thì thể loại trinh thám và kinh dị tại Việt Nam trong một thời gian rất dài không có nhà văn nào đặt bút vào. Tuy nhiên mặc dù mới vào nghề nhưng Di Li đã chọn mảnh đất đầy tiềm năng nhưng không kém khó khăn này để khai thác, có phải do cá tính thích phiêu lưu mạo hiểm đã thôi thúc Di Li vào lãnh vực này hay còn điều gì khác nữa?

Di Li: Điều đầu tiên của người viết là họ viết những điều họ thích nhất. Thực ra trong những công việc khác thì người ta có thể làm những công việc mà người ta không thích, nhưng trong nghệ thuật thì điều đầu tiên là phải thích đã.

Đương nhiên các thể loại giả tưởng là một niềm đam mê từ trong con người Di Li từ lúc còn nhỏ, cho nên lý do rất đơn giản. Đầu tiên là mình thích viết theo thể loại này và sau đó cảm thấy rằng những tác phẩm của mình phù hợp với nhu cầu độc giả và cảm thấy được đón nhận, đấy là điều may mắn và Di Li để có thể tiếp tục viết theo thể loại trinh thám kinh dị và viết một cách chuyên nghiệp hơn, có ý thức hơn.

Mặc Lâm: Di Li từng nói nhiều lần là mình rất ghét nghề bác sĩ. Viết kinh dị và trinh thám nhưng lại ghét nghề bác sĩ, như vậy có vẻ mâu thuẫn hay không vì thể loại trinh thám đòi hỏi rất cao kiến thức về cơ thể học?

Di Li: Đây là điều rất mâu thuẫn. Bạn bè Di Li nhiều lần nói đùa có phải cậu học ngành y khoa ra hay không mà lại rành về y học như thế? Thường người thân hay bạn bè có vấn đề gì về sức khỏe là Di Li tư vấn ngay! Di Li rất quan tâm tới y học và có một số kiến thức cơ bản về y học.

Tuy nhiên không hiểu tại sao Di Li rất sợ bệnh viện, bác sĩ. Mình viết thể loại trinh thám kinh dị thì mọi người nghĩ là mình chắc cũng kinh dị lắm và phải có một hệ thần kinh thép…Thực ra Di Li rất sợ bạo lực, máu me….nói chung những gì người khác sợ thì mình cũng sợ thôi.

Mặc Lâm: Quan niệm về tiểu thuyết lãng mạn của Di Li là gì? Tình yêu có giúp gì được trong tác phẩm của Di Li hay không?

Di Li: Tiểu thuyết lãng mạn là những câu chuyện về tình yêu. Có thể nó không hợp với cái gu đọc sách hay xem phim của Di Li. Nói chung từ trước tới giờ chưa bao giờ Di Li thích những tiểu thuyết lãng mạn, những câu chuyện tình, tâm lý. Vì vậy điều mình không thích thì không bao giờ viết cả. Chủ đề tình yêu hầu như rất hãn hữu trong tác phẩm của Di Li.

Đương nhiên các thể loại giả tưởng là một niềm đam mê từ trong con người Di Li từ lúc còn nhỏ

Nhà văn Di Li

Mặc Lâm: Vai trò của độc giả trong suy nghĩ của Di Li có rõ nét lắm hay không trước khi Di Li bắt tay vào sáng tác một tác phẩm mới?

Di Li: Như Di Li đã nói lúc đầu là mình viết những gì mình thích và cái thích của mình may mắn trùng với nhu cầu của độc giả. Tuy nhiên sau khi đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì việc định hướng đối với độc giả không rõ ràng cho lắm.

Khi viết, Di Li luôn đặt một câu hỏi là độc giả họ có muốn đọc những điều này không? Việc này không phải chạy theo thị hiếu độc giả mà Di Li nghĩ rằng văn học nghệ thuật phải phục vụ số đông công chúng và đó là một nhiệm vụ rất quan trọng của tác phẩm văn học và của người viết. Di Li định hướng rõ ràng như vậy và những gì mình viết ra, ngoài điều mình thích thì cũng phải phục vụ độc giả.

Trong những câu chuyện của Di Li viết không chỉ đơn thuần mang tính giải trí giật gân mà nó còn bao hàm giá trị chân thiện mỹ rất rõ ràng. Đương nhiên độc giả họ tìm mua một cuốn sách thì họ phải tìm thấy trong đó cả một câu chuyện mang tính giáo dục về nhân văn và thẩm mỹ, còn nếu thuần chỉ để giải trí thì thực ra điều đó đơn giản quá đối với một người viết.

Tuy nhiên việc nhu cầu của độc giả nhiều khi rất khác với điều mọi người vẫn nghĩ. Có thể nó bao gồm vấn đề nhân văn và tư tưởng trong đó chứ không phải chỉ thị hiếu độc giả mà thôi. Nếu chạy theo thị hiếu thì những câu chuyện tình lãng mạn sẽ ăn khách hơn.

Không cho phép mình tự mãn

di-li-200.jpg
Nhà văn Di Li. Hình do nhà văn gởi.
Mặc Lâm: Di Li là người được nhiều tờ báo viết về mình một cách khá thân thiện, nếu không muốn nói là những lời có cánh. Có thể do tính khác lạ của tác phẩm cũng có, và do nét trẻ trung, kiến thức cũng có. Di Li có bao giờ nghĩ rằng sự nuông chiều của báo chí có thể làm mình hư hỏng đi không? Ít ra là tạo cho Di Li một sự tự kiêu ngấm ngầm?

Di Li: (Cười) Đây cũng là một câu hỏi rất nhiều người đặt ra cho mình. Di Li nhớ trong một lần, trong một đám rất đông Di Li cũng được một người khen một câu gì đó….những người chung quanh nói, ấy chết, em đừng có nghe họ nói mà phải bình tĩnh viết chứ nếu như nghe họ khen vậy mãi thì mình không viết được!

Di Li nghĩ rằng trước khi trở thành nhà văn, thì trong cuộc sống bình thường, khi còn rất trẻ thỉnh thoảng Di Li cũng nhận được những lời khen tặng trong cuộc sống vì ngoài chuyện viết văn Di Li còn làm rất nhiều việc khác. Nếu báo chí, thực như anh nói dành cho Di Li quá nhiều ưu ái như vậy thì đấy cũng là áp lực vô cùng lớn đối với Di Li. Thay vì ngủ yên trên chiếc vòng nguyệt quế thì mình cảm thấy một áp lực rất lớn không được dừng lại. Nếu mình dừng lại thì có lẽ áp lực còn lớn hơn.

Mặc Lâm: Là một nhà văn rất trẻ, theo Di Li thử thách lớn nhất của các nhà văn trẻ hiện nay là gì?

Thay vì ngủ yên trên chiếc vòng nguyệt quế thì mình cảm thấy một áp lực rất lớn không được dừng lại. Nếu mình dừng lại thì có lẽ áp lực còn lớn hơn.

Nhà văn Di Li

Di Li: Là người trong cuộc, thử thách lớn nhất của người viết trẻ hôm nay là thế giới quan của bản thân nhà văn ấy đối với mọi sự vật hay hiện tượng xung quanh. Một nhà văn cũng giống như một nhà nhiếp ảnh hoặc quay phim. Nếu anh ta chỉ nhìn được hoặc chụp được sự vật ở một góc độ duy nhất thì đôi khi đó cũng là hạn chế trong tác phẩm của anh ta.

Một người viết nếu như thế giới quan của họ rất rộng lớn anh ta không nhìn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới mà phải nhìn tất cả các góc độ từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Như vậy thì anh ta cần một sự trải nghiệm và biết cách khai thác vốn sống của chính mình.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Di Li và cũng xin cầu chúc Di Li luôn sáng tạo những tác phẩm khác lạ và xuất sắc hơn, và trong một chương trình sắp tới mong có dịp sẽ được trò chuyện thêm với Di Li…

Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe buổi nói chuyện của chúng tôi với nhà văn Di Li, hy vọng rằng sẽ có dịp điểm qua tác phẩm của chị trong một ngày gần đây. Xin cám ơn quý vị theo dõi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.