Nhà báo Võ Đắc Danh và loạt phim tài liệu ký sự “Vượt Lên Số Phận”
2009.08.22
Trong chương trình VHNT kỳ này, Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với anh xoay quanh về vấn đề thay đổi này nhằm tìm hiểu thêm lý do nào khiến anh chọn một vùng đất khác thay vì viết lách, mời quý vị theo dõi sau đây:
Nhà báo viết bút ký
Cách đây không lâu, người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long hào hứng với với những bài ký sự viết về họ do một nhà báo mang danh hiệu là người nông dân cầm bút. Người nông dân cầm bút ấy chính là Võ Đắc Danh. Anh từng là cây bút của nhiều tờ báo như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị, Người Lao Động…Tác phẩm làm Võ Đắc Danh nổi bật được biết đến rất nhiều mà các bút ký gây xôn xao dư luận nhất là Nỗi niềm U Minh Hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên. Qua các bút ký này anh trình bày sống động về những con người thật, những người nông dân miền tây suốt đời lam lũ trên cánh đồng để rồi bị trắng tay vì chính sách qui hoạch ruộng đất của nhà nước.
Đối tượng cụ thể của chương trình là những gia đình học sinh, phụ huynh có nghịch cảnh không may do số phận giáng xuống và mình lựa chọn để giúp họ vượt lên số phận.
Nhà báo Võ Đắc Danh
Võ Đắc Danh ngoài tài viết bút ký, anh còn có khả năng biên kịch, đạo diễn phim tài liệu và một trong những phim được biết đến của anh trước đây đã giành giải thưởng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999 với phim tài liệu Con Trâu. Võ Đắc Danh cũng đã từng thực hiện hơn 20 phim tài liệu và những thước phim này được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Võ Đắc Danh cũng là nhà báo có nhiều bút ký quay thành phim nhất. Tính tới nay anh đã được nhiều đạo diễn cũng như hãng phim truyền hình ký hợp đồng với hơn 12 bút ký nổi tiếng của anh.
Mới đây nhất nhà báo Võ Đắc Danh đã quyết định ra lập hãng phim riêng của mình với cái tên Đắc Danh phim, và tác phẩm đang được theo dõi nhiều nhất hiện mang tên “Vượt Lên Số Phận” nói về những cuộc đời bất hạnh mà từ lâu anh hằng theo dõi.
Cầm máy thay cầm bút
Khi chúng tôi hỏi anh đã từng rất thành công trong thể loại bút ký trước đây vậy thì lý do nào khiến anh cầm máy quay phim thay vì cầm bút. Nhà báo Võ Đắc Danh cho biết:
“Thật ra mà nói tôi đã làm phim tài liệu cách đây đã gần 20 năm rồi, làm gần 20 phim tài liệu cho các hãng trong nước và làm dưới dạng cộng tác chứ không phải là chính thức tự tổ chức sản xuất như bây giờ. Tôi nghiệm ra rằng trong lãnh vực văn học thì tôi mê thể ký, tức là mình chuyển từ chất liệu của đời sống thật thành hình tượng văn học. Trong lĩnh vực điện ảnh thì tôi lại mê tài liệu, tức là mình bám vào đời sống thực chứ không phải những con người, những sự việc mang tính hư cấu như là phim truyện. Trong văn học tôi lại không mặn mà với truyện ngắn hay tiểu thuyết và các thể loại mang tính hư cấu. Tôi nghĩ cái này cũng bắt đầu từ sở trường chứ không có gì quan trọng và cũng không có gì lạ”
Mặc Lâm: Giữa ngôn ngữ của văn học và ngôn ngữ của điện ảnh thì anh thấy cái nào tác động nhanh và sâu hơn?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Cái này cũng tùy thuộc vào chất lượng, độ rung của mỗi tác phẩm. Trong điện ảnh hay truyền hình thì nó là những hình ảnh trực quan tất nhiên tác động nhanh hơn tư duy trong văn học. Nhưng cả hai thể loại đều có những tác dụng nhất định tùy theo độ lắng của từng tác phẩm. Ví dụ khi xem lại những phim về những câu chuyện cách đây 10 hay 20 năm thì thấy xúc động hơn vì nó ghi nhận lại đời thực một cách sống động hơn bằng những hình ảnh cụ thể. Nó có những giá trị đặc biệt của tài liệu.
Tôi lấy ví dụ tập phim “ Sông Ray nắng bụi mưa bùn” kể về gia đình nghèo có hai đứa bé ham học phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đến trường thì có người cũng đưa con mình lên đó thăm để học tập tấm gương đó…
Nhà báo Võ Đắc Danh
Tôi không có sự phân biệt khi cân đong đo đếm giữa hai thể loại này, có điều khi làm mình trải hết cảm xúc vào trong tác phẩm còn tác dụng đến đâu còn tùy thuộc vào khả năng của mình đồng thời cũng tùy thuộc vào sự cảm nhận của công chúng.
Mặc Lâm: Tâm trạng nhân vật là điều khó thể hiện trong điện ảnh hơn là trong văn học, anh sử dụng yếu tố nào khắc phục tình trạng này.
Nhà báo Võ Đắc Danh: Có những điều mà trong bút ký không thể nói được khi mô tả nhân vật ngược lại đó là thế mạnh của hình ảnh. Có những điều trong điện ảnh hay truyền hình không nói được thì thể ký lại nói được cho nên thường thì tôi kết hợp cả hai. Trên hành trình làm một bộ phim tài liệu mà chất liệu không thể chuyển tải được bằng hình ảnh thì phải tiếp tục chuyển tải bằng bút ký. Tôi nghĩ đó là đam mê của mình chứ không nghĩ mình gửi thông điệp gì cho đời sống, chỉ có điều mình chia sẻ những nhân vật của mình cho đến tận cùng với những gì mình cảm nhận được.
Tôn vinh, đóng góp những thành phần bất hạnh
Mặc Lâm: Đắc Danh phim đã cho ra mắt một loạt phim ngắn mang tên là “Vượt Lên Số Phận”, anh có thể cho biết đôi điều về công việc mới này của anh hay không?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Trong hành trình đi làm phim Vượt Lên Số Phận tính đến nay đã phát được 17 tập chỉ trong hơn bốn tháng, có thể nói tác dụng của loạt phim này đối với đời sống xã hội rất tốt. Qua những câu chuyện mình tôn vinh những con người nghèo khổ, gặp nghịch cảnh nhưng họ có đủ nghị lực, đủ ý chí vượt lên để cho thế hệ sau được thay đổi đời sống bằng con đường tri thức, thay đổi số phận bằng con đường học vấn. Nó có tác dụng có thể gọi là tuyên truyền quảng bá. Khi mình tôn vinh những nét đẹp đó đến với cộng đồng thì ngược lại mình bắt gặp sự chia sẻ rất lớn từ phía cộng đồng. Qua đó mình thấy lòng nhân ái trong đời sống tiềm ẩn rất lớn mà khi mình khơi dậy thì lòng nhân ái đó bật lên và người ta đến với những nhân vật của mình. Nhu cầu làm từ thiện, nhu cầu giúp người khác ở bất kỳ đất nước nào cũng có và người cầm bút có trách nhiệm phải khơi dậy lòng nhân ái đó.
Mặc Lâm: Khi anh đặt tên cho loạt phim này là “Vượt Lên Số Phận”, phải chăng anh đã nhắm tới một thành phần trong xã hội bất hạnh vì định mệnh riêng của họ chứ không phải từ tác động của xã hội hay của chính quyền đã hình thành nên các số phận này.
Nhà báo Võ Đắc Danh: Theo khái niệm của dân gian thì xem số phận như là một định mệnh đã an bài cho mỗi đời người. Từ cách hiểu, cách nhìn mang tính đời chúng như thế nên chúng tôi chọn đặt tên cho chương trình là “Vượt Lên Số Phận”. Đối tượng cụ thể của chương trình là những gia đình học sinh, phụ huynh có nghịch cảnh không may do số phận giáng xuống và mình lựa chọn để giúp họ vượt lên số phận. Nhưng thật tình mà nói thì bản thân họ cũng đang có những ý chí nghị lực để vượt lên nhưng lực bất tòng tâm, tự thân họ không vượt qua được thì sự hỗ trợ của mình tiếp cho họ thêm chút sức mạnh để họ vượt qua.”
Mặc Lâm: Trong những thước phim này anh có nhận được các phản hồi tích cực từ phía người xem cũng như những nhân vật được miêu tả hay không?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Thật ra tôi không đặt mục tiêu là kêu gọi mà trong những ký sự, những tập phim tài liệu tôi chỉ đi tìm cái đẹp của họ để tôn vinh mà thôi. Bản thân chương trình cũng hỗ trợ họ một phần. Cộng đồng quan tâm tới họ không phải bằng sự thương hại mà là sự chia sẻ trân trọng đối với họ. Bản thân chương trình không đi kêu gọi lòng thương hại đối với những thân phận nghèo khổ, không kể nghèo kể khổ mà là đề cao những nét đẹp trong phẩm giá của họ. Đó là những tấm gương sáng để cộng đồng noi theo và cảm nhận, tự đặt mình vào cảnh ngộ đó.
Bản thân chương trình không đi kêu gọi lòng thương hại đối với những thân phận nghèo khổ, không kể nghèo kể khổ mà là đề cao những nét đẹp trong phẩm giá của họ.
Nhà báo Võ Đắc Danh
Tôi lấy ví dụ tập phim “ Sông Ray nắng bụi mưa bùn” kể về gia đình nghèo có hai đứa bé ham học phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đến trường thì có người cũng đưa con mình lên đó thăm để học tập tấm gương đó và tất nhiên họ cũng giúp một số tiền khá lớn cùng quần áo và dụng cụ học tập. Nhưng cái chính là họ chia sẻ, họ có sự đồng cảm và trân trọng chứ không phải họ thương hại.
Mặc Lâm: Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ trở về với vai trò của nhà báo Võ Đắc Danh cùng với những trang bút ký sau khi đã khai thác cạn nguồn cảm hứng “Vượt Lên Số Phận”?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Thật ra tôi đang bị cuốn hút vào chương trình “Vượt Lên Số Phận”để đóng góp gì đó cho đời sống những người nghèo, những học sinh nghèo hiếu học. Mặc dù tôi không thể nói trước nhưng tôi tin rằng những điều lắng lại sau những câu chuyện này có thể sẽ là những trang viết rất tốt về tình người, về lòng nhân ái, về ý chí và phẩm giá của con người.”
Mặc Lâm: Như vậy theo anh thì chương trình này có khả năng kéo dài trong bao lâu?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Theo nhà tài trợ là chương trình từ thiện xã hội của tập đoàn tài chính ngân hàng Á Châu thì họ mong muốn làm lâu dài nhiều năm nữa. Nhưng bên cạnh “Vượt Lên Số Phận” thì tôi đang xúc tiến một vài dự án khác như “Hành Trình Di Sản” làm một loạt phim về di sản văn hóa của VN trong đó bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa thiên nhiên hoặc dự án “Phong Lưu Miền Châu Thổ” nói về đặc trưng văn hóa của đồng bào sông Cửu long gắn với lịch sử khẩn hoang. Đại khái là những dự án về đất nước, con người. Điều mong muốn từ lâu của tôi là làm được cái gì đó mang dấu ấn, bản sắc của nền văn hóa Việt.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Võ Đắc Danh đã dành thời gian cho thính giả của đài Á Châu Tự Do ngày hôm nay.