Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan sinh năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1978 thi đỗ vào khoa Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng không theo học khoa này mà học một khóa bồi dưỡng về báo chí của trường Tuyên huấn Trung ương.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010.01.24

Từ 1994 đến 1998 học tiếng Anh hệ tại chức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ 1978 làm phóng viên cho báo Chính Nghĩa. Từ năm 1985 đến nay làm phóng viên và biên tập viên thời sự cho báo Người công giáo Việt Nam.

Tác phẩm: Đã in ba tập thơ - Một, Hai, Ba, Nxb Văn học 1994, Nhật kí và bài tập, Nxb Văn học 1995, Gửi một mùa cổ điển, Nxb Văn học 1997. Từ tháng 7 năm 2004 viết nhiều bài phê bình văn học cho tạp chí Người Hà Nội.

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông xoay chung quanh đề tài văn học trong nước và hải ngoại. Trước tiên chúng tôi đặt câu hỏi:

Tuổi tác và tư duy văn học

Mặc Lâm: Là người quen thuộc với nhiều tác giả qua các bài viết phê bình văn học, khoảng cách tuổi tác cùng tư duy văn học của họ gây ấn tượng gì nơi ông?

Nguyễn Chí Hoan: Thật ra thì cũng không phải quen biết nhiều tác giả lắm. So với số tác phẩm được đọc thì tác giả quen biết không nhiều. Nói về ấn tượng trong những năm gần đây đối với người quan sát thì văn học Việt Nam tăng tiến theo chiều tăng tiến của xã hội. Đấy là ấn tượng chung nhất đối với văn học.

Theo tôi thấy các nhà văn tạm coi là lớp trước, chủ yếu là tư duy văn học phản ảnh cái lối trực diện hiện thực đó.

Nguyễn Chí Hoan

Còn thứ hai khi đề cập đến khoảng cách tuổi tác, tư duy văn học, trước đây người ta vẫn có thành kiến chung đối với nhà văn ở lớp lớn tuổi hơn đặc biệt những nhà văn trở về sau thời kỳ chiến tranh thì thường viết về những câu chuyện quá khứ, kỷ niệm. Còn lớp nhà văn mới cuối năm 90 đổ lại đây viết về cuộc sống cá nhân của họ trong xã hội hiện tại.

Tôi thì tôi nghĩ nét phân biệt ngày càng xóa nhòa đi. Khoảng cách tuổi tác trong các nhà văn bây giờ không thể hiện rõ rệt trên tác phẩm như trước. Một trong những nét chung ở Việt Nam mà tôi vẫn quen gọi là nhà văn trẻ, tức là hàm ngụ có những nhà văn ở cái lớp không còn trẻ nữa ở lớp trước. Tất cả những người hiện còn đang viết trong cả hai thế hệ đó đều viết đều và viết tốt. Nói chung là người ta đáp ứng thị hiếu đương thời nhiều mức độ khác nhau. Tất nhiên nó đa dạng phong phú về câu chuyện hoặc đề tài nhưng ý thức đáp ứng nhu cầu người đọc rất là rõ.

Về tư duy văn học là cái mà nó gây ấn tượng nhiều hơn là về tuổi tác, thế hệ. Theo tôi thấy các nhà văn tạm coi là lớp trước, chủ yếu là tư duy văn học phản ảnh cái lối trực diện hiện thực đó. Thế còn lớp nhà văn trẻ từ 90 trở lại đây, theo tôi thì họ có lối văn học biểu hiện chủ yếu kể những câu chuyện về mình và liên quan đến bản thân mình đứng trên nội dung câu chuyện.

Thế còn lớp nhà văn trẻ từ 90 trở lại đây, theo tôi thì họ có lối văn học biểu hiện chủ yếu kể những câu chuyện về mình và liên quan đến bản thân mình đứng trên nội dung câu chuyện.

Nguyễn Chí Hoan

Còn những điều họ tập trung chú ý vào khai triển các chiều kích của con người cá nhân mà điều kiện con người xã hội, tưởng là văn học tăng tiến cùng với tăng tiến của xã hội đó thì xã hội có những bước cởi mở rất lớn so với trước và mức độ hội nhập vào đời sống thế giới tăng rất nhanh, có thể nói tăng nhanh như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với tất cả những cái đó, biểu hiện xu hướng bùng nổ của nhà văn trẻ để bộc lộ cuộc giải phóng cá thể thì tôi nghĩ cũng là một điều tự nhiên.

Ảnh hưởng của phê bình văn học

Mặc Lâm: Theo ông thì các bài viết phê bình văn học có ảnh hưởng gì đối với người sáng tác trong tình hình hiện nay?

Nguyễn Chí Hoan: Ở đây mọi người cũng có những nhận xét chung như thế kể cả trong giới chuyên môn hay ở những người viết. Ảnh hưởng phê bình văn học ở đây đối với sáng tác thì hầu như là khó thấy. Nhưng theo tôi trong mức độ phát triển hiện nay của văn học Việt Nam cũng như bộ phận người ta gọi là phê bình văn học thì tôi nghĩ người ta trông đợi rằng phê bình tác động người đọc là điều dễ nhận thấy.

Nhưng theo tôi trong mức độ phát triển hiện nay của văn học Việt Nam cũng như bộ phận người ta gọi là phê bình văn học thì tôi nghĩ người ta trông đợi rằng phê bình tác động người đọc là điều dễ nhận thấy.

Nguyễn Chí Hoan

Việc thứ hai người ta trông đợi ở phê bình cũng là các nghiên cứu văn học và những nghiên cứu về lý thuyết, tác động đến hệ tư tưởng thẩm mỹ hiện nay do buổi giao thời kéo dài có những xô đi đẩy lại và nó không có tầm vóc về mặt thẩm mỹ. Xâm thực văn hóa từ bên ngoài tạo nên rất nhiều đảo lộn và thực ra ai cũng thấy một bộ phận khá đông người đọc không có lựa chọn cho tốt theo hướng xây dựng văn hóa vừa hiện đại mà vừa lành mạnh theo cái nền nếp xã hội hiện hành. Tôi nghĩ người ta trông đợi người phê bình hai điểm đó là chính.

Những khó khăn của các cây viết trẻ

Mặc Lâm: Cái yếu của những cây viết trẻ mà ông thường gặp là gì?

Nguyễn Chí Hoan: Những cái yếu của các nhà văn viết trẻ theo tôi thì có một vài. Trước hết tôi nói về điều kiện để họ thực hiện tác phẩm, xã hội hóa tác phẩm của họ. Khoảng mươi năm nay có lẽ là trong nước cũng không biết rõ thì những quan sát ở bên ngoài cũng không thể nào lưu tâm được. Bởi vì họ xuất bản tác phẩm gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện các nhà xuất bản và các công ty văn hóa, dưới dạng công ty tư nhân họ làm trong lĩnh vực liên kết xuất bản của các nhà xuất bản của nhà nước, đồng thời phát hành sách báo tất cả những thể chế xuất bản ấy nó bị ảnh hưởng thị trường rất mạnh.

Khía cạnh thứ hai là những người viết trẻ, trừ những khuôn mặt thật xuất sắc, nói chung họ thiếu những học tập nghiên cứu về văn học, về sáng tác cho nên họ thiếu tự tin trong việc đưa tác phẩm ra xuất bản.

Nguyễn Chí Hoan

Họ buộc phải làm điều gì đó để duy trì lợi nhuận cho doanh nghiệp của họ cho nên những người viết trẻ không đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không thể gây được sự chú ý thì không xuất bản được tác phẩm của mình. Khía cạnh thứ hai là những người viết trẻ, trừ những khuôn mặt thật xuất sắc, nói chung họ thiếu những học tập nghiên cứu về văn học, về sáng tác cho nên họ thiếu tự tin trong việc đưa tác phẩm ra xuất bản.

Văn học phát triển theo đổi mới xã hội

Mặc Lâm: Dự đoán về tình hình văn học Việt Nam trong chu kỳ 25 năm tới, điều gì làm ông lạc quan nhất và ngược lại?

Nguyễn Chí Hoan: Tôi không nghĩ đến cái chu kỳ 25 năm, bởi vì tôi không thấy nó có một chu kỳ như vậy trong văn học Việt Nam, ít nhất là từ 25 năm đổ lại đây. Tôi nghĩ là nếu có chu kỳ trong các phát triển văn học tại Viêt Nam thì có lẽ nó là chu kỳ những đợt sóng kể từ khi có cuộc đổi mới trong toàn bộ lĩnh vực của xã hội thì tôi thấy văn học Việt Nam phát triển theo những đợt sóng. Sóng nọ sắp xuống thì sóng khác gối lên. Tôi nghĩ là trong vòng độ 5 năm tới đây có thể nói là lạc quan.

Trong những hoàn cảnh xã hội Việt nam hiện nay thì việc nhà nước duy trì một chính sách văn hóa và gần đây có sự quay trở lại đối với toàn bộ hiện trường văn học và phát triển văn học nói chung được chú ý trở lại.

Mặc Lâm: Vai trò của các đoàn thể, cơ quan hay các nhà xuất bản có giúp gì cho sự phát triển văn học trong xã hội hay không thưa ông?

Nguyễn Chí Hoan: Đoàn thể mà các cơ quan có liên quan người ta có lẽ không trực tiếp giúp đỡ nhiều cho người trẻ, đặc biệt là những người trẻ làm văn học chuyên nghiệp, nhưng mối quan tâm xã hội đối với nó có tăng lên vị thế của người viết và người đọc có mặt thuận lợi.

Mặc Lâm: Và ông có đánh giá cuối cùng như thế nào về tác động nhân quả của người đọc và người viết thưa ông? Có bi quan lắm không?

Nguyễn Chí Hoan: Tôi nghĩ toàn bộ những vận động đó nó cho thấy là số lượng người đọc, lượng độc giả tiềm tàng trong văn học nó tăng lên có thể không mạnh lắm nhưng nó tăng đều đặn và có lẽ đó là hậu thuẫn mạnh nhất cho triển vọng xuất hiện các tài năng văn học sẽ thu hút mạnh hơn. Ngoài ra điều ngược lại bi quan thì đối vối tôi không thấy có gì đáng gọi là bi quan.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.