Nguyễn Đức Liêm – Gã say thích nghịch thơ
2010.05.29
Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm sinh ngày 8 tháng 12 năm 1941, ở tỉnh Kiến An, trong một gia đình lễ giáo nho phong. Đến năm 1954, gia đình ông di cư vào Nam. Từ đó, Nguyễn Đức Liêm học hành và trưởng thành trên đất Sài Gòn. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An và Đại học Luật Khoa Sài Gòn.
Tốt nghiệp trường Luật, Nguyễn Đức Liêm bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật khi ông theo học nghề đạo diễn với các đạo diễn truyền hình NBC, rồi sau đó làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam cho đến năm 1975.
Ông sang Mỹ tị nạn chính trị, làm đủ các nghề để sinh sống và để… làm thơ. Trong 35 năm sống trên xứ người, Nguyễn Đức Liêm tích góp được khoảng một ngàn trang thơ, tùy bút và thơ tùy bút. Tuyển tập Nguyễn Đức Liêm ra đời do công lao “đốc thúc” của bạn bè, để đánh dấu cột mốc “1000 trang thơ” này.
Trong buổi ra mắt tuyển tập, Nguyễn Đức Liêm cho biết về hai văn tài có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thơ ông, đó là Kim Dung và Alexandre Dumas. Câu chuyện bắt đầu từ lần theo gia đình tản cư năm 1947:
“Một hôm, tôi len lỏi vào một ngôi nhà ở rất sâu trong ngõ Duối. Ngôi nhà rất rộng, ba gian, trên mái ngói, cột nhà bằng gỗ lim trồng trên nền đất trị. Chắc chủ nhà mới chạy nên sập gụ, tủ trà còn nguyên. Đầy một nhà những trướng, liễn, hoành phi, câu đối.
Lần xuống căn nhà ngang, tôi lạc vào một thế giới không biết cơ man nào là sách. Trong chiếc đầu tí hon của tôi lúc đó tự hỏi, không biết sách chữ quốc ngữ ở đâu mà nhiều như thế này. Hàng lô truyện dịch của Tàu như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc, Thủy Hử, Đảng Thống Chí (tức Tục Thủy Hử), rồi Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Chung Vô Diệm, Thuyết Đường, Phản Đường… Chính những cuốn sách võ hiệp mới còn ở giai đoạn quyền cước này sẽ mở đường cho không gian chưởng của Kim Dung sau này.
Tôi lúc đó mới biết đọc, biết viết chừng hơn 1 năm, một năm rưỡi gì đó, nhưng sẵn máu tiểu thuyết trong số tử vi, cho nên mừng ơi là mừng, như đi vào chỗ không người. Trong mấy ngày liền, tôi lúc đó mới lên 6, lên 7, mà đã làm một chuyện vô cùng phi pháp, là nghiễm nhiên lon ton bê gần hết tủ sách của người ta về nhà trọ của mình, cho các anh các chị truyền tay nhau đọc. Rồi mình cũng bắt đầu học đòi mê mãi kế ai.
Tiếp tục đọc như vậy cho đến khi chạy sang làng khác thì chia nhau nhét vào đám đồ đạc, chỗ này một cuốn, chỗ kia hai ba cuốn. Riêng tôi còn ẵm theo nguyên một bộ võ hiệp, không phải của Tàu, mà của Tây, đó là cuốn “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas, do Nguyễn Văn Vĩnh xuất thần dịch hay ơi là hay!”
Thơ và rượu là một
Chỉ cần đọc thoáng qua tuyển tập Nguyễn Đức Liêm, ngay cả một kẻ ngoại đạo khô khan nhất trong thánh đường thơ cũng sẽ dễ dàng nhận ra chất men của rượu nồng nàn trong từng trang thơ. Ông đúng là một gã say thứ thiệt, chứ sao nữa, khi ông ngông nghênh tự họa mình trong bài “Bạch Huyền Hồng”:
Lụa bạch cuốn nắng đào
hỏi nhánh hạt huyền
Ngoài vũ trụ
còn trăng nhưng hết rượu
ba người kia bèn cả tiếng thơ cười
cùng nhau uống rượu bằng trăng
Họ là ai đấy nhỉ
Có tiếng vọng trả lời
Hai người kia là
Omar Khayyam và Lý Bạch.
Gã say Nguyễn Đức Liêm khi uống vào, cũng như bao gã say khác, coi trời bằng vung.
Một ly là đến ngàn ly đấy
Đẹp nhất trên đời hãy xuống đây
Cả nước nghe không đừng quậy nữa
Ngồi im thì được ngắm ta say
(Tứ tuyệt)
Có thể tìm thấy trong Tuyển tập Nguyễn Đức Liêm một bar rượu, với tên của các loại rượu Tây, nhặt ra từ các vần thơ, thậm chí ngay trên tựa đề bài thơ. Nói như diễn giả Nguyễn Minh Diễm trong buổi giới thiệu tuyển tập, rằng:
“Tôi có cảm tưởng như nếu chúng ta giở tập thơ này ra, chúng ta giở những bài thơ đó ra, rồi mỗi lần chúng ta nhìn những bài thơ đó, đọc những câu thơ thì chúng ta cũng có thể nhắm một món được rồi, thay cho rượu. Khỏi phải uống đâm ra hại cho sức khỏe!”
Gã say Nguyễn Đức Liêm vốn tự cho mình là kẻ uống rượu có bản lĩnh, nghĩa là đánh mất mình nhưng lại rất nhớ mình, lúc say lại là lúc tỉnh. Gã tỏ ra thích thú khi sử dụng các con số bởi gã vốn là dân ban Toán của trường Chu Văn An trước kia, chẳng hạn như:
Một vạn rưỡi
Hai vạn rưỡi
Ba vạn rưỡi
Ba vạn sáu
Ba vạn bẩy
Ba vạn tám
Ba vạn chín nghìn
Chai
(Đời trong chai)
Gã tự thú nhận về sở thích mê con số của mình, rằng:
Thơ tôi tính toán cộng trừ
Nhân chia từng cõi sương mù nhân gian
(Con sông du đãng)
Nguyễn Đức Liêm say đến nỗi không những sử dụng con số để tính toán “cõi sương mù nhân gian”, mà còn đong đếm cả trong chuyện tình.
Đêm nay Nguyễn Đức Liêm buồn
Yêu hai lần rưỡi nhưng còn nhưng thôi
(Cognac nói)
Hay như:
Thưa tôi xin có bấy nhiêu
Mà cô nói phải bao nhiêu giữ gìn
Tôi đương ba vạn sáu nghìn
Mê tơi ba vạn chín nghìn mà cô
(6/9)
Đối với ông:
“Thơ và rượu là một. Nó nâng đỡ tinh thần tôi. Nó đã thêm thắt cuộc sống cho tôi. Nó sẽ vỗ về tôi khi tôi chết. Nó cổ như đạo đức kinh. Nó mới lạ như lối diễn xuất của James Dean trên màn ảnh Hoa Lệ Ước. Nó dạy tôi những bí mật về tâm linh. Nó gạch nối tôi với ba nghìn thế giới.”
Nói thế, nhưng diễn giả Nguyễn Minh Diễm đã không ngại phơi ra nỗi niềm của một gã say, khi ông nói về thơ của Nguyễn Đức Liêm:
“Song hành với lưu linh cũng đồng nghĩa với cô đơn. Tại vì ai, vì sao? Có ai say mà không tỉnh đâu? Mà có ai tỉnh sau lúc say mà lại không thấm thía nhận ra sự bất lực của chất men như một phương cách tiêu sầu hay giải tỏa cô đơn, dù là sau men rượu có là quay cuồng tiếp trong men tình?”
Riêng gã say, trong một lúc không có rượu, đã thú nhận:
Tôi mượn rượu để làm thơ. Chúng tôi lợi dụng lẫn nhau, tôi và thơ và rượu lợi dụng lẫn nhau, nhiều khi rất vô lối, nhưng cái vô lối đó nó sảng khoái, nó cho người ta một cuộc sống rất trọn vẹn.
Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm
“Tôi mượn rượu để làm thơ. Chúng tôi lợi dụng lẫn nhau, tôi và thơ và rượu lợi dụng lẫn nhau, nhiều khi rất vô lối, nhưng cái vô lối đó nó sảng khoái, nó cho người ta một cuộc sống rất trọn vẹn.”
Người đọc sẽ rất dễ tìm thấy ngay ID của Nguyễn Đức Liêm qua những “dấu vết” ông để lại trong thơ. Ở đó, có sự hòa trộn, ảnh hưởng của cả ba nền văn hóa khác nhau là Việt, Pháp, Mỹ. Trong thơ ông, người ta thấy có đủ cả ba thứ ngôn ngữ mà ông chịu ảnh hưởng, chỉ trong vài vần thơ:
Thế nhưng
tôi khen ngợi
nước Đại Pháp Lan Tây
đã đản sinh ra
muôn loài vang máu chúa
và nhất là
đây lại nói về loài v.s.o.p.
Này “very special old pale”
hay “variété supérieure d’origine patentée”
hay gì gì đi nữa
cũng cứ việc mà
“verser sans oublier personne” đi nhé
nghe em
(V.S.O.P)
Có lẽ vì những ảnh hưởng giao thoa của các nền văn hóa mà thơ Nguyễn Đức Liêm có nét lạ và mới, như lời nhận xét của chị Ngọc, một khách mời trong ngày ra mắt tuyển tập thơ:
Thường thường những nhà thơ lớn tuổi của Việt Nam có ảnh hưởng của Đông phương nhiều hơn, nhưng thơ của anh, mình nghe thì thấy lác đác có ảnh hưởng chiều hướng Tây phương nhiều hơn, thành ra rất hay, rất lạ.
Chị Ngọc
“Thơ của anh có khuynh hướng phóng khoáng, ảnh hưởng Tây phương, như anh đã nói, nhưng mà rất là lạ. Thường thường những nhà thơ lớn tuổi của Việt Nam có ảnh hưởng của Đông phương nhiều hơn, nhưng thơ của anh, mình nghe thì thấy lác đác có ảnh hưởng chiều hướng Tây phương nhiều hơn, thành ra rất hay, rất lạ.”
Đọc thơ ông, dễ có cảm tưởng như Nguyễn Đức Liêm là một kẻ thích nghịch ngợm chữ nghĩa. Ông giống như một cậu bé thích chơi trò Logo, tỉ mẩn sắp xếp câu chữ ngược xuôi, rồi vỗ đùi cười khoái chí khi tìm ra quá nhiều kết quả về ý nghĩa.
Loan
nhớ lại đi em
Em là người anh không quen biết
Em là người không quen biết anh
Nhớ lại đi em
Đi em nhớ lại
Dù cho vật đổi sao dời
đừng quên em nhé
đừng quên nhé em
(Loan và một bài thơ của Jacques Prévert)
Nguyễn Đức Liêm có tài chơi với chữ. Ngoài ngữ nghĩa, ông còn chơi với âm thanh:
Nắng vang vang
Nắng nắng
Vàng vàng
Nắng nắng
(Khi Mã Nhật Tân Đoài)
Ông chơi với cả dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng:
Em
đến rất sắc
và ra đi thật nặng
trước khi anh hỏi
vào thơ anh ngã
xuống đáy lưng ong
đương thắt thoại
của em huyền
(Yêu dấu)
Nửa thế kỷ nghịch ngợm với con chữ, Nguyễn Đức Liêm để lại cho sân chơi cuộc đời 9 tuyển tập, là kết quả của những cuộc chơi. Nhà văn Trần Lam Giang trong phần giới thiệu về Nguyễn Đức Liêm đã dùng hai từ “tài hoa” để khen ông, thế nhưng, nếu phải kết luận về bản thân, Nguyễn Đức Liêm chắc chắn sẽ bảo “Chả nhẽ tôi lại nói về tôi” như ông đã từng bảo trong “Uyênắngió”.
Riêng trong mắt bè bạn, dù ông có là bậc thầy về chơi chữ hay chỉ là một gã say ngông nghênh, thì ông vẫn mãi là gã “Liêm gàn” như biệt danh họ đã gán cho ông từ những ngày thơ bé.
“Kêu là “Liêm gàn” từ hồi nhỏ, thành ra hơi gàn gàn, hơi ngang ngang một chút nhưng mà vui lắm, chơi với bạn bè rất là thân tình.”
Vừa rồi là những nét phác họa về nhà thơ Nguyễn Đức Liêm và tuyển tập thơ của ông. Khánh An thân ái chào tạm biệt quý thính giả.