Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh tại TP Đà Nẵng năm 1972, vừa là nhà thơ, nhà văn, phê bình văn học và cũng là nhà báo, hiện sống và làm việc ở Sàigòn.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010.03.07
nguyen-huu-hong-minh-305.jpg Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (phải) và đạo diễn Hồ Quang Minh
Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com

Anh từng đạt nhiều giải thưởng văn học về Thơ và Truyện ngắn của các các báo, tạp chí trong nước như Tiền Phong (1990), Tuổi Trẻ (1996), Sông Hương (2003). Ngoài sáng tác anh còn dịch thuật và viết tiểu luận phê bình.

Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh từng được giới thiệu trên tạp chí Thi Bình (số 5-2005) và trên website Văn chương Việt Nam - Hàn Quốc (www.vietnamkorea.org) của viện Chấn hưng Nghệ thuật Hàn Quốc.

Trên tạp chí này, Nguyễn Hữu Hồng Minh được đánh giá là một trong những nhà thơ trẻ triển vọng, có nhiều cách tân thơ đột phá ở VN.

Nhà thơ trẻ hiện đại

Nguyễn Hữu Hồng Minh, từng gây tranh luận về sự đổi mới quyết liệt trong thơ ca cùng những bạn viết đồng lứa như Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Cầm Hải…Giới phê bình cho rằng họ đều là những người có sự "cách tân đặc biệt" về thơ. Anh là tác giả của các tập thơ "Giọng nói mơ hồ" (NXB Trẻ, 1999), "Tháo đáy" (NXB Thanh Niên, 2000), "Chất trụ" (NXB Thuận Hóa - Huế, 2002), "Vỉa từ", "Muối và đá"…

Một số thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc và Đức.

Sáng tạo thi ca nó gần như một cuộc chơi, nó cũng giống như định mệnh, sứ mệnh. Bởi vì tôi làm thơ trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

“Sáng tạo thi ca nó gần như một cuộc chơi, nó cũng giống như định mệnh, sứ mệnh. Bởi vì tôi làm thơ trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Từ nhỏ, bố tôi là nhà thơ Đông Trình sống tại Đà Nẵng, nhà tôi là cái nơi mà rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng lui tới. Thành ra thường xuyên có những cuộc vui, trao đổi thi ca nghệ thuật và tôi học được rất nhiều. Sau này tôi đã nhờ vào đó để sáng tác.”

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa cho biết những thuận lợi trong môi trường sáng tác của anh ảnh hưởng đến cách nghĩ và viết của anh như thế nào. Thật ra, hạt mầm gieo vào đất tốt thì tăng trưởng dễ dàng hơn là chuyện hiển nhiên, thế nhưng chính chất lượng của hạt giống mới là điều quyết định. Các sáng tác của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chứng tỏ anh là hạt giống tốt trong mảnh đất văn nghệ tương đối cằn cỗi hiện nay. Qua cách anh tra vấn, thực nghiệm, xoay chiều chủ đề để nghiền ngẫm, cũng như tiếp cận một cách sáng tạo những thầm thì hết sức bất chợt của ý tưởng, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã mang đến người đọc những sáng tác ấn tượng khó quên bằng cung cách rất riêng, đầy khai phóng.

Thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đa chiều và người đọc đôi khi vấp váp trước những gai góc của ngữ nghĩa, hay các đột biến mà chính tác giả cũng tỏ ra bất ngờ. Hồng Minh viết nhiều thể loại nhưng đối với anh thơ vẫn là điều gì đấy linh thiêng nhất được anh thực hiện với một thái độ gần như tuyệt đối trân quý. Thơ của anh khó khăn và đầy trăn trở trong từng con chữ. Thái độ nghiêm túc này đôi khi làm thơ anh khô nứt những trằn trọc, suy gẫm.

 

MÙA HÈ CHÁY

Một mùa hè cháy

Một mùa hè nóng nực

Ta con suối lãng quên, khô cạn

Muộn phiền

 

Tuổi trẻ trên những chiếc lá phong tố

Sa mạc hoang vắng nỗi niềm

Ta đi không mặt trời không chân trời

Mùa hè chở ngày tháng qua


Thời gian găm vào tim nỗi đau

Tiêm vào hồn thuốc độc

Bao mùa hè như cốc rượu xoay trên tay

Cầm nắm những chiếc hư vô

Hơi thở mặt trời tan

Như đá khuấy lanh canh trong phiếm ly

 

Những câu thơ tàn tạ như mùa hè

Như thiếu phụ hết nhan sắc

Huẩy mông chiếc đuôi bò

 

Chết chìm trong ta những mùa những mùa sáng thế!

Bải thơ mà Trân Văn vừa đọc có tựa đề: Mùa Hè Cháy của Nguyễn Hữu Hồng Minh sáng tác vào năm 2009.

Nhà phê bình văn học đầy sáng tạo

nguyen-huu-hong-minh-250.jpg
Nhà thơ chụp ở đài Tưởng Niệm Quốc Tế Vô Sản. Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com.
Nguyễn Hữu Hồng Minh còn là một nhà phê bình văn học đầy sáng tạo. Anh nhìn vấn đề bằng nhiều đôi mắt. Bên cạnh thính giác nhạy bén cộng với một trực giác mạnh mẽ, ngòi bút anh đè các vết mực trên từng biến thể của văn bản một cách chính xác mà nhiều khi người sáng tác không kịp nhận ra.

Cũng đôi khi qua thơ, Nguyễn Hữu Hồng Minh vẽ chân dung mình thành một nhân vật hai mặt, vừa là nhà thơ hồng hộc rượt đuổi ý tưởng vừa là nhà phê bình vặn ốc vít vào từng vết rơi của âm thanh, của sắc màu, của ẩn nghĩa mà nhà thơ đánh rơi trên văn bản.

 

GỬI MỘT NHÀ PHÊ BÌNH

 

Anh quá gồ ghề, gân guốc!

Xin lỗi, tôi đang đối thoại với bức tường

Những tiếng iing oong iing oong vọng lại

 

Anh quá ngầu với bộ cánh lý thuyết xám xịt

Chưa nói đã vỗ cánh

Bụi tung mù

Tôi thấy những con gián điên cuồng chạy ra

Ngôn ngữ rậm như cánh rừng thủy sinh

Và anh, tiếng nói ngậm rễ cây

Những cái rễ chết dưới hầm nối những thời đại hoang tàn
                             Giờ đây tiếp tục bị thẩm tra,
                                                              Tiếp tục dựng dậy treo cổ
Và anh, nhà phê bình đồ tể với lưỡi đao phục sinh ngôn ngữ
Những lớp muối trên mắt anh, nhìn mặn đời sống!

Anh quá uy nghiêm
Còn hơn cả tượng đài
Tiếng nói thầm như dòng sông ngược hướng

Những lớp nghĩ quăn lại - Vảy cá nhám
Những lô-gíc kéo giãn, co chùn chớt nhả dây thun?
Chúng ta làm gì với những viên đối thoại?
Phổi bò

Một làn hơi của khói nóng
Mà không thể phá tan
Uổng thay!

Và thơ
Thơ vẫn long lanh
Đá lạnh
Kêu và tan tuyệt vời trong nước...

Chúng ta vừa nghe bài thơ “Gửi một nhà phê bình”của Nguyễn Hữu Hồng Minh do Việt Long đọc.

 

Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng có những bài thơ ngắn và buồn kỳ lạ mặc dù những điều anh thầm thì đôi khi rất tối nghĩa. Hình như âm thanh được anh dùng trong thơ có khả năng phủ dụ người đọc san phẳng bớt những con chữ yếu ớt hay lấp đầy thêm những ẩn dụ xuất hiện một cách lấp lửng. Chẳng hạn như bài thơ mang tên “Hẻo Lánh” sau đây

 

HÉO LÁNH

Những ký hiệu không rõ nghĩa

Những đoạn đời tù mù

Những góc khuất tối tăm

Câu nói nửa chừng, bài thơ viết dở

 

Và những…

 

Cuốn sách đọc quăn trang

Gạch bỏ

Nửa ngày qua đêm

Nửa chiều qua trưa

Cơn nóng lạnh không hình thái

Không buồn vui

Không dửng dưng, trơ trọi

Thành phố đi về những vết mụn trên mặt

Cơn điên bất thường

Ngã tư, ô chéo

Từ đây đến hết đời

Tim bão bùng

 

Và sau nữa…

 

Tiếng con chó sủa đêm

Khao khát

 

Chỉ cơn mưa

Anh biết

Bong bóng vỡ cuộc đời héo lánh…

 

Viết truyện ngắn với kỹ thuật làm thơ

thao-day-1-200.jpg
Bỉa tập truyện ngắn "Tháo Đáy". Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com.
Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng viết truyện ngắn nhưng với kỹ thuật của một người làm thơ. Gắn liền ý tưởng vào nhau bằng những câu rất ngắn. Truyện của anh chắt lại như những giọt cà phê nguyên chất. Vì nguyên chất nên đắng chát và làm khó chịu cho người đọc dễ tính.

NƠI TRÚ ẨN AN TOÀN - TRUYỆN NGẮN

Một người vì quá sợ hãi đã quyết định đào một cái hố nhảy xuống để trốn. Ban đầu chỉ là một cái lỗ nhỏ đủ cho y giấu hai tay mình cốt không ai biết y làm gì. Sau đó là một cái hốc lớn vùi hai chân để không ai thấy y đi đâu. Vẫn chưa an toàn. Y quyết định chôn toàn thân. Đất phủ rào rào lên mặt y. Thân thể y đã lọt thỏm bất động dưới cái hố.

Nhưng nỗi sợ hãi cứ tiếp tục dâng lên. Y thấy một họng súng vô hình đang ngắm vào giữa trán và đỉnh ót y. Thế là y quyết định chôn luôn gương mặt. Đất xé ào ào, từ từ ngập lên cổ, lên cằm, lên miệng, lên mũi và lên mắt. Rồi y không còn nhìn thấy. Cả người y khuất vùi trong lòng đất.

Nhưng khi đã ở trong đất, y vẫn không hết sợ. Y tiếp tục đào loằng ngoằng những đường hầm liên thông ngoắt ngoéo để chạy trốn. Y đào đến đâu nỗi sợ hãi theo ngự trị đến đó. Không bao giờ y thoát ra phía bên trên hay bên ngoài nó cả.

Khi y chết bạn bè chỉ biết và chỉ thấy một miệng hố sâu thăm thẳm nơi y bắt đầu đào xuống. Nhưng không ai đủ can đảm thử thách độ sâu của cái hố sợ hãi để xác định biết y đang nằm ở cái ngách nào trong cái hố của mình mà móc xác y lên.

Truyện ngắn mà chúng ta vừa nghe cho thấy một thế mạnh khác của Nguyễn Hữu Hồng Minh trong một thể loại mà nhiều người cho là dễ thất bại nhất kể cả những cây viết có nghề.

Hồng Minh chắt lọc rất kỹ câu cú và anh thường làm người đọc giật mình bởi cách ngắt câu bất ngờ nhưng đúng lúc của anh. Kéo dài một ý tưởng dễ làm cho người đọc gập cuốn sách lại, nhưng cụt ngủn ngôn từ cũng không khác gì một người nói lắp nếu người viết không đưa vào câu ấy những điều cần đào sâu hơn cho người đọc. Truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh co giãn thoải mái trong nhiều tình huống khiến người đọc anh thoải mái theo dõi với thái độ tập trung.

Anh ngước mắt nhìn lên đỉnh đèo Hải Vân xanh thẳm. Thoáng chốc anh hình dung con tàu nặng nề với những toa dài cuồng vọng qua núi. Có một cái gì đó quá sức nhưng vẫn phải băng đi. Bởi không qua núi thì không cách nào đến Huế, tới với những miền xa xanh thẳm quá. Quy ngồi bó gối. Đôi mắt nàng buồn u uẩn như mắt cá. Cánh áo đỏ như tia lửa cuối cùng thắp giữa hoàng hôn. Những ngón tay gầy khẳng của nàng chụm lại hình hoa sen trong tay anh. Nàng khum giữ một điều thiêng liêng mà nàng biết chỉ có bản thân nàng nắm giữ và không thể chia sẻ.

Đôi khi chìm đắm trong những ước mơ héo úa một cách ngẫu nhiên mà không thể nào giải thích. Trên chuyến tàu vô vọng của đời mình Hùng không rõ anh sẽ còn lang thang đến bến bờ nào của tình yêu nữa. Những con cá nhỏ bị sóng đánh dạt lên bờ biển Nam Ô giữa tiếng vọng nặng nề của một đoàn tàu kéo qua.

Chiều nay Quy là con cá mắc lưới. Hùng cũng chưa bao giờ là gã chài quăng lưới nhưng trái tim anh bỏng rãy những vết thương. Họ chẳng nói gì ngoài tiếng sóng và những con chim biển soãi mãi đôi cánh liệng trên sóng hoang dại. Và Hùng đi. Một sân ga lầm lũi. Một cánh áo đỏ.

Từ nhỏ, bố tôi là nhà thơ Đông Trình sống tại Đà Nẵng, nhà tôi là cái nơi mà rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng lui tới. Thành ra thường xuyên có những cuộc vui, trao đổi thi ca nghệ thuật và tôi học được rất nhiều.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Các trích đoạn từ truyện ngắn “Tàu Qua Núi” của Nguyễn Hữu Hồng Minh phần nào nói lên được hiệu quả cô đặc câu chữ trong thể loại truyện ngắn của anh. Hồng Minh không nương tay khi đốn ngã những từ không cần thiết để vào truyện của mình những từ ngữ mới, lóng lánh chất thơ.

Đôi khi chủ đề cũng là một mục tiêu mà Hồng Minh nhắm tới cho truyện ngắn của mình. Thường thì anh khá thành công khi tính thời sự của một nhà báo trong anh dẫn mạch truyện bằng những ngõ tắt mà nhiều nhà văn khác không áp dụng. Đôi khi chỉ vài dòng ngắn ngủi Hồng Minh đã dán lên truyện ngắn của mình một dấu ấn không lầm được với tác giả khác. Anh cất công trau chuốt chữ nghĩa như một thợ kim hoàn giỏi cần cù với từng nét hoa văn của mình

 

CÁI LƯỚI

 

Một cái lưới từ trong vô hình thả xuống xung quanh một nhà văn mà ông không hề biết. Ông vẫn tưởng là ông rất tự do. Ông viết và sáng tạo những tác phẩm công bố trên báo chí và tấm lưới càng ngày càng thu chặt lại.

Kỳ thật là nhà văn không thể thấy rõ tấm lưới đó. Bởi nó được dệt bằng khối lập thể từ không gian ảo. Chỉ thi thoảng trong giấc ngủ những tấm voan thật mỏng thõng xuống từ cái lưới dài lướt thướt quệt lạnh lẽo vào ngực và mặt nhà văn mới khiến ông giật mình. Ông choàng tỉnh, thức dậy vẫn không thấy gì. Mặt dù cơn ớn lạnh vẫn đập bập bùng trong ngực. Dâng trào những đợt sóng nhiễm thể trên da ông.

Rồi một hôm nhà văn bị bắt. Ông không hiểu vì sao mình bị cuốn tròn trong một tấm lưới mắt cáo đan bện liên hoàn chằng chéo và toàn thân như bị miệng của một con thú dữ ngoạm lấy. Dù sao thì cũng nhẹ nhàng êm ả vô cùng. Những chiếc vòi bạch tuộc uốn rễ trên người ông. Thì ra là cái lưới. Lần đầu tiên ông thấy nó. Trông vừa vô thể vừa hữu thể. Cuộn trong nó cho ông tràn ngập một cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Cố giụi mắt nhìn kỹ trong ánh sáng chói lòa của nó, nhà văn thấy có rất nhiều đoạn văn bện kéo chi chít dọc ngang trên tấm lưới ấy. Và nhà văn bỗng giật mình.

Thì ra tấm lưới đang thít chặt ông để nộp cho pháp luật ấy được đan bện bằng những câu văn ca ngợi tự do trong tác phẩm ông.

 

Chúng tôi vừa giới thiệu đến với thính giả nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng các nỗ lực làm mới thi ca của anh, để từ đó đã tạo được chỗ đứng trong dòng văn học Việt Nam hiện đại một cách chắc chắn, đầy tự tin. Anh như một kẻ cầm chiếc rìu chữ nghĩa đốn từng nhát vào sáng tác của mình để mỗi bài thơ, truyện ngắn của mình mang dáng dấp vừa lạ lùng nhưng cũng đầy hấp dẫn.

Và dĩ nhiên con đường của anh còn dài, rất dài phía trước…

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
02/11/2012 23:20

Đọc bài thơ "cách tân" của thi sĩ Nguyễn hữu Hồng Minh "Lỗ thủng lịch sử" kinh tởm quá, vô văn hóa quá, không dám dẫn một câu vì sợ ô uế không gian văn hóa Việt.