Blog cá nhân thay đổi cách tiếp cận văn học
2010.01.30
Sau khi hai trang blog Mẹ Nấm và Người Buôn Gió bị nhà nước chiếu cố, các blogger trong nước có vẻ chững lại, không post những bài viết trực tiếp chống lại những biểu hiện tiêu cực nữa. Ngòi bút của nhiều người đã chuyển hướng, họ sử dụng ngôn ngữ văn học để chuyển tải nội dung bài viết và kỹ thuật này xem ra có thể làm nhẹ đi sự chú ý của nhà nước.
Nhiều blogger không hề do dự khi nêu chính kiến của mình bằng những đoạn văn chính luận để giới thiệu trang blog như một dấu ấn, nhằm nhắc nhở người truy cập nét độc đáo cá nhân, mặc cho những bài viết này có thể làm cho chủ nhân của chúng bị phiền nhiễu do những nhạy cảm chính trị.
Hãy thay đổi - Chúng ta sẽ có cơ hội!
Một blogger nổi tiếng có tên Bút Thép, đặt trên trang blog của mình một bài viết được xem là có tính tuyên chiến với tiêu cực, trì trệ và lạc hậu. Bài viết dựa theo nguồn cảm hứng từ câu slogan của Tổng Thống Barak Obama: “Yes, We Can!”
Bút thép: “Nguồn cảm hứng của bài viết bắt đầu từ bài diễn văn của Tổng thống Obama. Bài viết này trở thành như lời giới thiệu cho trang blog của tôi luôn và mới để trên đầu trang blog là vậy. Trong bài đó tôi viết rất thẳng, dẫn chứng tình hình ở Việt Nam là cần phải thay đổi, mọi người phải thay đổi. Từ người dân bình thường cho đến chính quyền hay công chức. Lúc đó đất nước mình sẽ có cơ hội tiến lên theo một xã hội dân chủ, hùng mạnh về kinh tế.”
Trong bài đó tôi viết rất thẳng, dẫn chứng tình hình ở Việt Nam là cần phải thay đổi, mọi người phải thay đổi. Từ người dân bình thường cho đến chính quyền hay công chức.
Blogger Bút Thép
Có thể hiểu bằng tiếng Việt: Hãy thay đổi - Chúng ta sẽ có cơ hội!
Phải. Chúng ta - Tôi, bạn và dân tộc Việt Nam đang sống trong một chế độ xã hội được xây dựng bởi sai lầm của lịch sử.
Tệ hơn nữa, thể nghiệm của chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc 20 năm trên những quốc gia đã sinh sản ra nó. Vậy mà ở Việt Nam nó vẫn tồn tại. Bởi những kẻ đang tiếm quyền chỉ nhằm mục đích phục vụ quyền lợi cá nhân, quyền lợi của những nhóm lợi ích có thể gọi là "Tư bản đỏ".
Đất nước này đến hôm nay vẫn chỉ là một quốc gia nghèo đói,lạc hậu, đầy bất ổn đối với một người dân lương thiện. Tất cả chỉ vì sự thống trị độc tôn của Đảng Cộng Sản - một đảng chính trị dựa trên một học thuyết chưa hoàn chỉnh đã lỗi thời.
Mỗi một người dân Việt Nam phải có trách nhiệm làm thay đổi sự trì trệ của đất nước này. Thay đổi mọi thứ, từ cách tư duy của bản thân mình đến cách ứng xử trong cuộc sống đối với mọi thực thể trong xã hội.
Chúng ta hãy học hỏi Văn Minh của nhân loại mà thay đổi.
Tôi tin rằng nếu thực sự muốn thay đổi, chúng ta sẽ có cơ hội.
Cơ hội gì vậy? Đó là cơ hội hòa nhập vào nền văn minh thế giới. Cơ hội xây dựng một quốc gia nhỏ mà hùng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Cơ hội xây dựng một xã hội dân chủ. Cơ hội để người dân có tự do, công bằng, hạnh phúc. Và còn nhiều cơ hội khác nữa.
Nếu bạn chưa từng gặp Bút Thép, bạn tự hỏi Bút Thép là ai? Câu trả lời thật đơn giản, đó là: "Một người yêu Dân Chủ, Tự Do; Tranh đấu vì một nhà nước Pháp Quyền cho Đất Nước, Nhân Quyền cho Nhân Dân; Chống cường quyền bạo ngược, bọn tham nhũng, bọn cơ hội chính trị".
Nếu đang sống trong đêm trường của sự mê muội, hãy dũng cảm đốt lên ngọn lửa tìm chân lý? Hãy đốt lên ngọn lửa soi đường cho bạn, cho tôi và cho mọi người xung quanh chúng ta. Đừng nhìn người khác, bởi lẽ: Ai sẽ đốt lửa nếu không phải bạn và tôi?
Làm thơ trên blog
Trần Tiến Dũng, trong một bài thơ mới nhất post trên trang blog của mình đã chia sẻ cảm nghĩ thật của anh sau phiên toà xét xử 4 nhà bất đồng chính kiến. Với ngôn ngữ quen thuộc của phong cách Trần Tiến Dũng, bài thơ đậm chất suy tư văn học mặc dù nói đến một đề tài chính trị nhức nhối đang xảy ra trong vòng kềm tỏa của bộ máy cầm quyền. Bài thơ nhanh chóng được phát tán trên mạng và không hiếm blogger thay nhau post bài thơ này trong trang blog của họ. Bài thơ mang tựa “Thơ gởi những người biết khóc trong hôm nay”
Những trái tim sống bằng ý thức
tôi không biết chúng ta còn lại bao nhiêu nhịp đập
hãy hát với tôi hôm nay
trái tim nóng
án cáo buộc các nhà dân chủ là lửa
chúng ta thấy mặt nhau giữa bóng tối độc tài
Hôm nay Sài Gòn mưa tối đất
trên bộ mặt nhầy nhụa của độc quyền
bánh xe gắn máy và xe nôi
qua công viên và đại lộ
ánh sáng dân chủ khâu lại bình minh
Không như trước đây, một bài thơ cần qua nhiều bộ lọc nếu muốn nằm trên mặt báo. Hay phải chờ đợi vài tháng để in ra sách, người chơi blog hôm nay có thể cầm tay bài thơ của mình đem tận mặt từng người đọc ngay khi bài thơ chưa ráo mực.
Trần Huỳnh Duy Thức,
Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long...
những cái tên khởi đầu của bài ca chúng ta sẽ hát
tình yêu dân tộc đã điểm chuông thánh thót
bản án chỉ lối cho những người đi tới
và chế nhạo những ai cho rằng không có ngày mai
Vòng bánh nhỏ của chiếc xe nôi
bóng chuyển động của những người cha câm nín
trên đường đón tiếng chim mỗi sáng
và trong câu chuyện về điều mơ ước
chúng ta có đủ ngày mai để lắng nghe
những ước mơ không nhà tù nào giam được
Bài hát cho những người chờ hình phạt
bài hát cho những người bị bạo quyền khuất phục
mưa rối bời
bầu trời mang gương mặt uống thuốc ngủ
chúng ta tự dẫn dắt mình
bản án dành cho các nhà dân chủ
cánh cửa mở từ ngày mai
Nói về bài thơ này tác giả Trần Tiến Dũng cho biết:
“Bài thơ tôi viết có chuyện như thế này, trong ngày 20, ngày xử án, bà xã tôi có một người bạn mail cho bà ấy trên facebook của một người tên là Peter Nguyễn. Ông ấy nói ông khóc nhiều quá vì cái chuyện này. Lúc ấy tôi đang ngồi trên máy tính và tôi sáng tác bài thơ trên nguồn xúc cảm này.”
Không như trước đây, một bài thơ cần qua nhiều bộ lọc nếu muốn nằm trên mặt báo. Hay phải chờ đợi vài tháng để in ra sách, người chơi blog hôm nay có thể cầm tay bài thơ của mình đem tận mặt từng người đọc ngay khi bài thơ chưa ráo mực.
Trần Tiến Dũng đã gửi đi khắp thế giới một hình ảnh mà anh thu được trên đường phố Sài Gòn hôm nay. Hình ảnh những cô gái bán hàng rong bên vỉa hè, quen thuộc với ruồi nhặng, quen thuộc với mùi cống rãnh, và nhất là quen thuộc với cảnh đuổi bắt giữa công an và hàng rong. Cuộc đuổi bắt vô tận này như một cuốn phim thời sự được trang blog của Trần Tiến Dũng chuyên chở tới người xem với vận tốc Internet.
Em đừng thức, dù là ngày mai!
Đường Rạch Bùng Binh đen
xe hủ tíu mì vàng
ba cô gái
cô mì vắt, cô hẹ sống
và cô ớt ngâm dấm
ba cô đều muốn tôi gọi tên như vậy
Trong khói từ nồi nước lèo
ba cô cười hết hàm răng
ánh mắt e thẹn trước đàn ông của ba cô thiệt ngọt
Tôi không nhớ đã ăn nhiều hay ít
mỗi vắt mì như một đoá bông cúc
mắt mỗi cô như chiếc lá sợ mùa thu
ngày bán ế
đời ba cô gái ế chồng
gió nắng khô
vỉa hè bụi
nỗi buồn từ đâu đến mà lũ ruồi cũng chán than khóc
Vì tôi thích em Ớt Ngâm Dấm
em đỏ lợt nhưng vẫn hứa hẹn nồng cay
và em chua giữa bốn bề kênh thúi
nơi đây
ranh giới giữa chốn trú đen và đô thị lòe loẹt
cuộc đời đách còn cái gì đáng gọi là đẹp
vậy mà em vẫn là cái hủ lớn đựng ngần đó vẻ đẹp mốc meo
Tôi không nói em mập
ở nơi mọi thằng đàn ông đều muốn ăn no
muốn say để giấc mơ dễ chết
sắc đẹp của em đầy ứ
cho gương mặt em dài trong ngày và đêm
hướng theo vài thằng thực khách biết lẫn lộn giữa vắt mì và hoa cúc
Tấm bạt che đập vào gió truyền tin: công an tới!
cả ba cô bay hoảng loạn trong hương thơm hủ tíu
mỗi cô như một chiếc máy bay vận tải chở đầy bàn, ghế, chén, đũa…
và rơi
chìm
vào màu đỏ
Giờ đây giữa chốn đầy người
người… người… người…
đất nước này còn có vỉa hè nào
cho chiếc xe hủ tíu mì một khoảng trống tị nạn
có thằng đàn ông nào vừa bỏ rượu ở thành phố này
hắn và những đêm ngắn còn lại
cùng em quên thức giấc trên giường ngày mai
Tại sao lại cấm tôi
Nếu làm thơ trên blog là một chọn lựa của những nhà thơ hôm nay đã trở nên quen thuộc thì loại hình những clip âm nhạc ngắn đang trở thành thời thượng. Đức Tiến có lẽ là người đầu tiên post trên trang blog của anh một clip âm nhạc mang tên: “Tại sao lại cấm tôi” có tính thời sự, và ngay lập tức được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới blogger. Clip nhạc này lạ và gây ấn tượng cho người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Bài nhạc nói về ý định cấm trang mạng xã hội Facebook của chính phủ Việt Nam mới đây. Đức Tiến là một nhạc sĩ trẻ, vừa đoạt một giải thưởng âm nhạc do đài truyền hình SBTN tại bang California tổ chức. Nói về clip nhạc trên blog của anh Đức Tiến cho biết:
Tôi muốn làm những điều mà trong một trang blog có những giao diện mà nó có thể chuyển tải.
Nhạc sĩ Đức Tiến
“Tôi muốn làm những điều mà trong một trang blog có những giao diện mà nó có thể chuyển tải. Nó không đụng chạm đến ai và chỉ giải quyết tâm tư tình cảm của tôi nơi đó. Tôi có thể chia sẻ cho mọi người thân. Điều mà bài hát muốn nói đến tuy mình không muốn nói nhiều đến cộng đồng nhưng tự khắc nó sẽ trở thành cộng đồng…
Yo! Yo anh muốn đưa lên facebook, những tấm ảnh đẹp nhất anh vừa mới chụp. Anh muốn gửi đến em những dòng tự sự, những niềm vui, nỗi buồn có thật,...vậy mà facebook hôm nay anh vào không được nên anh thấy bực, bực! Tự nhiên anh thấy tức, tức!..Sao lại cấm tôi? Sao lại cấm tôi…”
Câu hát “sao lại cấm tôi” lập đi lập lại vừa dễ thương mà cũng vừa tạo cho người nghe một cảm giác bức bối, bất an… “sao lại cấm tôi” vượt đại dương lan tỏa trong không gian đến với người nghe, đa phần là trẻ tuổi, chủ những trang blog đủ mọi thể loại. Clip nhạc này đã thật sự chấp cánh cho những sáng tạo mới bắt nguồn từ một ý tưởng đơn giản nhưng đầy ấn tượng.
Nguồn hứng khởi vô tận trên không gian mạng này phải chăng sẽ thay đổi cách tiếp cận văn học của lớp người trẻ và cũng phải chăng, đây chính là lúc những cây viết thành danh có thể ngơi tay, mỉm cười chia sẻ những loại hình nghệ thuật mới mẻ năng động và đầy bất ngờ của một làn sóng mới đang bắt đầu định hình. Một định hình đầy hứa hẹn?