
Đa dạng, nhiều thế hệ họa sĩ
Đây có lẽ là lần tập trung lớn nhất từ trước tới nay quy tụ tranh của 30 họa sĩ từ lớp đầu tiên của trường Mỹ Thuật Đông Dương cho tới các họa sĩ xuất hiện sau năm 75 trong và ngoài nước. Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ gọi tắt là VAALA, là cơ quan đứng ra thực hiện cuộc triển lãm ấn tượng này.
Nhiều họa phẩm trưng bày trong phòng tranh được mượn lại từ các nhà sưu tập trong vùng Orange County và Los Angeles. Tranh của ba tác giả Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tư Nghiêm, và Bùi Xuân Phái xuất hiện lần này cho thấy uy tín của tổ chức VAALA.
Các họa sĩ tiên phong
Nhìn tranh của ba họa sĩ tiên phong của nền mỹ thuật Việt Nam, người thưởng ngoạn không những nhận ra được giá trị tự tại của từng họa phẩm mà còn liên tưởng được những tiếng vọng từ nhiều chục năm trước phát đi từ các mảng màu mà người họa sĩ căng lòng trải ra trên khung vải.
Những bức tranh tuy im ắng nhưng có ngôn ngữ riêng, lặng lẽ vẽ lên một thời kỳ sơ khai nhưng đầy ấn tượng của nền mỹ thuật Việt Nam, bắt đầu từ ngôi trường nổi tiếng: Trường Mỹ Thuật Đông Dương.
Phòng tranh nhỏ và cách trưng bày rất giới hạn. Không chuyên nghiệp như các phòng tranh tư nhân khác nhưng người thưởng ngoạn sẵn lòng bỏ qua vì biết rằng sự cố gắng của ban tổ chức đã hết mức.
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay VAALA không tránh được những khó khăn tài chánh để có thể thuê một phòng trưng bày hoàn chỉnh hơn. Tranh treo tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt có thể thiếu một không gian cho thể loại mỹ thuật tạo hình, nhưng bù lại, không khí thân mật và ấm áp của nó khiến người xem thoải mái hơn khi hỏi chuyện các họa sĩ có tranh cũng hiện diện trong ngày đầu tiếp tân.
Công đầu của cuộc triển lãm mang tên “Hội Ngộ” là của VAALA mà người trực tiếp vận động do công của hai người điều hành hội là họa sĩ Ann Phong và chị Lê Đình Y Sa. Một cách ngắn gọn Y Sa tiết lộ:
“Khi mà quy tụ nhiều họa sĩ như vậy trong một căn phòng nhỏ thì điều khó khăn của chúng tôi là phải xem cách sắp xếp phải như thế nào, hơn nữa cái phòng này không phải là một gallery nên rất khó.”
Do khó khăn của mặt bằng phòng tranh nên người xem nếu không chú ý sẽ khó nắm bắt những nhóm sáng tác theo cùng khuynh hướng. Tuy nhiên bù lại với khiếm khuyết này là tên tuổi quen thuộc đi cùng với họa phẩm của họ đã khiến phòng tranh có nét đặc sắc khó tìm được dù bất cứ nơi đâu.
"Vô Đề"
Người thưởng ngoạn có thể ngạc nhiên ngay từ tác phẩm đầu tiên, với bức sơn dầu có tựa “Vô đề”, vẽ năm 2004, Đỗ Quang Em đã làm nhiều khách thưởng ngoạn trầm trồ hết mực. Vốn nổi tiếng bởi cách vẽ tả chân, Đỗ Quang Em một lần nữa mang đến người xem cách tiếp cận chân dung bằng nét cọ tỉ mỉ và sắc sảo của ông.
Ánh sáng được hướng dẫn vào hai bàn tay của người ngồi mẫu, tan nhẹ vào nếp áo, vào chỗ để tay của chiếc ghế tre và xa hơn nữa, một ít ánh sáng yếu ớt buổi chiều tà rọi lên bức vách phía sau chủ đề gây nên một cảm giác cô đơn lạ lùng cho người xem.
Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, người có mặt tại cuộc triển lãm cho biết cảm tưởng của bà về tác phẩm này:
“Tôi chưa xem hết phòng tranh tuy nhiên khi mới vào tôi bị thu hút ngay bởi bức tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em, tôi thích quá. Cũng như anh nói, vì là dân điện ảnh tôi thích nhất cách ông chú trọng những điểm sáng của chủ đề.”
Các nữ họa sĩ
Tranh trưng bày trong phòng tiển lãm lần này có bốn nữ họa sĩ tên tuổi gồm Bé Ký, Ann Phong, Nguyễn Thị Hợp và Trương Thị Thịnh. Bé Ký, như thường lệ khiêm nhượng với một bức tranh nhỏ với tone màu vàng ố. Tựa bức tranh là “Bà già ăn mày và con chó”.
Điều ngạc nhiên khi biết tác phẩm này là một trong vài bức tranh quý mà nữ họa sĩ không bán mặc dù bảo tàng Hà Nội có lần đặt mua. Bức tranh hoàn tất năm 1958 và sau hơn nửa thế kỷ, vẫn cưu mang được nét bút thuần khiết, đặc biệt của một nữ họa sĩ bước vào thế giới tạo hình chỉ bằng một cây bút lông cùng một thỏi mực tàu.

Nữ họa sĩ Ann Phong với một tác phẩm khổ lớn theo thể loại mix- media. Tác phẩm có tên “sân chơi” tiếp cận cuộc sống mới của những gia đình di dân trong đó sân trường và các loại hình thể thao được họa sĩ lấy làm cầu nối cho thế hệ tiếp theo.
Bửu Chỉ thu hút người xem bởi chất liệu và cách thể hiện trong bức tranh khỏa thân duy nhất trưng bày tại phòng triển lãm. Tác phẩm mang tên “Khỏa thân hồng” của Bửu Chỉ khiến người xem nhớ lại các tác phẩm xuất hiện vào cuối những năm của thập niên sáu mươi, khi nhiều họa sĩ không theo trường lớp có khuynh hướng đem đường nét trang trí phối hợp với sơn dầu và các chất liệu khác để tranh mang nét biểu cảm của thời đại. Rất ít người thành công trong phương pháp này, Bửu Chỉ là một trong số rất ít đó.
Phong cách trừu tượng
Mảng sáng tác theo phong cách trừu tượng có lẽ chiếm nhiều không gian nhất trong phòng tranh. Khánh Trường với tác phẩm mang tên “Chỗ tôi vừa tới đêm qua”, Trịnh Cung có một bức trong sưu tập mang tên “Âm vang của đất”, Đinh Cường với tác phẩm “Buổi tối thành phố pha lê”, Nguyên Khai với “Cánh đồng”, Nguyễn Đình Thuần với “Thủy tinh thể”, Hoàng Đăng Nhuận với “Suối hoa vàng” và Nguyễn Việt Hùng, một tác giả khá mới của phòng tranh cũng góp vào họa phẩm “Cảm tính ven biển số 9”.
Tranh trừu tượng của các họa sĩ vừa kể toát lên vẻ thơ mộng vốn có của thể loại trừu tượng khi hầu như tác giả nào cũng chú ý đến sức gợi cảm của màu sắc, của cấu trúc bề mặt tác phẩm đôi khi được tác giả nhấn mạnh bởi các chất liệu khác ngoài sơn dầu.
Tranh của Khánh Trường mạnh và gai góc trong mỗi nét nhấn của màu. Đinh Cường dẫn dắt người xem qua các góc đường vô thức để cuối cùng tận mặt với chính con đường ngày xưa mình từng bước qua. Nguyên Khai hiền lành chạy lòng vòng với chất liệu cuộc sống và anh không thể thoát ra được những vây bủa mà người nghệ sĩ bị ám ảnh hàng ngày.
Với tác phẩm “Thủy tinh thể” Nguyễn Đình Thuần nhấn mạnh đến những góc cạnh qua nét bay thoăn thoắt, ấn từng khối màu nguyên sơ lên khung vải. Với “Suối hoa vàng” Hoàng Đăng Nhuận dẫn dắt người xem vào chốn trầm tư, nơi mà sự cảm nhận của người họa sĩ trước thiên nhiên chỉ có thể kể lại bằng thủ pháp trừu tượng, mông lung và huyền ảo.

Họa sĩ Trịnh Cung từ Việt Nam sang tham dự phòng tranh với một bức trong bộ sưu tập “Âm vang của đất” cho biết cảm tưởng của mình khi đứng trong phòng tranh cách quê nhà hàng vạn dặm như sau:
“Trước hết phòng tranh này nó đa dạng, gồm nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam đa số sống tại Hoa Kỳ và môt số ít còn sống ở Việt nam như Đỗ Quang Em, hay đã chết rồi như Nghiêu Đề. Lâu lắm rồi mới có một tập hợp như thế này ở tại quận Cam và nó cho thấy cả sự tồn tại của hội họa cũng đi theo sự tồn tại của cộng đồng.”
Thể loại sơn dầu
Trong thể loại sơn mài có một bức khổ lớn của Nghiêu Đề, được mang tới từ bộ sưu tập tranh của nhà văn Viên Linh.
Bức tranh mang tên “Vườn chuối” phác họa lại những nét quyến rũ của một mảnh vườn quen thuộc của quê nhà. Nghiêu Đề sử dụng mảng màu tối, đỏ thẫm và đẩy chủ đề ra phía trước bằng những mảng vàng bừng bừng sức sống.
Nếu Nghiêu Đề hiền hòa bao nhiêu thì Rừng lại dữ dội, hực lửa bấy nhiêu. Tác phẩm mang tên “Sự chiến thắng của trí tuệ” miêu tả cơn cuồng nộ của cái ác bằng những nhục hình nhói tim và cái thiện chống chỏi khó khăn để dành lại chân lý cho cuộc sống.
Rừng sử dụng sắc đỏ như một thuộc tính của địa ngục để dẫn giải cuộc chiến dai dẳng không bao giờ kết thúc của thiện và ác, của bóng tối và ánh sáng hay ngắn gọn hơn của tội lỗi và thánh thiện. Có mặt tại buổi tiếp tân họa sĩ Rừng cho biết:
“Bức tranh này vẽ một chủ đề mà có thể nói là hướng thượng, đánh vào tâm thiện của con người ta. Bức tranh này mình vẽ sự chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối. Giữa cái thiện và cái ác trong cuộc đời.”
“Cha Lạc Long, mẹ Âu Cơ” là tựa đề của tranh Hồ Thành Đức. Tác phẩm này phần nào miêu tả được tính chất huyền thoại mà tổ tiên chúng ta đã nghĩ ra. Hồ Thành Đức thể hiện hai khuôn mặt có nét rắn rỏi của đá cộng hưởng với sắc xanh quyến rũ của rừng núi gây cảm giác huyền thoại bủa vây lấy tác phẩm.
Hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng
Cảm giác nhẹ hẫng mà người thưởng ngoạn dễ dàng cảm thấy khi xem tranh của hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng. Bức “Vùng yên tĩnh” của Nguyễn Đồng phơn phớt trên từng cánh sen là sắc lá dịu mướt, hòa với màu lông tím nhạt của hồng hạc tạo cảm giác bình yên thư thái cho con người một cách lạ lùng.

Nguyễn Thị Hợp phát huy khả năng tạo cảm giác tươi tắn và ngùn ngụt sức sống trên tranh của bà qua kỹ thuật vẽ lụa. Người đàn bà ngồi bên cạnh thúng măng cụt không thể là một ngẫu nhiên mà là sự chọn lựa hết sức hợp lý của Nguyễn Thị Hợp.
Họa sĩ phải dày công quan sát lắm mới có thể đặt bên cạnh khối cơ thể mạnh mẽ của người nữ với một tập hợp lý thú bởi hàng trăm trái măng cụt bé nhỏ xinh xắn, tròn trịa, tương hợp một cách hài hòa với người ngồi làm mẫu.
Tổng thể bức tranh nhỏ này là một dịu dàng lớn, xuất phát bởi nét cọ mảnh mai của người nữ họa sĩ tài năng đã trải hầu như hết cả cuộc đời mình trong hàng trăm bức tranh lụa chỉ vẽ một đề tài người nữ.
Sự thành công của cuộc triển lãm mang tên “Hội Ngộ” rõ ràng là bằng vào giá trị thật của tác phẩm. Nếu tên tuổi của Lê Bá Đảng, Nguyễn Tư Nghiêm, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái đã làm cho phòng trưng bày sáng lên thì tác phẩm của những họa sĩ còn lại đã góp một phần quan trọng về nhận thức của người xem.
Qua nhiều phong cách, kỹ thuật, tài năng cùng các nhận thức mỹ thuật khác nhau, các họa sĩ đã gửi một thông điệp khá rõ cho người xem hôm nay rằng, sự khác nhau bên ngoài không quan trọng cho bằng sự khác nhau trong tư duy thẩm mỹ.
Đây là chiếc chìa khóa cho cánh cửa thênh thang của nền mỹ thuật thế giới để các họa sĩ Việt hôm nay tự tin hơn khi hòa nhập vào và sáng tác trong tâm thế của khai mở và sáng tạo.