Nguyễn Thị Hậu và Tiểu Anh trong tuyển tập “Bông và Giấy”

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu hai nhà thơ nữ xuất hiện trong tuyển tập Bông và Giấy vừa được nhà xuất bản Lao Động in và ra mắt trong tuần lễ vừa qua.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.05.23

bong-va-giay-250.jpg
Hình bìa tuyển tập thơ "Bông và Giấy"
“Bông và Giấy” là tên một tuyển tập thơ của 30 nhà thơ, theo như trang mở đầu cho biết họ thường có mặt tại một quán cà phê trên đường phố Sài Gòn. Bông và Giấy có những nét rất duyên, ngay từ trang bìa, cách thiết kế cũng cho thấy có một điều gì đấy thật sự bùng vỡ, hay ít ra là cố vượt thoát cái chật chội bức bối của không gian trang bìa.

Ba mươi tác giả trong đó không hiếm những người đã nổi tiếng như Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Quang Thiều hay Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ...

Ba mươi cách thể hiện và cùng lúc có mặt trong một tập thơ tương đối mỏng có lẽ là điều hiếm thấy. Chúng tôi quyết định chọn hai tác giả nữ trong tuyển tập này để nói đôi điều về tác phẩm của họ, đó là NguyễnThị Hậu và Tiểu Anh. Hai tác giả cùng với hai cách diễn đạt ấn tượng đã thật sự chinh phục chúng tôi từ lúc giở những trang in đầu tiên.

Trong khuôn khổ một bài viết có giới hạn thời lượng của chương trình, chúng tôi xin mạn phép để 28 tác giả còn lại cho một lần viết khác.

Câu hỏi đầu tiên đối với tuyển tập mang tên “Bông và Giấy” là: Tại sao lại Bông và Giấy?

Tiểu Anh cho chúng ta biết cái tựa của tập thơ khá ngộ nghĩnh này phát xuất từ một quán cà phê của Sài Gòn, nơi đó thường tụ tập những cây viết của nhiều thể loại và dần dà quen thân với nhau sau nhiều năm gặp gỡ. Bông và Giấy đã thân thiết với họ và từ đây thành tên của tập thơ.

Nguyễn Thị Hậu và những mẩu tản văn đậm chất thơ

Người đọc thơ sau nhiều năm quen với loại thơ có những dòng giới hạn, bỗng nhiên khi những tiết tấu khác lạ so với thơ đập vào tai mình thì cảm giác đầu tiên là suy đoán: đây là loại thơ mới, như Tân hình thức chẳng hạn ...

Thật ra những bài viết của Nguyễn Thị Hậu trong tập thơ Bông và Giấy hoàn toàn không phải là thơ nhưng lại gần với thơ một cách kỳ lạ. Nguyễn Thị Hậu cho biết đây chỉ là những tản văn rời mà phần lớn bà muốn chia sẻ trong trang blog của mình.

Thế nhưng khi bạn bè của cà phê Bông Giấy tin rằng nếu đứng chung với những bài thơ khác thì những mẩu tản văn đậm chất thơ này không hề lệch pha mà trái lại sẽ làm cho Bông Và Giấy khác hẳn với những tuyển tập thơ khác. Đa dạng hơn và nhất là tươi hơn.

-Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…

Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…

 

Ở Hà Nội cũng vậy.

 

Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Chiều đến không khí lại oi nồng, mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa dông ầm ầm, đường phố ngập nước.

Nguyễn Thị Hậu vừa đọc cho chúng ta nghe một đoạn trong bài “Quý bà Mùa Thu”. Nếu không được tác giả cho biết trước là theo thể loại tản văn thì ai trong chúng ta sẽ nói rằng đây không phải là thơ?

-Lần đầu tiên ra biển, bất ngờ ngụm nước biển tràn vào miệng, cô bé 5 tuổi kêu lên nước canh ở đây mặn quá! Nhưng từ đó vị mặn mòi của biển đã trở thành kí ức trở về mỗi khi lòng cô không yên tĩnh.

 

Mười lăm tuổi ra biển, cô thiếu nữ mơ ước một cánh buồm đỏ thắm cô đơn hiện ra nơi đường chân trời và mặt biển xanh thẳm không còn ranh giới.

 

Hai mươi lăm tuổi ra biển, đêm không trăng trên bãi cát dài, lắng nghe lời khuyên của sóng, cô hiểu mình cần phải đi tiếp quãng đời còn lại, dù chỉ một mình…

 

… Nhiều năm trôi qua, không còn ở tuổi 15 mơ mộng, không còn ở tuổi 25 đầy kiêu hãnh, lần này chị ra với biển, với núi, với trăng 14 nguyên vẹn như kí ức. Sóng vẫn bình yên như thế, bình yên ngàn năm như thể một ngày. Cảm giác bình yên của sự tỉnh táo, cánh buồm đỏ mãi chỉ là ước mơ…

nguyen-thi-hau-200.jpg
TS Nguyễn Thị Hậu. Nguồn Newvietart.com.
Rất ngậm ngùi, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Thị Hậu dẫn ta về ngược với thời gian trước đây trong từng độ tuổi. Thời gian cùng với biển, hai phạm trù mênh mông và hiền lành. Nhưng trong cái mênh mông hiền lành ấy liệu có chút lừa lọc nào không mà loài người ngược xuôi hoài vẫn không thoát ra được chất ngất ước ao về những điều mà thời gian hay biển cả có thể làm được cho mình.

Một ân sủng từ mênh mông đem tới cho chúng ta chăng? Hay khát vọng biến mình thành kình ngư vẫy vùng trong hố sâu tuyệt vọng? Nguyễn Thị Hậu lặng lẽ và hiền lành tin rằng Biển và Thời gian không từ bỏ niềm tin của mình, và thật nhẹ nhàng, Hậu tìm thấy câu trả lời đậm chất Thiền ẩn trong những giọt mực cuối cùng: Sóng vẫn bình yên như thế, bình yên ngàn năm như thể một ngày. Cảm giác bình yên của sự tỉnh táo, cánh buồm đỏ mãi chỉ là ước mơ…

Phải chăng bình yên và tỉnh táo mãi mãi chỉ là ảo tưởng khi con người vẫn luôn ước mơ. Ước mơ và ảo tưởng là hai kẻ sinh đôi, giống nhau như đúc và không hề lên tiếng phủ nhận ai là người được hạ sinh ra trước.

Tiểu Anh với Dòng thơ hiện thực

Nếu “Nhớ Biển” của Nguyễn Thị Hậu đậm chất nữ với những câu hỏi dung dị thì Tiểu Anh lại tỏ ra rực rỡ hơn dưới chiếc áo của dòng thơ hiện thực. Hục hặc, dày xéo và không thiếu những thanh âm gây gỗ, Tiều Anh hỏi người, hỏi đời rồi tự hỏi mình với những câu hỏi mà cô gọi là “Những câu hỏi tháng Ba”. Bài thơ ngắn, giản dị nhưng đầy ắp chi tiết, nhất là những chi tiết rừng rực hơi hám cuộc sống.

Câu hỏi tháng 3

8

Phải chăng

chúng mình chẳng bao giờ có thể

lớn lên

vì oằn trên lưng

cõng

dăm thằng khổng lồ và hàng vạn nỗi đau

chẳng thể chờ

khi loay hoay với cơm áo

không vui như trò đánh đáo

nhưng vẫn phải bày cuộc

anh ra đi tháng ba

quẳng lại sau lưng lời chia tay cũ rích

dòng đời ngắn ngủi

em về soi bóng mình

dưới sông một con hủi

đầy đủ 10 ngón tay dài, thon, nhọn

nhưng không thể cầm nắm bất cứ thứ gì

vậy mà vui

mọi người đều thành gù

mọi người đều phải chơi

mọi người như là hủi

em không khóc, lâu rồi, không khóc

chỉ ngồi hát ca

sao tháng ba

mưa giăng giăng thế?

Mưa giăng giữa tháng Ba có gì quá khó hiểu không khi hiện thực cho thấy khu vực sinh thái của con người ngày càng nhỏ lại? Tháng Ba cũng mưa là một hình thức đe dọa từ thiên nhiên, đe dọa cảm giác an tâm, chai lì của cuộc sống. Vậy ra Tiểu Anh đang cảnh báo chúng ta ư?

Tháng 3 vỡ miệng

Tháng ba

ngửa mặt hỏi

trận cuồng phong trái mùa

trút

gió gào ấm ức, trả lời

tiếng sấm đấm thùm thụp

xả đớn đau

Tháng ba

điệu vũ phồn hoa

cô gái nhỏ điệu múa dân tộc mê hồn

ngoại bang

cô không sinh vào 30 năm trước

sao biết nước hoa tinh chế từ máu hạng sang.

tháng ba vân vũ trắng

co ro lạnh trời

răng cắn vào môi

mưa axit

vết thương vỡ miệng

Nhìn đi

đâu chỉ là dông tố tháng ba...

Thì ra trong cái sấm chớp tháng Ba ấy Tiểu Anh nói với chính mình. Với chính những cơn đau thật cộng hưởng từ sấm chớp. Mưa a xit là một hiện tượng thiên nhiên nhưng lại có khả năng làm nhiều vết thương lòng vỡ miệng. Phải chăng sự bức tử thiên nhiên đang trở lại hành hạ con người?

Bằng ngôn ngữ của ẩn dụ, Tiểu Anh kéo chiếc màn nhung cuộc sống cho người đọc xem một vở diễn chỉ xuất hiện một lần. Một nhân vật. Một tình huống.

 

Mặt nạ tháng 3

“Uổng ngàn năm thâu góp báu Càn Khôn,

Sẩy một phút, tan tành trường phong nguyệt.”

Tháng 3 mưa

loang loáng mụn thủy đậu vỡ

uể oải thành phố trở mình

hầm hập cơn sốt

vết thẹo trượt dài

toác miệng nhiễm trùng

cơn dịch tháng 3

Nguyệt cô gào thét

vang vọng khóc ời ời

Ngọc người có rơi ở phương Đông

Rừng cháy, rừng chặt

trơ khô khốc

ngàn năm tu luyện hóa hư không

tháng 3

vết thương loét

con vi trùng kháng thuốc

mặt nạ tuồng xanh đỏ

vở diễn trái mùa

cau có

Tiết Giao vẫn tuôn lời

sáo ngữ, xảo ngôn

Sài Gòn rên ư ử

...

Nếu Tiểu Anh nói về cuộc đời bằng chất liệu của trầm uất trong không gian thi ca thì Nguyễn Thị Hậu nhìn cuộc sống chung quanh với cái nhìn tỉnh táo của một thị dân đang hòa nhịp sống của chính mình vào dòng chảy mênh mông đầy bụi bậm này.

Tỉnh táo nhưng người đọc cảm nhận được một chút ngỡ ngàng trong cái quan sát gần của đôi mắt ít nhiều mệt mỏi. Tác giả lắng nghe âm thanh của dòng nhạc quen thuộc mà ngỡ như đang xem khúc dạo đầu của một đoạn phim tài liệu, miêu tả nỗi bức bách của những dở dang cùng những bất cập của bao đi khuya về tắt.

Đi ngang qua 1 chiếc xe hơi sang trọng, người trong xe hạ cửa kính ngó nghiêng gì đấy, thoáng nghe một bài hát xa xưa…

Ôi, sao những lời ca tình yêu đẹp mênh mang như thế lại vang lên trong cái oi bức bực bội giữa thành phố chật chội này nhỉ… Ngoái lại nhìn, cánh cửa xe đã đóng kín, lớp kính đen mờ không thể trông thấy

chủ nhân đang ung dung trong chiếc xe máy lạnh. Ừ, ngồi trong xe máy lạnh nghe bài hát kia mà mơ về một chốn núi cao rừng sâu, bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh những vì sao xa, và có hai người yêu nhau… Mặc kệ đào đường với lô cốt với kẹt xe, mặc kệ cơn dông mùa hè đang dậm dọa, mặc kệ bụi mặc kệ khói… chỉ có hai người yêu nhau…

Khác với Nguyễn Thị Hậu thu nhận hình ảnh cuộc sống bằng lăng kính hiền lành, Tiểu Anh dữ dội cào cấu nó và cuối cùng bật cắn vào đôi vai mà cô gọi là cuộc đời. Cùng là vết cắn khắp châu thân nhưng có chỗ đau có chỗ lại lẳng lặng tái tê niềm sảng khoái. Nét lạ trong thơ Tiểu Anh làm người đọc khá bất ngờ và từ cảm nhận ban đầu, giờ đây tác giả đã có khả năng dẫn người đọc thơ của cô vào sâu hơn trong thế giới thi ca nhiều màu sắc mà Tiểu Anh phù phép.

 

Cắn

cắn vào cuộc đời

nghe tiếng vô minh rền óc

nghe âm vọng bán mua

nghe kinh cầu an lừa dối

và nghe đau

một linh hồn chưa nghén phôi thai

cắn vào cuộc tình

máu tuôn mắt

chờ chớp lóa giữa cơn dông

em xanh như cỏ, hương như kẹo

đắng lòng anh mấy cõi du du

cắn chặt vào đêm

ễnh ương uồm oàm mưa bão

sonata vang vọng Thiên Cầm ngân

cắn vào em

bừng thức

những bông hoa nín thở

đêm hè

Như chúng ta thường gặp ở nhiều nhà thơ nữ, dù phá phách bao nhiêu cuối cùng thì mảnh vườn chữ nghĩa của họ vẫn sáng bừng lên thứ ngôn ngữ tinh túy nhất, hàm chứa biết bao dịu dàng và nhân ái. Tiểu Anh cũng vậy, nhà thơ trở lại với bức tranh cổ điển để nói lên một điều rất đơn giản: Em vẫn chờ anh...

 

Trang kinh trăng

Thôi người về ta ở lại chờ trăng

tháng Chạp rằm hương phả

đèn nhang khói rét

ngộp lo toan

áo nỉ quàng khăn sin sít bó

lòng chật hẹp

dập đầu cầu, dập đầu khẩn

bả tình mua bán những lương tri

vang vọng xa im lìm lịm giấc

ê ả trang kinh đong đẩy đưa

chiều ngả xám

mặc kệ người tháng Chạp

mọc đầu hôm

tầm cầu khối thạch cao trơ phông phỗng

mép cười sư nhoen nhoẻn nhếch

sãi lòm khòm khom polime

gom góp gom

xào xạc sao bay niềm tin rơi

tia le lói

đêm vẫn tròn vành

Trang kinh trăng em xếp lại chờ anh

Và Nguyễn Thị Hậu cũng thế, những cánh hoa dã quỳ trong ký ức vẫn nở vẫn khao khát sống sau những tàn phá của cuộc đời. Dã quỳ vươn lên sống trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào khiến tác giả tự thân so sánh mình với loài hoa dịu dàng mà khắc khổ kia với nỗi tê tái đắng chát và khó lòng dấu diếm:

Qua một mùa nắng gắt tưởng như đã cháy khô đến tận gốc, qua một mùa mưa trôi đất tưởng như không còn chỗ để rễ nảy mầm, chớm đông về dã quỳ lại hồi sinh, tươi mới, hồn nhiên, duyên dáng… Dù vậy, vẫn là dã quỳ cứng cỏi, và cô đơn...

Quý vị vừa thưởng thức một vài sáng tác của hai tác giả Nguyễn Thị Hậu và Tiều Anh đóng góp trong tuyển tập thơ Bông và Giấy gồm tác phẩm của ba mươi nhà thơ do Lao Động xuất bản và phát hành mới đây. Hy vọng trong thời gian khá chật hẹp của trang VHNT chúng tôi đã phần nào mang được đến với quý vị những con chữ, những ý tưởng tài hoa của hai tác giả nữ này. Xin hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình kỳ tới....

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.