Nhà thơ Trần Tiến Dũng và “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường”
2009.12.19
Ngoài phần sáng tác thơ, Trần Tiến Dũng còn là một nhà báo. Anh cộng tác cho nhiều tờ báo trong nước và cả hải ngoại. Với những bài ký, phóng sự sống động Trần Tiến Dũng đã tạo được cho mình một chỗ đứng, một tiếng thơm trong lòng độc giả trong và ngoài nước.
Bài thơ mới, lạ
Thơ của Trần Tiến Dũng lạ, đôi khi khó đọc nhưng độc giả vẫn theo dõi những bài thơ của anh thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng văn học. Theo dõi trong tư thế tò mò và chờ đợi hơn là thưởng thức, chia sẻ. Trần Tiến Dũng sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của anh ra đời trong sự chuẩn mực cần thiết của một tác giả luôn cẩn trọng tác phẩm của mình. Bài thơ xuất hiện mới nhất của anh mang tên “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường” được chúng tôi chọn là bài thơ mới và hay nhất của Trần Tiến Dũng để giới thiệu đến quý thính giả trong chương trình VHNT hôm nay.
Trước tiên phải nói ngay rằng sự chọn lựa này hoàn toàn mang tính chủ quan. Chọn lựa một vật thể để nói rằng vật này đẹp hoặc hay hơn vật kia thì tính chủ quan rất rõ ràng. Chọn một bài thơ trong một nhóm thơ của cùng một tác giả thì sự chủ quan lại càng lớn hơn. Chúng tôi xin thưa như vậy để quý vị biết trước rằng chương trình hôm nay không phải để phê bình hay chỉ ngợi khen một bài thơ mà chúng tôi muốn chia sẻ cách đọc, cách cảm nhận thơ của riêng mình tới với quý vị mà không chịu một chi phối nào khác. Cố gắng phân tích tính thẩm mỹ trong thi ca, đơn giản hóa cách cảm nhận và trình bày những yếu tố ẩn dấu phía sau bài thơ cũng như diễn giải bằng cách riêng để nhìn bài thơ đa chiều hơn…chúng tôi mong sẽ được sự đồng cảm của quý vị để bình thản nghe bài thơ trong tinh thần thưởng thức một tách trà hơn là cố gắng một cách không cần thiết để hiểu cặn kẻ từng lời từng chữ của bài thơ…và bây giờ mời quý vị, chúng ta cùng bước chân vào thế giới của Trần Tiến Dũng qua cánh cửa bài thơ mang tên “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường” …
Giọng nói, viên thuốc ho
Cái tựa “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường” của Trần Tiến Dũng ngay trước khi chưa bước vào sân nhà của bài thơ người tò mò đã thấy ngay một trò chơi đuổi bắt. Tác giả đặt tình trạng vận động của “Tiếng ho” từ khi khởi động và tiếng ho này dẫn dắt người nghe, hay người đọc theo suốt đoạn đường không biết dài hay ngắn tới bức tường. Và bức tường này cuối cùng rất mông lung, rất khó đoán định.
Tôi trở về chỉ để nghe giọng của em
giọng một người đàn bà khàn đục
và có lúc hóa thành viên thuốc ho
Ba câu đầu của bài thơ giải thích sự tiếp cận chủ thể của tác giả. “Trở về để nghe giọng của em” là hiện thực, là câu chuyện bình thường giữa hai con người. Nhưng chỉ để nghe giọng của em là bắt đầu xuất hiện một chút nghi vấn. Nghe tiếng của em, giọng khàn đục thì không có gì lạ, nhưng cái chất giọng khàn đục ấy dưng không trở thành viên thuốc ho thì Trần Tiến Dũng ngay lập tức đánh đố chính mình. Chuyển trạng từ “khàn đục” thành “viên thuốc ho” một cách bất ngờ đã gây được hiệu ứng phản xạ nơi người đọc. Bây giờ thì viên thuốc ho mới là yếu tố chính gây men cho câu chuyện và sự trở về thăm giọng khàn đục của tác giả không được người đọc nhớ như yếu tố đầu tiên nữa.
Viên thuốc ho nhỏ bé bắt đầu trôi tự do trong trí nhớ bài thơ. Nó đã được xác định từ cái tựa, và từ đây như thôi miên nó trở thành ánh sáng le lói bay trước mặt của người đi trong đêm tối. Viên thuốc ho trở thành chủ đề ít ra trong một đoạn ngắn của bài thơ.
viên thuốc ho gói trong miếng giấy báo
đó là giọng em
đó là lỗ tai tôi
thật bình thường khi lỗ tai cần uống thuốc
cùng thất lạc vào bóng tối cái ngăn kéo kỷ niệm
Cũng nhanh và bất ngờ như khi đưa viên thuốc vào bài thơ, “lỗ tai” mà Trần Tiến Dũng giới thiệu đang có chức năng của một cái miệng khi nó cần uống thuốc làm người đọc không thấy bất ngờ nhờ đã quen từ lúc đầu. Chuyển tiếp hai hình tượng đột ngột mà không gây bất ngờ mặc dù hình thái của đối tượng rất lạ và khó hiểu là thành công đầu tiên của Trần Tiến Dũng. Thật ra lỗ tai không uống thuốc mà chính Trần phải uống thuốc để chữa bệnh ho, hay đúng hơn là bệnh làm cho giọng “khàn đục” khi anh từ xa trở về. Mông lung nhưng có vẻ gợi mở, gợi mở thôi vì cho tới phút này chúng ta chưa biết nhà thơ muốn đưa mình về đâu…
thật bình thường khi lỗ tai cần uống thuốc
cùng thất lạc vào bóng tối cái ngăn kéo kỷ niệm
“lỗ tai” và “thuốc” đang tự thất lạc vào bóng tối của ngăn kéo là thế nào? Ai đó có thể nghĩ ừ, thì ngăn kéo dùng để cất đồ vớ vẩn của những anh chàng nghệ sĩ gàn dỡ. Ngăn kéo cũng là nơi dùng để buồn buồn không biết làm gì thì mở ra xem có gì cất trong ấy quá lâu không tìm thấy hay không, Ngăn kéo cũng có thể dùng cất dấu những quà tặng tinh thần trong đó có kỷ niệm. Trần Tiến Dũng cho biết lỗ tai và viên thuốc ấy đang tự mình rơi vào ngăn kéo. Thế là xong. Viên thuốc, lỗ tai cùng những vật lỉnh kỉnh khác mất tích trong ngăn kéo.
Thử ngưng ở đây để thư giãn đầu óc một chút. Ta sẽ có vật thể gì bay lởn vởn trong đầu? Riêng tôi thì thưa quý vị, cảm nhận viên thuốc ho đang bay, lỗ tai rượt theo và cả hai rơi vào ngăn kéo. Tất cả cái diễn biến ấy như một khúc phim thần thoại có thể xuất hiện đâu đó trong quá khứ của chúng ta. Câu chuyện không rõ ràng, giống như một bức tranh trừu tượng nhiều màu sắc. Nếu bài thơ chấm dứt ở đây, tôi nghĩ không đến nỗi dở và khó hiểu.
Chia tay, bức tường
Nhưng bài thơ còn tiếp nhiều câu nữa.
tôi trở về nguyên vẹn với người tình
cùng ho, cùng hát và
ước muốn chúng ta sẽ điếc để không nghe bất kỳ ai khác
tôi nghe tiếng em không cần sự sắp xếp
cách nghe của một tổ chim trong bóng tối
mỗi trái tim chỉ còn lại lời độc thoại
hối tiếc bởi những gì đã nói dối với nhau
Với cung cách chuyển ý tưởng nhanh và bất ngờ, tác giả kéo người đọc bước sang một miếng ván khác lót bên dưới lối đi. Lần này thì con chữ ngày một hoàng hôn hơn. Tối dần và ngữ nghĩa mông lung nhảy múa…
tôi nghe tiếng em không cần sự sắp xếp
cách nghe của một tổ chim trong bóng tối
Hai câu này tuy chồng chéo và đan xen vào nhau nhưng người đọc có thể nghe được âm thanh của tiếng ho văng vẳng đâu đó phía sau bối cảnh chính bây giờ đã trở thành tổ chim. Khi hình dung từ “Tổ chim” xuất hiện, lập tức một hình ảnh khác mở ra, đó là hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc dần dần rõ nét khi hình ảnh tổ chim, cũng là mái ấm, mở ra trong bóng tối khiến câu thơ sâu hơn và hình như cũng dễ chia sẻ hơn. Trong cái tổ chim ấy hai người tự ăn năn những gì mình đã làm cho nhau.
mỗi trái tim chỉ còn lại lời độc thoại
hối tiếc bởi những gì đã nói dối với nhau
Tới đây thì nên chăng chúng ta cùng nghe một chút nhạc?
mọi cuộc chia tay là chuyến đi tàn tật của một cá nhân
và đây một điều thật nhất
khi không còn ngôi nhà ở sau bức tường
tiếng chim vẫn treo bên tai, gió đập vào cửa
và em biết tôi sinh ra chỉ để nghe giọng của em
ngăn kéo ký ức mở ra đưa tới bức tường
Ở đoạn đầu chúng ta đã được tác giả chiếu qua vài hình ảnh trong đó có sự xuất hiện lờ mờ của bức tường. Riêng trong đoạn này thì bức tường xuất hiện trở lại mặc dù chưa rõ nét lắm. Bức tường như một vật chắn những ước muốn cần phải thực hiện. Tính chất hữu cơ mà bức tường vốn có không thể ngăn được âm thanh. Và âm thanh tác giả mang vào đoạn này ngày càng mở ra nhiều diễn giải khác nhau. Tiếng gió, tiếng chim, cùng giọng nói khàn của em vẫn bay qua được phía bên này, nơi anh đang sắp làm một hành trình tạm mang tên là “chia tay!” Anh bên này vẫn cảm nhận được mọi thứ âm thanh, như cách cảm nhận vẫn nằm trong ký ức trước một sự cố. Giọng của em đeo đuổi tôi như một ám ảnh từ khi vào đời. Số phận của tôi dính liền với em như thế và bây giờ thì tôi muốn nói với em rằng mọi cuộc chia tay đều đau đớn.
Nếu chỉ để nói cái câu bình thường “mọi cuộc chia tay đều đau đớn” mà phải tận dụng biết bao trúc trắc như vậy để hình thành thì có thể gọi là thơ được không? Trước khi trả lời câu hỏi này, nên chăng chúng ta tiếp tục nghe đoạn cuối của bài thơ….
tiếng ho của tôi đi về phía bức tường
lời lẽ của đám đông làm chúng ta rùng mình
những điều cũ đang nghe đã rỉ sét
đã biết một thứ dư luận ngớ ngẩn nhất
kẻ nói về tự do và đạo đức kiểu cộng sản
Lạc lỏng, tội nghiệp
Tới đây thì bài thơ dẫn người nghe rẽ sang một hướng khác. Không còn cô đơn, không còn yêu thương, chia ly hay lãng mạn gì nữa. Tiếng ho thay vì dẫn dụ người yêu về hướng của mình bây giờ trở thành ngơ ngẩn, lạc lỏng và tội nghiệp. Đám đông xuất hiện đột ngột như một căn bệnh thời đại. Xuất hiện cùng với tiếng ồn và trong cái tiếng ồn ấy loáng thoáng những giáo điều. Giáo điều đã rỉ sét làm cho tiếng ho rùng mình. Cũ kỹ và lợm giọng khiến tiếng ho-người bệnh trở nên bất thường. Phản ứng lại một cách mạnh mẽ phải chăng là phản ứng tự nhiên như của một đứa bé mất đi phần quà mà nó mơ ước nhất. Đối với đứa bé thì chắc nó chỉ biết khóc nhưng đối với người lớn, người đã biết yêu, biết ghét, biết giận dữ thì thái độ sẽ ra sao? Chúng ta hãy nghe Trần Tiến Dũng phản ứng:
không còn em để thấy anh mất dạy
ho một tràng dài vào bức tường để hy vọng gặp em
không còn em để biết anh cà chớn
ráp lại một câu nói bằng kẹo sing-gum và đứng đó chờ em
chẳng có sự câm lặng nào có thể tìm lại em
chỉ có tiếng hét của một người lúc nào cũng ho là có thể
tiếng ho
cơn sốt
phản ứng này chống chọi bệnh khỏe mạnh nói dối
chưởi thề
cơn điên
tự vệ này chạy trốn đám đông đã mất cảm xúc tổn thương
Và cuối cùng bài thơ đóng lại cánh cửa thơ bằng tiếng thở dài bất lực. Muốn tự mình kết liễu những săn đuổi lòng vòng đầy nguy nan. Chính hai từ “cách mạng” ở cuối câu đã làm bài thơ bốc cháy.
này em
anh ước muốn điếc để không nghe bất kỳ ai khác
trước khi gã hớt tóc nhân danh cách mạng làm chảy máu tiếng em từ lỗ tai anh
Trở lại với câu hỏi, có cần phải rắc rối dẫn người đọc đi quá xa để rồi kết thúc bài thơ một cách rõ ràng như vậy hay không? Đây có phải là cách làm dáng thường thấy của các nhà thơ hôm nay?
Trong bài thơ này, riêng chúng tôi không chia sẻ như vậy. Như chúng ta cảm nhận trước đó, mỗi hình ảnh trong bài thơ mở ra một khái niệm và từ đó ý nghĩa dần dần sáng tỏ theo từng bước. Trong cách trình bày ý tưởng tác giả có thể sắp xếp theo trình tự để người đọc dễ thâm nhập vào căn nhà thơ của mình. Thể loại này đã xuất hiện từ rất lâu, rất nhiều và hứa hẹn vẫn còn như thế. Riêng với những bài thơ thoạt đầu mới nhìn vào đã cảm thấy lo sợ, lo sợ tác giả sẽ dẫn chúng ta đi đâu đây? Và sự lo sợ này ngăn cản sự chia sẻ. Nếu người đọc thích chia sẻ cộng với một chút sáng tạo của riêng mình khi đọc bài thơ thì đó là cách cộng tác với tác giả để cho ra đời một sản phẩm khác. Tuy sản phẩm này chỉ dựa trên cái nền của bài thơ nhưng việc sáng tác lại có khả năng làm tác phẩm tươi hơn, lạ hơn và nhất là cho người xem cơ hội lái tác phẩm theo hướng của mình.
Thử đọc lại
Bây giờ chúng ta thử nghe lại một mạch nguyên cả bài thơ để thấy cảm nhận của mình khác như thế nào khi nghe từng đoạn.
Tôi trở về chỉ để nghe giọng của em
giọng một người đàn bà khàn đục
và có lúc hóa thành viên thuốc ho
viên thuốc ho gói trong miếng giấy báo
đó là giọng em
đó là lỗ tai tôi
thật bình thường khi lỗ tai cần uống thuốc
cùng thất lạc vào bóng tối cái ngăn kéo kỷ niệm
tôi trở về nguyên vẹn với người tình
cùng ho, cùng hát và
ước muốn chúng ta sẽ điếc để không nghe bất kỳ ai khác
tôi nghe tiếng em không cần sự sắp xếp
cách nghe của một tổ chim trong bóng tối
mỗi trái tim chỉ còn lại lời độc thoại
hối tiếc bởi những gì đã nói dối với nhau
mọi cuộc chia tay là chuyến đi tàn tật của một cá nhân
và đây một điều thật nhất
khi không còn ngôi nhà ở sau bức tường
tiếng chim vẫn treo bên tai, gió đập vào cửa
và em biết tôi sinh ra chỉ để nghe giọng của em
ngăn kéo ký ức mở ra đưa tới bức tường
tiếng ho của tôi đi về phía bức tường
lời lẽ của đám đông làm chúng ta rùng mình
những điều cũ đang nghe đã rỉ sét
đã biết một thứ dư luận ngớ ngẩn nhất
kẻ nói về tự do và đạo đức kiểu cộng sản
không còn em để thấy anh mất dạy
ho một tràng dài vào bức tường để hy vọng gặp em
không còn em để biết anh cà chớn
ráp lại một câu nói bằng kẹo sing-gum và đứng đó chờ em
chẳng có sự câm lặng nào có thể tìm lại em
chỉ có tiếng hét của một người lúc nào cũng ho là có thể
tiếng ho
cơn sốt
phản ứng này chống chọi bệnh khỏe mạnh nói dối
chưởi thề
cơn điên
tự vệ này chạy trốn đám đông đã mất cảm xúc tổn thương
này em
anh ước muốn điếc để không nghe bất kỳ ai khác
trước khi gã hớt tóc nhân danh cách mạng làm chảy máu tiếng em từ lỗ tai anh
Chúng tôi hy vọng rằng buổi nói chuyện thơ hôm nay sẽ gây cho quý vị ít nhiều thích thú và cũng mong rằng từ bây giờ mỗi chúng ta tự tin hơn khi bước vào vườn thơ của các tác giả đương đại để phát hiện những điều mà nếu không kiên nhẫn khó mà đạt được trong cách đọc hờ hững như từ xưa tới nay chúng ta vẫn thường làm.