Tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin dành để tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam, một ngòi viết và cũng là một nhà Nam bộ học được yêu mến trong nhiều thập niên qua, vừa từ trần hôm 13 tháng 8 tại Thành Phố Hồ Chí Minh vì bạo bệnh.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008.08.17
NhavanSonNam305.jpg Nhà văn Sơn Nam.
Hình: http://nhavansonnam.blogspot.com

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 ở vùng quê Kiên Giang. Sơn Nam được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri "pho từ điển sống về Miền Nam" hay là "nhà Nam bộ học".

Ngoài hàng trăm truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam cũng rất thành công với nhiều công trình khảo cứu về lịch sử vùng đất Nam Bộ như: Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn, Bến Nghé xưa, Cá tính Miền Nam. Cho tới gần cuối đời, ông vẫn còn xuất bản thêm một số tác phẩm: Hồi ký Sơn Nam, Theo người tình, Từ U Minh đến Cần Thơ, Xóm Bàu Láng…

Tất cả các tác phẩm của Sơn Nam đã được Nhà Xuất Bản Trẻ TP.HCM mua bản quyền trọn đời từ Tháng 12 Năm 2002. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, giám đốc nhà xuất bản Trẻ cho biết:

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt :  Hiện nay tụi tui đã vừa xuất bản được 19 đầu sách của Sơn Nam. Có thể nói là muốn hiểu được cái văn hoá đặc thù của mảnh đất Phương Nam là phải đọc các tác phẩm của Sơn Nam.

Tác phẩm của Sơn Nam gồm có hai dòng: Một là dòng biên khảo, chủ yếu vẫn là khai thác, tìm hiểu về mảnh đất, lịch sử hình thành của Phương Nam; cái mảng thứ hai là mảng văn học, những tác phẩm biên khảo hoặc là những tác phẩm văn học của Sơn Nam. Đặc thù của Sơn Nam là biên khảo hoặc là văn học về Nam Bộ.

Rất được mến mộ

Chắc chắn là đối tượng của các tác phẩm này trước hết vẫn là người Miền Nam. Và tôi nghĩ rằng là không chỉ về văn của ông rất là chân phương, mộc mạc, rất được cả giới bình dân lẫn giới học thuật đều yêu thích.

Nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh nói về những cảm nghĩ của ông đối với nhà văn Sơn Nam :

Nhà văn Lê Văn Thảo : Đúng là anh Sơn Nam là một tác giả rất được mến mộ ở Miền Nam và thậm chí cả nước. Người ta mến mộ là vì cái giọng văn, cái khung cảnh, cái nhân vật, cái cốt truyện, rồi tất cả những cái đó nó thấm đẫm cái bản sắc của người Nam Bộ, nhứt là công cuộc khai phá thiên nhiên hoang dã của Miền Tây, bán đảo Cà Mau, rừng U Minh, rừng đước, rừng mắm này kia, những cái đó rất là đặc sắc.

Đúng là anh Sơn Nam là một tác giả rất được mến mộ ở Miền Nam và thậm chí cả nước. Người ta mến mộ là vì cái giọng văn, cái khung cảnh, cái nhân vật, cái cốt truyện...

Nhà văn Lê Văn Thảo

Công việc sáng tác của Sơn Nam thì gồm có hai phần: một phần thì cái văn học cơ cấu, một phần thì nó có tính cách biên khảo. Nhưng mà anh Sơn Nam thì ảnh hoà quyện hai cái phần đó. Người đọc thấy có cái thú vị đối với phần cơ cấu nhưng đồng thời cũng thấy trong đó những nét của người biên khảo.

Một cái nét nữa là ít có người như anh Sơn Nam, thì đây là một con người rát là khoáng đạt, rất là rộng rãi, bộc trực. Lời ăn tiếng nói của anh Sơn Nam, con người anh Sơn Nam nó đi vào với tác phẩm của anh Sơn Nam, nó cái cái gì đó thống nhứt. Cho nên anh em đối với những người trong giới rất là mến mộ anh Sơn Nam.

Cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ qua Hương Rừng Cà Mau năm 1962, được đăng trên tạp chí Hương Quê, một tạp chí khuyến nông của Bộ Nông Nghiệp thuộc chế độ Sài Gòn trước đây. Nhiều chục năm sau, đạo diễn Việt kiều trẻ là Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã  thể hiện lại những ý tưởng trong hai truyện ngắn "Mùa len trâu" và "Một cuộc biển dâu" thành bộ phim Mùa Len Trâu nổi tiếng.  

Theo nhà văn Sơn Nam cho biết thì "Len" ở đây có gốc tiếng Khơ-me, là tháo ra, cởi ra. "Len Krabey" nghĩa là tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều, mùa nước nổi người dân phải dắt trâu lên núi để tránh nước, cũng đồng thời gửi trâu cho những tay giang hồ hảo hán chuyên lùa cả đàn trâu đi kiếm ăn ở nhiều cánh đồng bát ngát của Miền Nam cho đến khi nước rút thì lại mang trâu về.

Truyện ngắn "Mùa len trâu"

Mời quý vị thưởng thức một đoạn trong truyện ngắn đặc sắc này qua giọng minh họa của Đỗ Hiếu và Thanh Trúc:

Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:

- Giao sanh mạng hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo ! Rủi bề gì...

Chú Tư nói :

- Má nó khéo lo thì thôi ! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống đâu. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân . Còn thằng Nhi... dịp này để nó học nghề với người ta.

Thiếm Tư hơi giận :

- Nghề gì ? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à ? Tôi hông ham cái nghề đó.

- Má nó nói giỡn sao chớ ! Chăn trâu còn khó hơn là điều binh khiển tướng. Ðời xưa, nhiều người lúc nhỏ chăn trâu mà lớn lên được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi... Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời... Liệt Quốc Ðông Châu ! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cỡi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Ngư, tiều, canh, mục là bốn điều sang trọng mà.

Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn :

- Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên...

- Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó ! Cảnh núi non thanh lịch, trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chúa mà gãi sốn sột. Má nó biết không ? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa... Vua chúa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài !

Thiếm Tư bực bội :

- Ðói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi ! Ðừng nói nữa.

- Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa ! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều ; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Ðằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ đâu, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn... Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội...

Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng mình, cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ :

- Má nó ngủ hay thức ? Nãy giờ có nghe không ? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ say rối...

- Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập ?

Chú Tư lại nói tiếp :

- Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm ; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều... Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.

Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. "Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì ? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi". 

Nói sao viết vậy

Nhiều nhà phê bình văn học lẫn các nhà hoạt động văn hóa đều công nhận rằng ngoài vai trò của một nhà văn Nam Bộ, Sơn Nam là một nhà Nam Bộ Học đúng nghĩa qua nhiều tác phẩm khảo cứu của ông.

Văn phong của ông là hình ảnh rõ nét nhất không những chuyển tải chất Nam Bộ rừng rực trong từng mẩu đối thoại hay ngay cả một công trình nghiên cứu lịch sử hình thành một vùng đất, một phong tục hay thú vui dân dã cũng được diễn tả một cách sống động qua ngôn ngữ rất Sơn Nam mà trước đó dù có rất nhiều nhà văn đi trước như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản, Bình Nguyên Lộc thì Sơn Nam vẫn đứng rất riêng ở vị trí của mình.

Nhiều câu chuyện của Sơn Nam mới xem có vẻ vụn vặt, đời thường nhưng nghiền ngẫm kỹ sẽ thấy đó là cả một gia tài chuyện kể về lịch sử trong đời sống dân gian của nhiều thế hệ, góp phần cấu thành những bức tranh xã hội sống động trong một giai đoạn lịch sử nào đó mà điển hình nhất là giai đoạn của thời kì Gia Long bôn tẩu, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm, đánh Nguyễn Ánh, v..v..

Sơn Nam rất đặc sắc trong các chuyện kể về việc khẩn đất, chuyện đào thêm kinh, mở rộng đồn điền, chuyện bán buôn, lập vườn, xây chợ; chuyện sinh hoạt, chuyện giải trí, cũng như các loại hình ca cổ. Ông duyên dáng đem các cuộc hò hát đối đáp, đưa em, huê tình, nói thơ, nói truyện ra để mà kể trong các bài khảo cứu hay truyện ngắn của mình cũng như nhào nặn những nét đặc trưng Miền Nam trong vấn đề quan hệ yêu đương, tình cảm gia đình, xã hội... để chúng trở thành các văn bản sử liệu có tính hệ thống trong khi hình thành văn hóa Miền nam.

Có người cho rằng văn của Sơn Nam là văn nói, nói sao viết vậy, và do đó thiếu vắng chất văn học. Những nhận định này vừa đúng lại vừa sai. Văn của ông không hoàn toàn đem trọn một câu nói vào trang sách. Ông đã cực kỳ khéo léo gọt bớt những dung tục để câu văn vẫn giữ nguyên chất thô rám của đời sống nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn chương khiến khó thể nhận ra rằng những điều mà nhà văn thể hiện đã được tinh luyện, nhào nắn. Có điều tính chất văn chương của Sơn Nam nhẹ nhàng như hơi thở của thiên nhiên chứ không hào hễn như nhiều tác giả khác. Thử nghe lại một đoạn ngắn, rất ngắn trong Mùa Len Trâu của ông:

Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.

Nhà văn Sơn Nam mất đi đồng nghĩa với việc Miền Nam mất đi một nhân chứng văn hóa và lịch sử. Văn học Việt Nam lại chịu tổn thất thêm một danh tài nữa trong khi chưa kịp hình thành một khuôn mặt mới có tầm cỡ như ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.