Ái Vân và tự truyện “Để gió cuốn đi”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.05.14
ai-van-622.jpg Ca sĩ Ái Vân trong buổi ra mắt tự truyện Để gió cuốn đi vào ngày 5 tháng 5 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Courtesy photo

Tự truyện “Để gió cuốn đi” của nữ ca sĩ Ái Vân do First New Trí Việt và nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện vừa được ra mắt vào ngày 5 tháng 5 tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Sách dày hơn 300 trang với 17 chương ghi lại hình ảnh gia đình từ thời thơ ấu cho tới những cuộc hôn nhân đẫm nước mắt và cuối cùng là câu chuyện nơi đất khách quê người.

Ái Vân cho biết cuốn sách này không chỉ là câu chuyện của chị mà còn là của thế hệ chị. Không chỉ là câu chuyện của gia đình chị mà còn là của bạn bè chị nữa. Ái Vân viết cuốn tự truyện trong tâm trạng buông thả hết những gì quấn quýt, đè nặng và ám ảnh người nghệ sĩ để chúng trôi đi theo làn gió thoảng trước hiên nhà. Để gió cuốn đi quá khứ cho dù chúng tốt đẹp hay thương đau. Người nghệ sĩ thấu hiểu được chữ “ngộ” của nhà Phật và chị cũng buông tay để sống những ngày cuối đời trong một tâm thái của người biết buông nỗi ưu tư mà sống.

Quá khứ đã thúc hối chị phải viết tự truyện này nhưng cũng chính quá khứ đã ngăn không cho chị công khai câu chuyện mà chị thú nhận là đau lòng nhất ở cuộc hôn nhân thứ hai. Ái Vân đã làm một việc chưa từng có trong những tác phẩm tự truyện từ trước tới nay: bỏ trống những trang giấy kể về đoạn đời quan trọng và bi thương nhất của mình.

Những trang giấy trắng ấy được độc giả cảm nhận bằng sự im lặng của bức tường, mà trên đó hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài tạo vết mòn không thể thấy nhưng có hình dạng các sợi thần kinh li ti run bần bật và có thể bùng vỡ bất cứ lúc nào. Những trang sách trắng cùng con chữ biến mất tạo ám ảnh thật sâu ngay cả khi cuốn sách được gấp lại.

Như đứa con đầu lòng

Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với nghệ sĩ Ái Vân để tìm hiểu thêm những gì mà chị không viết trong “Để gió cuốn đi”. Câu đầu tiên chị nói về cảm giác hạnh phúc của mình khi cuốn sách nằm trong tay sau bao năm phân vân giữa nên hay không nên viết nó, Nữ nghệ sĩ Ái Vân chia sẻ:

Thời gian xảy ra việc khiến Vân phải rời bỏ quê hương ra đi đó là thời điểm phải nói là thăng hoa trong nghệ thuật của Vân thế nhưng trong đời tư thì Vân lại gặp rất nhiều bi kịch.
-Ái Vân

Ái Vân: Vân cảm thấy rất hạnh phúc và nhiều khi không thể tin nữa! Vân không thể tin cuối cùng lại có giờ phút cầm trên tay mình cuốn sách này. Giống như một người chờ đợi rất lâu, khi nghĩ rằng nó không thể ra đời thì nó lại có mặt, giống như đứa con đầu lòng trên tay mình.

Mặc Lâm: Thông thường khi người nghệ sĩ viết lại tự thuật hay hồi ký của mình thì họ chia sẻ rất nhiều điều thành công nhưng riêng với chị tôi thấy rất ngạc nhiên là chị viết về những ký ức mà chị gọi là kinh khủng, đau đớn và thậm chí nhục nhã… và khi độc giả cầm cuốn sách trên tay thì họ rất ngạc nhiên vì phía sau hào quang là những đau đớn của người nghệ sĩ mà họ yêu thích. Xin có thể chia sẻ một ít với độc giả cuốn sách ở đây không?

Ái Vân: Thời gian xảy ra việc khiến Vân phải rời bỏ quê hương ra đi đó là thời điểm phải nói là thăng hoa trong nghệ thuật của Vân thế nhưng trong đời tư thì Vân lại gặp rất nhiều bi kịch. Vân nghĩ bi kịch thì gia đình nào cũng có nhưng riêng Vân có thể nói là trên sân khấu tỏa sáng bao nhiêu thì khi trở về nhà, về cuộc đời riêng của mình thì nó lại tăm tối và không có lối thoát bấy nhiêu. Vân không tìm cách để thoát ra khỏi nó nhưng có điều là không ai và không điều gì có thể giúp mình thoát ra được con đường nó bị cụt đi như thế.

Cho nên Vân quá đau đớn và khi viết ra nó rồi thì không dám đưa lên vì Vân sợ chúng làm phiền đến người đọc và đồng thời có thể ảnh hưởng rất nhiều đến người liên quan. Đấy cũng chính là lý do để Vân bước chân ra đi… Vân không biết nói gì khi Vân quyết định không nói ra. Nó là bi kịch gia đình mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã ở trong hoàn cảnh đó. Nó rất đau đớn khi và Vân viết ra những giòng chữ đó thì Vân đã chôn sâu cái ký ức đau buồn đó giống như chôn trong ba tấc đất và nấm mồ đã lành rồi, nó đã nở hoa kết trái rồi mà nay đào bới nó lên bởi ký ức quá đau đớn thì cũng là điều rất khổ tâm. Vân chỉ biết nói là không thể diễn tả được bằng lời.

Mặc Lâm: Phải nói rằng tác phẩm này rất hiếm hoi trong lịch sử văn học đặc biệt trong việc in ấn bởi vì phần quan trọng được người đọc chờ đón nhất của chị lại bị bỏ trống. Đây cũng là điều khiến chị quyết định từ bỏ con đường nghệ thuật đang nở hoa để chọn con đường tỵ nạn và con đường này có lúc cũng gập ghềng không thua gì con đường hôn nhân mà chị đã trải qua. Chúng tôi nhớ lúc chị vừa sang Mỹ trình diễn lần  đầu tiên đã bị phản ứng không tốt lắm, chị có thể chia sẻ một chút về việc này hay không?

Ái Vân: Vâng nhưng phải nói thế này, có nhìn thấy những trắc trở gập ghềnh nhưng thực ra con đường để Vân bước sang cuộc sống mới có thể nói là một bước ngoặc sau năm 1990 trở về trước, đấy là một quãng và từ 1990 trở về bây giờ thì lại là một khoảng thời gian khác hoàn toàn.

Ca sĩ Ái Vân (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ sĩ hải ngoại biểu diễn tiết mục Đèn cù thu hình ở Las Vegas. File photo.
Ca sĩ Ái Vân (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ sĩ hải ngoại biểu diễn tiết mục Đèn cù thu hình ở Las Vegas. File photo.

Chính những ngày đầu tiên thì Vân không ở bên Mỹ mà ở Đức. Vân tham gia trong các chương trình của Thúy Nga và sinh hoạt văn nghệ hải ngoại quanh châu Âu. Vân cho rằng quãng thời gian đó Vân được trải hoa hồng đấy chứ. Vân được khán giả và đồng bào hải ngoại đón nhận Vân với tất cả cánh tay dang rộng, rất thương mến và rất nồng ấm. Vì vậy Vân mới có cơ hội để trình diễn trên Paris by Night và trình diễn trên các sân khấu khắp châu Âu nhưng chưa có giấy tờ để đi xa hơn.

Nhưng khi Vân đặt chân định cư tại Hoa Kỳ thì trong thời gian đầu nó có một chút trục trặc mà cụ thể Vân còn nhớ đó là cái đêm nhạc kỷ niệm 10 năm Paris by Night tại Saritos vùng Long Beach của Nam California. Chương trình hôm đó lần đầu tiên Thúy Nga quay live ở một rạp hát lớn. Trước đây chỉ quay trong phim trường của đài truyền hình Pháp thôi… phải nói tất cả nghệ sĩ và khán giả đều kỳ vọng vào chương trình này rất nhiều. Thế nhưng trong lúc chương trình chuẩn bị show thì có xì xào mà Vân nghe được Vân là ca sĩ Việt Cộng nên vài ca sĩ không muốn đứng chung sân khấu với Vân trong chương trình đấy mặc dù là đã có chuẩn bị cả tháng trước cho Vân tham gia chương trình này.

Bên trong hậu trường sân khấu hôm đó rất hỗn loạn và đặc biệt nhà sản xuất Thúy Nga Pris rất lúng túng. Phải nói sau đó nhờ sự chân thành của bên Thúy Nga và phần lớn mọi người đều hiểu là Vân đã hát mấy năm trời rồi nên cuối cùng thì nó cũng xong. Đấy là kỷ niệm đầu tiên khi Vân bước chân sang Hoa Kỳ để diễn trong chương trình Paris by Night tổ chức live.

Vì sao chọn dòng nhạc dân ca?

Mặc Lâm: Chị là người nổi tiếng về trình diễn dòng nhạc cách mạng, đặc biệt là những bài hát cổ vũ tình thần chiến sĩ chống Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới. Khi hòa vào với dòng nhạc hải ngoại có hình thức trữ tình, lãng mạn chị có gặp khó khăn gì hay không và nếu có làm sao chị vượt qua?

Ái Vân: Thưa anh đối với Vân rất khó khăn bởi vì trước khi bươc chân ra đi rời Việt Nam rất đột ngột không được làm quen với nền âm nhạc của phía Nam. Chỉ sau năm 75 thì Vân mới được loáng thoáng nghe vài bài hát trong đó có bài hát Chiếc lá cuối cùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh thôi ngoài ra thì không có khái niệm gì vì nhạc vàng bị ngoài Bắc cấm. Cấm nhạc vàng cấm đủ thứ kể cả nhạc xanh của Liên Xô cũng hát trong khi ngồi với nhau thôi chứ trên sân khấu cũng không được phép.

Dòng nhạc ngoài Bắc không hát được, nhạc trong Nam cũng vậy không hát được nên Vân chọn nhạc dân ca vì thấy nó cũng dễ và do hồi nhỏ Vân lớn lên trong cái nôi dân ca nên dễ dàng với Vân hơn.
-Ái Vân

Cho nên những năm trước khi Vân ra đi thì chỉ nới lỏng một chút thôi cho nên khi sang tham gia dưới vòm trời sinh hoạt âm nhạc của hải ngoại thì Vân rất lúng túng bởi vì Vân không biết hát cái gì cả. Vân không có vốn những ca khúc của miền Nam trước đây. Nếu có hát thì cũng không được bởi vì khi học trong trường thì Vân được đào tạo hát nhạc Classic, nhạc Opera rồi khi ra ngoài thì Vân hát nhạc nhẹ bằng cách mày mò thôi chứ không được tiếp xúc với nền âm nhạc phía Nam cũng như là nhạc Pop hay nhạc trên thế giới. Vân hiểu biết về nó rất ít cho nên cũng gặp khó khăn.

Những năm sau này Vân nghe băng đĩa nhiều nên cũng học hỏi và biến chuyển được một chút với dòng nhạc này. Vân biết chắc để hiều rõ về nó thì Vân chưa làm được cho nên Vân chọn dòng nhạc dân ca. Khi ra đi bao giờ mình cũng nhớ quê hương và dòng nhạc ngoài Bắc không hát được, nhạc trong Nam cũng vậy không hát được nên Vân chọn nhạc dân ca vì thấy nó cũng dễ và do hồi nhỏ Vân lớn lên trong cái nôi dân ca nên dễ dàng với Vân hơn nên khi trình diễn tự tin hơn. Rất may là với cách chọn lựa đó Vân đã được khán giả hải ngoại đón nhận một cách yêu thương, nồng nhiệt. Vân rất là may mắn.

Mặc Lâm: Chúng tôi nghĩ sau tác phẩm Để gió cuốn đi thì phần nào chị cũng đã trang trải những băn khoăn, đau đớn cùng những quá khứ không vui. Bây giờ trong chương sống tại hải ngoại có tên “quê người” chị có hoàn toàn chia sẻ được những ngày tháng sống ở quê người không?

Ái Vân: Trong cái chương sống ở quê người thật ra nếu để viết về nó thì Vân nghĩ chưa đủ thời lượng để chia sẻ với độc giả về năm tháng sống ở quê người. Thật ra nói là quê người nhưng Vân rời Việt Nam từ năm 37 tuổi mà đến nay thì đã sống ở quê người được 26 năm rồi, cũng gần bằng khoảng thời gian ở Việt Nam.

Có biết bao vui buồn, biết bao điều đáng nhớ và kể cả điều đáng quên nữa. Gói ghém trong một khoảng thời lượng hơn 300 trang thì không thể nói hết. Hơn nữa sách được phát hành ở Việt Nam thì anh cũng biết nó cũng có những hạn chế nhất định và Vân chưa thể nói ra hết được. Vân nghĩ rằng may ra trong một dịp nào đó Vân có thể chia sẻ nhiều hơn. Vân nghĩ nó hơi không công bằng khi Vân nghiêng về thời gian trước năm 90 hơn là thời gian sau này.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nghệ sĩ Ái Vân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.