Thần thánh và bươm bướm
2011.12.10
Đỗ Minh Tuấn sinh năm 1952 là một người có hoạt động rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực: Trong sinh hoạt điện ảnh với tư cách đạo diễn; Trong lĩnh vực văn học ông được biết là nhà nghiên cứu, phê bình và lý luận văn học. Ông còn là nhà thơ, tiểu thuyết gia và là một họa sĩ tài năng.
Ngoài nhiều giải thưởng cao quý ông giành được trong những lĩnh vực vừa nêu, ông nổi tiếng do tài năng của một đạo diễn và bộ phim “Vua bãi rác” là đỉnh cao của sự nghiệp đạo diễn của ông khi được đề cử đại diện Việt Nam tham dự giải Oscar.
Tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” là tác phẩm mới nhất của ông vừa được báo chí nhắc đến như một thành tựu khác trong lĩnh vực văn chương của Đỗ Minh Tuấn. Tác phẩm này đang có tiếng vang trong giới phê bình và hôm nay Mặc Lâm xin giới thiệu tác phẩm này đến với quý thính giả.
Nội dung tác phẩm
“Thần thánh và bươm bướm” là tiểu thuyết viết về đời sống nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay với nội dung như sau:
“Làng Bãi Hạ bắt đầu với cây bưởi nở hoa bốn mùa và nhuộm đỏ hết cả làng, nhuộm đỏ cả ao, cả đàn vịt... Từ cây này nảy sinh ra nhiều hiện tượng quái dị khiến người dân từ kinh hãi dẫn đến nhu cầu mua bán những vật dụng phục vụ phần tâm linh. Những vụ đào vàng, giết người cướp của. Hiện tượng chữa bệnh bằng tâm linh khiến dân tứ xứ kéo đến nhờ một ông thánh trong làng chữa bệnh và kết quả là ông thánh con nít ấy giàu to.
Sự giàu có của nhân vật đồng bóng khiến các ông bố bà mẹ ước ao có một ông thánh trong nhà và nảy sinh tâm lý các cậu bé được cha mẹ nâng niu, tôn trọng hơn với niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ hưởng được kết quả.
Nhân vật chính của truyện là ông Thao, Thao là một cựu chiến binh có cậu con trai bỗng nhiên xưng thánh, nổi tiếng về bói toán, với những hoạt động chữa bệnh bằng nghi lễ và tình dục đã lôi kéo Thao vào những tình huống hài hước và tội lỗi. Thao có cô con gái yêu một anh chàng tên John. John được dân làng kính trọng vì đã xây lại nhà thờ họ và việc làm này khiến ông Thao rất hãnh diện và hy vọng sẽ được sang Mỹ. Ông Thao dự định mua súng đem sang Mỹ vì theo ông sang Mỹ mà không có súng thì khác gì ở nhà quê không có tổ tôm. Trong khi ông Thao đi mua súng thì gặp một cựu chiến binh khác có người con bị nhiễm chất độc màu da cam mà mỗi lần ngửi hương của cây bưởi bốn mùa nở hoa tại làng Đông Phúc thì cảm thấy dễ chịu như uống thuốc.
Lúc này làng Đông Phúc nằm trong dự án quy hoạch sân golf do người Đài Loan triển khai và các cấp chính quyền đang ráo riết giải phóng mặt bằng dẫn đến việc chùa chiền di tích bị phá khiến người dân tập trung lại bảo vệ đất của họ.
Khi ấy Thao đến để bảo vệ cây bưởi linh thiêng như nguồn sống của đứa con của người đồng đội và đồng thời bảo vệ người dân với tư cách một cựu chiến binh. Do sức ép của chính quyền và sự chao đảo của dân làng lao theo những tin đồn rằng nước ngoài sẽ mua bươm bướm và bọ hung giá mấy trăm đô la một con. Tin này được báo An Ninh Thủ Đô loan tải nên người dân càng tin hơn khiến phong trào đi bắt bọ hung, bươm bướm diễn ra.
Tiếp đó là những chuỗi sự kiện dẫn tới việc Thao gây ra án mạng và phải đi tù. Sân golf mọc lên và mỏ được khai thác. Sau khi Thao ra tù giữa làng nổi lên cái ao có nước màu đen, các cô dâu chú rể chở nhau trên thuyền soi bóng trên chiếc ao đấy. Nhà đầu tư thì được chính quyền tặng cho cây gạo và phải dùng máy bay chở nó đi… và có một đàn chim bay theo cây gạo linh thiêng đó và người ta nhô người ra khỏi máy bay, cầm cờ vẫy đàn chim ấy.”
Những Chí phèo mới....
Chúng tôi vừa trình bày sơ lược nội dung của tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của đạo diễn, nhà văn Đỗ Minh Tuấn. Ông cũng dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về tác phẩm này, mời quý vị theo dõi sau đây.
Thực sự mà nói sau cách mạng, việc phát hiện tính cách nổi loạn của Chí Phèo trong văn hóa do thiếu tôn trọng giá trị văn hóa và điều này khá phổ biến.
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn
Mặc Lâm: Thưa, khi đọc xong tác phẩm của ông, GS Phong Lê cho rằng: Phải chăng nhà văn Nam Cao đã "can tội" gieo ươm loại nhân vật kiểu Chí Phèo, loại người kiểu như Chí Phèo... vốn thiểu số trước 1945 trở thành đa số, nhan nhản khắp nơi, từ làng quê tới trung ương sau năm 1945...” Trong “Thần Thánh và bươm bướm” ông có khai thác những cá tính Chí Phèo thời đại không, và nếu có thì theo hướng nào?
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Một nhân vật kiểu Chí Phéo tôi không tập trung nhưng tính chất Chí Phèo nó dàn trải ra trong ứng xử cộng đồng rất nhiều. Thực sự mà nói sau cách mạng, việc phát hiện tính cách nổi loạn của Chí Phèo trong văn hóa do thiếu tôn trọng giá trị văn hóa và điều này khá phổ biến. Tôi có thể hiện tính cách Chí Phèo nó thấm vào trong sự hồn nhiên, chân tình mà người ta không ý thức được. Từ những việc nhỏ trong hành vi, khẩu khí đối thoại với nhau.
Mặc Lâm:Theo ông thì Chị Dậu của thế kỷ 21 tại Việt Nam có còn không, và nếu còn thì chúng phản ảnh điều gì trong tác phẩm của ông?
…và Chị Dậu tập thể
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Chị Dậu cụ thể thì tôi không thể hiện nhưng cảnh ngộ bần cùng hóa trước nguy cơ mất đất, mất làng, mất nguồn sống thì đã có. Những người nông dân hiện nay trong tiểu thuyết của tôi họ trông chờ vào các canh bạc của số phận, hoặc sự ban phát của thần linh, những may rủi hoặc những hợp đồng đầu tư. Do đó mà họ muốn đổi đời bằng những giải pháp rất hoang đường. Tuy nhiên nó khác Chị Dậu ngày xưa ở chỗ họ tích cực tìm cách hội nhập để thoát khỏi cảnh nghèo của mình bằng những giải pháp hoàn toàn mang tính ảo tưởng hoặc là rất ngây thơ.
Chị Dậu trong tác phẩm này là một Chị Dậu tập thể do nghèo đói, có pha một chút “khùng” của Chí Phèo, một chút hoang tưởng của Don Quixote để giải cứu mình và cộng đồng mình hết sức ngây thơ.
Mặc Lâm: GS Phong Lê cho là “Thần thánh và bươm bướm” mấp mé một cái gì đó rất lớn… nếu đồng ý với nhận định này thì tại sao ông lại chọn thái độ mấp mé mà không đào sâu, tiếp cận trực tiếp và không khoan nhượng?
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Tôi hiểu ý kiến của GS Phong Lê ở khía cạnh sự giới hạn của tác phẩm do khả năng thể hiện của tôi chưa đạt theo cái tầm mà ông mong muốn như nó có thể có chứ không phải do sự ngập ngừng hay bị kẹt…. không phải! Tôi nghĩ GS đang đánh giá, đang cho điểm nghệ thuật có nghĩa GS muốn nói rằng nếu như tôi tài năng hơn thì có thể nó sẽ đạt điểm 10 còn bây giờ nó chỉ 9 thôi chẳng hạn, chứ không phải giáo sư cho rằng tôi lảng tránh hay né tránh.
Những giá trị bị đảo lộn
Mặc Lâm: Trong một bài phát biểu ông Hữu Thỉnh cho rằng “Nông thôn trong “Thần thánh và bươm bướm” còn đảo lộn ghê gớm hơn cả thời cải cách”. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Đó là nhận định hết sức thú vị. Ông căn cứ bên trong tâm hồn, bên trong văn hóa, trong chiều sâu tâm linh của tác phẩm. Tuy bề ngoài nó rất êm ả, không có gì đảo lộn. Tất nhiên sau khi xây sân golf, sau khi khai thác mỏ thì nó cũng có đảo lộn nhưng về mặt tổ chức hay mặt xã hội thì nó không phải như cải cách ruộng đất. Sự đảo lộn này ông ấy muốn nhấn đến sự đảo lộn văn hóa, tâm linh và giá trị tinh thần. Cho nên cái dữ dội này tôi cho rằng là một sự nổ bom và tôi sẽ phát huy thêm ở trong phần hai.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết bạn đọc muốn tìm tác phẩm này thì tìm ở đâu, ông có cho phổ biến nó trên Internet hay chưa?
Sự đảo lộn này ông ấy muốn nhấn đến sự đảo lộn văn hóa, tâm linh và giá trị tinh thần.
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Tôi có chuyển cho anh Lê Thiếu Nhơn và anh ấy post lên trang web của anh ấy 14 chương. Nhưng do người bỏ tiền ra in yêu cầu là không nên post hết để họ còn kinh doanh thì tôi giữ lại 10 chương. Sau khi sách phát hành có thể tôi sẽ post lên để phổ biến rộng rãi hơn.
Mặc Lâm: “Thần thánh và Bươm bướm” được giải thưởng hạng ba của Hội Nhà Văn Việt Nam, ông có hài lòng với giải thưởng này không?
Nhà văn Đỗ Minh Tuấn: Tôi cũng định không nhận nhưng do nhiều người khuyên thì tôi nhận cho vui. Tôi cũng chẳng để ý đến những bất công làm gì nhưng không ngờ trong buổi hội thảo thì tự nhiên họ nói ra một cách chân thành như thế.
Những nhận xét khác
Thưa quý vị, Trong buổi tọa đàm văn học tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn diễn ra vào ngày 25-11-2011 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, xin được trích hai nhận xét của nhà thơ Tấn Phong và nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ đăng tải trên website của Hội Nhà Văn Việt Nam.
Nhà thơ Tấn Phong phát biểu rằng những vấn đề xã hội được đặt ra trong “Thần thánh và bươm bướm” đến 50 năm nữa cũng vẫn mới như ngày hôm nay, đó chính là “tam nông”: nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Các thân phận trong tiểu thuyết đều bé mọn, trong đó có một chút thân phận Đỗ Minh Tuấn. Bút pháp tung tẩy. Cái cười rất buồn và rất sâu, mới cười xong lại thấy muốn khóc, đó là cái cười cay đắng của thời nhá nhem hội nhập.
Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ thì cho rằng “Thần thánh và bươm bướm” có sự tương tác giữa các thể loại, Đỗ Minh Tuấn viết văn xuôi với sự kết hợp của thơ, điện ảnh và phê bình. Đọc tác phẩm này, nhà phê bình thích cách Đỗ Minh Tuấn thể hiện tâm lí nhân vật, nhất là cái linh giác của nhân vật vợ Thao khi chị phân vân về việc làm mờ ám của thằng Chấn khi chữa bệnh bằng tình dục.
Chúng tôi xin chấm dứt chương trình giới thiệu tác phẩm “Thần thánh và bươm bướm” hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình kỳ tới.