Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
2016.06.18
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vừa qua đời tại Hà Nội hưởng thọ 94 tuổi. Ông được xem là một trong bốn họa sĩ trụ cột của nền hội họa hiện đại Việt Nam đó là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên và Nguyễn Tư Nghiêm.
Cả bốn ông đều học tại trường Mỹ thuật Đông Dương và tài năng của họ đã được thời gian chứng thực. Cùng với những khuôn mặt hội họa sáng chói khác như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, hay Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm có lẽ là người họa sĩ ẩn dật nhất vì cách sống, cách sáng tác của ông khiến người ta liên tưởng tới một danh họa tuy nổi tiếng rất lâu nhưng hình như vẫn còn trong bóng tối.
Một họa sĩ tạo ra hệ sinh thái
Chúng tôi tìm hiểu thêm về tranh của ông qua trao đổi với nhà phê bình mỹ (nghệ) thuật Như Huy cũng là một Curator (giám tuyển) tự do, đã dịch rất nhiều các tài liệu về nghệ thuật đương đại và lý luận cũng như đã tham gia vào các hội thảo chuyên đề mỹ thuật quốc tế. Nhận xét về họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trước tiên anh cho biết:
Như Huy: Tôi thuộc thế hệ những người làm nghệ thuật mà còn…biết vẽ (cười). Nói vui như thế vì thế hệ bây giờ người ta có thể làm nghệ thuật mà không cần biết vẽ. Chính vì lẽ đó, tôi có thể hiểu vẻ đẹp, nét vẽ của họa sĩ. Với chúng tôi thì Nguyễn Tư Nghiêm là bậc thầy và càng ngày thì chúng tôi càng hiểu ra điều đấy.
Họ không chỉ là những họa sĩ giỏi, vẽ đẹp, tạo nên tác phẩm tốt mà còn tạo ra hệ sinh thái tức là trong hệ sinh thái đấy họ sở hữu chính cội nguồn của họ. Họ là họ, Ho vượt lên mọi ảnh hưởng, hay nói cách khác, họ biến mọi ảnh hưởng thành ra họ.
-Như Huy
Mọi người đã nói rất nhiều về Nguyễn Tư Nghiêm như một bậc thầy tiếp nối hai truyền thống, tôi cũng nhìn nhận như vậy. Tôi thấy ông Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra được hệ sinh thái của ông ấy. Trong tất cả họa sĩ Việt Nam tôi đánh giá rất cao ba người, thứ nhất là Nguyễn Phan Chánh, thứ hai là Nguyễn Gia Trí và thứ ba là Nguyễn Tư Nghiêm. Họ không chỉ là những họa sĩ giỏi, vẽ đẹp, tạo nên tác phẩm tốt mà còn tạo ra hệ sinh thái tức là trong hệ sinh thái đấy họ sở hữu chính cội nguồn của họ. Họ là họ, Ho vượt lên mọi ảnh hưởng, hay nói cách khác, họ biến mọi ảnh hưởng thành ra họ. Thí dụ như nói về Nguyễn Phan Chánh thì chúng ta hình dung ra cả một hình tượng, cả một hệ sinh thái màu sắc rồi cách xử lý của Nguyễn Phan Chánh với lụa, nói về Nguyễn Gia Trí thì là sơn mài, và Nguyễn Tư Nghiêm thì với tôi, tôi đánh giá rất cao về góc độ mà có lẽ ít người nhận ra ở ông, tức là ở góc độ tranh bột màu trên giấy dó hay bột màu trên báo. Ở đây có chuyện rất hay, đó là bột màu trên giấy báo là chất liệu đặc thù ở Việt Nam thôi vì phương Tây người ta không vẽ những loại như vậy. Nó chỉ là “minor” so với dòng chính, không họa sĩ nào vẽ như vậy cả. Thứ nhất nó không bền vững thứ hai là nó không có tính mô tả cao. Sơn dầu chúng ta mô tả rất rõ từ sắt, đồng, da hay xương, tóc….đều rất rõ. Với truyền thống của phương Tây thì bột màu không được vinh danh và thậm chí đối với họa sĩ Việt Nam thì trong chừng mực nào đó bột màu chỉ dùng để vẽ sketch, phác thảo thôi. Nhưng riêng với Nguyễn Tư Nghiêm đã biến bột màu thành một chất liệu rất huyền ảo của tiêng ông ấy. Sau đó ông sử dụng bột màu cùng với giấy dó. Va từ đây, ông tạo nên một thế giới tuyệt vụng về, thơ trẻ và huyền ảo. . . tức thế giới chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm mới làm được.
Mặc Lâm: Riêng về lĩnh vực sơn dầu theo anh thì Nguyễn Tư Nghiêm có đặc sắc như bột màu và giấy dó hay không?
Như Huy: Ông ấy là người rất giỏi về sơn dầu. Ví dụ như có câu chuyện là hồi ông ấy còn học ở trường Đông Dương thì sơn dầu rất ít, nvà ông thầy dạy là Ingumberty chỉ đưa sơn dầu cho Nguyễn Tư Nghiêm chứ không đưa cho các ông khác. Ông thầy cho rằng chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm mới biết vẽ sơn dầu. Thế nhưng sau này ông ấy tránh vẽ sơn dầu thì mình mới hiểu ra rất sâu trong đó rằng ông muốn tìm chất liệu không phải chỉ để vẽ, mà phải giúp ông ấy nói lên nhân sinh quan của ông ấy về cuộc đời, về nghệ thuật. Ông cũng dùng sơn mài rất giỏi, cùng với giấy dó và bột màu.
Sơn mài thì chúng ta biết nó là chất liệu anh không làm chủ được, anh không pha màu theo kiểu phương tây được. Rất khó điều khiển để mô tả theo phép viễn cận (phối cảnh) như của phương tây. Chính vì thế, ông Nghiêm đã chọn sơn mài. Với sơn mài, ông đã áp dụng hoàn hảo các đặc tính nghệ thuật kiểu phương Đông trong đó có phép viễn cận tẩu mã hay các bố cục hướng tâm, tức những gì trái nghịch với phép viễn cận phục Hưng và các quy luật bố cục điểm vàng của phương Tây.
Với sơn mài, với giấy dó, với bột màu, ông Nghiêm đã có thể xây dựng nên một thế giới nghệ thuật- là khu vực đắc địa của các quy luật của Sadanga (luật vẽ tranh Ấn độ) của Lục pháp luận của Tạ Hách (Trung Hoa, hay chính tinh thần dân gian vụng về nghuệch ngoạc phản chính xác và phản chính thống của nghệ thuật dân gian nơi đình chùa Việt Nam.
Theo tôi, ông ấy chọn chất liệu sơn mài và đặc biệt sơn bột màu giấy dó một cách rất có chủ ý vì, cũng giống như Nguyễn Gia Trí chọn sơn mài, Nguyễn Phan Chánh chọn lụa, các chất liệu ấy giúp ông trở thành người hiền minh theo nghĩa sự vẽ và người vẽ cũng như bức tranh giờ đây đã có thể hơp một.
Nếu mình là người biết vẽ thì sẽ thấy vẽ bột màu rất khó vì nó khô rất nhanh. Và khi nó khô thì tranh sẽ giống như vôi bột vậy. Rất khó làm chủ chất liệu. Vẽ bột màu là một cuộc cút bắt về xử lý chất liệu và cảm xúc vô cùng khó khan. Đặc biệt khi bột màu kết hợp với giấy dó, một loại giấy biến đổi thiên hình vạn trạng theo độ khô, ẩm, loang của nước. Vậy mà tất cả tranh của Nguyễn Tư Nghiêm khi ta nhìn thì nó mềm mại, luôn có điễm dừng rất đúng lúc. Nó có sự vụng về của trẻ thơ. Của nhát cọ ngỡ ngàng nhận ra thế giơ.í lần đầu tiên, chưa bị kinh nghiệm chi phối và làm hỏng. Tuy thế, đồng thời, . . nhưng đối với người hiểu về nghệ thuật, hiều về quy luật hội hoạ phương Tây thì tranh của Nghiêm cũng lại tuân theo những quy luật kinh khủng và nghiêm cẩn nhất về bố cục.
Tìm-rà-chính mình
Mặc Lâm: Vâng anh vừa diễn giải cách mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm dùng bột màu và giấy báo, giấy dó khiến tôi lại liên tưởng đến những họa sĩ hậu hiện đại áp dụng nhiều chất liệu khác nhau trên cùng một tác phẩm trong đó có cả bột màu mà họ gọi là mixed media, phải chăng Nguyễn Tư Nghiêm đã đi trước trong việc áp dụng chất liệu này vào tác phẩm của ông như một họa sĩ tiên phong tại Việt Nam?
Như Huy: Cũng có thể nhìn như vậy anh ạ, song thật ra tôi nghĩ ông Nghiêm thuộc dạng nghệ sĩ không đặt nỗ lực cuộc đời của mình vào sự mới-hơn-người khác, mà vào sự, tìm-rà-chính mình . Ông ấy là người đi vào trong lòng mình thôi. Ông sử dụng chất liệu “để ông là” ông nhất, để ông có thể “hiện hữu” nhất. Tôi lấy ví dụ như tranh phố cổ là loại tranh ông ấy vẽ rất nhiều. Nếu chúng ta đi vào những tác phẩm của Paul Klee, người vẽ trừu tượng hình học chẳng hạn thì thấy quy luật hướng tâm, quy luật về nét của ông rất chuẩn tuy nhiên nó vụng về hơn, nó Á đông hơn. Hoặc là bức Thánh Gióng chẳng hạn có con ngựa 5-6 chân, nó tuân theo đúng quy luật của chủ nghĩa Vị lai. Ông ấy không phải là người học phương Tây nhưng ông ấy đã tích hợp tất cả để tạo nên hệ sinh thái của Nguyễn Tư Nghiêm, duy tình, duy cảm và không chính xác. Không lấy chính xác làm mục đích. Còn ở góc độ ông ấy có đi trước thời đại hay không thì tôi nghĩ đó là cách diễn giải thôi nhưng theo tôi thì ông ấy là người đặc biệt. Có những nghệ sĩ đặc biệt mà thời đại không thể tác động vào họ.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì thời gian gần đây ông thường vẽ 12 con giáp vào mỗi dịp tết và bên cạnh đó ông rất xuất thần khi vẽ các bức có chủ đề Truyện Kiều của Nguyễn Du, anh chia sẻ cái nhìn của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ ông Nghiêm thuộc dạng nghệ sĩ không đặt nỗ lực cuộc đời của mình vào sự mới-hơn-người khác, mà vào sự, tìm-rà-chính mình . Ông ấy là người đi vào trong lòng mình thôi.
-Như Huy
Như Huy: Theo tôi chúng ta phải đặt nó vào văn cảnh. Dạng tranh hai con giáp theo tôi biết luôn được nghệ sĩ Việt Nam xem như đề tài khai bút cho một năm. Nó luôn được vẽ trong dịp tết, Như món quà của nghệ sĩ mừng tuổi bạn bè hay con cháu trong nhà. Con giáp được vẽ rất nhanh, gọn, và thường là được vẽ trong giao thừa. Đây là một truyền thống kiểu Á đông, kiểu Nho giáo. Việc vẽ con giáp này nó có cái hay và cái dở. Hay ở chỗ khi vẽ nó, hoạ sĩ sẽ có cảm giác thiêng liêng vào khoảnh khắc giữa hai mùa, hai năm nhưng cũng có cái không hẳn là dở nhưng vì luôn luôn được vẽ rất nhanh thì đương nhiên cách xử lý của các họa sĩ phải khác với những bức tranh được đầu tư thời gian nhiều hơn. Ít ai vẽ tranh con giáp theo kiểu tác phẩm lớn, đầu tư thời gian lâu ngày. Ít ra là tôi quan sát thế.
Trong khi đó, Truyện Kiều là một áng văn tuyệt bút rồi, nó chứa cả thế giới bên trong cho nên khi Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Truyện Kiều thì ông sẽ có cảm xúc khác so với vẽ 12 con giáp. Đấy là tôi nói tâm thế khi ông cầm cây bút, cây cọ để vẽ. Về mặt nghệ thuật ta phải thấy Truyện Kiều dù ông vẽ gì thì người ta vẫn thấy đó là Nguyễn Tư Nghiêm, với những cách xử lý cố tình vụng về nơi dessin (nét viền). Ông thường cho nét và mảng màu chệch khỏi nhau, hoặc có chỗ ông bỏ lơi nét, không đi hết theo mảng/hình màu. Ta cần lưu ý là ở đây ông đã áp dụng kĩ thuật khắc gỗ dân gian Việt Nam vào tranh. Như ta biết, Khắc gỗ Việt Nam đặc biệt ở chỗ khác với khắc gỗ Nhật Bản. Khắc gỗ Nhật Bản vốn đòi hỏi độ chính xác tinh xảo vô cùng, trong khi Khắc gỗ Việt Nam đơn sơ vụnh về, thì nét và màu không trùng vào nhau. . Ông Nghiêm nếu để ý thì thấy đã tận dụng những chi tiết ấy vào tranh một cách đắc địa.
Mặc Lâm: Là một Curator, theo anh thì tranh của Nguyễn Tư Nghiêm được khách thưỡng lãm nước ngoài đánh giá ra sao so với hai người bạn là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh?
Như Huy: Cách đây mấy tháng tôi có đưa một ông Giám đốc bảo tàng người Đài Loan đến thăm một bộ sưu tập rất lớn của thành phố, rất đầy đủ tên tuổi của Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Cẩn, Vân, Lân… sau khi đi xem rất nhiều người đặc biệt là Sáng vì ông ấy rất thích Sáng nhưng khi đến Nghiêm thì ông ấy làm tôi có cảm giác là ông ấy rúng động, kiểu như ông ấy toát mồ hôi.
Ông nhấc lên xem rồi kéo xuống…ở đây mình thấy được thật ra Nguyễn Tư Nghiêm mới là người tạo ra được hoàn toàn một nhân cách hội họa, một thế giới riêng chứ còn Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên hay ai đó vẽ rất đẹp nhưng người ta vẫn thấy ông Matisse, ông Picasso ở đó. Chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm thì mới là Nguyễn Tư Nghiêm. Đấy là cái hay của ông ấy.
Nhưng cũng có cái dở chính vì ông sử dụng chất liệu rất Á đông như giấy dó, bột màu, cho nên nó rất khó đi vào “business of art” của thế giới. Bởi vì người ta chỉ mua tranh với chất liệu quen thuộc thôi, thí dụ như sơn dầu. Hoặc đã đương đại thì đương đại hẳn. Đối với giấy dó thì người ta không biết bảo quản như thế nào nên cũng không thể đánh giá. Người ta cũng không thể hiểu chất liệu bột màu nó bền vững ra sao. Khi mua tác phẩm thì nó có tính đầu tư mạnh, tức là mua một tài sản. Nhưng rồi nếu không hiểu rõ về nó, không được bảo chứng kĩ thuật bề nó- thì có khi sau này rất gay. Điểm thứ hai nữa là chính cái tinh thần Á Đông, dân gian đó, dù rất tuyệt vời với những ai hiểu nó, thì lại rất khó đi vào thê giới quan phương Tây. Cùng lúc đó, cũng chưa có nhà phê bình nghệ thuật hay nhà nghiên cứu nghệ thuật nào đủ uy tín trên trường quốc tế giới thiệu được những tính chất như tôi vừa bàn qua về Nguyễn Tư Nghiêm ra thế giới để người ta hiểu được. thế nên có lẽ cũng vẫn còn hơi khó cho Nguyễn Tư Nghiêm trong tiến trình trở nên một khoản đầu tư mạnh trong thị trường nghệ thuật thế giói, dù ở Việt nam, theo tôi biết, giá tranh của ông rất cao.
Tuy nhiêm theo cá nhân tôi đánh giá, chính Nguyễn Tư Nghiêm, chứ không phải ai trong bộ tứ Nghiêm Liên Sáng Phái rồi sẽ lên tới mức tương tự Nguyễn Gia Trí, đến mức danh họa như thế. Bây gờ có thể là chưa nhưng sẽ như vậy trong tương lai, thậm chí tương lai gần.
Về mặt con người thì rõ ràng ông ấy là người hiện đại theo phía cao nhất của từ này. Cả lối sống, cách ẩn dật, cả cách cô đơn thu mình lại của ông ấy như một phản đề của thế giới hậu hiện đại, của các nghệ sĩ trẻ, của cách truyền thông về người họa sĩ như một ngôi sao.
Mặc Lâm: Đối với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm hậu thế chắc chắn là cần phải lưu trữ tác phẩm của ông bằng mọi giá. Tuy nhiên như anh vừa cho biết là tranh của ông vẽ rất nhiều bức bằng các nguyên liệu khó bảo quản và trong chừng mực nào đó không phải là chất liệu bền vững như sơn dầu, sơn mài…Xin anh cho biết nhà nước đã có biện pháp gì để bảo tồn tranh Nguyễn Tư Nghiêm hay chưa?
Như Huy: Nhà nước đã mua khá nhiều tranh của Nguyễn Tư Nghiêm. Ông cũng là người được ăn lương để sáng tác, tức là người đặc biệt ăn lương sáng tác chỉ ở nhà chơi và vẽ thôi. Tuy nhiên tôi nghĩ vào thời gian hiện tại thì nhà nước không mua nổi tranh của ông ấy, bởi vì giá tranh của ông rất cao. Về cuối đời ông có bà vợ bảo quản tranh ông rất tốt và rất khó tính. Chứ còn nói về nhà nước thì việc bảo quản kể cả tranh sơn dầu của ông Nghiêm thì hệ thống bảo tàng Việt Nam vẫn còn rất là khó khan nhìn ở góc độ kĩ thuật bảo tồn bảo tang. Do đó không biết họ sẽ làm cách nào để duy dưỡng các chất liệu khác như bột màu hày giấy dó. Còn nếu câu hỏi của anh là ở góc độ nhà nước có khả năng giữ tranh lại của Nghiêm lại ở Việt Nam thì tôi nghĩ là rất khó vì nhà nước bây giờ khó mà mua được tranh của ông Nghiêm. Tuy nhiên, ngoài gia đình ông, tôi biết những nhà sưu tập Việt Nam đang giữ nhiều tranh của Nghiêm và họ, một cách nào đó, cũng khá có ý thức giữ tranh của Nghiêm ở Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.